Xét nghiệm máu có thể cho biết nguy cơ mắc những bệnh gì?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Hồ Viết Lệ Diễm - Bác sĩ Nội tổng quát - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Khi đi khám sức khỏe tổng quát hoặc nghi ngờ dấu hiệu bất thường, bác sĩ thường chỉ định cho bệnh nhân xét nghiệm máu. Từ các chỉ số sinh hóa máu, bác sĩ có thể chẩn đoán được một số nguy cơ và bệnh lý. Vậy xét nghiệm máu có thể biết được những bệnh gì?

1. Xét nghiệm công thức máu để làm gì?

Trên thực tế, không phải chỉ khi có bệnh trong người thì mới thực hiện thủ thuật xét nghiệm máu. Hầu hết mọi người đều cần phải khám sức khỏe định kỳ và xét nghiệm máu là một trong số các xét nghiệm cần làm, bên cạnh các thông số như cân nặng, chiều cao, BMI, huyết áp. Xét nghiệm máu giúp cho bác sĩ tiện theo dõi, đánh giá tình hình sức khoẻ và đồng thời còn phát hiện được nhiều bệnh lý hoặc rối loạn có liên quan đến các thông số xét nghiệm máu.

Kết quả xét nghiệm máu còn cho bạn biết nhóm máu của mình, ví dụ như nhóm máu A, B, O, AB, để từ đó xác định được phương thức truyền máu và các vấn đề liên quan. Ngoài ra, với sự tiến bộ của y học ngày nay, xét nghiệm máu còn góp phần phát hiện ra nhiều căn bệnh nguy hiểm ở giai đoạn sớm. Từ đó, bác sĩ có thể giúp người bệnh điều trị kịp thời, tăng cơ hội khỏi bệnh, tránh các biến chứng lâu dài.

Xét nghiệm máu có thể cho biết nguy cơ mắc những bệnh gì?
Xét nghiệm máu cho bạn biết nhóm máu của mình

2. Xét nghiệm máu có thể biết được những bệnh gì?

Rất nhiều bệnh có thể được phát hiện được thông qua các chỉ số sinh hóa máu:

2.1. Các bệnh về máu và thành phần trong máu

Xét nghiệm máu tổng quát có khả năng “chỉ điểm” các bệnh về máu và các rối loạn liên quan đến thành phần trong máu, chẳng hạn như thiếu máu, viêm nhiễm, bệnh ký sinh trùng, vấn đề đông máu, thậm chí là ung thư máu và rối loạn miễn dịch. Các bệnh lý này được bác sĩ chẩn đoán qua các thông số xét nghiệm máu:

  • Kiểm tra các tế bào hồng cầu: Hồng cầu có nhiệm vụ mang oxy từ phổi đến các bộ phận còn lại của cơ thể. Mức hồng cầu bất thường có khả năng là dấu hiệu của tình trạng thiếu máu, mất nước, xuất huyết hoặc các chứng rối loạn khác về hồng huyết cầu.
  • Kiểm tra các tế bào bạch cầu: Đây là chỉ số sinh hóa máu quan trọng đối với hệ thống miễn dịch, bảo vệ cơ thể chống lại nhiễm trùng và bệnh tật. Số lượng bạch cầu trở nên bất thường có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng, ung thư máu hoặc rối loạn hệ miễn dịch.
  • Kiểm tra các tiểu cầu: Thực hiện vai trò quan trọng trong quá trình đông máu, tiểu cầu có nhiệm vụ làm lành vết thương trên thành mạch máu và ngưng chảy máu. Mức tiểu cầu bất thường sẽ gây ra rối loạn chảy máu (không đủ tiểu cầu để đông máu) hoặc bệnh dễ tụ huyết khối (máu quá đông).
  • Hemoglobin (Hb): Là một loại protein giàu chất sắt, có trong các tế bào hồng cầu, là thành phần quan trọng giúp vận chuyển oxy. Mức hemoglobin bất thường có thể là dấu hiệu của bệnh thiếu máu, thiếu máu hồng cầu hình liềm, hội chứng thalassemia hoặc các rối loạn máu khác. Nếu bệnh nhân bị tiểu đường, lượng đường dư thừa trong máu có khả năng liên kết với hemoglobin và dẫn đến tăng mức hemoglobin A1c (HbA1c).
  • Hematocrit (Hct): Là dung tích hồng cầu, hay tỷ lệ hồng cầu có trong một đơn vị máu. Mức hematocrit là thông số xét nghiệm máu quan trọng. Hematocrit cao có nghĩa là bạn đang bị mất nước. Mức hematocrit thấp có khả năng là dấu hiệu của thiếu máu. Sự bất thường đối với chỉ số Hct cũng có thể là dấu hiệu của rối loạn về máu hoặc tủy xương.
  • Thể tích trung bình của hồng cầu (MCV): Mức MCV bất thường có thể là dấu hiệu của bệnh thiếu máu nói chung hoặc chứng thiếu máu cục bộ.
Xét nghiệm máu có thể cho biết nguy cơ mắc những bệnh gì?
Các chỉ số sinh hóa máu giúp bác sĩ chẩn đoán các rối loạn về máu

2.2. Các bệnh liên quan đến đường huyết

Xét nghiệm máu cho biết lượng đường (glucose) có trong máu của bạn. Đường huyết vượt quá giới hạn có thể là dấu hiệu của bệnh đái tháo đường.

Đối với xét nghiệm máu có yêu cầu đo glucose, bác sĩ sẽ yêu cầu người thực hiện phải nhịn ăn trước khi lấy máu để đo đường huyết lúc đói. Ngoài ra, một số xét nghiệm đường huyết khác được thực hiện sau bữa ăn hoặc bất kỳ lúc nào mà không cần chuẩn bị trước.

2.3. Các bệnh liên quan đến canxi máu

Canxi là một khoáng chất quan trọng đối với cơ thể. Tuy nhiên, lượng canxi trong máu quá cao hay quá thấp có khả năng là dấu hiệu của các bệnh lý thận, vấn đề về xương, bệnh tuyến giáp, ung thư, suy dinh dưỡng hoặc một vài rối loạn khác.

2.4. Các bệnh liên quan đến cân bằng điện giải

Các chất điện giải (gồm natri, kali, bicarbonate và clorua...) là các thông số xét nghiệm máu cần thiết, giúp duy trì nồng độ chất lỏng và cân bằng độ axit trong cơ thể.

Thông số điện giải bất thường có thể là dấu hiệu của tình trạng mất nước, bệnh về thận, bệnh gan, biểu hiện suy tim, tăng huyết áp hoặc các rối loạn khác.

2.5. Các bệnh về thận và chức năng thận

Xét nghiệm máu đối với chức năng thận đo nồng độ urê máu (BUN) và creatinin. Cả hai thành phần này đều là những chất thải mà thận lọc ra khỏi cơ thể. Nếu kết quả xét nghiệm cho thấy hai thông số này bất thường thì rất có thể là dấu hiệu của bệnh thận hoặc rối loạn chức năng thận.

2.6. Các bệnh liên quan đến hoạt động của enzym

Enzym giúp kiểm soát và xúc tác cho các phản ứng hóa học trong cơ thể. Có nhiều xét nghiệm kiểm tra enzym nhưng đối với enzym trong máu thì thường được sử dụng để chẩn đoán cơn đau tim.

2.7. Tình trạng cơ bắp và tế bào tim bị tổn thương

Troponin là một protein có tác dụng co cơ. Khi cơ bắp hoặc các tế bào tim bị tổn thương, troponin sẽ bị rò rỉ ra ngoài và vào máu, dẫn đến nồng độ troponin trong máu tăng lên.

Ví dụ, nồng độ troponin trong máu sẽ tăng cao khi bạn bị đau tim. Do đó, bác sĩ thường chỉ định làm xét nghiệm troponin trong máu khi bệnh nhân có triệu chứng đau ngực hoặc các dấu hiệu đau tim khác.

2.8. Nguy cơ bệnh tim và rối loạn mỡ máu

Xét nghiệm máu giúp bác sĩ xác định được nguy cơ mắc bệnh tim mạch vành ở bệnh nhân thông qua các thông số xét nghiệm máu liên quan đến cholesterol:

  • Nồng độ cholesterol xấu: Sự tích tụ cholesterol xấu gây ra tắc nghẽn trong lòng mạch máu, gây xơ vữa động mạch.
  • Nồng độ cholesterol tốt: Loại cholesterol này làm giảm tình trạng tắc nghẽn trong động mạch.
  • Triglyceride: Là một loại chất béo có trong máu.

Nồng độ cholesterol và triglyceride bất thường cho thấy nguy cơ mắc bệnh tim mạch vành. Đối với xét nghiệm máu để tìm các thành phần này, người thực hiện sẽ cần phải nhịn ăn từ 9 - 12 tiếng trước khi làm xét nghiệm để đảm bảo độ chính xác.

Xét nghiệm máu có thể cho biết nguy cơ mắc những bệnh gì?
Nên xét nghiệm máu định kỳ mỗi 6 tháng

Xét nghiệm máu là phương pháp y khoa giúp chẩn đoán rất nhiều loại bệnh và cần thực hiện định kỳ để kịp thời phát hiện các vấn đề của cơ thể. Chủ động xét nghiệm máu tổng quát là phương pháp hiệu quả giúp bảo vệ sức khỏe chính bản thân mình và gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

195.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan

Xin mời bạn chọn tỉnh thành: