Các bài tập phục hồi chức năng sau phẫu thuật rách sụn chêm

Mục lục

Phục hồi chức năng sau phẫu thuật rách sụn chêm đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc khôi phục khả năng vận động và giảm thiểu nguy cơ tái phát chấn thương. Trong bài viết dưới đây chúng ta sẽ cùng tìm hiểu những phương pháp tập luyện hiệu quả và các lưu ý quan trọng trong quá trình phục hồi chức năng.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.

1. Tập phục hồi chức năng sau phẫu thuật rách sụn chêm theo từng giai đoạn

1.1. Giai đoạn I (1 tuần sau phẫu thuật)

Mục tiêu:

  • Kiểm soát đau và phù nề.
  • Bắt đầu tập vận động khớp gối.
  • Tập co cơ tĩnh cơ tứ đầu đùi.

Sử dụng thuốc :

  • Giảm đau, chống phù nề.
  • Kháng sinh.
  • Xoa bóp và chườm lạnh cho khớp gối sau phẫu thuật. Mỗi lần thực hiện trong 20 phút, cách nhau 2 giờ.

Các bài tập phục hồi bao gồm:

  • Bệnh nhân sẽ mang nẹp đùi cẳng chân có khớp gối duỗi hoàn toàn để tránh ảnh hưởng đến sụn chêm đã được phẫu thuật. Nẹp cần được giữ cả ngày lẫn đêm bao gồm cả khi ngủ.
  • Bệnh nhân có thể bắt đầu tập vận động gập duỗi gối ngay từ ngày thứ 2 sau phẫu thuật nhưng không được gập gối quá 90 độ (nên tháo nẹp khi tập). Gối có thể được gập khi bệnh nhân ngồi và không đi lại.
  • Tập gồng cơ đùi trong tư thế gối duỗi hoàn toàn, thực hiện 20 lần, mỗi lần giữ trong 5 giây, khoảng 3 liệu trình mỗi ngày. Có thể sử dụng kích thích điện để hỗ trợ.
  • Tập duỗi thẳng khớp gối trong tư thế nằm hoặc ngồi, cố gắng giữ trong 5 phút và thực hiện 3 lần mỗi ngày.
  • Khi đeo nẹp, bệnh nhân cũng cần tập vận động khớp háng (dạng, khép háng) và khớp cổ chân (gấp, duỗi, xoay trong và xoay ngoài).
  • Bệnh nhân sẽ sử dụng nạng khi đi bộ (mang nẹp duỗi gối hoàn toàn) và tăng dần trọng lượng lên chân phẫu thuật. Bệnh nhân có thể chịu trọng lượng hoàn toàn khi không cảm thấy đau ở khớp gối. 
Các bài tập phục hồi chức năng sau phẫu thuật rách sụn chêm giai đoạn đầu giúp kiểm soát cơn đau và giảm phù nề.
Các bài tập phục hồi chức năng sau phẫu thuật rách sụn chêm giai đoạn đầu giúp kiểm soát cơn đau và giảm phù nề.

1.2. Giai đoạn II (2 đến 6 tuần sau phẫu thuật)

Mục tiêu của phục hồi chức năng sau phẫu thuật rách sụn chêm bao gồm:

  • Bảo vệ khớp gối để tránh vận động quá mức và hỗ trợ quá trình lành vết thương.
  • Khôi phục tầm vận động của khớp với giới hạn gập gối không quá 90 độ.
  • Bắt đầu tập để tăng cường sức mạnh cơ.
  • Tiếp tục các biện pháp giảm sưng đau nếu cần.

Các bài tập:

  • Tập gồng cơ tứ đầu đùi, thực hiện 20 lần, mỗi lần giữ trong 5 giây, tập 3 liệu trình mỗi ngày.
  • Tập duỗi thẳng khớp gối, giữ mỗi lần trong 5 phút, thực hiện 3 lần mỗi ngày.
  • Tập gập duỗi khớp gối khi tháo nẹp, gập không quá 90 độ, thực hiện 20 động tác, 3 lần mỗi ngày.
  • Nằm với chân duỗi thẳng:  
    • Co cơ tĩnh toàn bộ chân phẫu thuật.
    • Nâng chân lên khỏi mặt giường.
    • Có thể đặt một gối dưới khớp gối, gồng cơ để nâng chân thẳng, giữ trong 5 giây, sau đó gập gối xuống.
    • Vận động khớp cổ chân.
    • Dạng và khép khớp háng với gối duỗi thẳng.
  • Đứng :  
    • Chịu trọng lượng lên chân phẫu thuật.
    • Nhún chân, chịu trọng lượng lên mũi chân, giữ trong 1 giây, thực hiện khoảng 20 lần.
    • Tập xuống tấn với gối gập 45 độ, giữ trong 5 giây, sau đó từ từ đứng lên, thực hiện khoảng 20 lần.
  • Khi đi lại: Đi bộ với nẹp đeo trên gối duỗi thẳng và sử dụng nạng để chịu trọng lượng lên chân phẫu thuật. Nếu cảm thấy đau ở khớp gối, hãy giảm trọng lượng tỳ vào chân phẫu thuật hoặc có thể gập gối khi ngồi. Sau 4 tuần, bệnh nhân có thể bỏ nẹp duỗi gối khi đi lại.

1.3. Giai đoạn III (sau 6 đến 12 tuần).

Mục tiêu:  

  • Tăng dần trọng lượng tỳ vào chân phẫu thuật.  
  • Khôi phục hoàn toàn tầm vận động của khớp gối.  
  • Tập để tăng cường sức mạnh cơ bắp và sức bền.
  • Tránh sưng đau do tập quá mức.

Các bài tập:

  • Bài tập gập duỗi khớp gối chủ động giúp khôi phục tầm vận động bình thường của khớp gối.
  • Bắt đầu bỏ nạng và tập đi bộ chậm.
  • Tiếp tục thực hiện các bài tập từ giai đoạn trước.
  • Tập đứng chịu lực hoàn toàn trên chân phẫu thuật.
  • Tập xuống tấn: Gập gối đến 90 độ, giữ trong 5 giây, sau đó từ từ đứng lên.
  • Tập đứng dậy từ từ từ tư thế ngồi trên ghế.
  • Tập vận động gập duỗi gối với sức cản (trên máy tập hoặc dụng cụ hỗ trợ, tránh xoắn vặn khớp gối).
  • Tập lên xuống cầu thang.
  • Tập đạp xe từ 10 đến 20 phút.
  • Trong giai đoạn này, không nên tập chạy hoặc tham gia các hoạt động thể thao.

1.4. Giai đoạn IV (sau 4 tháng phẫu thuật).

  • Bệnh nhân bắt đầu tập chạy.
  • Tăng cường các bài tập plyometrics.
  • Tham gia các chương trình tập bơi.
  • Sau 3-5 tháng, bệnh nhân có thể bắt đầu tập thể thao nhẹ nhàng.
  • Sau 6 tháng, bệnh nhân sẽ trở lại với các hoạt động thể thao bình thường.
  • Sử dụng thuốc bổ sung khi khớp gối bị sưng nề. Khi đó, ngừng tập vận động khớp gối, chườm lạnh và dùng thuốc chống viêm để giảm phù nề. Khi khớp gối không còn sưng nề, bệnh nhân có thể tiếp tục tập vận động bình thường. 
Trong quá trình luyện tập phục hồi bệnh nhân có thể sử dụng thuốc bổ sung để giảm phù nề.
Trong quá trình luyện tập phục hồi bệnh nhân có thể sử dụng thuốc bổ sung để giảm phù nề.

Việc tập luyện cần phải phù hợp với khả năng chịu đựng của từng bệnh nhân, không nên cố gắng quá sức. Trong quá trình tập luyện và di chuyển, bệnh nhân nên lưu ý tránh ngã và va chạm nhằm giảm thiểu nguy cơ làm nặng thêm chấn thương và kéo dài thời gian phục hồi.

2. Lưu ý khi tập phục hồi chức năng sau phẫu thuật rách sụn chêm

Trong quá trình tập phục hồi chức năng sau phẫu thuật rách sụn chêm, bệnh nhân cần chú ý những điều dưới đây:

  • Bệnh nhân có thể gập và duỗi người nếu không gây đau vào vài tuần đầu tiên. Tuy nhiên, người bệnh cần lưu ý không cố gắng gập hoặc duỗi gối quá sức vì sẽ ảnh hưởng đến quá trình phục hồi.  
  • Tránh ngồi duỗi thẳng khớp gối trong tháng đầu tiên hoặc đến khi được chuyên viên vật lý trị liệu đề nghị.
  • Hãy chườm lạnh và đặt chân đúng tư thế để kiểm soát tình trạng sưng.
  • Duy trì chương trình tập luyện tim phổi theo hướng dẫn của chuyên viên vật lý trị liệu.

3. Mốc thời gian theo dõi và tái khám cần ghi nhớ

Tái khám lần 1: 2 tuần sau phẫu thuật.

Các lần sau: 1 tháng 1 lần đến 4 tháng sau phẫu thuật.

Các chỉ số cần theo dõi:

  • Dấu hiệu đau khi đứng, đi lại.
  • Tầm vận động của khớp.
  • Cơ lực chân phẫu thuật.

Sau khi phẫu thuật rách sụn chêm, bệnh nhân cần chú ý luyện tập phục hồi theo đúng hướng dẫn của chuyên viên vật lý trị liệu. Đồng thời, người bệnh nên thường xuyên theo dõi và tái khám định kỳ để có biện pháp xử lý kịp thời nếu có các dấu hiệu bất thường. 

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ