Các giai đoạn của bệnh bạch cầu là gì? Những điều cần biết

Mục lục

Hiểu rõ các giai đoạn của bệnh bạch cầu là yếu tố quan trọng trong quá trình chẩn đoán và điều trị vì mỗi giai đoạn biểu hiện mức độ tiến triển khác nhau của bệnh. Phân chia giai đoạn giúp bác sĩ đánh giá mức độ nghiêm trọng, xác định phương pháp điều trị phù hợp và dự đoán tiên lượng cho bệnh nhân.  

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sỹ thuộc Trung tâm Ung bướu Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.

1. Các loại bệnh bạch cầu thường gặp

Bệnh bạch cầu là một loại ung thư tế bào máu, xảy ra khi cơ thể sản xuất một lượng quá nhiều tế bào bạch cầu. Những tế bào bạch cầu này phát triển nhanh chóng và ngăn chặn sự phát triển của các tế bào khác. Bệnh bạch cầu biểu hiện dưới bốn dạng chính:

  • Bệnh bạch cầu cấp tính dòng lympho (ALL): Dạng bệnh bạch cầu này phát triển nhanh chóng và biến các tế bào miễn dịch khỏe mạnh thành các tế bào bạch cầu ung thư, xảy ra chủ yếu ở trẻ em.
  • Bệnh bạch cầu cấp tính dòng tế bào tủy xương (AML): Bắt nguồn từ tủy xương, AML là dạng phổ biến nhất của bệnh bạch cầu, ảnh hưởng đến cả trẻ em và người lớn. Nếu không được điều trị, bệnh sẽ tiến triển nhanh chóng do sự sản xuất liên tục của các tế bào bạch cầu mới.
  • Bệnh bạch cầu mãn tính dòng Lympho (CLL): Thường được chẩn đoán ở người trên 55 tuổi. Dạng bệnh bạch cầu này làm thay đổi các tế bào miễn dịch như bệnh bạch cầu cấp tính dòng Lympho (ALL) nhưng tiến triển chậm hơn.
  • Bệnh bạch cầu mãn tính dòng tế bào tủy xương (CML): Bệnh bắt nguồn từ tủy xương nhưng tiến triển chậm hơn so với bệnh bạch cầu cấp tính dòng tế bào tủy xương (AML) và chủ yếu được phát hiện ở người lớn. 
Bệnh bạch cầu là một dạng ung thư tế bào máu gây nguy hiểm tính mạng.
Bệnh bạch cầu là một dạng ung thư tế bào máu gây nguy hiểm tính mạng.

2. Các giai đoạn của bệnh bạch cầu cấp tính dòng Lympho (ALL)

Bệnh bạch cầu cấp tính dòng Lympho (ALL) thường được phân loại dựa trên số lượng tế bào bạch cầu phát hiện trong quá trình chẩn đoán. Bệnh này liên quan đến các tế bào bạch cầu chưa trưởng thành và có xu hướng lan rộng nhanh chóng.

Loại bệnh bạch cầu này có thể xảy ra cả ở người lớn và trẻ em. Các bác sĩ không sử dụng các số liệu phân loại truyền thống cho cả hai nhóm này.

2.1. Các giai đoạn của bệnh bạch cầu ở trẻ em

Trẻ em được chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu cấp tính dòng Lympho sẽ được phân vào các nhóm rủi ro. Có hai nhóm rủi ro chính như sau:

  • Nhóm rủi ro thấp: Trẻ em dưới 10 tuổi có số lượng tế bào bạch cầu (WBC) dưới 50.000 được phân vào nhóm rủi ro thấp. Thông thường, trẻ em có tỉ lệ sống sót cao hơn so với người lớn khi mắc bệnh bạch cầu cấp tính dòng Lympho. Ngoài ra, số lượng tế bào bạch cầu thấp hơn tại thời điểm chẩn đoán có liên quan đến tỉ lệ sống sót cao hơn.
  • Nhóm rủi ro cao: Trẻ em có số lượng tế bào bạch cầu vượt quá 50.000 hoặc tuổi từ 10 tuổi trở lên được phân loại vào nhóm rủi ro cao. 
Nắm rõ các giai đoạn của bệnh bạch cầu cấp tính dòng Lympho để hiểu rõ hơn về tình trạng của trẻ.
Nắm rõ các giai đoạn của bệnh bạch cầu cấp tính dòng Lympho để hiểu rõ hơn về tình trạng của trẻ.

2.2. Các giai đoạn ở người lớn

Ở người lớn bệnh bạch cầu cấp tính dòng Lympho được chia thành ba giai đoạn:

2.2.1. Chưa được điều trị

Khi được chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu cấp tính dòng Lympho, người bệnh sẽ ở giai đoạn "chưa được điều trị." Thuật ngữ này có nghĩa là chẩn đoán vừa được xác nhận gần đây và người bệnh chưa bắt đầu điều trị để tiêu diệt tế bào ung thư.

2.2.2. Thuyên giảm

Giai đoạn thuyên giảm trong bệnh bạch cầu cấp tính dòng Lympho bắt đầu sau khi bệnh nhân đã trải qua các liệu pháp điều trị. Bệnh nhân được coi là thuyên giảm khi:

  • Tế bào ung thư trong tủy xương giảm xuống 5% hoặc ít hơn.
  • Số lượng bạch cầu ở mức bình thường.
  • Không còn triệu chứng của bệnh.

Trong giai đoạn này, bệnh nhân có thể cần làm thêm các xét nghiệm để kiểm tra xem có còn tế bào ung thư nào sót lại trong cơ thể hay không.

Giai đoạn thuyên giảm có hai loại phụ bao gồm:

  • Thuyên giảm phân tử hoàn toàn: Khi không có dấu hiệu ung thư trong tủy xương.
  • Bệnh tồn lưu tối thiểu (MDR): Khi còn bằng chứng về ung thư trong tủy xương, dù số lượng rất nhỏ.

Bệnh nhân có MRD có nguy cơ tái phát ung thư cao hơn, vì vẫn còn một số tế bào ung thư tồn tại. Nếu bệnh nhân được chẩn đoán có MRD, bác sĩ sẽ cần theo dõi chặt chẽ để phát hiện sớm nếu bệnh tiến triển trở lại và bệnh nhân không còn ở trạng thái thuyên giảm.

2.2.3. Tái phát

Giai đoạn này xảy ra khi bệnh bạch cầu trở lại sau giai đoạn thuyên giảm. Bệnh nhân sẽ cần thêm một loạt các kiểm tra và cần điều trị nhiều hơn trong giai đoạn này.

3. Bệnh bạch cầu cấp tính dòng tế bào tủy xương (AML)

Bệnh bạch cầu cấp tính dòng tế bào tủy xương (AML) phát triển nhanh chóng và lan rộng khắp hệ tuần hoàn máu, ảnh hưởng đến cả trẻ em và người lớn. Tuy nhiên, trẻ em thường có tỷ lệ sống sót tốt hơn.

Bác sĩ thường không phân loại bệnh bạch cầu theo giai đoạn, mà phân loại thành các dạng con dựa trên mức độ trưởng thành và nguồn gốc của tế bào ung thư trong cơ thể.

Theo hệ thống phân loại Pháp-Mỹ-Anh (FAB) bệnh bạch cầu cấp tính dòng tế bào tủy xương được chia thành 9 loại phụ:

  • M0: Bạch cầu không biệt hóa
  • M1: Bạch cầu cấp dòng nguyên tủy bào không biệt hóa
  • M2: Bạch cầu dòng nguyên tủy bào có biệt hóa  
  • M3: Bạch cầu cấp dòng tiền nguyên tủy bào
  • M4: Bạch cầu cấp dòng nguyên tủy bào đơn nhân
  • M4 eos: Bạch cầu tủy bào cấp tính kèm tăng bạch cầu ái toan
  • M5: Bạch cầu đơn nhân to
  • M6: Bệnh tăng sinh nguyên hồng cầu
  • M7: Bạch cầu cấp dòng mẫu tiểu cầu

Các phân nhóm trong hệ thống FAB được phân loại dựa trên nguồn gốc của tế bào ung thư:

  • M0 đến M5: Bắt nguồn từ tế bào bạch cầu.
  • M6: Bắt nguồn từ tế bào hồng cầu.
  • M7: Bắt nguồn từ tế bào tiểu cầu.

Hệ thống FAB không phân chia bệnh theo giai đoạn nên số phân nhóm (M0 đến M7) không biểu thị tiên lượng sống. Tuy nhiên, từng phân nhóm có tiên lượng khác nhau:

  • Tỉ lệ sống sót cao: Các phân nhóm M1, M2, M3 và M4eos. M3 có tiên lượng tốt nhất.
  • Tỉ lệ sống sót trung bình: Các phân nhóm M4 và M5.
  • Tỉ lệ sống sót thấp: Các phân nhóm M0, M6 và M7 có tiên lượng xấu hơn.

Ngoài ra, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phát triển thêm các phân nhóm AML dựa trên yếu tố di truyền, tiền sử hóa trị/xạ trị và tình trạng sản xuất tế bào máu. Việc kết hợp phân loại WHO và FAB giúp bác sĩ lập kế hoạch điều trị cá nhân hóa tối ưu cho từng bệnh nhân.

4. Bệnh bạch cầu mãn tính dòng lympho (CLL)

Bệnh bạch cầu mãn tính dòng Lympho (CLL) là một loại bệnh bạch cầu phát triển chậm, ảnh hưởng đến các tế bào bạch cầu trưởng thành. Do tiến triển chậm, CLL thường được phân loại theo giai đoạn giống các loại ung thư khác thay vì phân loại như bệnh bạch cầu cấp tính dòng Lympho (ALL) hoặc bệnh bạch cầu mãn tính dòng tủy (CML).

4.1. Các giai đoạn của bệnh bạch cầu mãn tính dòng lympho dựa trên hệ thống RAI

Hệ thống phân loại RAI được bác sĩ sử dụng để đánh giá giai đoạn của bệnh bạch cầu mãn tính dòng Lympho (CLL) dựa trên ba yếu tố:

  • Số lượng tế bào lympho bất thường trong cơ thể.
  • Số lượng tế bào hồng cầu và tiểu cầu.
  • Tình trạng phì đại của hạch bạch huyết, lá lách, hoặc gan.

Các giai đoạn của CLL trong hệ thống RAI tiến triển từ rủi ro thấp đến cao như sau:

  • Giai đoạn 0 (rủi ro thấp): Số lượng tế bào lympho bất thường tăng cao trong máu hoặc tủy xương, nhưng các chỉ số hồng cầu và tiểu cầu vẫn bình thường, không có tình trạng phì đại hạch bạch huyết, gan, hoặc lá lách.
  • Giai đoạn I (rủi ro trung bình): Số lượng tế bào lympho bất thường cao và hạch bạch huyết phì đại. Gan, lá lách, hồng cầu và tiểu cầu vẫn bình thường.
  • Giai đoạn II (rủi ro trung bình): Số lượng tế bào lympho bất thường cao kèm theo gan hoặc lá lách phì đại (có thể có hoặc không kèm theo hạch bạch huyết phì đại).
  • Giai đoạn III (rủi ro cao): Số lượng tế bào lympho bất thường cao kèm với thiếu máu (số lượng hồng cầu thấp). Có thể có tình trạng phì đại hạch bạch huyết, gan, hoặc lá lách.
  • Giai đoạn IV (rủi ro cao): Số lượng tế bào lympho bất thường cao, kèm với số lượng tiểu cầu thấp. Có thể có phì đại hạch bạch huyết, gan, hoặc lá lách.

Ở các giai đoạn cao hơn, bệnh nhân có nguy cơ gặp nhiều biến chứng hơn với tình trạng thiếu hồng cầu và tiểu cầu, ảnh hưởng xấu đến khả năng sống sót.

4.2. Phân giai đoạn dựa trên hệ thống binet

Hệ thống phân loại Binet là một phương pháp khác để xác định giai đoạn của bệnh bạch cầu mãn tính dòng Lympho (CLL), dựa trên số lượng nhóm mô bị hạch bạch huyết xâm nhập và tình trạng thiếu máu hoặc đông máu bất thường. Hệ thống Binet gồm ba giai đoạn:

  • Giai đoạn A Binet: Dưới ba khu vực mô bị hạch bạch huyết xâm nhập và không có dấu hiệu thiếu máu hoặc vấn đề đông máu.
  • Giai đoạn B Binet: Có ba hoặc nhiều khu vực mô bị hạch bạch huyết xâm nhập, nhưng vẫn không có thiếu máu hay bất thường về đông máu.
  • Giai đoạn C Binet: Có dấu hiệu thiếu máu, vấn đề đông máu hoặc cả hai, bất kể số khu vực mô bị ảnh hưởng. Chỉ cần có thiếu máu hoặc đông máu bất thường, bệnh nhân sẽ được xếp vào giai đoạn C.

5. Các giai đoạn của bệnh bạch cầu mãn tính dòng tế bào tủy xương (CML)

Nếu bệnh nhân mắc bệnh bạch cầu mãn tính dòng tế bào tủy xương (CML), tủy xương tạo ra quá nhiều tế bào blast, một loại tế bào bạch cầu chưa trưởng thành và bất thường. Những tế bào blast này dần tăng lên về số lượng, cuối cùng có thể vượt quá số lượng tế bào hồng cầu khỏe mạnh trong cơ thể, làm bệnh tiến triển.

Bác sĩ sẽ phân loại các giai đoạn của bệnh bạch cầu này dựa vào tỷ lệ tế bào bạch cầu ác tính trong cơ thể. Bệnh có 3 ba giai đoạn như sau:

5.1. Giai đoạn mãn tính

Trong giai đoạn mãn tính của bệnh bạch cầu tủy mãn tính (CML), thường có ít hơn 10% số tế bào trong tủy xương và máu là tế bào blast (các tế bào bạch cầu non bất thường). Mệt mỏi và các triệu chứng nhẹ khác có thể xuất hiện, nhưng nhiều bệnh nhân không có triệu chứng rõ rệt.

CML thường được chẩn đoán trong giai đoạn này, khi bắt đầu điều trị sẽ có hiệu quả tốt, và hầu hết bệnh nhân ở giai đoạn mãn tính phản ứng tích cực với các phương pháp điều trị.

5.2. Giai đoạn tăng tốc

Trong giai đoạn tăng tốc, từ 10 đến 19% số tế bào trong tủy xương và máu là tế bào blast. Giai đoạn tăng tốc xảy ra khi bệnh không phản ứng với điều trị trong giai đoạn mãn tính.

Bệnh nhân có thể có nhiều triệu chứng hơn trong giai đoạn tăng tốc. CML sẽ không đáp ứng điều trị ở giai đoạn này.

5.3. Giai đoạn chuyển cấp

Giai đoạn bùng phát của CML là giai đoạn tiến triển mạnh của bệnh. Trong giai đoạn này, hơn 20% tế bào trong máu và tủy xương là tế bào blast. Các tế bào blast này đã lan rộng khắp cơ thể, khiến việc điều trị trở nên khó khăn hơn. Bệnh nhân có thể gặp các triệu chứng như sốt, mệt mỏi, chán ăn, sụt cân và phì đại lá lách.

6. Phương pháp chẩn đoán

Nếu có nghi ngờ về bệnh bạch cầu, bác sĩ có thể yêu cầu một số loại kiểm tra khác nhau tùy thuộc vào tình hình cá nhân của bệnh nhân, thường bao gồm:

  • Xét nghiệm công thức máu hoàn chỉnh (CBC): Xét nghiệm này đo mức độ tế bào hồng cầu, tế bào bạch cầu và tiểu cầu để phát hiện sự tăng bất thường trong số lượng tế bào bạch cầu.
  • Sinh thiết mô: Thủ thuật này lấy mẫu từ tủy xương để xác định loại bệnh bạch cầu cụ thể và mức độ lan rộng của bệnh.

Sau khi có kết quả xét nghiệm, bác sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán hoặc loại trừ bệnh bạch cầu. Nếu được chẩn đoán mắc bệnh, bác sĩ sẽ cung cấp thông tin về loại bệnh bạch cầu và giai đoạn bệnh.

7. Khi nào cần đến bác sĩ

Các triệu chứng của bệnh bạch cầu có thể thay đổi tùy theo loại bệnh bạch cầu và từng cá nhân. Một số triệu chứng giống với cảm cúm, nhưng khác biệt chính là các triệu chứng của bạch cầu không giảm trong vòng một hoặc hai tuần như cúm.

Nếu bệnh nhân đã gặp bất kỳ triệu chứng nào sau đây trong hơn 2 tuần, nên thăm khám ngay lập tức:

  • Sốt
  • Ớn lạnh
  • Đổ mồ hôi vào ban đêm
  • Mệt mỏi
  • Yếu ớt
  • Đau cơ
  • Đau khớp
  • Mất cảm giác muốn ăn
  • Mất cân nặng không rõ nguyên nhân
  • Dễ bầm tím da
  • Đau đầu
  • Đau bụng
  • Ban đỏ
  • Khó thở
  • Nhiều lần mắc các bệnh nhiễm trùng
  • Sưng hạch bạch huyết 
Bệnh nhân mắc bệnh bạch cầu nếu gặp triệu chứng đau đầu và mệt mỏi nên đến bác sĩ để thăm khám.
Bệnh nhân mắc bệnh bạch cầu nếu gặp triệu chứng đau đầu và mệt mỏi nên đến bác sĩ để thăm khám.

Các giai đoạn của bệnh bạch cầu thường ảnh hưởng đến tỷ lệ sống sót: giai đoạn sớm thường có tỷ lệ sống cao hơn, trong khi các giai đoạn tiến triển cho thấy khả năng sống sót thấp hơn. Mặc dù cách phân loại bệnh bạch cầu khác với các loại ung thư khác nhưng phân loại này vẫn là công cụ quan trọng giúp bác sĩ đưa ra quyết định điều trị tối ưu.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ