Nhận biết sớm các dấu hiệu ung thư xương vai giúp tăng cơ hội điều trị thành công và ngăn ngừa các biến chứng nặng nề. Tuy nhiên, do các triệu chứng ung thư xương bả vai ban đầu thường không rõ ràng, nhiều người dễ bỏ qua hoặc nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Bài viết này sẽ đề cập đến những dấu hiệu đặc trưng của ung thư xương vai nhằm sớm phát hiện và xử lý bệnh hiệu quả.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Ung Bướu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Dịch tễ học ung thư xương vai
Ung thư xương vai là một dạng ung thư xương khá hiếm, ít gặp hơn so với ung thư xương ở các vị trí khác trong cơ thể. Theo một nghiên cứu, ung thư xương vai chiếm khoảng 3,6% trong tổng số các ca mắc u xương.
Các nghiên cứu trước đây cho thấy khối u xuất hiện ở bả vai có nguy cơ ác tính cao hơn so với các khu vực lân cận như đầu trên của xương cánh tay hoặc xương đòn. Tuy nhiên, hiện vẫn còn ít nghiên cứu mô tả cụ thể về tỷ lệ mắc, đặc điểm lâm sàng và các yếu tố nghi ngờ ác tính của ung thư xương vai.
Bệnh nhân mắc ung thư xương vai thường phát hiện bệnh muộn do xương bả vai được bao phủ bởi nhiều gân cơ, làm cho việc chẩn đoán qua sinh thiết u xương trở nên khó khăn hơn. Điều này cũng khiến việc phân biệt ung thư xương vai nguyên phát với ung thư xương thứ phát (di căn từ cơ quan khác) trở nên phức tạp.
Hiện nay, sự phát triển của chẩn đoán hình ảnh đã hỗ trợ đáng kể trong việc phát hiện ung thư xương vai và các bất thường khác trong khu vực này, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong việc đánh giá lại tỷ lệ mắc bệnh và phát hiện các tổn thương mới có khả năng ác tính.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng các khối u nguyên phát ở xương bả vai có xu hướng ác tính cao hơn lành tính. Các loại ung thư xương vai thường gặp bao gồm chondrosarcoma, osteosarcoma và sarcoma Ewing. Trong đó, chondrosarcoma là khối u ác tính phổ biến nhất ở vùng vai, còn osteochondroma là loại u lành tính thường gặp nhất ở khu vực này.
2. Dấu hiệu ung thư xương vai
2.1. Sờ thấy khối u vùng vai
Triệu chứng ung thư xương bả vai thường khiến bệnh nhân phải đến cơ sở y tế khám là khi tự phát hiện một khối cứng chắc ở vùng vai. Khối u này xuất hiện mà không do chấn thương, kích thước có xu hướng lớn dần theo thời gian và có thể gây đau hoặc không đau cho bệnh nhân.
Nếu khối u nằm trong khớp vai hoặc khu vực lân cận, bệnh nhân có thể gặp tình trạng sưng, đau nhức ở vai và hạn chế phạm vi vận động của khớp.
Bệnh nhân phát hiện khối u vùng vai nên đi khám ngay để được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời.
2.2. Đau nhức xương bả vai
Đau nhức là một trong những triệu chứng ung thư xương bả vai phổ biến. Ban đầu, bệnh nhân thường cảm thấy đau âm ỉ, không liên tục. Tuy nhiên, theo thời gian, cơn đau trở nên kéo dài và dai dẳng, tăng lên khi vận động, gây ảnh hưởng đến công việc và sinh hoạt hàng ngày.
Tuy nhiên, đau nhức xương vai không phải là dấu hiệu ung thư xương vai đặc trưng mà cũng có thể xuất hiện trong nhiều bệnh lý khác như viêm khớp, thoái hóa khớp, loãng xương,... Điều quan trọng là bệnh nhân cần thăm khám để xác định nguyên nhân gây đau xương vai, đặc biệt trong các trường hợp:
- Đau xương vai tái diễn nhiều lần.
- Cơn đau tăng lên vào ban đêm.
- Đau không đáp ứng hoặc đáp ứng kém với thuốc giảm đau.
- Đau không rõ nguyên nhân.

2.3. Gãy xương bệnh lý
Ung thư xương vai có thể được phát hiện tình cờ sau một chấn thương nhẹ vùng vai dẫn đến gãy xương, hiện tượng này được gọi là gãy xương bệnh lý. Bệnh lý ung thư khiến xương ở vai trở nên yếu và dễ gãy, chỉ cần một tác động nhẹ cũng có thể gây tổn thương xương.
2.4. Mệt mỏi
Mệt mỏi là dấu hiệu ung thư xương vai phổ biến. Bệnh nhân thường cảm thấy mệt mỏi, suy yếu và thiếu năng lượng mà không rõ lý do, tình trạng này có xu hướng trở nên nghiêm trọng hơn nếu bệnh không được phát hiện và điều trị kịp thời.
2.5. Sụt cân
Sụt cân không chủ ý là một trong những dấu hiệu ung thư xương vai mà không nên bỏ qua. Nếu bệnh nhân không theo chế độ ăn kiêng hay luyện tập để giảm cân nhưng cân nặng vẫn giảm đột ngột trong thời gian ngắn, người bệnh nên đến phòng khám hoặc bệnh viện để kiểm tra các dấu hiệu bất thường.
2.6. Sốt, đổ mồ hôi ban đêm
Sốt là một triệu chứng ung thư xương bả vai hiếm gặp. Ngoài ra, bệnh nhân có thể thường xuyên bị đổ mồ hôi vào ban đêm, khiến bệnh nhân ngủ không ngon và sức khỏe giảm sút.
2.7. Thay đổi thói quen đường ruột
Một số thay đổi ở sức khỏe đường ruột cũng là dấu hiệu ung thư xương vai. Những thay đổi này bao gồm táo bón, phân loãng hoặc có bọt khí, thường xuyên tiêu chảy có lẫn máu trong phân.
3. Cận lâm sàng, xét nghiệm chẩn đoán ung thư xương vai
3.1. X quang xương bả vai thẳng, nghiêng
X-quang là phương pháp đầu tiên được sử dụng để chẩn đoán các bất thường ở xương (trừ khi bệnh nhân thuộc nhóm chống chỉ định với tia X). Trên hình ảnh X-quang, ung thư xương vai thường xuất hiện với bờ khối u mỏng, yếu, không đều, thậm chí có thể không nhìn thấy rõ bờ u, kèm theo dấu hiệu hủy xương hoặc tiêu xương.
Các biểu hiện tiêu xương trên X-quang có thể bao gồm: hình ảnh nang xương, dấu hiệu gặm nhấm hoặc thậm chí mất hoàn toàn canxi trong xương, dẫn đến tình trạng gãy xương bệnh lý trên lâm sàng.
3.2. Chụp cắt lớp vi tính vùng vai và toàn thân (CT scan)
Chụp cắt lớp vi tính (CT) vùng vai cũng sử dụng tia X nhưng cho phép phát hiện tổn thương xương rõ ràng và chính xác hơn, giúp xác định vị trí, hình dạng và kích thước của khối u ở vùng vai.
Chụp cắt lớp vi tính toàn thân còn giúp phát hiện các vị trí ung thư nguyên phát di căn đến xương hoặc xác định tổn thương thứ phát do ung thư xương nguyên phát di căn đến các khu vực khác trong cơ thể.
3.3. Chụp cộng hưởng từ (MRI)
Bên cạnh chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ (MRI) cũng là một xét nghiệm hữu ích để phát hiện dấu hiệu ung thư xương vai, giúp đánh giá khối u ở vùng vai và các mô mềm lân cận.
3.4. Chụp PET/CT
Nhờ sự phát triển của y học hiện đại, PET/CT đã trở thành một kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh tiên tiến, cho phép khảo sát các tổn thương nghi ngờ là ác tính.
3.5. Xạ hình xương (bone scan)
Xạ hình xương là kỹ thuật giúp phát hiện các tổn thương xương ác tính bao gồm ung thư xương nguyên phát và tổn thương di căn xương từ các loại ung thư nguyên phát khác.
3.6. Giải phẫu bệnh
Bệnh nhân phát hiện u xương cần được sinh thiết tại vị trí tổn thương nghi ngờ để làm mô bệnh học nhằm xác định chẩn đoán. Ung thư xương vai chỉ được xác nhận khi có kết quả mô bệnh học.
4. Điều trị ung thư xương vai
4.1. Phẫu thuật
Phẫu thuật là phương pháp điều trị chính cho ung thư xương vai. Tuy nhiên, tùy vào giai đoạn bệnh, triệu chứng ung thư xương bả vai, đặc điểm bệnh học và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, bác sĩ sẽ quyết định phương pháp cụ thể, chẳng hạn như phẫu thuật cắt bỏ tổn thương xương hoặc cắt cụt chi.

4.2. Điều trị toàn thân
Các phương pháp điều trị toàn thân bao gồm:
- Hóa trị: Phương pháp sử dụng hóa chất để tiêu diệt tế bào ung thư, ngăn chặn quá trình phân chia và phát triển của chúng.
- Liệu pháp nhắm trúng đích: Ngăn cản sự phát triển và nhân lên của tế bào ung thư, đồng thời hạn chế tác động đến các tế bào khỏe mạnh.
- Liệu pháp miễn dịch: Tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể để giúp chống lại ung thư.
4.3. Xạ trị
Xạ trị được chỉ định nhằm giảm triệu chứng ung thư xương bả vai (như đau) và ngăn ngừa gãy xương trong điều trị ung thư xương vai.
Nhận biết sớm các dấu hiệu ung thư xương vai đóng vai trò quan trọng trong việc điều trị hiệu quả và nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân. Phát hiện triệu chứng ung thư xương bả vai và điều trị sớm không chỉ tăng khả năng thành công trong điều trị mà còn giảm thiểu biến chứng, giúp bệnh nhân có cơ hội phục hồi tốt hơn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.