Siêu âm chẩn đoán viêm tuyến nước bọt

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Tiến sĩ, BS.Trần Như Tú - Trưởng khoa và Thạc sĩ, Bác sĩ Lâm Thị Kim Chi - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng

Siêu âm thường được lựa chọn là phương tiện chẩn đoán đầu tiên trong các tổn thương mô mềm ở vùng đầu mặt cổ, trong đó có viêm tuyến nước bọt. Xét nghiệm có vai trò chẩn đoán xác định bệnh và cung cấp thông tin giúp chẩn đoán phân biệt viêm tuyến nước bọt với các bệnh lý khác.

1. Siêu âm chẩn đoán viêm tuyến nước bọt

1.1 Siêu âm chẩn đoán viêm tuyến nước bọt cấp

Qua hình ảnh trên siêu âm, trong viêm cấp, tuyến nước bọt lớn hơn kích thước bình thường và giảm âm. Vùng giảm âm không đồng nhất, nhỏ hình bầu dục. Siêu âm màu có thể quan sát được tăng lượng máu đến vùng bị viêm. Trong viêm tuyến nước bọt cấp, hạch bạch huyết tăng kích thước.

1.2 Siêu âm chẩn đoán viêm tuyến nước bọt mạn

Siêu âm viêm tuyến nước bọt mạn thường thấy tuyến nước bọt có kích thước bình thường hoặc nhỏ đi, giảm âm, không đồng nhất và thường không có tăng các dòng chảy của mạch máu trên siêu âm Doppler. Vùng giảm âm nhỏ hình tròn, hình bầu dục, phân bố khắp các nhu mô tuyến.

Viêm tuyến nước bọt mạn trên siêu âm
Viêm tuyến nước bọt mạn trên siêu âm

1.3 Siêu âm chẩn đoán áp - xe trong viêm tuyến nước bọt cấp

Trên hình ảnh siêu âm, áp xe là tổn thương giảm âm hoặc trống âm có tăng âm phía sau và các bờ không rõ. Vùng dịch hóa trung tâm có thể được phát hiện dưới dạng một vùng vô mạch hoặc các mảnh lắng di động. Các chấm tăng âm có thể nhìn thấy bên trong ổ áp xe. Ngoài ra, có thể phát hiện vùng tăng âm bao quanh ổ áp xe. Siêu âm được dùng để thực hiện thủ thuật dẫn lưu.

1.4 Siêu âm chẩn đoán viêm tuyến nước bọt xơ cứng mãn tính

Trong viêm tuyến nước bọt xơ cứng mãn tính, các khối u Küttner lan tỏa có thể quan sát được với hình ảnh nhiều chấm giảm âm nhỏ rải rác trong một nền mô tuyến không đồng nhất.

Trong trường hợp khu trú, vùng tổn thương giảm âm không đồng nhất, được quan sát thấy chủ yếu ở bên trong một tuyến hình dạng bình thường. Các trường hợp nghi ngờ viêm tuyến nước bọt xơ cứng mãn tính nên được chọc hút, sinh thiết để chẩn đoán bệnh.

1.5 Siêu âm chẩn đoán viêm tuyến nước bọt u hạt

Trên siêu âm, viêm tuyến nước bọt u hạt có hình ảnh không đặc trưng. Trong tuyến nước bọt, có một hoặc nhiều vùng giảm âm, tuyến nước bọt kích thước bình thường hoặc to, giảm âm lan tỏa. Mạch máu có thể có dòng chảy tăng lên.

Đối với bệnh lao tuyến nước bọt, dưới siêu âm có thể quan sát được tuyến nước bọt kích thước lớn. Vung khu trú gần như trống âm trong tuyến mang tai, có thể có nhiều hang và hốc bên trong. Các hang hoại tử bã đậu giảm âm, không có mạch máu. Trong bệnh nấm tia, tuyến nước bọt được quan sát dưới dạng một khối u ác tính, giảm âm với các bờ không rõ.

Viêm tuyến nước bọt
Khối u chia thùy múi, không đồng nhất

1.6 Siêu âm chẩn đoán bệnh sỏi tuyến nước bọt

Siêu âm là phương pháp không xâm lấn được sử dụng tốt trong tất cả các trường hợp nghi ngờ sỏi tuyến nước bọt và thường được sử dụng như là phương tiện chẩn đoán đầu tiên.

Trong bệnh sỏi tuyến nước bọt, hình ảnh siêu âm cho thấy các dải tăng âm mạnh hoặc các điểm có bóng cản âm xa. Nếu có triệu chứng tắc ống, các ống bị giãn có thể nhìn thấy rõ.

Khi nghi ngờ sỏi tuyến dưới hàm, trên hình ảnh siêu âm có thể bộc lộ sỏi nằm trong nhu mô tuyến hoặc trong ống Wharton. Việc xác định vị trí của sỏi giúp lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp.

Hình ảnh siêu âm trên bệnh sỏi ống tuyến nước bọt mãn tính thường khó phát hiện hơn. Lúc này, các sỏi nằm trong ống không bị giãn. Các sỏi nằm gần lỗ ống hoặc đoạn giữa của ống Wharton có thể bộc lộ tốt hơn bằng cách ấn từ trong miệng khi siêu âm.

Ở khoảng một nửa bệnh nhân, sỏi tuyến nước bọt cùng tồn tại với viêm. Các bong bóng tăng âm của khí lẫn với nước bọt có thể giả sỏi trong ống Wharton dẫn đến chẩn đoán nhầm cho người bệnh.

1.7 Siêu âm chẩn đoán chứng ứa nước bọt (Sialosis)

Sialosis là sưng tuyến nước bọt tái diễn, không đau, không viêm, không có khối u, thường xuất hiện ở cả hai bên và liên quan đến tuyến mang tai. Sialosis thường xảy ra cùng với các bệnh nội tiết, dinh dưỡng kém, xơ gan, nghiện rượu, hoặc các bệnh thiếu hụt khác như thiếu vitamin.

Hình ảnh siêu âm trong chứng ứa nước bọt bộc lộ các tuyến nước bọt to lên, tăng âm với thùy sâu khó nhìn thấy rõ, không có tổn thương khu trú hoặc tăng dòng chảy của các mạch máu.

Siêu âm chẩn đoán bệnh sỏi tuyến nước bọt
Ảnh siêu âm cho thấy một sỏi (các mũi tên) nằm gần lỗ ở gần mào lưỡi

1.8 Siêu âm chẩn đoán hội chứng Sjögren

Hội chứng Sjögrenbệnh tự miễn dịch mãn tính xảy ra chủ yếu ở phụ nữ trên 40 tuổi, đặc trưng bằng thâm nhiễm tương bào và bạch huyết bào mạnh mẽ, phá hủy các tuyến nước bọt và tuyến lệ, biểu hiện lâm sàng là khô miệng và mắt.

Siêu âm có tác dụng chẩn đoán trong giai đoạn tiến triển của bệnh qua thăm khám tuyến mang tai và tuyến dưới hàm. Hình ảnh siêu âm cho thấy các cấu trúc không đồng nhất của tuyến nước bọt với các vùng giảm âm hoặc trống âm nhỏ hình bầu dục rải rác, thường có giới hạn rõ và tăng dòng chảy của các mạch máu. Các vùng giảm âm hoặc trống âm được cho là xuất phát từ các tế bào bạch huyết thâm nhiễm, nhu mô tuyến bị phá hủy và các ống tuyến giãn.

Hội chứng Sjögren thường liên quan đến bệnh tăng sinh tế bào lympho. Do đó, siêu âm còn có tác dụng phát hiện sớm sự thay đổi của tế bào lympho. Sinh thiết được đề nghị đối với các tổn thương vượt quá 2 cm hoặc các tổn thương phát triển nhanh.

Trên hình ảnh siêu âm, lymphoma không Hodgkin biểu hiện dưới dạng nhiều nốt rải rác với sự tăng sinh mạch máu trong tuyến nước bọt. Hơn nữa, viêm hai bên (không do sỏi), bệnh u hạt (như sarcoidosis), các di căn theo đường máu và các tổn thương biểu mô bạch huyết lành tính ở các bệnh nhân HIV dương tính nên được cân nhắc trong các trường hợp xuất hiện nhiều vùng giảm âm rải rác trong nhu mô tuyến nước bọt.

Trong các bệnh lý viêm tuyến nước bọt, ngoài sử dụng siêu âm, các phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác cũng được sử dụng kết hợp để chẩn đoán bệnh bao gồm chụp cộng hưởng từ MRICT scan.

Hội chứng Sjögren giai đoạn tiến triển ở tuyến mang tai
Hội chứng Sjögren giai đoạn tiến triển ở tuyến mang tai

2. Chẩn đoán lâm sàng viêm tuyến nước bọt

Triệu chứng lâm sàng là bước đầu tiên, giúp bác sĩ nghi ngờ bệnh và đưa ra các xét nghiệm chẩn đoán. Một số triệu chứng đặc trưng của viêm tuyến nước bọt bao gồm:

  • Có mùi bất thường hoặc mùi hôi trong miệng, mủ ở trong miệng, khô miệng
  • Tuyến nước bọt mang tai hoặc dưới hàm hai bên phình to ra, có khi làm biến dạng mặt
  • Da vùng tuyến mang tai bị sưng căng, bóng, sờ nóng đau, không đỏ, ấn không lõm (đối với viêm tuyến nước bọt do vi rút) và đỏ, ấn lõm (đối với viêm tuyến nước bọt do vi khuẩn)
  • Nước bọt ít, quánh đặc
  • Lỗ ống Stenon viêm đỏ hoặc có mủ chảy ra khi vuốt dọc ống tuyến (đối với viêm tuyến nước bọt do vi khuẩn)
  • Sưng hạch bạch huyết ở góc hàm
  • Các dấu hiệu nhiễm trùng như sốt hoặc ớn lạnh
  • Đau họng, đau hàm khi há miệng, khi nhai, nuốt, đau lan ra tai, đau đầu, người mệt mỏi.
Đau họng
Người bệnh xuất hiện tình trạng đau họng

3. Điều trị viêm tuyến nước bọt

Phương pháp điều trị viêm tuyến nước bọt đa dạng phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng nhiễm trùng, nguyên nhân tiềm ẩn và mức độ biểu hiện triệu chứng bệnh. Trong đó có 2 phương pháp được sử dụng chủ yếu là thuốc kháng sinh trong điều trị nhiễm khuẩn, mủ hoặc sốt, máy hút khí được sử dụng để hút áp xe.

Ngoài ra, người bệnh cũng cần áp dụng các phương pháp điều trị viêm tuyến nước bọt tại nhà như:

  • Uống 8 -10 ly nước mỗi ngày với chanh để kích thích tuyến nước bọt và giữ cho tuyến nước bọt sạch sẽ
  • Xoa bóp tuyến nước bọt bị viêm
  • Chườm nước ấm vào tuyến bị viêm
  • Súc miệng bằng nước muối ấm
  • Ngậm cà chua hoặc kẹo chanh không đường để kích thích sản xuất nước bọt và giảm sưng

Hầu hết các bệnh nhiễm khuẩn, viêm tuyến nước bọt đều không phải dùng đến phương pháp phẫu thuật. Tuy nhiên, trong trường hợp nhiễm trùng mãn tính hoặc tái phát, bạn có thể cần phẫu thuật.

Nước chanh
Chanh giúp hỗ trợ điều trị viêm tuyến nước bọt

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những bệnh viện không những đảm bảo chất lượng chuyên môn với đội ngũ y bác sĩ, hệ thống trang thiết bị công nghệ hiện đại mà còn nổi bật với dịch vụ khám, tư vấn và chữa bệnh toàn diện, chuyên nghiệp; không gian khám chữa bệnh văn minh, lịch sự, an toàn và tiệt trùng tối đa.

Khách hàng có thể trực tiếp đến hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc để thăm khám hoặc liên hệ hotline tại đây để được hỗ trợ.

XEM THÊM:

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

6.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan