Vai trò của Immunoglobuline miễn dịch trong các bệnh thần kinh cơ tự miễn

Immunoglolobuline miễn dịch tiêm tĩnh mạch được sử dụng trong điều trị các bệnh tự miễn nói chung, các bệnh thần kinh cơ tự miễn nói riêng, bao gồm các rối loạn hệ thần kinh trung ương và ngoại biên qua trung gian miễn dịch. Bên cạnh các phương pháp điều trị khác, nhờ có tính chống viêm cao, Immunoglobuline miễn dịch đã được sử dụng hơn ba thập kỷ và được xem là một cách thức được dung nạp tốt, hiệu quả cho các bệnh thần kinh cơ tự miễn dịch.

1. Khái quát về bệnh thần kinh cơ tự miễn và Immunoglobuline miễn dịch

Bệnh thần kinh cơ tự miễn là các bệnh lý gây tổn thương thần kinh và cơ thông qua cơ chế hình thành các tự miễn dịch. Nhóm bệnh lý này có tỷ lệ mắc bệnh và gây ra khuyết tật rất cao, chiếm khoảng một nửa số bệnh nhân có bằng chứng rối loạn hệ thống tự miễn dịch nói chung.

Mặc dù mỗi cá nhân có những bất thường trong hệ thống miễn dịch khác nhau, các bệnh tổn thương thần kinh tự miễn thường gặp nhất là hội chứng Guillain-Barre, bệnh viêm đa dây thần kinh mãn tính, bệnh dây thần kinh vận động đa ổ và bệnh dây thần kinh ngoại biên hủy myelin do cận paraprotein máu.

Đối với các bệnh khớp nối thần kinh cơ tự miễn, những bệnh có tỷ lệ lưu hành cao là bệnh nhược cơ, hội chứng nhược cơ Lambert-Eaton. Đối với các bệnh tổn thương cơ, người bệnh thường gặp là bệnh viêm đa cơ, viêm da cơ và bệnh viêm cơ thể vùi. Ngoài ra, một số cấu trúc thuộc hệ thống thần kinh trung ương cũng có thể bị ảnh hưởng do các tự kháng thể, gây ra bệnh thường gặp là xơ cứng rải rác và hội chứng người cứng.

Với sự tiến bộ của Y học ngày nay trong việc làm sáng tỏ quá trình tạo ra miễn dịch trong những bệnh lý này và từ đó xây dựng nền tảng điều trị, các Immunoglobuline miễn dịch đã được xem như cách thức điều trị bệnh thần kinh cơ tự miễn chính thức, an toàn và là một liệu pháp dài hạn hiệu quả.

Bằng cách trung hòa các tự kháng thể, thay đổi các phản ứng viêm, các Immunoglobuline miễn dịch đã phần nào hạn chế tốc độ tiến triển của bệnh, ngăn chặn tổn thương thêm trên thần kinh cơ, cải thiện triệu chứng và kéo dài chất lượng cuộc sống người bệnh cho đến khi có phương pháp điều trị thực sự triệt để hơn.

Bệnh thần kinh cơ tự miễn gây tổn thương cơ và các dây thần kinh
Bệnh thần kinh cơ tự miễn gây tổn thương cơ và các dây thần kinh

2. Cơ chế chung về các hoạt động Immunoglobuline miễn dịch trong điều trị bệnh thần kinh cơ tự miễn

Đã có rất nhiều bằng chứng cho thấy các Immunoglobuline miễn dịch có nhiều cơ chế khác nhau, phối hợp với nhau trong ức chế tình trạng tổn thương trong sinh bệnh học của những bệnh thần kinh cơ tự miễn. Những cơ chế này có thể bao gồm:

2.1. Ức chế các tự kháng thể

Các phân tử Immunoglobuline miễn dịch đóng vai trò như các kháng thể không đặc hiệu, tiến hành vô hiệu hóa các tự kháng thể gây bệnh.

Từ đó, Immunoglobuline miễn dịch sẽ từng bước ngăn chặn được tác động của các tự kháng thể trên mô cơ quan đặc hiệu của chúng mà đây là cơ chế gây bệnh của một trong các bệnh lý bệnh thần kinh cơ tự miễn thường gặp nhất là hội chứng Guillain-Barre.

2.2. Ức chế những liên kết bổ sung và ngăn ngừa sự hình thành phức hợp tấn công màng tế bào

Tác dụng của Immunoglobuline miễn dịch về sự ức chế các gắn kết bổ sung trong hệ thống tự miễn dịch đã được chứng minh trong ống nghiệm trên mô hình động vật và cả ở những bệnh nhân đang dùng Immunoglobuline. Cơ chế của Immunoglobuline trong tác dụng này là ức chế sự hấp thu của các C3 và C4 vào nội mô của tế bào.

Điều này đặc biệt ý nghĩa ở những bệnh nhân bị viêm da cơ, khi bệnh sinh là do lắng đọng các phức hợp tấn công màng tế bào nội mô.

2.3. Phong tỏa các thụ thể Fc trên đại thực bào

Vai trò của các đại thực bào là thực bào, tức hoạt động miễn dịch qua cơ chế trung gian tế bào, làm tổn thương mô. Khi truyền các Immunoglobuline miễn dịch vào dòng tuần hoàn của cơ thể, chúng sẽ lập tức liên kết thông qua vùng Fc của chúng với các thụ thể Fcγ trên đại thực bào.

Hệ quả là hệ thống thông tin tín hiệu trung gian của một chuỗi các phản ứng viêm hoặc chức năng tác động miễn dịch khác sẽ bị ngăn chặn lại.

2.4. Ức chế các cytokine gây bệnh và các phân tử điều hòa miễn dịch khác

Các nghiên cứu in vitro và in vivo đã chỉ ra rằng Immunoglobuline miễn dịch có thể giúp điều hòa giảm mức biểu hiện mô hoặc giảm mức độ lưu hành của cytokine và các phân tử kết dính.

Từ đó, hiệu ứng này sẽ trở thành hiệu ứng ngược dòng trong quá trình tổn thương miễn dịch của bệnh.

3. Cách dùng các Immunoglobuline miễn dịch trong điều trị bệnh thần kinh cơ tự miễn

Liều điều trị của Immunoglobuline miễn dịch tiêm truyền tĩnh mạch được xác định theo kinh nghiệm là ở mức 2 gam trên mỗi kg cân nặng của người bệnh.

Mặc dù cách điều trị trước đây là chia tổng liều cần dùng trong năm ngày với liều mỗi ngày là 400 mg/kg, liều dùng ưu tiên hiện nay là chia tổng liều thành hai liều với mỗi ngày là 1 g/kg trong mỗi lần ở những bệnh nhân trẻ tuổi và có chức năng thận và tim mạch bình thường.

Cơ sở cho việc thay đổi cách dùng này là dựa trên nhiều báo cáo cho thấy việc truyền dịch các Immunoglobuline miễn dịch trong hai ngày không gây ra các phản ứng bất lợi hơn so với truyền năm ngày, ngoại trừ trên các bệnh nhân mắc bệnh tim mạch hay có nguy cơ cao. Thậm chí, truyền liều cao các Immunoglobuline trong thời gian ngắn còn cho kết quả đáp ứng điều trị khả quan hơn.

Loại thuốc này có tác dụng tích cực trong điều trị bệnh thần kinh cơ tự miễn
Loại thuốc này có tác dụng tích cực trong điều trị bệnh thần kinh cơ tự miễn

4. Những điều cần theo dõi trong quá trình sử dụng các Immunoglobuline miễn dịch

Việc truyền các Immunoglobuline miễn dịch trong điều trị bệnh thần kinh cơ tự miễn hay các bệnh lý miễn dịch khác có thể gây ra tác dụng không mong muốn. Chính vì thế, trong quá trình tiêm truyền, cần theo dõi sát bệnh nhân các phản ứng như sau:

4.1. Sự thay đổi độ nhớt và nguy cơ tạo huyết khối trong huyết thanh

Hỗn dịch các Immunoglobuline miễn dịch dùng trong điều trị bằng đường tiêm truyền có độ nhớt cao và có thể làm tăng độ nhớt huyết thanh. Điều này cần đặc biệt lưu ý ở những bệnh nhân đã có yếu tố độ nhớt huyết thanh cao từ trước, chẳng hạn như những người mắc bệnh huyết sắc tố, tăng cholesterol máu hoặc tăng đường huyết.

Nếu độ nhớt của huyết thanh quá cao sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra các biến cố do huyết khối và có thể gây ra đột quỵ não cấp, tắc mạch phổi hoặc nhồi máu cơ tim.

4.2. Đau nửa đầu

Ở những bệnh nhân có tiền sử đau nửa đầu, hay đau đầu Migraine, liệu pháp điều trị với các Immunoglobuline miễn dịch có thể gây nên một cơn đau cấp tính. Tuy nhiên, may mắn là tình trạng đau nửa đầu này lại có thể được ngăn chặn bằng cách cho người bệnh uống dự phòng với propranolol trước đó.

Ngoài ra, sự xuất hiện của viêm màng não vô khuẩn cũng được ghi nhận ở bệnh nhân có tiền căn đau nửa đầu khi truyền các Immunoglobuline miễn dịch. Đồng thời, các Immunoglobuline miễn dịch cũng đang được cho là có liên quan đến đột quỵ ở những phụ nữ trẻ và có tiền sử đau nửa đầu.

4.3. Viêm màng não vô khuẩn

Viêm màng não vô khuẩn được xem là một tác dụng phụ gặp ở một số bệnh nhân được điều trị bằng các Immunoglobuline miễn dịch. Tình trạng này không liên quan đến chế phẩm Immunoglobuline, tốc độ truyền hoặc tiền căn bệnh lý trước đó.

Khi gặp phải viêm màng não vô khuẩn sau truyền Immunoglobuline, các triệu chứng sẽ đáp ứng với thuốc giảm đau mạnh và sẽ giảm dần trong 24 đến 48 giờ. Đồng thời, các xét nghiệm chẩn đoán bổ sung là hiếm khi cần phải thực hiện.

4.4. Các tác dụng phụ khác

Tương tự các chế phẩm sinh học khác, sau khi truyền Immunoglobuline, người bệnh có thể gặp phải các triệu chứng dị ứng như phản ứng da hay nặng hơn là phản ứng phản vệ, tổn thương thận cấp...

Tóm lại, việc trị liệu bằng các Immunoglobuline miễn dịch từ lâu đã được công nhận tính hiệu quả trong các bệnh thần kinh cơ tự miễn, đặc biệt là khi các liệu pháp trúng đích chưa thực sự sẵn sàng. Với mức liều và cách thức sử dụng theo kinh nghiệm như trên, các Immunoglobuline miễn dịch đóng vai trò quan trọng trong việc làm chậm tốc độ tiến triển của bệnh, hạn chế tổn thương và duy trì chức năng hệ cơ quan cho người bệnh.

Nguồn tham khảo: nhia.org; sciencedirect.com; researchgate.net; ncbi.nlm.nih.gov; impe-qn.org.vn

XEM THÊM:

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

922 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan