Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Dương Tiến - Bác sĩ Nội tổng hợp - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Viêm đa khớp là một bệnh lý phổ biến trong các bệnh về xương khớp, là tình trạng viêm ảnh hưởng đến nhiều khớp (trên 4 khớp) gây đau, cứng, sưng và khiến khớp khó cử động. Ở Việt Nam cứ 100 người bị bệnh về xương khớp thì có tới 20 người bị viêm đa khớp.
1. Viêm đa khớp là gì?
Viêm đa khớp không phải là một loại của viêm khớp mà là một tình trạng bệnh tổng quát liên quan trực tiếp đến khớp. Viêm đa khớp có thể xuất hiện ở bất kỳ ai, bất kỳ giới tính và độ tuổi nào nhưng tập trung nhiều nhất ở người trung niên cao tuổi, nữ giới mắc nhiều hơn nam giới.
Bệnh viêm đa khớp dạng thấp chủ yếu xảy ra ở những khớp nhỏ như khớp bàn tay, cổ tay, bàn ngón tay, khớp khuỷu, khớp vai, khớp đầu gối... Sự tác động đến đầu xương dưới sụn, màng hoạt dịch và sụn khớp gây nhức mỏi, đau buốt dai dẳng. Viêm đa khớp dạng thấp là bệnh quan trọng thứ 2 trong nhóm bệnh tự miễn (sau lupus đỏ hệ thống).
2. Nguyên nhân gây viêm đa khớp
Có rất nhiều nguyên nhân xuất phát từ viêm khớp dẫn tới viêm đa khớp như: Viêm khớp vảy nến, viêm khớp dạng thấp và các loại viêm khớp do virus khác gây ra như bệnh Chikungunya. Viêm đa khớp thường kéo dài âm ỉ trong một thời gian nhất định hay thành bệnh mãn tính kéo dài hơn 6 tuần.
Để chẩn đoán viêm đa khớp, bác sĩ sẽ đánh giá dựa trên nhiều yếu tố như số lượng khớp chịu ảnh hưởng, bao gồm các khớp bị viêm, những triệu chứng khác ngoài đau khớp hay những khớp đối xứng và ngược lại.
Bên cạnh những nhân tố nguy hiểm của bệnh viêm khớp, bệnh viêm đa khớp còn có thể bắt nguồn từ:
- Viêm khớp đối xứng: Các loại viêm tự phát, viêm khớp dạng thấp kinh niên, viêm khớp Juvenile, phản ứng thuốc hay bệnh Lupus.
- Viêm khớp không đối xứng: Bệnh Gout, viêm khớp do vảy nến, viêm khớp phản ứng (viêm khớp xảy ra do phản ứng của cơ thể với các loại vi khuẩn).
- Nhiễm trùng virus: Các loại virus gây ảnh hưởng có thể kể đến Parpovirus, virus viêm gan, quai bị, virus Ross River, sởi và HIV.
- Các bệnh chuyển hóa: Suy gan và suy thận, thống phong giả (do hình thành tinh thể quanh khớp), bệnh Gout.
- Các trường hợp thoái hóa cấu trúc như thoái hóa khớp (do sụn xương bị hao mòn).
- Do các bệnh nhiễm trùng: bệnh Lyme, bệnh Well, bệnh lao và bệnh Whipple.
- Bệnh viêm mạch máu: Viêm mạch ( các mạch máu bị tấn công do hệ miễn dịch) hoặc viêm khớp tế bào (cản trở lưu thông máu trong động mạch).
- Bệnh nội tiết.
3. Triệu chứng viêm đa khớp
Một vài triệu chứng viêm đa khớp phổ biến bao gồm đau, viêm hay không viêm, sưng đỏ nóng vùng khớp, cứng khớp buổi sáng kéo dài trên 1 tiếng, bắt đầu từ khớp nhỏ ngoại biên như khớp đốt giữa các ngón tay, cổ tay, bàn tay, khớp gối...v..v..và có tính chất ảnh hưởng nhiều nơi cùng lúc. Bệnh nhân có thể sốt và sụt cân bất thường, thường xuyên mệt mỏi, thiếu máu, suy nhược.
Ngoài ra viêm đa khớp dạng thấp còn có một triệu chứng khá đặc biệt là tính đối xứng giữa các bộ phận. Ví dụ như bệnh nhân bị viêm đa khớp dạng thấp bên bàn tay trái thì bên bàn tay phải cũng xuất hiện, tương tự với các bộ phận khác.
4. Biến chứng nguy hiểm của viêm đa khớp
Nếu viêm đa khớp không được chẩn đoán và điều trị kịp thời thì sẽ đưa đến dính khớp, cứng khớp, teo cơ, thậm chí tàn phế. Việc bị dính khớp có thể khiến bệnh nhân bị co quắp vùng khớp, gây biến dạng tay hoặc chân và gặp nhiều bất tiện trong sinh hoạt.
Ngoài ra bệnh còn ảnh hưởng đến Hệ thần kinh, mắt, da, tim mạch, phổi, thận, loãng xương và nhiều cơ quan khác trong cơ thể, ảnh hưởng tới sức khỏe toàn thân của người bệnh. Theo thống kê có khoảng 30% số người bị viêm khớp dạng thấp đồng thời mắc phải các vấn đề về tim mạch khác như: Suy tim, xơ vữa động mạch... Bên cạnh đó, bệnh nhân còn có biểu hiện bị tụ mỡ ở mặt và lưng, teo cơ, mỏng da, loãng xương, mệt mỏi do thiếu máu, lệ thuộc vào thuốc, tổn thương gan và thận,... do dùng nhiều thuốc corticoid. Một số nghiên cứu khác còn cho thấy, có tới 25% phụ nữ bị viêm khớp dạng thấp gặp vấn đề khó khăn trong khi thụ thai. Nhiều trường hợp bệnh nhân còn rơi vào rối loạn tâm thần, trầm cảm do bệnh tật.
5. Phòng ngừa bệnh viêm đa khớp
Việc ý thức phòng bệnh viêm đa khớp từ sớm có thể giúp bạn hạn chế nguy cơ mắc bệnh. Nếu không may mắc phải thì cũng giảm thiểu khả năng bị ảnh hưởng từ biến chứng của căn bệnh này. Dưới đây là 3 gợi ý giúp phòng tránh bệnh viêm đa khớp:
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng cân bằng, đầy đủ
- Tập luyện thường xuyên
- Sử dụng thảo dược giúp phòng ngừa, cải thiện cơn đau khớp
- Thường xuyên đến kiểm tra, chẩn đoán định kỳ tại các cơ sở uy tín.
Việc sớm nhận biết các triệu chứng viêm đa khớp mang ý nghĩa rất quan trọng đối với việc điều trị bệnh hiệu quả và lâu dài. Ngoài ra bệnh nhân cần tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ để thu được kết quả điều trị tốt nhất, tránh nguy cơ gặp phải những biến chứng khó lường.
Với nhiều năm kinh nghiệm trong việc thăm khám và điều trị các bệnh lý cơ xương khớp, thực hiện phẫu thuật chấn thương chỉnh hình, hiện nay Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đã trở thành một trong các trung tâm chăm sóc sức khỏe lớn, có khả năng thăm khám, sàng lọc và điều trị nhiều bệnh lý chuyên sâu. Do đó, nếu có triệu chứng của viêm đa khớp thì bạn có thể đến Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để thăm khám, chẩn đoán và điều trị giúp phục hồi sức khỏe nhanh chóng. Các bác sĩ Nội Cơ xương khớp cùng các bác sĩ tại Trung tâm Chấn thương chỉnh hình giàu chuyên môn và kinh nghiệm sẽ kết hợp hội chẩn, đồng thời thực hiện các phương pháp chẩn đoán tiên tiến nhất hiện nay để đánh giá tình trạng bệnh và chỉ định phác đồ điều trị cụ thể.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.