Dị ứng cà phê là một tình trạng hiếm gặp nhưng có thể gây ra nhiều khó chịu cho người bị ảnh hưởng. Dị ứng này xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể phản ứng quá mức với các protein có trong hạt cà phê hoặc các thành phần khác của cà phê. Việc hiểu rõ về dị ứng cà phê sẽ giúp người bệnh nhận biết sớm và quản lý tình trạng này một cách hiệu quả.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sỹ thuộc Trung tâm Dị ứng-Miễn dịch lâm sàng Vinmec.
1. Tổng quan về cà phê - Lợi ích và tác hại
Cà phê vốn là một loại thức uống giúp kích thích thần kinh rất phổ biến. Caffeine có trong cà phê giúp cơ thể tỉnh táo để làm việc hiệu quả. Chính vì vậy, nhiều người có thói quen uống cà phê vào buổi sáng hàng ngày.

Trong quá trình rang xay, các thành phần hoá học của cà phê sẽ có sự thay đổi. Cùng với đó, một vài hoạt chất tạo ra mùi thơm cũng làm nên hương vị đặc trưng. Trong đó, có tác dụng nhất chắc chắn là caffeine. Đây cũng là nguyên nhân gây dị ứng cà phê ở người bệnh.
Trước khi tìm hiểu về tình trạng dị ứng này, hãy điểm qua các tác dụng của caffeine. Một số tác dụng mà caffeine mang tới cho cơ thể có thể kể đến như sau:
- Kích thích thần kinh: Giúp người uống vượt qua cơn buồn ngủ. Nếu tiêu thụ quá nhiều caffeine sẽ khiến người uống bồn chồn, mất ngủ. Thậm chí, có thể khiến cơ thể bị co giật toàn thân hoặc cục bộ.
- Tăng nhịp tim: Caffeine có thể khiến tim đập nhanh hơn so với bình thường. Với những người sử dụng cà phê thường xuyên, vấn đề này không đáng kể.
- Giãn cơ trơn: Caffeine sẽ làm giãn cơ trơn khí phế quản. Điều này đặc biệt hiệu quả ở các người bệnh mắc hen suyễn.
- Lợi tiểu: Caffeine sẽ tăng độ lọc cầu thận, giúp lợi tiểu. Ngoài ra, uống cà phê có thể làm tăng lưu lượng máu qua thận.
- Chống oxy hoá: Hạt cà phê chứa polyphenol là một chất chống oxy hoá rất tốt. Tiêu thụ cà phê giúp cơ thể được bảo vệ trước các gốc tự do có hại.
Cà phê ngoài giúp tỉnh táo, còn mang lại khá nhiều những lợi ích khác. Có thể kể đến như sau:
- Giảm nguy cơ tiểu đường: Kết quả này đã được chứng minh vào một cuộc nghiên cứu năm 2014. Những người uống ít nhất một tách cà phê mỗi ngày trong 4 năm có nguy cơ mắc tiểu đường type 2 thấp hơn so với người không uống. Một nghiên cứu khác cho thấy người uống cà phê hàng ngày ít mắc các bệnh chuyển hoá hơn.
- Giảm nguy cơ mắc parkinson: Những người uống cà phê có ít nguy cơ mắc bệnh parkinson hơn. Bên cạnh đó, nhóm người uống cà phê cũng ít có nguy cơ mắc trầm cảm hơn.
- Bệnh về gan: Cà phê có khả năng làm giảm nguy cơ mắc bệnh về gan. Các bệnh này bao gồm ung thư gan, xơ gan và gan nhiễm mỡ.
- Bệnh tim mạch: Uống cà phê mỗi ngày có thể giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.
- Bệnh béo phì: Tiêu thụ cà phê có thể giúp giảm cân. Một cuộc khảo sát cho thấy uống nhiều cà phê có thể giúp giảm lượng chất béo trong cơ thể.
Tuy vậy, uống cà phê cũng mang tới nhiều tác hại có thể xảy ra. Một số tác hại của tiêu thụ cà phê có thể kể đến như:
- Tăng nguy cơ gãy xương: Phụ nữ uống nhiều cà phê có thể tăng khả năng bị gãy xương.
- Biến chứng khi mang thai: Trong thai kỳ, thai phụ không nên tiêu thụ cà phê. Có một số nghiên cứu cho thấy rằng, cà phê có thể gây ra sinh non hoặc sinh con nhẹ cân.
- Trào ngược dạ dày thực quản: Người không uống cà phê sẽ ít có nguy cơ mắc tình trạng này hơn.
- Căng thẳng và lo lắng: Tiêu thụ quá nhiều caffeine có thể gây căng thẳng, lo âu. Đặc biệt, tình trạng này sẽ trầm trọng hơn ở những người có các bệnh tâm lý.
Ngoài ra, còn một tình trạng khá đáng chú ý là dị ứng cà phê. Vậy, cụ thể là như thế nào?
2. Dị ứng cà phê
Nguyên nhân gây ra tình trạng dị ứng cà phê không phải do hệ miễn dịch không xác định chính xác caffeine, mà thường là do phản ứng với các protein hoặc thành phần khác trong hạt cà phê. Hệ miễn dịch xem các chất này là gây hại và giải phóng globulin miễn dịch E, gây ra viêm, giãn mô và mạch máu, ngứa và phát ban.
Tuy nhiên, có rất ít trường hợp dị ứng cà phê được phát hiện. Đa phần dị ứng cà phê xảy ra là do cà phê được bảo quản không đúng cách.
Dị ứng cà phê thường xảy ra sau khoảng 2 giờ kể từ lúc tiêu thụ cà phê. Các triệu chứng dị ứng bao gồm nôn mửa, co thắt dạ dày, thở khò khè, ngất xỉu, mạch yếu. Ngoài ra, đôi lúc còn xuất hiện các triệu chứng không phải dị ứng có thể kể đến như mất ngủ, đau dạ dày, co giật cơ hoặc bồn chồn.

Nếu có nhiều triệu chứng xảy ra cùng lúc, người bệnh hãy đến ngay các cơ sở y tế. Trong một số trường hợp, người bệnh có nguy cơ mắc các phản ứng quá mẫn. Tình trạng này sẽ ảnh hưởng đến hô hấp, tim và huyết áp của bệnh nhân.
3. Cách điều trị và phòng tránh
Nếu xảy ra tình trạng dị ứng cà phê, cách tốt nhất là sử dụng thuốc kháng histamin. Thuốc sẽ làm giảm đi các triệu chứng dị ứng của người bệnh.

Cùng với đó, người bệnh cũng cần loại bỏ hoặc cắt giảm lượng caffeine tiêu thụ. Một số thực phẩm như trà xanh, trà đen hay chocolate cũng có chứa caffeine. Ngoài ra, một vài loại thuốc cũng có chứa caffeine trong thành phần.
Người bệnh có thể thay thế cà phê bằng các loại thức uống khác như trà thảo mộc, nước chanh, nước ép. Bên cạnh dị ứng cà phê, còn có một tình trạng khác là không dung nạp caffeine.
Ngoài ra, tình trạng không dung nạp caffeine thường liên quan đến các enzyme trong cơ thể. Khi không thể dung nạp, người bệnh có thể xuất hiện các triệu chứng như đau dạ dày hoặc tiêu chảy.
Tình trạng này xảy ra thường là do tác động của caffeine lên hormone endocrine. Caffeine sẽ ngăn cơ thể sản sinh hormone này và khiến cơ thể sản sinh nhiều adrenaline hơn. Tình trạng bồn chồn, chóng mặt là tác dụng phụ của việc sản sinh adrenaline quá mức.
Ở hiện tại, khá khó để phân biệt dị ứng cà phê và không dung nạp caffeine. Người bệnh cũng không cần thiết phải xét nghiệm vì tình trạng dị ứng này không nghiêm trọng mà có thể chủ động giảm thiếu hoặc cắt bỏ cà phê hoàn toàn khỏi cuộc sống của người bệnh.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.