Công dụng thuốc Golcoxib

Mục lục

Golcoxib là thuốc gì? là thắc mắc của không ít người bệnh viêm xương khớp khi thấy thuốc này trong danh sách kê đơn. Đây là thuốc thuộc nhóm chống viêm không steroid. Vậy công dụng của thuốc Golcoxib là gì?

1. Golcoxib là thuốc gì?

Thuốc Golcoxib được sản xuất bởi Công ty CP dược phẩm Me Di Sun lưu hành ở Việt Nam và được đăng ký với SĐK VD-22483-15. Thuốc có thành phần chính là Celecoxib 200mg và các hoạt chất khác và tá dược vừa đủ hàm lượng thuốc nhà cung sản xuất cung cấp. Thuốc Golcoxib được bào chế dưới dạng viên nang cứng.

2. Công dụng thuốc Golcoxib

Thuốc Golcoxib được sử dụng thường xuyên trong điều trị bệnh viêm khớp.

Thành phần Celecoxib trong thuốc có tác dụng phong bế enzym tạo prostaglandin (cyclooxygenase 2), làm giảm nồng độ prostaglandin - nồng độ này góp phần gây viêm khớp dẫn đến đau, nóng, sưng và đỏ. Nhờ đó, tình trạng viêm khớp sẽ được cải thiện, giảm viêm và giảm sưng nóng đỏ đau đi kèm.

Đồng thời, thuốc Golcoxib còn được ứng dụng trong việc kiểm soát các chứng đau cấp ở người lớn, kể cả đau răng, đau bụng kinh tiên phát.

Mặt khác, thuốc Golcoxib không được phép kê đơn trong các trường hợp sau:

  • Người bệnh quá mẫn đã biết với celecoxib
  • Người có biểu hiện phản ứng dị ứng với các sulfonamid

3. Liều dùng và cách sử dụng thuốc Golcoxib

Mỗi loại thuốc có thể được bào chế thành nhiều dạng khác nhau tương ứng với các đường uống khác như: thuốc uống, thuốc tiêm, thuốc đặt. Do đó, người bệnh cần đọc kỹ cách dùng thuốc ở tờ hướng dẫn sử dụng thuốc hoặc tham khảo từ bác sĩ. Bệnh nhân tuyệt đối không được tự ý sử dụng đường uống khác so với hướng dẫn ghi trên giấy. Với thuốc Golcoxib cũng vậy.

Liều dùng của Golcoxib cần dựa vào mục đích điều trị, tình trạng sức khỏe của người bệnh. Dưới đây là liều dùng tham khảo đối với từng loại bệnh khác nhau:

  • Đối với bệnh viêm xương khớp: 200mg x 1lần/ngày hoặc 100mg x 2lần/ngày.
  • Đối với bệnh viêm khớp dạng thấp: 100-200mg x 2lần/ngày.

Thực tế đã ghi nhận không ít trường hợp người bệnh bị quá liều thuốc chống viêm không steroid. Một số dấu hiệu quá liều của thuốc Golcoxib như: buồn nôn, nôn, và đau vùng thượng vị....Một số dấu hiệu hiếm gặp hơn như: tăng huyết áp, suy thận cấp, ức chế hô hấp và hôn mê.

Trong trường hợp này, người bệnh cần được đưa đến bệnh viện để các bác sĩ chẩn đoán và đưa ra các biện pháp xử lý kịp thời, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh.

Trong 4 giờ đầu sau khi dùng quá liều, liệu pháp gây nôn và/hoặc cho than hoạt (60 – 100g cho người lớn, hoặc 1 đến 2g/kg cho trẻ em), và/hoặc một thuốc tẩy thẩm thấu có thể có ích đối với những người bệnh đã có biểu hiện bệnh lý hoặc đã uống một lượng thuốc quá lớn. Không biết celecoxib có được loại bỏ bằng thẩm tách máu hay không, nhưng thuốc gắn vào protein với tỷ lệ cao gợi ý việc sử dụng các biện pháp bài niệu cưỡng bức, kiềm hoá nước tiểu, thẩm tách máu, hoặc truyền máu có thể không có hiệu quả loại bỏ lượng lớn celecoxib khỏi cơ thể.

4. Tác dụng phụ thuốc Golcoxib

Thực tế đã ghi nhận nhiều trường hợp người bệnh gặp phải các tác dụng phụ trong quá trình sử dụng thuốc Golcoxib. Cụ thể: xuất huyết tiêu hóa, khó tiêu, tiêu chảy, đau bụng, buồn nôn, đau lưng, phù ngoại vi, nhức đầu, chóng mặt, mất ngủ, phát ban, viêm họng...

Ngoài ra người bệnh có thể thường xuyên gặp phải các tác dụng phụ không mong muốn như: đau đầu, đau bụng, khó tiêu, ỉa chảy, buồn nôn, đầy hơi và mất ngủ. Những triệu chứng này thường không nghiêm trọng và có thể biến mất trong vòng từ 7 ngày - 14 ngày.

Trên đây không phải tất cả các tác dụng phụ của thuốc Golcoxib. Trong quá trình sử dụng, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ khác mà chưa biểu hiện hoặc chưa được nghiên cứu. Do đó, khi xuất hiện bất cứ triệu chứng nào bất thường nghi ngờ do thuốc Golcoxib, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ.

5. Tương tác thuốc Golcoxib

Người bệnh sử dụng thuốc Golcoxib có thể tăng nguy cơ gặp phải các tác dụng phụ hoặc hiệu quả thuốc không cao khi kết hợp với một số thuốc sau:

Thuốc ức chế enzym chuyển angiotensin: Thuốc Golcoxib thuộc nhóm thuốc chống viêm không steroid có thể làm giảm tác dụng chống tăng huyết áp của các thuốc ức chế enzym chuyển angiotensin. Do đó, việc sử dụng đồng thời hai loại thuốc này cần được hạn chế tối đa.

Khi sử dụng đồng thời thuốc chống viêm không steroid với thuốc lợi tiểu có thể gây tương tác do thuốc Golcoxib sẽ làm giảm tác dụng tăng bài tiết natri niệu của furosemid và thiazid do ức chế tổng hợp prostaglandin và nguy cơ suy thận có thể gia tăng.

Việc sử dụng đồng thời hai thuốc chống viêm không steroid là aspirin và Golcoxib có thể dẫn đến tăng tỷ lệ loét đường tiêu hoá hoặc các biến chứng khác so với việc dùng celecoxib riêng rẽ. Tuy nhiên trong một số trường hợp, bác sĩ có thể kê đơn celecoxib cùng với liều thấp aspirin.

Thuốc Fluconazol không nên sử dụng đồng thời với thuốc Golcoxib bởi có thể dẫn đến tăng đáng kể nồng độ huyết tương của celecoxib.

Thuốc Lithi có thể bị giảm sự thanh thải thận của lithi khi dùng chung với Celecoxib. Điều này dẫn đến tăng nồng độ lithi trong huyết tương.

Cuối cùng là thuốc Warfarin khi dùng chung với thuốc Golcoxib có nguy cơ dẫn đến các biến chứng chảy máu kết hợp với tăng thời gian prothrombin. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo nên theo dõi các xét nghiệm về đông máu như thời gian prothrombin, đặc biệt trong vài ngày đầu sau khi bắt đầu hoặc thay đổi liệu pháp vì các bệnh nhân này có nguy cơ biến chứng chảy máu cao.

6. Thận trọng khi sử dụng thuốc Golcoxib

  • Nhóm người bệnh sau cần hết sức thận trọng khi sử dụng thuốc Golcoxib chứa thành phần celecoxib như: bệnh nhân có tiền sử loét dạ dày tá tràng, chảy máu đường tiêu hoá, tiền sử hen, dị ứng khi dùng aspirin hoặc một thuốc chống viêm không steroid.
  • Người bệnh cao tuổi cũng cần tham vấn ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng loại thuốc này bởi đối tượng này có chức năng thận bị suy giảm, dễ bị chảy máu đường tiêu hóa.
  • Bệnh nhân suy tim, suy thận hoặc suy gan cần rất thận trọng dùng celecoxib bởi thành phần này có thể gây độc cho thận, đặc biệt là việc duy trì lưu lượng máu qua thận phải cần đến prostaglandin thận hỗ trợ.
  • Người bị phù, giữ nước (như suy tim, thận) cần có chỉ định của bác sĩ mới được sử dụng thuốc bởi thuốc có thể khiến các bệnh lý này trở nên trầm trọng hơn do gây ứ dịch. Mặc khác, bệnh nhân bị mất nước ngoài tế bào (do dùng thuốc lợi tiểu mạnh) cũng được khuyến cáo hạn chế sử dụng, trừ khi thật sự cần thiết.
  • Người bệnh sử dụng Celecoxib cần theo dõi nguy cơ biến chứng tim mạch (nhồi máu cơ tim, thiếu máu cơ tim cục bộ). Theo các chuyên gia, Celecoxib không có hoạt tính nội tại kháng tiểu cầu và như vậy không bảo vệ được các tai biến do thiếu máu cơ tim, nhất là nếu dùng liều cao kéo dài (400 – 800 mg/ngày).
  • Một số tác dụng phụ của thuốc Celecoxib là gây buồn ngủ, chóng mặt. Do đó, những người có nghề nghiệp vận hành máy móc, lái xe cần thận trọng khi sử dụng thuốc.
  • Phụ nữ mang thai lo lắng việc sử dụng loại thuốc này có thể gây hại cho sức khỏe của thai nhi. Tuy nhiên, đến nay chưa có nghiên cứu đầy đủ nào cho thấy celecoxib tác động lên đối tượng này. Tuy nhiên để an toàn, bác sĩ sẽ chỉ kê đơn dùng celecoxib cho chị em mang thai khi lợi ích cao hơn nguy cơ có thể xảy ra đối với thai. Đồng thời, bác sĩ sẽ không chỉ định kê đơn celecoxib ở 3 tháng cuối của thai kỳ nhằm tránh các chất ức chế tổng hợp prostaglandin có thể có tác dụng tiêu cực trên hệ tim mạch của thai.
  • Phụ nữ đang cho con bú cũng hạn chế sử dụng thuốc. Trong trường hợp bắt buộc phải sử dụng thuốc, bác sĩ sẽ cần cân nhắc lợi/hại hoặc ngừng cho bú, hoặc ngừng dùng celecoxib.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ