Bệnh xương khớp kiêng ăn rau gì và những thực phẩm nào nên tránh là câu hỏi mà nhiều người mắc phải bệnh viêm khớp thường thắc mắc. Bài viết này sẽ giải đáp thắc mắc trên cũng như điểm qua một số loại thực phẩm và đồ uống mà những người bị viêm khớp nên tránh.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Tổng quan về viêm khớp
Trước khi giải đáp thắc mắc bệnh xương khớp kiêng ăn rau gì, hãy cùng tìm hiểu tổng quan về bệnh xương khớp. Viêm khớp là một thuật ngữ chung cho hơn 100 bệnh khác nhau, trong đó viêm xương khớp (OA) là dạng phổ biến nhất. Các loại khác bao gồm viêm khớp dạng thấp (RA), viêm khớp vẩy nến (PsA) và bệnh gout . Mặc dù chúng có những đặc điểm riêng nhưng tất cả các dạng bệnh đều liên quan đến viêm ở mức độ nào đó.

Đáng chú ý, một số loại thực phẩm và đồ uống có thể làm trầm trọng thêm tình trạng viêm và các triệu chứng của bệnh, đặc biệt là thực phẩm chế biến sẵn, các loại đồ uống chứa đường.
Dưới đây là một số thực phẩm mà người bệnh nên tránh nhằm giảm thiểu triệu chứng của viêm khớp.
2. Bệnh xương khớp kiêng ăn rau gì?
Người bệnh xương khớp nên kiêng ăn cà tím, cà chua, khoai tây và ớt thuộc họ Solanaceae. Một số người bệnh viêm khớp cho biết cảm thấy các triệu chứng của mình trở nên nghiêm trọng sau khi dùng các loại thực phẩm này. Một số giả thuyết cho rằng solanine có trong các loại thực vật này góp phần làm trầm trọng thêm tình trạng viêm.

Tuy nhiên, không có bằng chứng khoa học rõ ràng xác nhận mối liên hệ giữa việc tiêu thụ thực phẩm chứa solanine và việc gia tăng các triệu chứng viêm khớp. Trong khi đó, cà tím, cà chua, khoai tây và ớt đều là nguồn cung cấp nhiều chất dinh dưỡng thiết yếu, có lợi cho sức khỏe tổng thể.
3. Nhóm thực phẩm nào mà người bệnh xương khớp nên tránh?
3.1 Đường bổ sung
Bên cạnh việc nhận biết được bệnh xương khớp kiêng ăn rau gì, người bệnh cũng cần tìm hiểu nhóm thực phẩm nào nên tránh.
Đầu tiên và quan trọng nhất chính là đường bổ sung. Việc hạn chế tiêu thụ đường bổ sung có thể mang lại lợi ích đáng kể cho sức khỏe, đặc biệt là đối với những người mắc bệnh viêm khớp như viêm khớp dạng thấp (RA). Đường bổ sung không chỉ có trong các sản phẩm ngọt ngào như kẹo, soda và kem mà còn ẩn chứa trong nhiều loại thực phẩm khác không ngờ tới như nước sốt thịt nướng, nước sốt salad và sốt cà chua.
3.2 Dầu thực vật
Một chế độ ăn giàu chất béo omega-6 và thiếu hụt omega-3 có thể khiến các triệu chứng đau khớp như đau đầu gối (thường gặp ở những người bị viêm khớp và viêm khớp dạng thấp) trở nên nghiêm trọng hơn. Mặc dù cả hai loại chất béo này đều cần thiết cho sức khỏe nhưng sự mất cân bằng có thể làm tăng nguy cơ viêm nhiễm.
Chất béo omega-3 có nhiều trong cá béo, các loại hạt dầu và rau lá xanh giúp giảm viêm. Ngược lại, omega-6, thường có trong các loại bơ thực vật, mỡ thực vật và dầu ăn như dầu ngô, dầu đậu nành, khi tiêu thụ quá mức có thể tăng nguy cơ viêm.
Để cải thiện các triệu chứng viêm khớp, duy trì sự cân bằng giữa omega-6 và omega-3 là rất quan trọng. Một mẹo hữu ích là sử dụng dầu ô liu - loại dầu có hàm lượng omega-6 thấp, và tăng cường ăn cá béo nhằm tối ưu hóa tỷ lệ giữa omega-6 cùng omega-3 trong chế độ ăn của người bệnh.
3.3 Thực phẩm chứa Gluten
Gluten, protein được tìm thấy trong lúa mì, lúa mạch, lúa mạch đen và các loại ngũ cốc khác có thể gây viêm ở một số người, đặc biệt là những người mắc bệnh celiac.
Các nghiên cứu khác gợi ý rằng một chế độ ăn thuần chay không chứa gluten có thể làm giảm triệu chứng bệnh viêm khớp và cải thiện tình trạng viêm tổng quát.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu lưu ý rằng cần nhiều nghiên cứu hơn để hiểu rõ hơn về mối liên hệ giữa việc tiêu thụ gluten và viêm khớp, cũng như để xác định liệu chế độ ăn không chứa gluten có thật sự mang lại lợi ích cho những người mắc bệnh viêm khớp hay không.
3.4 Thực phẩm chế biến sẵn
Thực phẩm chế biến sẵn bao gồm thức ăn nhanh, ngũ cốc ăn sáng và đồ nướng thường được biết đến với hàm lượng cao ngũ cốc tinh chế, đường bổ sung, chất bảo quản, đường fructose và các thành phần khác có khả năng gây viêm. Những thành phần này có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng của các bệnh viêm, bao gồm cả viêm khớp.
Các nghiên cứu đã cho thấy rằng, thực phẩm siêu chế biến có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh viêm khớp dạng thấp (RA) bằng cách thúc đẩy các tình trạng viêm và béo phì, một yếu tố nguy cơ quan trọng của RA. Một chế độ ăn uống nhiều thực phẩm chế biến cao cũng tăng nguy cơ các bệnh tim mạch.
3.5 Thịt đỏ và thịt chế biến sẵn
Tiêu thụ thịt đỏ và thịt đã qua chế biến có thể liên quan đến tình trạng viêm, điều này đặc biệt quan trọng đối với những người mắc bệnh viêm khớp dạng thấp (RA).

Khảo sát trên 217 người mắc bệnh RA, ghi nhận rằng thịt đỏ làm tăng các triệu chứng. Một đánh giá nghiên cứu vào năm 2019 cũng cho thấy chế độ ăn thực vật không bao gồm thịt đỏ có thể giúp cải thiện các triệu chứng của viêm khớp.
Tóm lại, việc nhận biết được bệnh xương khớp kiêng ăn rau gì và việc lựa chọn thực phẩm hợp lý không chỉ giúp kiểm soát các triệu chứng mà còn có thể giảm thiểu nguy cơ phát triển các biến chứng, từ đó tăng cường sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Đối với những người mắc bệnh viêm khớp, chế độ ăn uống và lối sống lành mạnh có thể đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện các triệu chứng. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc tránh thực phẩm chế biến sẵn, thịt đỏ, nhiều dầu mỡ, cũng như các loại đồ uống chứa cồn hoặc đường sẽ giúp làm giảm tình trạng viêm và đau nhức.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.