Phục hồi sau chấn thương ống quyển là một quá trình nghỉ ngơi và lấy lại sức khỏe cơ bắp cho cẳng chân, giúp người bị thương có thể tiếp tục các hoạt động thể thao quen thuộc, cũng như giảm bớt đi sự khó chịu trong sinh hoạt hàng ngày do cơn đau gây ra. Quan trọng hơn là cần biết cách phòng tránh để không lặp lại tình trạng này lần nữa.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Dấu hiệu nhận biết bị chấn thương ống quyển
Đau ống quyển hay còn gọi là hội chứng căng xương chày (MTSS) là tình trạng đau dọc theo xương chày ở mép trong hoặc phía trước cẳng chân. Đây là vấn đề phổ biến ở vận động viên và những người tập luyện thường xuyên, đặc biệt khi hoạt động thể chất mạnh. Cơn đau thường nghiêm trọng hơn khi bắt đầu vận động hoặc kéo giãn cơ để thi đấu, chơi thể thao. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, tình trạng này có thể gây ảnh hưởng đáng kể đến sinh hoạt hàng ngày cũng như khả năng vận động.

Các dấu hiệu của chấn thương ống quyển bao gồm đau âm ỉ hoặc đau nhức dọc theo xương chày, cảm giác mềm khi chạm vào, sưng, nóng tại vùng bị ảnh hưởng và cơn đau tăng lên khi chạy hoặc nhảy. Việc hiểu rõ nguyên nhân, áp dụng phương pháp điều trị phù hợp và tuân thủ các lưu ý trong quá trình phục hồi sau chấn thương ống quyển là cần thiết để nhanh chóng lấy lại sức khỏe, ngăn ngừa tái phát.
2. Những nguyên nhân dẫn tới chấn thương ống quyển
Tình trạng chấn thương ống quyển rất hay gặp phải ở những vận động viên chuyên nghiệp, những người thường xuyên chạy bộ, vận động viên thể dục dụng cụ hay thậm chí là người trong quân đội. Đặc biệt ở các giai đoạn tăng cường luyện tập, nguy cơ chấn thương sẽ tăng lên khá cao do thực hiện các bài tập lặp đi lặp lại ở cường độ cao. Điều này vô tình gây ra viêm ở các cơ, gân và mô bao phủ xương ống quyển.

Ngoài ra còn có một số yếu tố nguy cơ làm gia tăng khả năng bị đau ống quyển khác, điển hình như:
- Thay đổi môi trường tập luyện: Thay đổi mặt sân có thể dẫn đến chấn thương do cơ thể chưa thích nghi với điều kiện mới.
- Dùng giày không phù hợp: Đối với vận động viên, sử dụng loại giày tương ứng với môn thể thao đang chơi là rất quan trọng. Sử dụng giày không phù hợp hoặc không hỗ trợ đủ cho cơ chân làm tăng nguy cơ bị thương.
- Đặc điểm bàn chân: Các đặc điểm như bàn chân bẹt, chân lật vào trong hoặc bất thường về chiều dài chân đều gây áp lực không đều lên cẳng chân.
- Từng bị chấn thương: Những người từng đau ống quyển có nguy cơ tái phát cao hơn.
- Không khởi động và thả lỏng người: Trong tập luyện thể thao, việc khởi động trước khi tập và thả lỏng cơ bắp sau khi tập đều quan trọng. Việc bỏ qua những bài tập này thường khiến cho nguy cơ chấn thương ống quyển tăng lên đáng kể.
3. Điều trị và phục hồi sau chấn thương ống quyển
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng đau hoặc sưng cẳng chân, do đó điều quan trong nhất là phải đến gặp bác sĩ điều trị hoặc chuyên gia chấn thương chỉnh hình để được chẩn đoán và có phác đồ điều trị thích hợp. Để xác định mức độ chấn thương, phần lớn trường hợp sẽ thực hiện chụp X-Quang hoặc chụp MRI ống quyển. Sau đó, bác sĩ có thể chỉ định những loại thuốc kháng viêm không Steroid (NSAID) như ibuprofen để giảm đau.

Bị đau ống quyển trong hầu hết trường hợp đều không quá nghiêm trọng, có thể thực hiện những bài tập và động tác kéo giãn cơ bắp theo hướng dẫn để tăng khả năng phục hồi. Nếu cơn đau tiếp diễn hoặc có dấu hiệu trở nên tệ hơn, bác sĩ có thể đề nghị điều trị bổ sung bằng vật lý trị liệu với các phương pháp khác nhau như mát-xa mô mềm, kéo giãn cơ, ổn định mắt cá chân. Thậm chí có thể đánh giá hệ vận động để kiểm tra nguyên nhân khiến cho các cơn đau tồi tệ hơn.
Cuối cùng là một phương pháp giúp tăng cường khả năng phục hồi sau chấn thương ống quyển khá phổ biến mang tên RICE, gồm bốn bước chính:
- Nghỉ ngơi (Rest): Nằm nghỉ và tránh những hoạt động khiến cẳng chân bị đau.
- Chườm đá (Ice): Dùng những túi chườm lạnh y tế để xoa dịu cơn đau, giảm sưng. Nên chườm vài lần trong ngày, mỗi lần khoảng 15 phút, có thể dùng khăn sạch bọc đá lạnh để chườm.
- Nén chặt cố định chỗ đau (Compress): Quấn băng quanh ống quyển hoặc đeo dụng cụ bó ống chân để làm giảm sưng.
- Đặt cao chân (Elevate): Khi nằm nên dùng gối lót dưới chân để hỗ trợ giảm sưng.
4. Những biện pháp phòng ngừa chấn thương nên biết
Chấn thương ống quyển rất dễ gặp và hoàn toàn có thể phòng ngừa, ngăn chặn nguy cơ xảy ra nếu chú ý đến một số vấn đề trong quá trình tập luyện thể dục thể thao.
- Mang giày dép phù hợp: Sử dụng loại giày thể thao phù hợp như có thiết kế đệm hỗ trợ và vừa vặn với kích thước chân sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ bị thương ở ống quyển cùng những vị trí khác. Không nên dùng giày đã mòn để tránh mất hiệu quả bảo vệ.
- Tập theo cường độ tăng dần: Tăng khối lượng tập luyện từ từ, không quá 10% mỗi tuần, giúp cơ thể thích nghi và giảm nguy cơ quá tải.
- Đảm bảo khởi động và thả lỏng cơ: Khởi động trước khi tập và thả lỏng sau khi tập là yếu tố quan trọng để ngăn ngừa chấn thương.
- Đa dạng hóa bài tập: Thay đổi các loại hình vận động để tránh quá tải cơ, đồng thời giảm lặp lại các động tác gây áp lực lên cùng một nhóm cơ.
- Luôn kéo giãn cơ bắp: Thực hiện những bài tập giãn cơ, tăng cường sức khỏe cơ chân gồm bắp chân, cẳng chân và mắt cá chân để cải thiện tính linh hoạt, giảm nguy cơ mất cân bằng.
- Lựa chọn mặt sân tập mềm: Nên lựa chọn tập luyện ở các bề mặt sân mềm như trên cỏ, đường đất bằng phẳng hoặc đường chạy chuyên dụng để giảm bớt áp lực lên ống quyển.

Nhìn chung, đau ống quyển không phải một chấn thương quá nghiêm trọng, hoàn toàn có thể phòng tránh được, đồng thời nếu phát hiện và điều trị đúng lúc thì quá trình phục hồi sau chấn thương ống quyển cũng sẽ diễn ra nhanh chóng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.