Hội chứng Reiter là gì? Có hồi phục được không?

Mục lục

Hội chứng Reiter (viêm khớp phản ứng) với các biểu hiện như viêm, đau khớp và nhiều triệu chứng toàn thân gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống. Dù hiệu quả điều trị và tốc độ phục hồi phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể, nhưng với cách tiếp cận thích hợp, bệnh nhân có thể nhận thấy sự cải thiện rõ ràng.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sỹ thuộc Trung tâm Công nghệ cao Vinmec.  

1. Tìm hiểu chung về hội chứng Reiter

Hội chứng Reiter là một dạng viêm khớp phản ứng thường xảy ra sau khi cơ thể bị nhiễm trùng. Bệnh chủ yếu xảy ra ở các khớp, gây đau và sưng tấy. Trong đó, những khớp hay bị ảnh hưởng nhất là đầu gối, bàn chân và mắt cá chân.

Ngoài ra, hội chứng này không chỉ giới hạn ở khớp mà còn gây tổn thương đến các cơ quan khác như kết mạc (mắt), niệu đạo (hệ tiết niệu) và hệ tiêu hóa.

2. Nguyên nhân và yếu tố rủi ro

Nhiễm trùng do vi khuẩn là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến hội chứng Reiter, thường xảy ra sau khi tiếp xúc qua đường tình dục hoặc do tiêu thụ thực phẩm không đảm bảo vệ sinh.

Trong đó, hội chứng Reiter chủ yếu liên quan đến các loại vi khuẩn như Chlamydia trachomatis (lây qua quan hệ tình dục) và các vi khuẩn khác như Salmonella hoặc Shigella (lây qua thực phẩm).

3. Các triệu chứng cần theo dõi

Hội chứng Reiter được đặc trưng bởi các triệu chứng chính sau đây:

3.1 Đau và sưng khớp

Chi dưới là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi tình trạng này, đặc biệt ở đầu gối, mắt cá chân và bàn chân. Đôi khi, cơn đau còn xuất hiện ở gót chân, lưng hoặc mông. 

Người bệnh nên theo dõi triệu chứng đau ở bàn chân do hội chứng Reiter gây ra.
Người bệnh nên theo dõi triệu chứng đau ở bàn chân do hội chứng Reiter gây ra.

3.2 Viêm kết mạc hoặc viêm màng bồ đào

Viêm mắt là một triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân bị hội chứng Reiter với các biểu hiện như đỏ, ngứa, đau, nóng và mờ mắt.

3.3 Viêm niệu đạo

Đau khi tiểu tiện và các triệu chứng khó chịu khác như cảm giác nóng rát hoặc châm chích khi đi tiểu là dấu hiệu của viêm niệu đạo.

3.4 Tổn thương da và niêm mạc

Phát ban da, loét miệng và viêm quy đầu ở nam giới.

3.5 Sưng ngón tay, chân

Các ngón tay hoặc ngón chân của bệnh nhân mắc hội chứng Reiter có thể bị sưng phồng. Thêm vào đó, sốt và sụt cân cũng xuất hiện ở bệnh nhân như một phần biểu hiện toàn thân của hội chứng Reiter.

4. Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc hội chứng Reiter

Vì gây ra nhiều biến chứng và ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống, hội chứng Reiter là một vấn đề y tế đáng quan tâm. Việc hiểu rõ các yếu tố làm tăng khả năng mắc bệnh là rất quan trọng để đảm bảo việc phòng ngừa và điều trị hiệu quả.

Hội chứng Reiter thường gặp ở nam giới trong độ tuổi từ 20 đến 40 nhiều hơn so với nữ giới. Thống kê này đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức và xây dựng các chiến lược phòng ngừa cho những đối tượng có nguy cơ cao. 

Hội chứng Reiter phổ biến ở nam giới trong độ tuổi từ 20 đến 40 hơn so với nữ giới.
Hội chứng Reiter phổ biến ở nam giới trong độ tuổi từ 20 đến 40 hơn so với nữ giới.

Nguy cơ phát triển hội chứng Reiter có liên quan mật thiết đến yếu tố di truyền, đặc biệt là khi có sự xuất hiện của kháng nguyên HLA-B27 trong các bạch cầu. Các nghiên cứu cho thấy rằng khoảng 75% những người xét nghiệm dương tính với HLA-B27 có thể được chẩn đoán mắc hội chứng này. Chính vì vậy, những người có yếu tố di truyền này nên theo dõi sức khỏe của bản thân cẩn thận và kiểm tra thường xuyên để phát hiện sớm các triệu chứng.

Ngoài yếu tố này, tiền sử gia đình mắc hội chứng Reiter hoặc các bệnh lý tự miễn cũng làm tăng khả năng mắc bệnh. Nếu trong gia đình có người được chẩn đoán viêm khớp phản ứng, người bệnh cần quan tâm đến sức khỏe của bản thân nhiều hơn.

5. Người mắc hội chứng Reiter có thể phục hồi được không?

Theo các chuyên gia y tế, quá trình phục hồi sau hội chứng Reiter có sự khác biệt rõ rệt, phụ thuộc chủ yếu vào mức độ nghiêm trọng của đợt bùng phát ban đầu và việc điều trị kịp thời.

Đối với phần lớn bệnh nhân, phác đồ điều trị chuyên biệt kéo dài từ 3 đến 4 tháng sẽ giúp phục hồi. Trong thời gian này, các triệu chứng có xu hướng giảm đi đáng kể, đồng thời chất lượng cuộc sống chung cũng được cải thiện.

Để điều trị hội chứng Reiter, bác sĩ thường kết hợp thuốc và vật lý trị liệu nhằm giải quyết các triệu chứng khác nhau mà người bệnh gặp phải.

5.1 Thuốc chống viêm

Naproxenibuprofen là các loại thuốc phổ biến được chỉ định để giảm đau khớp và viêm. Những loại thuốc này hỗ trợ cải thiện khả năng vận động và giảm bớt sự khó chịu, từ đó nâng cao chất lượng các hoạt động hàng ngày.

5.2 Thuốc kháng sinh

Nếu nhiễm trùng do vi khuẩn là nguyên nhân kích hoạt viêm khớp phản ứng thì kháng sinh sẽ đóng vai trò thiết yếu trong quá trình điều trị. Loại thuốc này hướng đến việc loại bỏ nhiễm trùng tiềm ẩn, góp phần giảm viêm khớp sau đó. 

Thuốc kháng sinh đóng vai trò chủ yếu trong quá trình điều trị bệnh do vi khuẩn gây ra.
Thuốc kháng sinh đóng vai trò chủ yếu trong quá trình điều trị bệnh do vi khuẩn gây ra.

5.3 Thuốc nhỏ mắt steroid

Để kiểm soát tình trạng viêm mắt và ngăn ngừa tổn thương thêm, bác sĩ sẽ đề nghị bệnh nhân bị hội chứng Reiter và mắc các vấn đề như viêm kết mạc sử dụng thuốc nhỏ mắt có chứa steroid.

5.4 Vật lý trị liệu

Vật lý trị liệu đóng vai trò không thể thiếu trong quá trình phục hồi của bệnh nhân mắc hội chứng Reiter, mang lại nhiều lợi ích như:  

5.4.1 Cải thiện chức năng

Các bài tập phù hợp nhằm tăng cường sức mạnh và độ linh hoạt cho khớp, đồng thời ngăn ngừa tình trạng teo cơ xung quanh.

5.4.2 Ngăn ngừa dị tật

Việc duy trì một chế độ thể dục đều đặn và làm theo các hướng dẫn về tư thế giúp bảo vệ các khớp và cột sống khỏi nguy cơ biến dạng.

5.4.3 Kiểm soát lâu dài

Bệnh nhân có thể kiểm soát các triệu chứng lâu dài và phòng ngừa những đợt bùng phát tiếp theo nhờ vào vật lý trị liệu.

Nhìn chung, hội chứng Reiter là bệnh lý ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống và sinh hoạt của người bệnh. Tuy nhiên, với phương pháp điều trị thích hợp, đa phần bệnh nhân đều hồi phục tốt.

Đối với những người có nguy cơ cao, việc khám sớm là rất quan trọng, đặc biệt khi có dấu hiệu triệu chứng để bác sĩ có thể điều trị kịp thời. Bên cạnh đó, thói quen sống khoa học và lành mạnh như uống thuốc đầy đủ, đi khám bác sĩ định kỳ, duy trì các bài tập giãn cơ, cũng như giữ tư thế ngồi, đứng, ngủ đúng cách đều rất cần thiết trong việc kiểm soát tình trạng viêm.  

Việc đi khám sức khỏe khi có các dấu hiệu bệnh là rất quan trọng đối với những người thuộc nhóm nguy cơ cao.
Việc đi khám sức khỏe khi có các dấu hiệu bệnh là rất quan trọng đối với những người thuộc nhóm nguy cơ cao.

Đặc biệt, bác sĩ cũng khuyến nghị mỗi người nên áp dụng biện pháp an toàn khi quan hệ tình dục chẳng hạn như sử dụng bao cao su để tránh lây nhiễm các bệnh qua đường tình dục. 

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng. 

Chia sẻ