Các loại vắc xin không thể thiếu cho bà bầu

Nội dung video được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Cao cấp Nguyễn Thị Tân Sinh, Phó Giám đốc Trung tâm Sức khỏe Phụ nữ, Bệnh viện ĐKQT Vinmec Times City

1. Vắc xin cần tiêm trước khi mang thai

Trước khi có kế hoạch mang thai ngoài việc chú ý đến chế độ dinh dưỡng, chị em phụ nữ cũng cần chủ động tiêm phòng những loại vắc -xin sau:

  • Viêm gan B: Khi mẹ nhiễm viêm gan B trong thời gian mang thai, đặc biệt 3 tháng cuối thai kỳ, tỷ lệ lây truyền sang trẻ có thể lên đến 90%. Vì vậy, bạn nên hoàn thành 3 mũi viêm gan B trước khi mang thai (mũi 2 cách mũi đầu 1 tháng, mũi 3 cách mũi hai là 5 tháng); nếu tiêm đúng đúng lịch, mũi 3 cách mũi 1 là 6 tháng.
  • Sởi – quai bị – Rubella: Tiêm tốt nhất trước khi mang thai 3 tháng, hoặc tối thiểu là 1 tháng trước khi mang thai.
  • Thủy đậu: Nếu bạn chưa từng có miễn dịch thủy đậu cần được tiêm phòng vắc xin trước khi có thai. Nếu bạn đã được tiêm phòng từ nhỏ, vẫn cần tiêm 1 mũi tăng cường. Vắc xin thủy đậu nên tiêm tốt nhất trước khi mang thai 3 tháng, hoặc tối thiểu là 1 tháng trước khi mang thai.
  • Cúm: Cúm là bệnh thường gặp nhưng khi mang thai mắc cúm, đặc biệt là 3 tháng đầu thai kỳ có thể gây dị tật bẩm sinh cho trẻ. Khi người mẹ bị nhiễm cúm nặng thì tình trạng sốt cao, nhiễm khuẩn và nhiễm độc do virus gây ra có thể làm cho thai bị lưu và gây sảy thai. Bạn nên tiêm 1 liều vắc xin phòng cúm ở bất kỳ độ tuổi nào của thai kỳ, tiêm trước khi mang thai 1 tháng để giai đoạn đầu thai kỳ đã có kháng thể bảo vệ, hạn chế cho mẹ nhiễm cúm gây dị tật thai nhi.

Và tất nhiên, trong quá trình mang thai, bạn cũng nên tiêm những loại vắc xin này.

Những loại vắc-xin cần tiêm trước và trong khi mang bầu
Những loại vắc-xin cần tiêm trước và trong khi mang bầu

2. Vắc xin cần tiêm trong quá trình mang thai

Để đảm bảo an toàn cho mẹ và sức khỏe của bé, trong thời gian mang thai mẹ cũng cần tiêm thêm những loại vắc-xin sau:

Uốn ván vắc xin này giúp mẹ tự tạo kháng thể trước, tránh lây nhiễm và mắc bệnh khi chuyển dạ; hơn nữa vắc xin uốn ván còn hỗ trợ sang cơ thể trẻ, giúp hạn chế tối đa nguy cơ nhiễm trùng uốn ván sau khi sinh. Nếu bạn chưa từng tiêm phòng uốn ván hoặc chưa tiêm đủ 3 mũi cơ bản hoặc không rõ tiền sử tiêm vắc xin, sẽ tiêm 2 mũi vào các thời gian sau:

Mũi tiêm 1: Tiêm khi thai kỳ từ 20 tuần trở lên. Mũi tiêm 2: Tiêm sau mũi 1 ít nhất 30 ngày, trước khi sinh ít nhất 30 ngày.

Với phụ nữ đã tiêm phòng đủ 5 mũi uốn ván, mang thai lần 2 với mũi tiêm cuối trước 10 năm thì không cần phải tiêm phòng uốn ván lại. Nếu thời gian tiêm phòng sau 10 năm thì cần tiêm nhắc lại 2 mũi. Nếu thai kỳ trước, mẹ đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin uốn ván cách không quá 10 năm thì nên tiêm 1 mũi vắc xin từ tuần thai 20 trở đi.

Ngoài ra còn có các vắc - xin có thể tiêm nhưng cần có tư vấn của thầy thuốc Sản khoa hoặc Vắc- xin :

  • Vắc-xin viêm gan A: Có thể mẹ bầu sẽ cần tiêm vắc-xin này nếu thấy có nguy cơ lây nhiễm đối với bệnh viêm gan A như mắc bệnh gan mạn tính hoặc sống với người mắc viêm gan A. Vắc-xin viêm gan A thường được tiêm theo phác đồ 2 liều, cách nhau 6-12 tháng.
  • Vắc xin não mô cầu Meningococcal và phế cầu chưa có nhiều nghiên cứu khi tiêm cho phụ nữ khi đang mang thai, chỉ tiêm khi có nguy cơ nhiễm bệnh.

Các loại vắc xin mà mẹ bầu tiêm được trong quá trình mang thai gồm cúm, uốn ván, có thể tiêm bạch hầu ho gà uốn ván lúc thai 27-35 tuần để kháng thể từ mẹ sang con.

Các vắc xin thường được tiêm vào quý thứ 2 của thai kỳ (tháng 4, 5,6), vì vậy, các mẹ nên tư vấn với bác sĩ về tất cả các mũi vắc xin cần thiết để đảm bảo có thai kỳ an toàn và đón con yêu chào đời khỏe mạnh.

Trong giai đoạn mang thai, mẹ bầu tuyệt đối không nên tiêm các loại vắc xin sau đây:

  • Vắc-xin HPV: Vắc-xin HPV nên được tiêm ngừa trước hoặc sau khi mang thai. Không nên tiêm vắc-xin này trong thời gian thai kỳ, nhưng nếu mẹ bầu đã vô tình tiêm cũng không nên quá lo lắng. Những người ở độ tuổi từ 27 - 45 vẫn có thể được tiêm ngừa HPV sau khi trao đổi với bác sĩ chuyên khoa. Vắc-xin HPV thường có 3 liều, tiêm phân bổ trong thời gian 6 tháng.
  • Vắc-xin Thủy đậu: Vắc-xin thủy đậu không nên được sử dụng để tiêm phòng khi mang thai, nhưng nếu thai phụ đã lỡ tiêm thì đó cũng không phải vấn đề quá lo lắng. Tuy nhiên nếu được bạn nên chủ động tiêm loại vắc-xin này trước khi mang thai hoặc sau sinh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

392 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan