Những điều cần biết về bệnh võng mạc tiểu đường

Bài viết bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Bùi Minh Đức - Trưởng Đơn nguyên Nội tổng hợp - Khoa Nội tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Bệnh võng mạc do tiểu đường thường ảnh hưởng đến cả 2 mắt, người bệnh cần được đảm bảo giảm thiểu nguy cơ mất thị lực bằng cách chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh và có biện pháp can thiệp điều trị kịp thời.

1. Bệnh võng mạc tiểu đường là gì?

Bệnh võng mạc tiểu đường là tình trạng tổn thương võng mạc do các biến chứng của bệnh đái tháo đường, đây là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa ở Hoa Kỳ. Tình trạng này có thể dẫn đến mù lòa nếu không được điều trị. Mù sớm do bệnh võng mạc tiểu đường thường có thể ngăn ngừa được bằng cách kiểm tra định kỳ và quản lý hiệu quả bệnh tiểu đường tiềm ẩn.

2. Bệnh võng mạc tiểu đường có triệu chứng gì?

Bệnh võng mạc tiểu đường thường không có triệu chứng trong giai đoạn đầu, khi ở giai đoạn nặng, các triệu chứng bắt đầu xuất hiện, trong một số trường hợp, người bệnh chỉ có 1 triệu chứng duy nhất là mất thị lực đột ngột và hoàn toàn.

Một số các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh võng mạc tiểu đường có thể bao gồm:

  • Mờ mắt
  • Suy giảm khả năng nhìn màu
  • Những đốm đen như “ Ruồi bay”- vẩn đục dịch kính hoặc những đốm trong suốt và không màu và những vết sẫm màu trôi nổi trong tầm nhìn của bệnh nhân
  • Các mảng hoặc vệt cản trở tầm nhìn của bệnh nhân
  • Tầm nhìn ban đêm kém
  • Mất thị lực đột ngột và toàn bộ

Bệnh võng mạc do tiểu đường thường ảnh hưởng đến cả 2 mắt, người bệnh cần được đảm bảo giảm thiểu nguy cơ mất thị lực. Cách duy nhất mà những người mắc bệnh tiểu đường có thể ngăn ngừa bệnh võng mạc tiểu đường là tuân thủ mọi lịch kiểm tra mắt đã được bác sĩ lên lịch.

Võng mạc tiểu đường có thể gặp ở bất cứ bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường nào
Bệnh võng mạc do tiểu đường thường ảnh hưởng đến cả 2 mắt, người bệnh cần được đảm bảo giảm thiểu nguy cơ mất thị lực

3. Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây bệnh võng mạc tiểu đường?

Tổn thương mạng lưới mạch máu nuôi dưỡng võng mạc là nguyên nhân chính gây ra bệnh võng mạc tiểu đường. Ngoài ra, bất kỳ ai bị tiểu đường đều có nguy cơ phát triển bệnh võng mạc do tiểu đường. Tuy nhiên, có nhiều rủi ro hơn nếu bệnh nhân đó có các yếu tố như:

  • Không kiểm soát tốt lượng đường trong máu
  • Bị huyết áp cao
  • Có tăng mỡ máu
  • Có thai
  • Hút thuốc lá thường xuyên
  • Bị bệnh tiểu đường trong một thời gian dài

Nồng độ glucose cao làm tổn thương các mạch máu và hạn chế lưu lượng máu đến võng mạc. Các vấn đề về mạch máu có thể nhẹ như những khối phồng nhỏ trong thành mạch thỉnh thoảng bị rò rỉ máu mà không ảnh hưởng đến thị lực. Tuy nhiên, trong giai đoạn bệnh tiến triển, các mạch máu này có thể bị tắc nghẽn hoàn toàn. Sau đó, đáy mắt tạo ra các mạch máu tân tạo kém ổn định hơn. Các mạch mới dễ bị vỡ và rò rỉ vào dịch kính của mắt. Chảy máu gây nhìn mờ và tiếp tục gây hẹp mạch máu võng mạc. Đôi khi, sự chảy máu này tạo thành những vết sẹo có thể tách võng mạc và mắt, dẫn đến bong võng mạc. Khi các triệu chứng phát triển, người bị bệnh võng mạc do tiểu đường ngày càng có nhiều khả năng bị mất thị lực hoàn toàn.

Glucose là gì
Nồng độ glucose cao làm tổn thương các mạch máu và hạn chế lưu lượng máu đến võng mạc

4. Các biến chứng của bệnh võng mạc tiểu đường

Các biến chứng có thể xảy ra liên quan đến bệnh võng mạc tiểu đường bao gồm:

  • Xuất huyết dịch kính: Một mạch máu mới hình thành rò rỉ vào dịch kính, lấp đầy mắt, ngăn ánh sáng truyền đến võng mạc. Các triệu chứng bao gồm mất thị lực và nhạy cảm với ánh sáng hoặc vẩn đục dịch kính trong những trường hợp nhẹ hơn. Biến chứng này có thể tự khỏi nếu võng mạc vẫn không bị tổn thương.
  • Bong võng mạc: Mô sẹo có thể kéo võng mạc ra khỏi mặt sau của mắt, thường gây ra sự xuất hiện của các điểm vẩn đục dịch kính trong tầm nhìn bệnh nhân, gây chói và mất thị lực nghiêm trọng. Nếu võng mạc bị bong nhiều nguy cơ mất thị lực toàn bộ nếu không được điều trị.
  • Bệnh tăng nhãn áp: Dòng chảy bình thường của dịch trong mắt có thể bị tắc nghẽn khi các mạch máu mới hình thành. Sự tắc nghẽn gây tăng nhãn áp, làm tăng nguy cơ tổn thương dây thần kinh thị giác và mất thị lực.

5. Chẩn đoán Bệnh võng mạc tiểu đường bằng cách nào?

Bệnh võng mạc tiểu đường thường bắt đầu mà không có bất kỳ thay đổi đáng chú ý nào về thị lực. Tuy nhiên, bác sĩ nhãn khoa hoặc bác sĩ chuyên khoa mắt có thể phát hiện ra các dấu hiệu này. Điều quan trọng đối với những người mắc bệnh tiểu đường là phải khám mắt ít nhất 1 đến 2 lần mỗi năm, hoặc khi được bác sĩ đề nghị.

Bệnh võng mạc tiểu đường có thể được chẩn đoán bằng cách sử dụng phương pháp chụp cắt lớp quang học (OCT). Ngoài ra, một số phương pháp khác có thể được chỉ định bao gồm:

5.1 Khám mắt có nhỏ thuốc giãn đồng tử

Bác sĩ nhỏ thuốc vào mắt bệnh nhân, những loại thuốc nhỏ này làm giãn đồng tử và cho phép bác sĩ quan sát bên trong mắt một cách chi tiết hơn. Các bức ảnh được chụp bên trong mắt. Trong quá trình kiểm tra mắt, bác sĩ có thể phát hiện sự hiện diện của:

  • Bất thường trong mạch máu, dây thần kinh thị giác hoặc võng mạc
  • Đục thủy tinh thể
  • Thay đổi nhãn áp hoặc thị lực tổng thể
  • Mạch máu tân tạo
  • Bong võng mạc
  • Mô sẹo

Thuốc giãn đồng tử có thể gây kích thích và ánh sáng chói của ảnh chụp có thể khiến người bệnh giật mình. Ở những người có nguy cơ cao, thuốc nhỏ mắt có thể làm tăng nhãn áp.

thuốc mắt nhỏ thuốc mắt
Những loại thuốc nhỏ này làm giãn đồng tử và cho phép bác sĩ quan sát bên trong mắt một cách chi tiết hơn

5.2 Chụp mạch huỳnh quang

Thuốc nhỏ được sử dụng để làm giãn đồng tử và một loại thuốc nhuộm đặc biệt có tên là fluorescein được tiêm vào tĩnh mạch trên cánh tay của bệnh nhân. Hình ảnh được chụp khi thuốc nhuộm lưu thông qua mắt. Thuốc nhuộm có thể rò rỉ vào võng mạc hoặc để lại các vết nếu mạch máu bất thường.

Thử nghiệm này có thể xác định mạch máu nào bị tắc, xuất tiết hoặc bị vỡ. Kết quả sau đó dùng để hướng dẫn chính xác cho phương pháp điều trị laser. Trong khoảng 24 giờ sau khi thử nghiệm, da có thể chuyển sang màu vàng và nước tiểu có màu cam sẫm khi thuốc nhuộm ra khỏi cơ thể.

5.3 Chụp cắt lớp kết hợp quang học (OCT)

Hình ảnh quét không xâm lấn này cung cấp hình ảnh mặt cắt ngang có độ phân giải cao của võng mạc, cho thấy độ dày của võng mạc. Có thể sử dụng phương pháp quét để đánh giá hiệu quả của bất cứ phương pháp điều trị nào.

Sau bất kỳ phương pháp điều trị nào, sau đó OCT tương tự như xét nghiệm siêu âm nhưng sử dụng ánh sáng thay vì âm thanh để tạo ra hình ảnh. Quá trình quét cũng có thể phát hiện các bệnh về dây thần kinh thị giác.

6. Những lựa chọn nào cho điều trị bệnh võng mạc tiểu đường?

Điều trị bệnh võng mạc tiểu đường phụ thuộc vào một số yếu tố, bao gồm mức độ nghiêm trọng và loại bệnh võng mạc tiểu đường, đáp ứng điều trị của người bệnh với các phương pháp điều trị trước đó.

Với bệnh võng mạc tiểu đường không tăng sinh, bác sĩ có thể quyết định theo dõi chặt chẽ mắt của người đó mà không cần can thiệp. Đây được gọi là sự chờ đợi thận trọng. Bệnh nhân cần phối hợp với bác sĩ của họ để kiểm soát bệnh tiểu đường. Kiểm soát tốt lượng đường trong máu có thể làm chậm đáng kể sự phát triển của bệnh võng mạc tiểu đường.

Trong hầu hết các trường hợp, bệnh võng mạc tiểu đường tăng sinh, bệnh nhân sẽ phải điều trị phẫu thuật ngay lập tức. Có thể có các lựa chọn sau:

  • Điều trị bằng laser tiêu điểm (Focal laser )

Quy trình được thực hiện tại phòng khám bác sĩ hoặc phòng khám mắt. Đốt laser nhắm mục tiêu sẽ bịt kín các rò rỉ từ các mạch máu bất thường. Quá trình quang đông có thể ngăn chặn hoặc làm chậm quá trình xuất tiết, xuất huyết của đáy mắt.

Người bệnh thường sẽ bị nhìn mờ trong 24 giờ sau khi điều trị bằng laser tiêu cự. Các đốm nhỏ có thể xuất hiện trong thị giác trong vài tuần sau khi làm thủ thuật.

  • Điều trị quang đông toàn bộ võng mạc (Scattered laser)

Đốt laser toàn bộ võng mạc được áp dụng cho các khu vực của võng mạc xa hoàng điểm, thường sử dụng 2 hoặc 3 liệu trình. Hoàng điểm là khu vực ở trung tâm của võng mạc, nơi thị lực mạnh nhất. Việc đốt laser khiến các mạch máu mới co lại bất thường và tạo thành sẹo. Hầu hết bệnh nhân yêu cầu 2 hoặc 3 liệu trình để có kết quả tốt nhất. Người bệnh có thể bị mờ trong 24 giờ sau thủ thuật và có thể bị mất thị lực ban đêm hoặc thị lực ngoại vi.

  • Cắt dịch kính

Phẫu thuật viên loại bỏ một phần dịch kính bên trong nhãn cầu. Bác sĩ phẫu thuật thay thế phần dịch kính bị vẩn đục bằng chất lỏng hoặc khí trong suốt. Cuối cùng cơ thể sẽ hấp thụ khí hoặc chất lỏng, giúp tạo ra dịch kính mới để thay thế cho phần dịch kính tổn thương đã bị loại bỏ.

Máu tụ trong dịch kính và mô sẹo kéo lên võng mạc sẽ bị loại bỏ. Phẫu thuật này được thực hiện trong bệnh viện dưới gây mê toàn thân hoặc cục bộ.

Phẫu thuật mắt
Phẫu thuật không phải là cách chữa khỏi bệnh võng mạc tiểu đường

Võng mạc cũng có thể được tăng cường và giữ ở vị trí bằng những chiếc kẹp nhỏ. Sau khi phẫu thuật, bệnh nhân có thể phải đeo miếng che mắt để dần dần sử dụng lại mắt, điều này có thể gây mệt mỏi sau khi cắt dịch kính.

Nếu sử dụng khí để thay thế phần dịch kính bị loại bỏ, bệnh nhân không nên đi máy bay cho đến khi toàn bộ khí đã được hấp thụ vào cơ thể. Bác sĩ phẫu thuật sẽ cho bệnh nhân biết cần bao lâu mới có thể đi máy bay. Hầu hết bệnh nhân sẽ bị mờ mắt trong vài tuần sau khi phẫu thuật. Có thể mất vài tháng để thị lực bình thường trở lại.

Phẫu thuật không phải là cách chữa khỏi bệnh võng mạc tiểu đường. Tuy nhiên, nó có thể ngăn chặn hoặc làm chậm sự tiến triển của các triệu chứng. Bệnh tiểu đường là một tình trạng lâu dài, tổn thương võng mạc và mất thị lực sau đó vẫn có thể xảy ra mặc dù đã được điều trị.

7.Làm thế nào để phòng ngừa bệnh võng mạc tiểu đường?

Đối với nhiều người mắc bệnh tiểu đường, bệnh võng mạc tiểu đường là một hệ quả tất yếu. Tuy nhiên, những bệnh nhân tiểu đường kiểm soát thành công lượng đường trong máu của họ sẽ giúp ngăn ngừa sự khởi phát của bệnh võng mạc tiểu đường nặng.

Huyết áp cao là một yếu tố làm tăng nguy cơ khác. Bệnh nhân tiểu đường cần kiểm soát các nguy cơ, trong đó có tăng huyết áp bằng cách:

  • Có chế độ ăn uống lành mạnh và cân bằng
  • Thường xuyên tập thể dục
  • Duy trì trọng lượng cơ thể hợp lý
  • Tránh hút /cai thuốc lá
  • Kiểm soát chặt chẽ việc uống rượu
  • Thực hiện kiểm soát đường, HA theo hướng dẫn của bác sĩ
  • Tuân thủ các lịch hẹn khám sàng lọc đều đặn

Việc phát hiện sớm các triệu chứng sẽ làm tăng hiệu quả của việc điều trị bệnh võng mạc do tiểu đường.

Tại bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec luôn triển khai gói sàng lọc đái tháo đường, rối loạn mỡ máu nhằm giúp phát hiện sớm tình trạng tiền đái tháo đường, phân loại chính xác type tiểu đường, xây dựng chế độ dinh dưỡng, theo dõi giảm thiểu các nguy cơ, biến chứng do tiểu đường gây ra.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

685 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan