Nhồi máu động mạch mạc treo: Những điều cần biết

Nhồi máu động mạch mạc treo là một cấp cứu mạch máu hiếm gặp, không có biểu hiện điển hình và đặc hiệu. Vì thế, nếu nhồi máu động mạch mạc treo được nhận biết, thăm khám và điều trị ở giai đoạn sớm thì tỷ lệ thành công sẽ cao hơn rất nhiều.

1. Nhồi máu động mạch mạc treo là gì?

Nhồi máu động mạch mạc treo là bệnh lý gây ra do sự tắc nghẽn các mạch máu nuôi ruột non và ruột già, lâu dần sẽ gây hoại tử ruột, dễ dẫn đến tử vong. Tần suất bệnh chưa được thống kê chính xác nhưng có thể gặp khoảng 0.1 - 0.2% trong tổng số bệnh nhân nhập viện. Theo đó, nhồi máu động mạch mạc treo do 3 nguyên nhân chính: do huyết khối, do thuyên tắc hoặc nguyên nhân không do tắc nghẽn.

1.1. Nhồi máu động mạch mạc treo do huyết khối

Tại những vị trí bị chít hẹp do mảng xơ vữa động mạch nặng sẽ hình thành những cục huyết khối gây tắc mạch. Đa số gặp ở những bệnh nhân có tiền sử xơ vữa mạch máu nặng, bao gồm cả xơ vữa mạch vành, mạch não và rối loạn lipid máu.

Mảnh xơ vữa thường tiến triển chậm, do đó sự tắc nghẽn mạch máu đã diễn ra trước đó và đôi khi đã xuất hiện tuần hoàn bằng hệ để bù trừ cho việc thiếu máu mạn tính nuôi các quai ruột.

Nhồi máu động mạch mạc treo do huyết khối
Hình ảnh nhồi máu động mạch mạc treo do huyết khối

1.2. Nhồi máu động mạch mạc treo do thuyên tắc

Cục máu đông gây thuyên tắc động mạch mạc treo từ vị trí khác chuyển đến, đa số là huyết khối từ tim. Do đó, bệnh nhân thường có tiền căn tim mạch như bệnh hẹp van tim, hở van tim, dày dãn nhĩ trái, rung nhĩ hoặc sau nhồi máu cơ tim cấp.

Bên cạnh đó, cục máu đông gây thuyên tắc cũng có thể do thầy thuốc gây ra sau thủ thuật đặt stent mạch vành, chụp mạch vành cản quang...

Nhồi máu động mạch mạc treo do thuyên tắc có thể chỉ tắc một phần hoặc tắc hoàn toàn động mạch, hay gặp ở những vị trí mạch máu hẹp tự nhiên và hiếm khi có tình trạng thiếu máu nuôi ruột mãn tính trước đó.

1.3. Nhồi máu động mạch mạc treo không do thuyên tắc hay huyết khối

Bệnh lý gây ra do sự co thắt động mạch mạc treo liên tục, giảm tưới máu và thiếu oxy cung cấp cho các quai ruột dẫn đến hoại tử, nhiễm trùng nặng. Trong đó, các mạch máu nhỏ bị co thắt nhiều hơn là các mạch máu lớn.

Nếu không được chẩn đoán và can thiệp nhanh chóng, diễn tiến của bệnh sẽ tiến triển từ thiếu máu ruột đến nhồi máu xuyên niêm mạc, cuối cùng dẫn đến thủng ruột, viêm phúc mạc, thậm chí là tử vong.

viêm phúc mạc cấp
Viêm phúc mạc có thể xảy ra đối với nhồi máu động mạch mạc treo không do thuyên tắc hay huyết khối

2. Dấu hiệu lâm sàng của nhồi máu động mạch mạc treo

Biểu hiện nhồi máu động mạch mạc treo không điển hình và không đặc hiệu, dễ chẩn đoán nhầm với các bệnh khác trong ổ bụng như: Viêm phúc mạc, viêm ruột, viêm dạ dày, viêm tụy cấp...

  • Bệnh nhân bị đau bụng nhiều, tuy nhiên có đến 25% bệnh nhân không có đau bụng.
  • Đau kết hợp nôn ói nhiều, tiêu chảy. Điều này được giải thích là do là khi ruột bị thiếu máu thì phản ứng đầu tiên là co thắt liên tục để tống tháo các chất trong lòng ruột ra ngoài.
  • Chướng bụng, xuất huyết tiêu hóa không tìm được nguyên nhân có thể là triệu chứng duy nhất, đặc biệt thường thấy ở nhồi máu mạc treo không do tắc nghẽn.
  • Khi thăm khám, việc ấn bụng để tìm điểm đau và co cứng thành bụng có thể không có hoặc không rõ trong giai đoạn sớm. Vị trí ấn đau nhiều nhất là hố chậu phải - vị trí các quai ruột được cấp máu bởi các nhánh nhỏ của động mạch mạc treo.
  • Dấu hiệu muộn khi ruột hoại tử thì rõ ràng hơn đó là: Bệnh nhân sốt cao, tiểu ra máu, nghe bụng thấy mất nhu động ruột và xuất hiện dấu hiệu viêm phúc mạc toàn thể.
Đau bụng dưới
Đau bụng là triệu chứng của bệnh động mạch mạc treo

3. Cận lâm sàng chẩn đoán bệnh động mạch mạc treo

3.1. Xét nghiệm máu

Số lượng bạch cầu tăng cao, lactate máu, nồng độ D-Dimer cũng tăng và máu có xu hướng nhiễm toan chuyển hóa khi các quai ruột bị hoại tử. Tuy nhiên, các xét nghiệm máu này thường chỉ ghi nhận được ở giai đoạn muộn và không có giá trị trong việc chẩn đoán sớm ở giai đoạn ruột chưa bị hoại tử nặng.

Xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu
Xét nghiệm máu là một trong những phương pháp chẩn đoán

3.2. X-quang bụng đứng không chuẩn bị và siêu âm bụng tổng quát

Các kỹ thuật kể trên thường cho kết quả không đặc hiệu. Các chẩn đoán hình ảnh này chủ yếu dùng để phát hiện các dấu hiệu thay đổi của ruột trong giai đoạn muộn. Bao gồm mức nước - hơi trong ruột non, đại tràng, các quai ruột giãn rộng, xuất hiện dịch trong ổ bụng trên phim X-quang. Trên siêu âm có thể thấy hình ảnh các quai ruột giãn ra và chứa đầy dịch, dày thành ruột non và dịch tự do ổ bụng.

3.3. Siêu âm Doppler mạch máu

Cận lâm sàng này có thể giúp phát hiện tắc nghẽn đoạn gần của động mạch mạc treo tràng trên ở giai đoạn sớm, đôi khi giá trị của siêu âm Doppler còn ngang bằng với chụp mạch máu nếu hẹp nặng hoặc tắc hoàn toàn động mạch mạc treo.

Ưu điểm của phương pháp này là không xâm lấn, khảo sát nhanh và thực hiện linh hoạt tại giường bệnh. Khuyết điểm của siêu âm là kết quả thu được phụ thuộc nhiều vào kinh nghiệm của người thực hiện. Đặc biệt, khi bụng chướng hơi nhiều do liệt ruột thì việc khảo sát ổ bụng cũng hạn chế đi rất nhiều.

3.4. Chụp cắt lớp vi tính CT scan

Đây là phương pháp không xâm lấn có thể giúp chẩn đoán tắc mạch mạc treo với độ nhạy 64-82%, độ đặc hiệu 92%. Các đặc điểm trên phim CT bao gồm: huyết khối trong động mạch mạc treo, hơi trong các quai ruột, thành ruột không bắt thuốc cản quang... Tuy nhiên, các dấu hiệu này xuất hiện ở giai đoạn muộn của chứng thiếu máu mạc treo, khi đã có tổn thương ruột nặng như nhồi máu và hoại tử.

Gần đây, kỹ thuật chụp cắt lớp vi tính đa lát cắt kết hợp tái tạo hình ảnh ba chiều giúp phát hiện nhanh chóng huyết khối trong lòng mạch máu, cũng như những tổn thương sớm của niêm mạc ruột, giúp ích nhiều cho việc chẩn đoán, điều trị sớm và hiệu quả, do đó cải thiện được tỉ lệ tử vong của bệnh tắc mạch mạc treo cấp

chụp CT
Chụp cắt lớp vi tính CT scan giúp chẩn đoán bệnh

3.5. Chụp mạch máu

Đây chính là cận lâm sàng có giá trị chẩn đoán cao nhất nhồi máu động mạch mạc treo. Chẩn đoán hình ảnh này giúp miêu tả chính xác giải phẫu động mạch mạc treo, tìm ra nguyên nhân gây nhồi máu chính xác mà còn kết hợp điều trị ngay bằng cách truyền thuốc giãn mạch (Papaverin) vào động mạch chọn lọc hoặc thuốc kháng đông trong một số trường hợp.

Hạn chế của phương pháp này là thủ thuật xâm lấn, tốn thời gian, không phải lúc nào cũng thực hiện được và hiệu quả điều trị còn phụ thuộc vào giai đoạn bệnh, lúc ruột non chưa bị hoại tử.

4. Điều trị nhồi máu động mạch mạc treo

Nếu bệnh nhân được chẩn đoán sớm, khi ruột chưa bị hoại tử việc điều trị bằng chụp mạch máu, truyền thuốc giãn mạch (papaverin) trực tiếp vào động mạch mạc treo có thể giúp ruột hồi phục hoàn toàn.

Phẫu thuật được chỉ định trong những trường hợp nhồi máu động mạch mạc treo có biến chứng viêm phúc mạc, nhồi máu ruột non hoặc ruột bị hoại tử nhiễm khuẩn nặng. Mục đích của phẫu thuật là giúp đánh giá tình trạng thiếu máu ruột, khả năng hồi phục của ruột và tiến hành cắt bỏ phần ruột bị nhồi máu.

Các điều trị khác bao gồm:

  • Kháng sinh nếu bệnh nhân có dấu hiệu nhiễm khuẩn
  • Đặt ống thông dạ dày hút liên tục
  • Bù nước điện giải
  • Thăng bằng kiềm toan
  • Nuôi dưỡng đường tĩnh mạch 100% để ruột được nghỉ ngơi.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là địa chỉ thăm khám, điều trị và phòng ngừa các bệnh lý. Khi thực hiện quy trình thăm khám tại Vinmec, Quý khách hàng sẽ được đón tiếp và sử dụng cơ sở vật chất, hệ thống máy móc hiện đại đi kèm với các dịch vụ y tế hoàn hảo dưới sự chỉ dẫn, tư vấn của các bác sĩ giỏi, được đào tạo bài bản ở cả trong và ngoài nước.

Khách hàng có thể trực tiếp đến hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc để thăm khám hoặc liên hệ hotline tại đây để được hỗ trợ.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

12.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan