Viêm đại tràng co thắt là một bệnh lý của đại tràng biểu hiện bằng sự rối loạn chức năng, hoàn toàn không có tổn thương thực thể ở đại tràng. Dấu hiệu viêm đại tràng co thắt trên lâm sàng có mức độ từ nhẹ đến nghiêm trọng, khá đa dạng. Triệu chứng điển hình của viêm đại tràng co thắt là cơn đau quặn bụng diễn ra thường xuyên, đại tiện thất thường, gây đau đớn khó chịu cho bệnh nhân.
1. Viêm đại tràng co thắt là bệnh như thế nào?
Viêm đại tràng co thắt (hội chứng ruột kích thích) là bệnh lý của đại tràng, xảy ra khi ruột già bị rối loạn cơ năng và không xuất hiện tổn thương thực thể. Các triệu chứng đại tràng co thắt này có tính chất dai dẳng, mãn tính và tái phát nhiều lần.
Viêm đại tràng co thắt gặp ở nữ giới nhiều hơn so với nam giới và thường ở độ tuổi từ 20 – 50 tuổi. Bệnh được đánh giá là lành tính vì không có tổn thương thực thể.
Tuy vậy, bệnh đại tràng co thắt vẫn chưa thể điều trị chấm dứt hoàn toàn. Hiện nay, để điều trị bệnh lý này chủ yếu là sử dụng thuốc và điều chỉnh lối sống lành mạnh nhằm kiểm soát được các triệu chứng và đảm bảo, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Dù không đe dọa đến tính mạng nhưng viêm đại tràng co thắt ảnh hưởng nhiều đến hiệu suất lao động, sinh hoạt, học tập, giấc ngủ,... Hơn nữa nếu không kiểm soát kịp thời, người bệnh có thể bị suy nhược, sụt cân và tăng nguy cơ mắc bệnh trĩ.
2. Triệu chứng đại tràng co thắt
Triệu chứng đại tràng co thắt khá đa dạng với mức độ từ nhẹ đến nghiêm trọng. Bệnh tiến triển dai dẳng và mãn tính, tái đi tái lại nhiều lần. Dấu hiệu điển hình của viêm đại tràng co thắt là đau bụng, tiêu chảy hoặc táo bón.
Các triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân bị viêm đại tràng co thắt:
- Tiêu chảy hoặc táo bón
- Táo bón xen kẽ với tiêu chảy cũng có thể gặp ở một số trường hợp
- Luôn cảm thấy khó chịu và chướng bụng
- Đau bụng giữa
- Có cảm giác đi tiểu không hết
- Đầy hơi
- Ăn uống kém
- Phân mềm, lỏng và có chất nhầy đi kèm
Khi các triệu chứng này xảy ra ít nhất 3 ngày/tháng và kéo dài liên tục trong 6 tháng thì có thể chẩn đoán xác định viêm đại tràng co thắt. Chính vì vậy, ba đặc điểm gồm: dai dẳng, mãn tính và tái phát được xem là điển hình của bệnh lý này.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, hầu hết các trường hợp bị viêm đại tràng co thắt khi thăm khám đều ở mức độ nhẹ đến trung bình. Tuy nhiên, dấu hiệu viêm đại tràng co thắt ở một số người bệnh có thể nặng hơn như:
- Suy nhược, sụt cân
- Thiếu máu do giảm hấp thu sắt và vi chất dinh dưỡng giảm
- Hình thành tâm lý lo lắng, căng thẳng quá mức ở bệnh nhân
Người bệnh có thể đang ở tình trạng bệnh nghiêm trọng khi xuất hiện các triệu dưới sau:
- Chảy máu trực tràng
- Tiêu chảy vào ban đêm
- Khó nuốt thức ăn
- Thiếu máu do thiếu sắt
- Sút cân nhanh mà không biết nguyên nhân
- Nôn nhiều
- Đi đại tiện nhiều lần trong ngày hoặc rối loạn nhiều ngày lại không đại tiện được
- Đau bụng thường xuyên, cơn đau quặn thắt, không thuyên giảm
Khi gặp những triệu chứng này, bệnh nhân cần ngay lập tức đi thăm khám bác sĩ để được chẩn đoán, điều trị sớm.
3. Nguyên nhân gây viêm đại tràng co thắt
Hiện nay, nguyên nhân gây bệnh vẫn chưa được xác định chính xác, song có thể khoanh vùng được những yếu tố nguy cơ chính, bao gồm:
- Rối loạn cảm giác của hệ thống thần kinh giữa ruột và não, dẫn đến tăng mẫn cảm ruột.
- Các thụ thể cảm nhận của đại tràng không ổn định, bất thường
- Tâm lý lo lắng, rối loạn cảm xúc, stress trong công việc, ...
- Rối loạn nội tiết tố gặp nhiều ở phụ nữ
- Chế độ ăn uống không điều độ, lành mạnh, ăn nhiều thực phẩm khó tiêu hay nhiều dầu mỡ,
- Sử dụng nhiều rượu, bia, thuốc lá, ma túy và các chất kích thích khác,...
4. Điều trị viêm đại tràng co thắt
Để kiểm soát được các triệu chứng viêm đại tràng co thắt, đầu tiên bệnh nhân cần loại bỏ các yếu tố nguy cơ như: ăn uống hợp lý, sinh hoạt lành mạnh, giảm lo âu, căng thẳng, mệt mỏi,...
4.1. Tạo thói quen ăn uống lành mạnh, hợp lý
Những thực phẩm cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, giúp nhuận tràng được khuyến khích bổ sung như:
- Bột yến mạch
- Thực phẩm giàu protein như: thịt, cá, trứng, sữa không chứa lactose
- Uống nhiều nước mỗi ngày, đủ 2 lít nước/ ngày
- Sữa chua rất tốt cho vi khuẩn hệ đường ruột
- Ăn nhiều trái cây và rau xanh bổ sung chất xơ và vitamin
- Hạn chế tối đa những thực phẩm chứa Sorbitol, khó tiêu hóa, thức ăn sẵn nhiều dầu mỡ, thức uống có cồn.
4.2.Giảm căng thẳng, stress
Để ngăn ngừa và giảm triệu chứng viêm đại tràng co thắt thì các biện pháp giúp giảm lo âu, stress, căng thẳng rất quan trọng, cụ thể:
- Tập hít thở sâu: giúp ổn định tâm lý người bệnh và giúp nhu động ruột hoạt động tốt hơn
- Tập thể dục mỗi ngày, tập yoga, tập thiền,....
4.3. Điều trị bằng thuốc
Nếu có các triệu chứng nghiêm trọng, bác sĩ sẽ xem xét chỉ định sử dụng các loại thuốc điều trị triệu chứng như:
- Thuốc chống co thắt đại tràng: Làm hạn chế những cơn co thắt bụng, quặn bụng.
- Thuốc nhuận tràng: giảm táo bón, ổn định nhu động ruột
- Thuốc chống trầm cảm giúp ổn định tâm lý cho bệnh nhân
- Thuốc cầm tiêu chảy: làm chậm sự co bóp cơ ruột, cầm tiêu chảy
5. Một số xét nghiệm chẩn đoán viêm đại tràng co thắt
Bệnh lý đại tràng co thắt nên được bác sĩ chuyên môn khám và đánh giá cẩn thận để có thể loại trừ các bệnh lý ác tính hoặc nguy hiểm của hệ tiêu hóa. Hiện nay, y học ngày càng phát triển, các xét nghiệm đã giúp theo dõi và loại trừ các bệnh lý nguy hiểm như: nhiễm khuẩn đường ruột, ung thư đại tràng, bệnh lý viêm đại tràng xuất huyết mãn tính,...Xét nghiệm như nội soi trực tràng hoặc đại tràng, xét nghiệm phân, sinh thiết mô học,... để chẩn đoán giúp chẩn đoán chính xác viêm đại tràng co thắt.
Dấu hiệu viêm đại tràng co thắt khá đa dạng, tái phát nhiều lần ảnh hưởng đến tâm lý, sinh hoạt của người bệnh. Nếu gặp các dấu hiệu viêm đại tràng cấp tính hãy đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.