Khám lâm sàng là gì?

Khám lâm sàng là hoạt động khám đầu tiên của tất cả quy trình khám chữa bệnh. Khám lâm sàng giúp bác sĩ xác định tình trạng bệnh ban đầu, định hướng để chỉ định các xét nghiệm cận lâm sàng phù hợp để từ đó chẩn đoán xác định bệnh.

1. Khám lâm sàng là gì?

Khám lâm sàng là hoạt động khám đầu tiên của tất cả quy trình khám chữa bệnh. Bác sĩ sẽ trực tiếp khám người bệnh thông qua các kỹ năng lâm sàng cơ bản là nhìn, sờ, gõ, nghe,...để phát hiện các dấu hiệu bất thường của các cơ quan trong cơ thể. Khám lâm sàng giúp bác sĩ tìm ra các yếu tố tác động tới tình trạng sức khỏe người bệnh như tuổi, tiền sử bệnh, môi trường sống, nghề nghiệp, nghiện rượu, thuốc lá,...Bước khám này giúp bác sĩ xác định tình trạng bệnh ban đầu, định hướng để chỉ định các xét nghiệm cận lâm sàng phù hợp để từ đó chẩn đoán xác định bệnh.

Khám lâm sàng cũng là phần khám chủ yếu của các đợt kiểm tra sức khỏe tổng quát định kỳ. Khám lâm sàng là thời điểm tốt để bạn trao đổi những vấn đề sức khỏe bản thân với bác sĩ như báo cho bác sĩ những triệu chứng bất thường xuất hiện trong thời đây khiến bạn cảm thấy khó chịu, lo lắng; những dị ứng với thực phẩm, với thuốc bạn gặp trong thời gian gần đây,... Bạn cũng có thể thảo luận với bác sĩ về những vắc-xin nên tiêm, những thay đổi về lối sống, chế độ ăn nên thực hiện để ngăn ngừa các nguy cơ bệnh tật.

Thăm khám lâm sàng
Khám lâm sàng là hoạt động khám đầu tiên của tất cả quy trình khám chữa bệnh

2. Khám lâm sàng diễn ra như thế nào?

Khám lâm sàng trong khám sức khỏe tổng quát thường sẽ diễn ra như sau:

  • Bác sĩ sẽ hỏi bạn các câu hỏi liên quan đến tiền sử bệnh, bao gồm các dị ứng thuốc, dị ứng thức ăn, các phẫu thuật đã từng thực hiện, các triệu chứng đang gặp phải. Bác sĩ cũng có thể hỏi về lối sống như có tập luyện thể dục, có hút thuốc hay uống rượu,...Bạn cũng sẽ được kiểm tra các chỉ số thể lực như chiều cao, cân nặng, chỉ số BMI, nhịp tim, nhịp thở, thân nhiệt,...
  • Bác sĩ sẽ bắt đầu khám tổng quát các bộ phận cơ thể để phát hiện các dấu hiệu bất thường. Bác sĩ có thể yêu cầu bạn ngồi hoặc đứng để việc khám diễn ra thuận lợi.
  • Tiếp theo, bác sĩ có thể yêu cầu bạn nằm xuống, để quan sát, sờ để kiểm tra kích thước, vị trí, độ cứng, mềm của các cơ quan gan, lách, thận,... Bác sĩ sẽ dùng ống nghe để nghe tiếng phổi khi bạn hít thở sâu, nghe nhu động ruột, nghe các động mạch lớn ở bụng như động mạch chủ, động mạch thận, động mạch chậu,... Bác sĩ cũng dùng tai nghe để nghe tim, qua nghe tim bác sĩ có thể đánh giá chức năng tim, van tim,...
  • Bác sĩ có thể dùng ngón tay hoặc dùng một thiết bị được gọi là bộ gõ, dùng để gõ vào các cơ quan. Kỹ thuật này giúp bác sĩ khám phá sự xuất hiện bất thường của hơi, chất lỏng trong các cơ quan, xác định kích thước gan, lách,...

Sau khi khám lâm sàng, nếu phát hiện các bất thường ở một cơ quan nào trong cơ thể, bác sĩ sẽ chỉ định các xét nghiệm cận lâm sàng đặc hiệu cho bệnh lý nghi ngờ hoặc chỉ định các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, chụp X-quang, chụp cắt lớp vi tính,...nhằm khẳng định chẩn đoán.

khám sức khỏe nữ
Bác sĩ sẽ hỏi bạn các câu hỏi liên quan đến tiền sử bệnh

3. Khám lâm sàng và cận lâm sàng

Khám cận lâm sàng gồm nhiều kỹ thuật xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh, giúp hỗ trợ đắc lực cho bác sĩ trong chẩn đoán và điều trị. Một số kỹ thuật cận lâm sàng thường được thực hiện như:

  • Xét nghiệm máu gồm nhiều xét nghiệm khác nhau như xét nghiệm công thức máu, xét nghiệm sinh hóa máu, xét nghiệm đường huyết, cholesterol máu, acid uric, xét nghiệm viêm gan B, viêm gan C,... nhằm phát hiện các bệnh lý về máu, thận, tiết niệu, gan, huyết áp, tim mạch, đái tháo đường,...
  • Xét nghiệm các thông số nước tiểu giúp phát hiện các bệnh lý thận- tiết niệu, sinh dục,...
  • Chụp X-quang: là phương pháp dùng tia X có bức xạ cao xuyên qua mô mềm và các thành phần dịch trong cơ thể để tạo hình ảnh. Chụp X-quang được chỉ định để chẩn đoán nhiều bệnh lý, đặc biệt là các bệnh phổi, xương khớp, tim mạch.
  • Siêu âm: là kỹ thuật sử dụng các sóng siêu âm để xây dựng, tái tạo hình ảnh cấu trúc bên trong cơ thể. Siêu âm có thể được dùng để khảo sát nhiều bộ phận như ổ bụng, vùng chậu, tuyến vú, tuyến giáp, mạch máu,...
  • Chụp cắt lớp vi tính CT: là kỹ thuật dùng tia X quét lên một khu vực của cơ thể theo lát cắt ngang kết hợp với xử lý bằng vi tính để cho ra hình ảnh hai chiều hoặc ba chiều của bộ phận cần chụp. Chụp cắt lớp vi tính được ứng dụng rộng rãi để phát hiện các khối u, áp xe, các bất thường ở các bộ phận trong cơ thể, ngoài ra chụp CT còn giúp hướng dẫn phẫu thuật, xạ trị và theo dõi sau phẫu thuật.

Trong khám sức khỏe tổng quát, các kỹ thuật cận lâm sàng được thực hiện thường quy là:

  • Xét nghiệm công thức máu
  • Xét nghiệm sinh hóa máu
  • Chụp X-quang tim phổi

Tuy nhiên, trong quá trình khám lâm sàng, nếu bác sĩ phát hiện các dấu hiệu bất thường, nghi ngờ bệnh lý ở các cơ quan, bác sĩ sẽ chỉ định thêm xét nghiệm để khẳng định chẩn đoán. Ví dụ như người khám sức khỏe có huyết áp tăng, có bất thường về nhịp tim, bác sĩ có thể chỉ định xét nghiệm cholesterol máu, xét nghiệm đường huyết, siêu âm tim,... Ngoài ra, ở mỗi độ tuổi cũng cần thực hiện các xét nghiệm để sàng lọc các bệnh lý phổ biến. Như phụ nữ sau tuổi 40, nên thực hiện các xét nghiệm, chụp x-quang tuyến vú để sàng lọc ung thư vú; kiểm tra mật độ xương để đánh giá nguy cơ loãng xương. Cả nam giới và nữ giới khi bước qua tuổi 50 đều nên xét nghiệm sàng lọc ung thư đại trực tràng. Nếu gia đình có tiền sử bệnh thì nên xét nghiệm sàng lọc sớm hơn.

Siêu âm ổ bụng
Siêu âm là tái tạo hình ảnh cấu trúc bên trong cơ thể giúp chẩn đoán bệnh

Như vậy trong khám sức khỏe tổng quát, bác sĩ luôn phối hợp giữa khám lâm sàng và cận lâm sàng. Khám lâm sàng gồm nhìn, nghe, gõ, sờ kết hợp hỏi kỹ tiền sử bệnh, triệu chứng bệnh. Khám cận lâm sàng qua thực hiện các xét nghiệm và các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh sẽ cho biết các chỉ số, hình ảnh các cơ quan trong cơ thể. Kết hợp giữa khám lâm sàng và cận lâm sàng trong khám sức khỏe tổng quát định kỳ, bác sĩ sẽ xác định chính xác tình trạng sức khỏe người đến khám, giúp phát hiện sớm tình trạng bệnh hoặc các nguy cơ có thể gây bệnh trong tương lai để điều trị, can thiệp kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

65.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan