Viêm đại tràng co thắt có làm việc nặng được không là câu hỏi mà nhiều bệnh nhân đang tìm kiếm câu trả lời để điều chỉnh lối sống và công việc của mình. Vì đây là một bệnh lý mạn tính, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe tổng thể và năng suất làm việc. Vậy, những người mắc bệnh này có thể thực hiện các công việc nặng nhọc không sẽ được giải đáp trong bài viết dưới đây.
Tư vấn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Văn Quân - Khoa Ngoại Tổng hợp & Gây mê, Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng
Dạ cho e hỏi, em bị viêm đại tràng co thắt, vậy bệnh này làm việc nặng được không ạ. Vì mỗi lần em khiêng vật nặng là em bị đau thắt lên ạ.
Câu hỏi ẩn danh
Chào bạn ! Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Văn Quân - Khoa Ngoại Tổng hợp & Gây mê, Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng
Với câu hỏi “Bị viêm đại tràng co thắt có làm việc nặng được không?”, bác sĩ xin giải đáp như sau:
Làm việc gì, mức độ nặng nhẹ ra sao là tùy thể trạng, thể lực của mỗi người và tất nhiên bệnh tật cũng góp phần ảnh hưởng tới tình trạng thể trạng, thể lực. Còn về mỗi lần khiêng vật nặng bạn lại bị đau bụng nhiều nếu không thường xuyên thì bác sĩ khuyên mỗi lần đau bụng bạn nên đi khám kiểm tra. Nếu lặp đi lặp lại nhiều lần như vậy thì bác sĩ khuyên bạn mỗi lần đau bụng cũng vẫn nên đi khám kiểm tra và hạn chế khiêng vật nặng.
Bên cạnh đó, để giúp bạn có thêm thông tin tham khảo, ngoài trả lời câu hỏi “bị viêm đại tràng co thắt có làm việc nặng được không?”, dưới đây là phần giải đáp các vấn đề khác liên quan đến bệnh.
1. Viêm đại tràng co thắt là gì?
Viêm đại tràng co thắt hay còn được gọi là hội chứng ruột kích thích (IBS), là một bệnh lý rối loạn chức năng của hệ tiêu hóa, đặc trưng bởi các cơn đau bụng tái diễn liên quan đến quá trình đi ngoài và/hoặc thay đổi thói quen đại tiện.
Triệu chứng viêm đại tràng co thắt điển hình bao gồm:
- Rối loạn đại tiện: Có thể biểu hiện quá trình trạng táo bón, tiêu chảy hoặc xen kẽ cả hai.
- Chướng bụng, đầy hơi: Cảm giác khó chịu, nặng bụng.
Bệnh thường diễn tiến trở thành mạn tính, gây ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống của người bệnh, khiến bệnh nhân gặp khó khăn trong sinh hoạt hằng ngày và cảm giác bất tiện kéo dài. Mặc dù, bệnh lý này không đe dọa trực tiếp đến tính mạng nhưng bệnh gây ra nhiều tác động tiêu cực đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Các triệu chứng kéo dài ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu suất làm việc học tập và giấc ngủ.

Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, viêm đại tràng co thắt có thể làm tăng nguy cơ biến chứng và giảm sút sức khỏe lâu dài. Việc thăm khám chuyên khoa tiêu hóa là rất cần thiết để chẩn đoán và quản lý bệnh hiệu quả.
2. Dấu hiệu viêm đại tràng co thắt
Triệu chứng của viêm đại tràng co thắt thường không đặc hiệu, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác của hệ tiêu hóa. Tuy nhiên, có một số dấu hiệu điển hình mà người bệnh có thể gặp, bao gồm:
2.1. Đau bụng
Cơn đau do đại tràng co thắt thường có tính chất:
- Đau quặn bụng hoặc âm ỉ kéo dài.
- Mức độ đau thay đổi theo số lần đi đại tiện hoặc hình dạng phân.
- Cơn đau có thể tăng lên khi căng thẳng hoặc sau bữa ăn.
2.2. Rối loạn đại tiện
Người bệnh thường gặp phải những tình trạng:
- Tiêu chảy: Đi ngoài nhiều lần với phân lỏng, kèm cảm giác mót rặn.
- Táo bón: Đi ngoài khó khăn, phân khô cứng.
- Xen kẽ táo bón và tiêu chảy: Một số trường hợp có thể luân phiên giữa hai trạng thái này.
- Sau khi đi đại tiện, cơn đau bụng không giảm đáng kể, kèm cảm giác chưa đi hết phân.
2.3. Các triệu chứng khác
Nếu trong trường hợp bệnh kéo dài có thể gây ra các vấn đề như:
- Khó chịu, căng thẳng tâm lý: Người bệnh dễ cảm thấy mệt mỏi, lo âu.
- Chướng bụng, đầy hơi: Gây cảm giác nặng bụng, khó tiêu.
- Ảnh hưởng đến giấc ngủ và công việc: Một số người bệnh còn gặp tình trạng mất ngủ, giảm khả năng tập trung, mệt mỏi kéo dài.
Việc chủ động đi khám để được chẩn đoán chính xác và quản lý hiệu quả bệnh là điều rất quan trọng, giúp giảm bớt tác động tiêu cực của bệnh đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống.
3. Cách kiểm soát viêm đại tràng co thắt tại nơi làm việc
Để kiểm soát tốt triệu chứng của bệnh và duy trì hiệu quả công việc, người bệnh có thể áp dụng những biện pháp phù hợp dưới đây:
3.1. Mang theo thuốc và vật dụng cần thiết
- Thuốc điều trị viêm đại tràng co thắt: Hãy luôn giữ sẵn thuốc mà bác sĩ kê đơn hoặc các loại thuốc hỗ trợ trong túi xách hoặc tại bàn làm việc. Điều này giúp bạn xử lý kịp thời khi triệu chứng xuất hiện.
- Vật dụng cá nhân: Chuẩn bị một túi nhỏ chứa khăn giấy, khăn ướt, đồ lót thay thế và các vật dụng cần thiết khác để sử dụng khi cần thiết. Điều này giúp người bệnh tự tin hơn trong những tình huống bất ngờ.
3.2. Lên kế hoạch buổi sáng hợp lý
- Chuẩn bị thời gian đủ buổi sáng: Thức dậy sớm hơn để có thời gian ăn sáng, đi vệ sinh và chuẩn bị tinh thần trước khi bắt đầu ngày làm việc. Việc này giúp người bệnh giảm căng thẳng và hạn chế sự xuất hiện đột ngột của triệu chứng.
- Ăn sáng đúng cách: Ưu tiên những thực phẩm dễ tiêu hóa và tránh các món ăn nhiều chất béo hoặc có khả năng gây kích thích.
3.3. Lên lịch ăn uống, nghỉ trưa khoa học
- Ăn uống chậm rãi: Hãy dành thời gian nghỉ trưa đủ lâu để ăn uống từ từ, không ăn khi đang làm việc hoặc vội vã. Điều này hỗ trợ hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả và giảm nguy cơ kích thích triệu chứng.
- Không bỏ bữa: Đảm bảo không bỏ bữa trưa, vì việc này có thể làm tăng nguy cơ khó chịu đường tiêu hóa.
3.4. Tự chuẩn bị thức ăn
- Kiểm soát khẩu phần: Việc tự chuẩn bị bữa ăn từ nhà giúp người bệnh biết rõ về thành phần thực phẩm, từ đó tránh được các loại thực phẩm dễ gây kích ứng như thức ăn chứa nhiều chất béo, cay nóng hoặc chứa caffeine.
- Ưu tiên thực phẩm lành mạnh: Chọn các loại thực phẩm giàu chất xơ hòa tan, ít béo và dễ tiêu hóa như gạo lứt, yến mạch, rau củ luộc.
3.5. Uống đủ nước mỗi ngày
- Uống đủ nước: Cung cấp cho cơ thể ít nhất 8 ly nước mỗi ngày, ưu tiên nước lọc hoặc các loại đồ uống không chứa caffeine. Việc này giúp cải thiện chức năng tiêu hóa và ngăn ngừa táo bón – một triệu chứng phổ biến của IBS.
- Tránh đồ uống kích thích: Hạn chế sử dụng cà phê, trà đặc hoặc các loại nước có ga, vì có thể làm tăng triệu chứng khó chịu.
3.6. Tạo môi trường làm việc thoải mái
- Chỗ làm việc gần nhà vệ sinh: Nếu có thể, hãy chọn nơi làm việc thuận tiện để dễ dàng sử dụng nhà vệ sinh khi cần thiết.
- Giảm căng thẳng: Căng thẳng là yếu tố có thể làm triệu chứng IBS nghiêm trọng hơn. Hãy dành thời gian thư giãn, thực hành các kỹ thuật hít thở sâu hoặc thiền định để giảm áp lực tại nơi làm việc.
Việc quản lý viêm đại tràng co thắt tại nơi làm việc đòi hỏi sự chuẩn bị cẩn thận và thay đổi lối sống một cách tích cực. Thực hiện các biện pháp trên sẽ giúp người bệnh giảm thiểu sự khó chịu, nâng cao chất lượng cuộc sống và duy trì hiệu quả công việc. Đừng quên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa để nhận được phác đồ điều trị phù hợp nhất với tình trạng sức khỏe của người bệnh.

Điều trị viêm đại tràng co thắt không chỉ dừng lại ở việc kiểm soát triệu chứng mà còn cần hiểu rõ viêm đại tràng co thắt có làm việc nặng được không, phối hợp giữa chế độ ăn uống, tâm lý thoải mái và tuân thủ phác đồ điều trị từ bác sĩ chuyên khoa. Việc chủ động đi khám định kỳ là cần thiết để đánh giá tiến triển của bệnh và điều chỉnh phương pháp điều trị phù hợp.
Chúc bạn mạnh khỏe và tìm được công việc phù hợp với mình!
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.