Thảo dược chữa bệnh đại tràng

Viêm đại tràng là bệnh lý về đường tiêu hóa khó điều trị dứt điểm và dễ tái phát nên nguyên tắc điều trị chính là kết hợp thuốc với chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý. Trong đó, phương pháp chữa bệnh đại tràng bằng các loại thảo dược từ tự nhiên được xem là an toàn, hiệu quả và ít tác dụng phụ.

1. Dược lý về bệnh viêm đại tràng

Viêm đại tràng là bệnh lý đường tiêu hóa thường gặp, xảy ra do các nguyên nhân sau:

  • Tình trạng nhiễm khuẩn đường ruột do các tác nhân như salmonella, shigella...;
  • Nhiễm nguyên sinh động vật như lamblia, amip;
  • Các nguyên nhân nhiễm ký sinh trùng như giun kim, giun tóc, giun đũa;
  • Chế độ ăn uống không điều độ, sử dụng các loại thực phẩm gây kích thích và tổn thương niêm mạc ruột;
  • Tình trạng táo bón kéo dài;
  • Viêm đại tràng thứ phát xảy ra sau các bệnh lý khác của đường tiêu hóa.

Người bệnh mắc viêm đại tràng thường xuất hiện các triệu chứng bao gồm:

  • Tình trạng rối loạn tiêu hóa kéo dài: Người bệnh thường xuyên bị đau bụng, táo bón hoặc tiêu chảy. Đi ngoài phân nát và không thành khuôn với tần suất từ 2 – 6 lần mỗi ngày. Người bệnh thường cảm thấy không thoải mái khi đi đại tiện, cảm giác đi đại tiện không hết, trướng bụng, căng tức và khó chịu;
  • Đau bụng: Triệu chứng điển hình của bệnh đại tràng, cơn đau âm ỉ vùng bụng dưới hoặc đau dọc khung đại tràng, cơn đau tăng lên sau khi ăn, trước khi đi đại tiện và giảm đi khi đi đại tiện xong.

Bệnh lý đại tràng khó chữa dứt điểm và dễ táo bón nên nguyên tắc điều trị chính là toàn diện, kiên trì bao gồm việc sử dụng thuốc, lựa chọn chế độ ăn uống, sinh hoạt và vận động phù hợp. Trong đó, phương pháp điều trị bằng thuốc cần được cân nhắc theo nguyên nhân gây bệnh và triệu chứng của người bệnh. Các nhóm thuốc điều trị theo Y Học Hiện Đại được bác sĩ kê đơn gồm thuốc chống tiêu chảy, giảm đau chống co thắt, kháng sinh nhằm chống nhiễm khuẩn, nấm và ký sinh trùng... Các nhóm thuốc này chủ yếu điều trị triệu chứng những cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ cho người bệnh.

Theo Y Học Cổ Truyền, bệnh lý xảy ra vì đại tràng dễ bị viêm, tái phát và trở thành mãn tính do chức năng của hệ tiêu hóa suy giảm, mất cân bằng. Mục tiêu chữa bệnh đại tràng theo Đông y là điều trị cả ngọn lẫn gốc để giúp phục hồi hoàn toàn sức khỏe. Theo đó, việc sử dụng các loại thảo dược trị viêm đại tràng từ thiên nhiên được chứng minh là mang lại hiệu quả cao, ít tác dụng phụ cho người bệnh.

2. Các loại thảo dược điều trị viêm đại tràng

Sử dụng các loại cây thuốc chữa bệnh đại tràng trong điều trị mang lại những ưu điểm và hạn chế như sau:

- Về mặt ưu điểm:

  • Thảo dược có nguồn gốc từ tự nhiên quen thuộc, người bệnh có thể tìm thấy xung quanh vườn nhà hoặc có thể tự trồng dược liệu;
  • Đa phần các loại dược liệu dùng làm thuốc điều trị bệnh đại tràng đều có độ lành tính cao, ít gây tác dụng phụ và phù hợp với cơ địa của người bệnh;
  • Chi phí điều trị không cao;
  • Phương thức chế biến các bài thuốc đơn giản và không mất nhiều thời gian;

- Về mặt nhược điểm:

  • Các hoạt chất điều trị trong thảo dược đều ở dạng tự nhiên nên có tác dụng chậm, người bệnh cần kiên trì sử dụng lâu dài mới đạt được hiệu quả cao;
  • Mức độ đáp ứng của thuốc còn phụ thuộc vào mức độ bệnh cũng như cơ địa của người bệnh;
  • Bài thuốc từ thảo dược chỉ phù hợp trong giai đoạn bệnh còn nhẹ và chưa chuyển biến nặng nề;
  • Nhiều bài thuốc nam được sử dụng trong dân gian mà chưa có sự chứng minh về mặt khoa học.

Các loại thảo dược trong điều trị viêm đại tràng bao gồm lá ổi, lá mơ lông, củ riềng, nha đam, mộc hoa trắng, lá cây chè đắng, nghệ...

chữa bệnh đại tràng
Lá ổi là thảo dược chữa bệnh đại tràng

3. Bài thuốc nam điều trị viêm đại tràng

Việc sử dụng các bài thuốc nam bào chế từ thảo dược trị viêm đại tràng mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh. Một số bài thuốc có thể kể đến như sau:

3.1. Bài thuốc từ lá mơ lông

Theo Y Học Cổ Truyền, lá mơ lông có tính bình, vị đắng và công dụng chống viêm, kích thích tiêu hóa, giảm đau tự nhiên và chống viêm nên được sử dụng trong các bài thuốc điều trị viêm đại tràng. Nghiên cứu từ các nhà khoa học cho thấy, lá mơ lông chứa hàm lượng lớn hoạt chất sulfur dimethyl disulphit có công dụng tương tự như kháng sinh, giúp ức chế và tiêu diệt một số nhóm vi khuẩn gây tổn thương niêm mạc đại tràng.

Các bài thuốc chữa viêm đại tràng từ lá mơ có thể kể đến như sau:

  • Bài thuốc 1: Sử dụng 1 nắm lá mơ lông tươi và 200ml nước sôi ấm. Rửa sạch lá mơ bằng nước muối loãng, để ráo và cho vào cối giã, thêm nước sôi ấm đã chuẩn bị vào khuấy đều và lọc lấy nước uống. Nước thuốc dùng uống trực tiếp mỗi ngày một lần;
  • Bài thuốc 2: Sử dụng 30g lá mơ lông tươi, 20g gừng tươi và 1 quả trứng gà ta. Rửa sạch lá mơ và gừng, đem thái nhỏ. Đập trứng gà vào hỗn hợp, khuấy đều và đem hấp cách thủy đến khi chín. Người bệnh dùng ăn một lần mỗi ngày khi còn nóng.

3.2. Bài thuốc từ lá ổi

Theo Y Học Cổ Truyền, lá ổi có tính ấm và vị đắng sáp, công dụng thu sáp chỉ huyết, tiêu thũng giải độc, kiện vị cố tỳ. Các hoạt chất trong lá ổi như tritecpenic, axit psiditaninc và tanin pyrogalic có tác dụng kháng viêm, sát khuẩn, cầm tiêu chảy và làm se niêm mạc. Dược liệu này được sử dụng trong các bài thuốc chữa bệnh đại tràng như sau:

  • Bài thuốc 1: Dùng một lượng vừa đủ búp ổi non rửa sạch với nước muối, sau đó đem phơi hoặc sấy khô rồi nghiền thành bột. Mỗi lần dùng 6g bột thuốc pha vào 150ml nước sôi ấm và uống trực tiếp, người bệnh nên dùng 2 lần mỗi ngày để đạt hiệu quả cao;
  • Bài thuốc 2: Sử dụng 30g lá ổi, 8g gừng tươi và một ít muối hạt. Rửa sạch lá ổi và gừng tươi, đem giã nát trong cối và sao vàng. Dược liệu sau khi sao vàng đem sắc với 1 lít nước để lấy 300ml nước thuốc. Lọc bỏ phần bã và chia nước thuốc thành 3 lần uống mỗi ngày.
chữa bệnh đại tràng
Lá vối là một trong những thảo dược trị viêm đại tràng an toàn và hiệu quả

3.3. Bài thuốc từ lá vối

Lá vối là một trong những thảo dược trị viêm đại tràng an toàn và hiệu quả. Hàm lượng cao hoạt chất tanin trong dược liệu được chứng minh là có tác dụng bảo vệ niêm mạc ruột, giúp làm se và chữa lành tổn thương niêm mạc. Bên cạnh đó, hoạt chất tinh dầu trong lá vối có công dụng sát khuẩn tốt, không gây hại đến hoạt động của các lợi khuẩn trong đường ruột.

Chế biến bài thuốc trị bệnh đại tràng từ lá vối như sau: Sử dụng 250g lá vối tươi (hoặc 100g lá vối khô) đem ngâm và rửa sạch với nước muối loãng. Dược liệu sau khi được rửa sạch đem vò nát, cho vào ấm và thêm 2 lít nước đun trên lửa nhỏ trong thời gian khoảng nửa tiếng. Nước sắc thu được dùng uống như nước lọc mỗi ngày. Tuy nhiên người bệnh cần tránh không nên dùng nước sắc lá vối thay nước lọc mỗi ngày.

3.4. Bài thuốc từ củ riềng

Trong Y Học Cổ Truyền, củ riềng có tính ấm, vị cay và công dụng hỗ trợ giảm đau, trừ hàn, cải thiện triệu chứng khó tiêu, đau bụng, tiêu chảy... Các hoạt chất trong củ riềng như Metylxinnamat, Xineola, Galangin, chất cay Galangola, Kaempferit... được chứng minh là có dược tính cao.

Một số bài thuốc trị viêm đại tràng từ củ riềng như sau:

  • Bài thuốc 1: Sử dụng 20g củ riềng tươi, 20g mã đề và 20g lá nhót đem rửa sạch và thái nhỏ. Hỗn hợp dược liệu sau khi sơ chế đem bỏ vào ấm và thêm 600ml nước, đun với lửa nhỏ đến khi còn khoảng 300ml nước ngưng. Dung dịch thu được đem lọc bỏ cặn và dùng nước thuốc uống 3 lần mỗi ngày;
  • Bài thuốc 2: Sử dụng 20g củ riềng tươi, 20g lá lốt đem rửa sạch và sắc với 200ml nước trong thời gian khoảng 20 phút. Lọc bỏ cặn và dùng nước thuốc chia làm nhiều lần uống trong ngày.

3.5. Bài thuốc từ nha đam

Nha đam là thảo dược không chỉ đem lại lợi ích trong làm đẹp và chăm sóc da mà chúng còn chứa nhiều thành phần tốt cho hoạt động của hệ tiêu hóa như enzyme bradykinase, axit salixylic và chromone C-glucosyl. Sử dụng dược liệu này đúng cách rất hữu ích trong điều trị bệnh viêm ruột, thúc đẩy quá trình nhanh lành vết thương ở niêm mạc đại tràng.

Chế biến bài thuốc trị viêm đại tràng từ nha đam như sau: Sử dụng 1 lá nha đam tươi và 300ml nước sôi ấm. Dược liệu được rửa sạch và loại bỏ phần ngoài chỉ giữ lại phần thịt để sử dụng. Xay nhuyễn 20g thịt nha đam với 300ml nước âm và chia thành 3 lần uống mỗi ngày, nên uống vào khoảng 30 phút sau bữa ăn để đạt hiệu quả cao.

Như vậy, việc sử dụng các bài thuốc nam bào chế từ thảo dược trị viêm đại tràng mang lại nhiều lợi ích và giúp cải thiện triệu chứng bệnh. Tuy nhiên phương pháp điều trị nào cũng có những tác dụng phụ đi kèm nên người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ điều trị trước khi sử dụng trong chữa bệnh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

13.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan