Bổ sung vitamin khi điều trị ung thư dạ dày

Bổ sung vitamin và sắt khi điều trị ung thư dạ dày là rất quan trọng để hạn chế nguy cơ thiếu máu. Ngoài ra, việc kết hợp với một chế độ ăn lành mạnh và một số loại vitamin khác cũng rất quan trọng, giúp cơ thể hồi phục nhanh sau phẫu thuật cắt dạ dày.

1. Bổ sung vitamin khi điều trị ung thư dạ dày

Bổ sung vitamin khi điều trị ung thư dạ dày đầy đủ là điều vô cùng quan trọng trong việc duy trì sức khỏe của người bệnh. Một số loại vitamin và khoáng chất cần thiết cho người ung thư dạ dày gồm:

1.1. Sắt

Bổ sung sắt khi điều trị ung thư dạ dày là vô cùng cần thiết. Điều này là do sau phẫu thuật cắt dạ dày, lượng axit dạ dày tiết ít đi làm giảm khả năng hấp thụ sắt vào cơ thể. Mức độ sắt cũng bị ảnh hưởng bởi một phần của tá tràng, nơi phần lớn chất sắt được hấp thụ, có thể bị loại bỏ sau phẫu thuật cắt dạ dày.

Lượng sắt thấp có thể dẫn đến việc thiếu máu. Do đó, nếu đã cắt dạ dày thì nên bổ sung thêm sắt vào cơ thể kết hợp với chế độ ăn thực phẩm giàu sắt như rau xanh, gan và cá.

1.2. Vitamin B12

Vitamin B12 có vai trò quan trọng trong việc tạo ra các tế bào hồng cầu cũng như duy trì hoạt động của hệ thần kinhhệ tiêu hóa. Lượng vitamin B12 thấp có thể xảy ra sau cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ dạ dày và có thể dẫn đến thiếu máu.

Các tế bào trong niêm mạc dạ dày tạo ra một chất được gọi là yếu tố nội, giúp cơ thể hấp thụ vitamin B12. Thiếu máu do thiếu vitamin B12 được gọi là thiếu máu ác tính. Những người đã phẫu thuật ung thư dạ dày thường được kê đơn vitamin B12 (tiêm hoặc uống thuốc) để giúp ngăn ngừa thiếu máu.

1.3. Canxi

Canxi là một khoáng chất vô cùng quan trọng trong việc xây dựng xương và răng chắc khỏe. Khi tá tràng bị cắt bỏ sau phẫu thuật, mức hấp thụ canxi cũng giảm theo. Ngoài ra, hội chứng Dumping sau phẫu thuật cắt dạ dày cũng là một yếu tố là giảm hấp thu canxi.

Mức canxi thấp có thể dẫn đến loãng xương. Điều này có thể được cải thiện bằng việc uống các chất bổ sung canxi.

Bổ sung vitamin khi điều trị ung thư
Bổ sung Canxi khi điều trị ung thư dạ dày

1.4. Folate

Folate có vai trò rất quan trọng trong việc tạo ra các tế bào hồng cầu. Ăn uống thiếu lành mạnh là yếu tố chủ yếu làm tăng nguy cơ thiếu folate ở người bị ung thư dạ dày.

Ngoài ra, hàm lượng folate giảm còn bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi cấu trúc dạ dày và ruột sau phẫu thuật. Việc không cung cấp đủ folate, cơ thể có thể bị thiếu máu. Điều này có thể được cải thiện bằng cách uống các chất bổ sung axit folic.

1.5. Các chất bổ sung vitamin khác

Vitamin tổng hợp với nhiều loại vitamin quan trọng có thể được khuyên sử dụng cho những người thiếu trầm trọng vitamin và khoáng chất sau phẫu thuật cắt dạ dày.

Ngoài ra, các loại thực phẩm giàu calo và chất dinh dưỡng với nhiều hương vị và hình thức khác nhau cũng được khuyên dùng, ví dụ như sữa, bánh pudding, thanh năng lượng. Chúng có thể được mua dễ dàng ở các hiệu thuốc và các cửa hàng tạp hóa mà không cần kê đơn của bác sĩ.

2. Dinh dưỡng và bệnh ung thư dạ dày

Người mắc bệnh ung thư dạ dày thường gặp vấn đề trong việc ăn uống và tiêu hóa thức ăn do các nguyên nhân sau:

  • Cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ dạ dày
  • Cắt bỏ các tuyến, tế bào chuyên biệt và dây thần kinh của dạ dày
  • Cắt bỏ các vòng cơ kiểm soát thức ăn đi vào dạ dày (cơ thắt thực quản dưới và cơ thắt môn vị)
  • Tác dụng phụ của hóa trị liệu và các phương pháp điều trị khác
  • Chán ăn do mắc bệnh ung thư
  • Cảm giác no lâu hơn do dạ dày không rỗng đúng cách

Trong quá trình điều trị ung thư dạ dày, dưới sự hỗ trợ của các bác sĩ dinh dưỡng, bạn sẽ được giúp đỡ trong việc đối phó với các tác dụng phụ và thay đổi cảm giác thèm ăn.

3. Ung thư dạ dày gây giảm cân

Người bị ung thư dạ dày rất dễ bị giảm cân. Điều này là do ảnh hưởng của khối u, gây tắc nghẽn, cản trở việc di chuyển thức ăn từ thực quản vào dạ dày hoặc từ dạ dày xuống ruột. Khi ung thư tiến triển nặng, năng lượng sau tiêu thụ thức ăn sẽ được đốt cháy với tốc độ nhanh hơn. Việc năng lượng luôn được tiêu thụ ở mức cao kết hợp với lượng dinh dưỡng đầu vào kém sẽ dẫn đến giảm cân.

Người bị ung thư dạ dày còn dễ bị giảm cân bởi các yếu tố khác như:

  • Cảm giác chán ăn, không muốn ăn
  • Diện tích dạ dày thu nhỏ sau phẫu thuật khiến bạn nhanh chóng cảm thấy no khi chỉ đưa vào một lượng nhỏ thức ăn
  • Phần dạ dày hoặc ruột non còn lại không thể hấp thụ chất béo và chất dinh dưỡng từ thức ăn. Điều này phụ thuộc vào loại phẫu thuật và mức độ cắt bỏ dạ dày.
  • Hội chứng Dumping khiến thức ăn di chuyển qua dạ dày và ruột non quá nhanh, khiến duy trì cân nặng trở nên khó khăn hơn. Nó thường xảy ra sau khi cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ dạ dày.

Điều quan trọng là bạn cần tuân thủ chế độ dinh dưỡng hợp lý để giúp cơ thể chống lại bệnh tật và tác dụng phụ của quá trình điều trị ngay cả khi cảm giác thèm ăn đã giảm đi nhiều.

Bí quyết duy trì cân nặng cho người mắc bệnh ung thư dạ dày như sau:

  • Không bỏ bữa: Cố gắng ăn thường xuyên, dù với số lượng ít
  • Chọn thực phẩm và đồ uống giàu protein và calo. Thêm sữa nguyên chất hoặc kem vào ngũ cốc hoặc súp đã nấu chính, sử dụng nước sốt, nước thịt hoặc thêm bơ vào khoai tây.
  • Trường hợp không thể ăn thức ăn rắn, hãy uống đồ uống có hàm lượng calo cao, giàu protein như sữa lắc, sinh tố hoặc thức ăn bán rắn như bánh pudding, sữa chua.
  • Chuẩn bị sẵn các loại thực phẩm giàu protein và calo cao trong nhà để ăn ngay khi thèm như sữa, kem, phomai và bánh quy giòn, bánh nước xốp, bơ đậu phộng, trứng, các loại hạt, sữa chua và bánh pudding.

Nếu tình trạng sụt cân trở nên nghiêm trọng, sonde dạ dày có thể được đặt vào cơ thể để hỗ trợ ăn uống. Ống dẫn có tính chất mỏng, mềm dẻo được đặt vào dạ dày hoặc ruột. Khi ống được đặt vào, chất dinh dưỡng có thể bổ sung dễ dàng khi bạn cảm thấy khó khăn trong việc ăn uống, đặc biệt là khi bị sụt cân nhiều.

Bổ sung vitamin khi điều trị ung thư
Bổ sung sữa để duy trì cân nặng cho người mắc bệnh ung thư dạ dày

4. Cảm thấy no sau khi ăn uống

Cảm giác no sau khi ăn có thể xảy ra dù có phẫu thuật hay không. Phẫu thuật ung thư dạ dày làm giảm kích thích dạ dày, cũng có thể làm hỏng dây thần kinh phế vị. Điều này sẽ được cải thiện khi phần còn lại của dạ dày căng ra hoặc khi cơ thể đã thích nghi với những thay đổi ở hệ tiêu hóa. Ngay cả khi không phẫu thuật, dạ dày cũng có thể rỗng chậm hơn nhiều, giúp bạn cảm thấy no lâu hơn.

Nếu cảm thấy no sau khi ăn một lượng nhỏ thức ăn là một vấn đề lớn thì bạn nên:

  • Cố gắng ăn các bữa ăn nhỏ khoảng 6 lần/ngày, điều này sẽ dễ dàng hơn nhiều so với việc cố gắng ăn 2 - 3 bữa lớn mỗi ngày.
  • Tránh uống đồ uống có ga, thức uống này có thể gây đầy bụng nhanh chóng
  • Uống các thức uống giàu calo và protein giữa các bữa ăn
  • Hạn chế thực phẩm giàu chất xơ như bánh mì, ngũ cốc, vì chúng sẽ làm bạn cảm thấy no sớm hơn so với các loại thực phẩm khác.

Việc bổ sung các chất dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất rất quan trọng với người bệnh điều trị ung thư dạ dày. Vì thế, người bệnh cần tuân thủ theo chế độ dinh dưỡng được khuyến cáo bởi bác sĩ.

Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán ung thư dạ dày

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: cancer.ca, webmd.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan