Lưu ý khi dùng thuốc điều trị thoái hóa khớp

Mục lục

Thuốc điều trị thoái hóa khớp đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát triệu chứng và làm chậm quá trình tiến triển của bệnh. Thoái hóa khớp là tình trạng phổ biến, đặc biệt ở người cao tuổi. Bệnh gây đau nhức, cứng khớp và hạn chế vận động. Việc điều trị sớm và đúng phương pháp sẽ giúp người bệnh cải thiện chất lượng cuộc sống, duy trì khả năng vận động linh hoạt.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.

1. Tổng quan về thoái hoá khớp

1.1 Thoái hóa khớp là gì?  

Thoái hóa khớp là một bệnh lý gây tổn thương sụn khớp, đồng thời kèm theo phản ứng viêm và sự suy giảm dịch khớp. Tình trạng này xảy ra do quá trình tái tạo sụn khớp không đủ để bù đắp phần sụn bị hao mòn.  

Sụn khớp là một lớp đệm bao phủ bề mặt xương, được cấu tạo từ tế bào sụn và chất căn bản. Chức năng chính của sụn khớp là bảo vệ bề mặt xương, giảm ma sát trong khớp và hoạt động như một "bộ giảm xóc", giúp giảm thiểu áp lực tác động lên khớp khi vận động. Theo thời gian, lớp sụn bảo vệ trên bề mặt xương ngày càng mỏng và bị tổn thương, dẫn đến các triệu chứng như đau, giảm khả năng vận động và trong trường hợp nghiêm trọng có thể gây tàn phế.

Sự mất cân bằng trong cơ chế bệnh lý của thoái hóa khớp có thể bắt nguồn từ nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm yếu tố di truyền, các chấn thương khớp trước đó và quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể.

1.2 Triệu chứng thoái hóa khớp

Về triệu chứng, thoái hóa khớp thường tiến triển từ từ và bắt đầu từ một hoặc vài khớp. Đau là dấu hiệu đầu tiên xuất hiện, thường được bệnh nhân mô tả là đau sâu trong khớp. Cơn đau thường tăng lên khi người bệnh ở trong tư thế chịu lực mạnh và giảm khi nghỉ ngơi. Trong giai đoạn muộn, đau có thể xuất hiện liên tục, bất kể tư thế của cơ thể.

Một triệu chứng phổ biến khác là tình trạng cứng khớp, thường xảy ra vào buổi sáng khi vừa thức dậy hoặc sau thời gian dài không vận động. Thời gian cứng khớp thường dưới 30 phút và sẽ giảm dần khi bệnh nhân bắt đầu vận động khớp. Khi bệnh tiến triển, khả năng vận động của khớp ngày càng hạn chế, kèm theo các cơn đau răng khớp và hiện tượng lục khục, lạo xạo khi vận động. Sự tăng sinh của các mô như sụn, xương, dây chằng, gân, bao khớp và màng hoạt dịch cộng với tình trạng tràn dịch khớp, dẫn đến hiện tượng sưng khớp.

Triệu chứng thoái hóa khớp bao gồm đau khi sờ nắn khớp và đau sau các động tác vận động thụ động, thường xuất hiện muộn trong quá trình phát triển của bệnh.

Các khớp thường xuyên bị thoái hóa bao gồm:

  • Khớp liên đốt xa và liên đốt gần của bàn tay.
  • Đĩa đệm và khớp liên mấu, đặc biệt trong thoái hóa cột sống cổ và thắt lưng.
  • Khớp bàn ngón chân cái.
  • Khớp háng.
  • Khớp gối.

2. Các lưu ý khi sử dụng thuốc điều trị thoái hóa khớp

Hiện nay, chưa có thuốc điều trị thoái hóa khớp có thể chữa khỏi hoàn toàn, hầu hết các phương pháp điều trị chỉ giúp giảm nhẹ các triệu chứng, đồng thời làm chậm quá trình thoái hóa, phục hồi chức năng khớp và hạn chế các tác động cơ học quá mức lên khớp của bệnh nhân. Mục tiêu điều trị thoái hóa khớp bao gồm:

  • Duy trì hoặc nếu có thể, phục hồi chức năng của khớp.
  • Hạn chế tối đa biến chứng tàn phế.
  • Hạn chế tác dụng phụ của các loại thuốc điều trị thoái hóa khớp

2.1. Thuốc chống viêm, giảm đau điều trị thoái hóa khớp

Liệu pháp sử dụng thuốc kháng viêm, giảm đau trong điều trị thoái hóa khớp bao gồm các thuốc chống viêm không steroid (NSAID), các thuốc giảm đau thông thường và Corticosteroid.

Các loại thuốc trị thoái hóa khớp có tác dụng chống viêm, giảm đau thường mang lại hiệu quả nhanh chóng, đặc biệt là các NSAID. Tuy nhiên, những thuốc này có thể gây tác dụng toàn thân hoặc nguy cơ gây ra nhiều biến chứng như viêm loét dạ dày-tá tràng, xuất huyết tiêu hóa, tăng huyết áp, tổn thương gan, thận, thậm chí là biến chứng nặng có thể dẫn đến tử vong.  

Corticosteroid, đặc biệt là trong điều trị thoái hóa khớp gối, có tác dụng giảm nhanh các triệu chứng. Tuy nhiên, sử dụng Corticosteroid kéo dài có thể làm sụn khớp thoái hóa nhanh hơn hoặc gây ra các biến chứng tại chỗ như phản ứng viêm khớp do tinh thể thuốc hoặc nhiễm trùng khớp.

Nhìn chung, các loại thuốc điều trị thoái hóa khớp chỉ có tác dụng làm giảm nhẹ các triệu chứng mà không thể ngừng quá trình thoái hóa và có thể gây ra nhiều tác dụng phụ.

Người bệnh không tự ý sử dụng thuốc điều trị thoái hóa khớp khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
Người bệnh không tự ý sử dụng thuốc điều trị thoái hóa khớp khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

2.2. Thuốc chống thoái hóa tác dụng chậm

Nhóm thuốc chống thoái hóa khớp tác dụng chậm (còn gọi là SySADOA - Symptom Slow Acting Drugs for Osteoarthritis) thường yêu cầu bệnh nhân sử dụng ít nhất 1 tháng và cần duy trì trong khoảng 2-3 tháng để có hiệu quả. Đặc biệt, để bảo tồn sụn khớp lâu dài, thời gian sử dụng các thuốc chống thoái hóa này nên kéo dài từ nhiều tháng đến nhiều năm.

Một số thuốc điều trị thoái hóa khớp hiệu quả và phổ biến bao gồm:

  • Glucosamin sulfat: Liều khuyến cáo là 1-1.5g/ngày.
  • Chondroitin sulfat: Viên nang hàm lượng 450mg hoặc gói hàm lượng 250mg, liều khuyến cáo là 1g/ngày.
  • Thuốc ức chế enzyme tiêu sụn như Metalloprotease: Jex Max Peptan, khuyến cáo sử dụng 2 viên/ngày, trong khoảng 3-6 tháng.

2.3. Tiêm Acid Hyaluronic nội khớp

Tiêm Acid Hyaluronic (hay còn gọi là tiêm dịch nhờn) vào khớp được xem là một phương pháp điều trị thoái hóa khớp khá hiệu quả. Acid Hyaluronic hoặc các dẫn xuất đã được sử dụng rộng rãi vì tính an toàn, ít gây tác dụng phụ và mang lại hiệu quả lâu dài.

Trong điều kiện bình thường, khớp gối chứa khoảng 2ml dịch khớp, trong đó Acid Hyaluronic là thành phần quan trọng với hàm lượng từ 2,5-4,0mg/ml. Acid Hyaluronic có tác dụng bôi trơn các mô mềm, phủ lên bề mặt sụn khớp và được tổng hợp bởi tế bào sụn. Đồng thời, Acid Hyaluronic có chức năng giảm xóc và bảo vệ khớp, tăng độ đàn hồi khi chịu lực tác động lớn, trong khi với lực tác động nhẹ, Acid Hyaluronic hoạt động như một loại dầu bôi trơn.

Phương pháp tiêm dịch nhờn vào khớp sẽ giúp khớp bị thoái hóa tăng tính đàn hồi và hoạt động trơn tru hơn, đồng thời ít gây tác dụng phụ.

2.4. Tiêm huyết tương giàu tiểu cầu tự thân

Huyết tương giàu tiểu cầu (PRP) là chế phẩm được tách từ chính máu của bệnh nhân, trong đó chứa nồng độ tiểu cầu cao hơn nhiều lần so với huyết tương bình thường.

Trong liệu pháp PRP, khi được tiêm vào khớp bị thoái hóa, tiểu cầu sẽ giải phóng các yếu tố tăng trưởng và protein chống viêm, giúp:

  • Kích thích tái tạo sụn và mô liên kết, hỗ trợ phục hồi tổn thương.
  • Giảm viêm, giảm đau, cải thiện chức năng khớp.
  • Tăng cường quá trình tự chữa lành của cơ thể, thúc đẩy tái tạo mô khớp.

Các protein này sẽ kết nối với các thụ thể đích tương ứng như tế bào nguồn gốc trung mô, nguyên bào xương, nguyên bào sợi, tế bào biểu mô, tế bào nội mô,... Khi các protein này liên kết với thụ thể trên bề mặt tế bào, chúng sẽ kích hoạt tín hiệu nội bào, từ đó thúc đẩy:

  • Tăng sinh tế bào mới, hỗ trợ sửa chữa mô tổn thương.
  • Kích thích sản xuất collagen, xương và sụn, giúp phục hồi cấu trúc khớp.
  • Tái tạo mô liên kết và xương, giúp cải thiện tình trạng thoái hóa và tổn thương khớp.

Nhờ cơ chế này, PRP giúp kích thích quá trình tự phục hồi của cơ thể, hỗ trợ tái tạo mô xương, sụn và mô mềm hiệu quả.

3. Điều trị thoái hóa khớp bằng cấy ghép tế bào gốc

Tế bào gốc được lấy từ mô mỡ của chính người bệnh, sau đó được chiết tách và tiêm vào khoang khớp. Đây là một phương pháp điều trị mới, mang lại hiệu quả cao và an toàn. Khi được tiêm vào khớp, tế bào gốc sẽ biệt hóa thành tế bào sụn, giúp tái tạo và phục hồi phần sụn khớp bị tổn thương.

4. Điều trị ngoại khoa thoái hóa khớp

Phẫu thuật điều trị thoái hóa khớp được chỉ định khi các biện pháp điều trị nội khoa không còn hiệu quả, đồng thời bệnh nhân gặp tình trạng hạn chế vận động nghiêm trọng, khe khớp bị hẹp đáng kể hoặc khớp biến dạng dẫn đến nguy cơ tàn phế ở mức trung bình đến nặng.  

Tùy vào mức độ tổn thương và tình trạng cụ thể của người bệnh, bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp can thiệp ngoại khoa phù hợp, bao gồm nội soi khớp, đục xương chỉnh trục hoặc thay thế một phần hoặc toàn bộ khớp.

5. Sử dụng thảo dược tự nhiên chữa thoái hóa khớp

Bên cạnh việc sử dụng thuốc, các giải pháp từ thảo dược như hy thiêm, nhũ hương, sói rừng… hoặc các thành phần tự nhiên như boron, MSM, L-carnitine… cũng mang lại hiệu quả trong hỗ trợ điều trị thoái hóa khớp và chống oxy hóa.

Việc sử dụng các sản phẩm bảo vệ sức khỏe có bổ sung vi chất và chiết xuất hoàn toàn từ thảo dược thiên nhiên (như sói rừng, nhũ hương, hy thiêm…) có nhiều ưu điểm. Phương pháp này không chỉ giúp giảm nhẹ bệnh một cách an toàn, ít tác dụng phụ, chi phí hợp lý mà còn hỗ trợ điều trị tận gốc căn nguyên gây bệnh. Nhờ đó, cơ thể được điều hòa miễn dịch, giảm đau, kháng viêm, làm dịu nhanh các triệu chứng sưng đau và hạn chế nguy cơ bệnh tiến triển nặng hơn.

Nhìn chung, việc sử dụng thuốc điều trị thoái hóa khớp càng sớm thì hiệu quả điều trị càng cao. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, người bệnh cần đến cơ sở y tế để được bác sĩ chuyên khoa thăm khám và chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc, vì điều này có thể gây ra các tác dụng phụ không mong muốn, ảnh hưởng đến sức khỏe và quá trình điều trị.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ