Cách chữa viêm mũi dị ứng tại nhà là một vấn đề được nhiều người quan tâm các triệu chứng của bệnh gây ra nhiều bất tiện cho bệnh nhân. Các triệu chứng khó chịu của bệnh bao gồm hắt hơi liên tục khi tiếp xúc với các dị nguyên, tăng tiết dịch mũi và viêm nhiễm,,... Hãy cùng tìm hiểu chi tiết về các phương pháp điều trị bệnh tại nhà qua bài viết dưới đây.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Miễn Dịch Dị Ứng - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1.Viêm mũi dị ứng là bệnh gì?
Viêm mũi dị ứng là một tình trạng bệnh lý về hô hấp khá phổ biến, thường xảy ra khi niêm mạc trong mũi tiếp xúc với các dị nguyên như bụi, lông động vật, phấn hoa, khiến người bệnh có các triệu chứng như hắt hơi nhiều, tăng tiết dịch mũi và viêm nhiễm. Dù tương đối lành tính nhưng bệnh vẫn gây ra nhiều sự khó chịu trong cuộc sống hàng ngày của người bệnh.
Các nguyên nhân chính gây ra viêm mũi dị ứng bao gồm cơ địa nhạy cảm của bệnh nhân và việc tiếp xúc thường xuyên với các chất dị ứng như bụi mịn, lông thú, phấn hoa và các thực phẩm như hải sản, sữa hoặc thậm chí một số loại thuốc.
Triệu chứng của viêm mũi dị ứng bao gồm hắt hơi liên tục, chảy nước mũi, ngứa mũi đi kèm ngứa vùng cổ và mắt, đôi khi còn có ho, tắc nghẽn mũi, chảy nước mắt, đôi khi có viêm họng và mắt thâm quầng, cùng với cảm giác mệt mỏi.

Để điều trị viêm mũi dị ứng, điều quan trọng là phải hạn chế tối đa tiếp xúc với các nguyên nhân gây bệnh. Bên cạnh đó, người bệnh cũng có thể áp dụng các biện pháp điều trị đơn giản tại nhà như dùng nước muối sinh lý để rửa mũi, uống thuốc chống dị ứng theo chỉ định của bác sĩ trong các trường hợp có triệu chứng nhẹ và trung bình.
2.Cách chữa viêm mũi dị ứng tại nhà đơn giản và hiệu quả
Để điều trị viêm mũi dị ứng tại nhà một cách lành tính, đơn giản mà hiệu quả, người bệnh có thể áp dụng các phương pháp sau:
2.1. Sử dụng nước muối sinh lý
Nước muối sinh lý giúp làm sạch khoang mũi, loại bỏ dịch nhầy và các bụi bẩn bám trên niêm mạc mũi. Việc giữ cho mũi được vệ sinh sạch sẽ sẽ hạn chế tình trạng viêm nhiễm và giảm các triệu chứng như hắt hơi, ngứa mũi. Bệnh nhân nên thực hiện theo các bước vệ sinh mũi đúng cách để tránh tổn thương niêm mạc và ngăn ngừa dịch nhầy chảy xuống họng gây viêm họng.
2.2. Dùng tinh bột nghệ (Curcumin)
Nghệ là một loại gia vị giàu curcumin, có khả năng chống viêm và tăng cường hệ miễn dịch. Sử dụng tinh bột nghệ có thể giúp làm giảm các triệu chứng hắt hơi, sổ mũi và ngứa mũi do viêm mũi dị ứng. Mọi người có thể thêm tinh bột nghệ vào thực phẩm hàng ngày hoặc pha với mật ong và nước ấm để uống mỗi buổi sáng.

2.3. Bổ sung thực phẩm giàu vitamin C
Thực phẩm giàu vitamin C như cam, bưởi, chanh, ổi, dâu tây và mâm xôi có tác dụng chống oxy hóa và cải thiện hệ miễn dịch. Bổ sung những thực phẩm này vào chế độ ăn uống hàng ngày là một cách hữu hiệu để hỗ trợ điều trị viêm mũi dị ứng.
2.4. Bổ sung thực phẩm giàu Quercetin
Quercetin là một loại flavonoid có tác dụng chống oxy hóa và làm giảm phản ứng dị ứng bằng cách ức chế các chất gây viêm. Các thực phẩm giàu quercetin bao gồm bông cải xanh, táo, nho và thảo mộc tự nhiên. Việc bổ sung những thực phẩm này vào chế độ ăn uống có thể cải thiện đáng kể các triệu chứng viêm mũi dị ứng.
2.5. Sử dụng men vi sinh như một cách chữa viêm mũi dị ứng tại nhà
Men vi sinh không chỉ có lợi cho hệ tiêu hóa mà còn củng cố hệ thống miễn dịch, giúp cơ thể chống lại các tác nhân gây viêm mũi dị ứng. Lactobacillus acidophilus là một trong những loại lợi khuẩn có nhiều trong các sản phẩm sữa chua và đồ uống lên men, rất tốt cho những người bị viêm mũi dị ứng.
2.6. Xông mặt
Xông hơi mặt với nước ấm và tinh dầu như bạc hà, tràm hoặc sả chanh có thể giảm triệu chứng ngạt mũi và chảy nước mũi, đồng thời làm sạch khoang mũi. Cách thực hiện như sau:
- Đổ nước nóng vào bát, thêm 2-3 giọt tinh dầu.
- Cúi mặt gần bát nước và dùng khăn trùm qua đầu để cảm nhận hơi nước có kèm tinh dầu đi vào trong khoang mũi khi hít thở.
- Xông mặt trong khoảng 10 phút để cảm nhận sự khoan khoái, dễ chịu.
2.7. Sử dụng mật ong
Nghiên cứu cho thấy, việc uống khoảng 20g mật ong mỗi ngày có thể giảm các triệu chứng như ngứa mũi và hắt hơi do viêm mũi dị ứng.

2.8. Dùng tía tô
Acid rosmarinic trong tía tô có tác dụng chống dị ứng và chống viêm, giúp cải thiện các triệu chứng viêm mũi dị ứng. Luteolin trong tía tô cũng có tác dụng bảo vệ khoang mũi và phổi khỏi các tổn thương do dị ứng.
2.9. Dùng gừng như một cách chữa viêm mũi dị ứng tại nhà
Dịch chiết từ gừng có hiệu quả tương tự như loratadin, một loại thuốc chống dị ứng. 6-gingerol trong gừng có thể giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng như hắt hơi và ngứa mũi, chính vì thế người bị viêm mũi dị ứng có thể thêm gừng vào các bữa ăn hoặc uống trà gừng mỗi ngày.
Viêm mũi dị ứng là một căn bệnh rất dễ tái phát nếu không được điều trị đúng cách. Các cách chữa viêm mũi dị ứng tại nhà chỉ được áp dụng để hỗ trợ điều trị trong các trường hợp nhẹ. Bệnh nhân vẫn nên đến các cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị đúng cách.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.