Ung thư thực quản giai đoạn 3 thường là khi khối u tiến triển và xâm lấn đến lớp ngoài cùng thực quản, di căn hạch vùng nhưng chưa di căn xa. Lúc này tình trạng sức khỏe tổng quát của người bệnh đã giảm mạnh, tiên lượng điều trị không cao và tỷ lệ sống được 5 năm chỉ còn rơi vào khoảng 20%.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sỹ thuộc Trung tâm Ung bướu Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Xác định ung thư thực quản giai đoạn 3 qua hệ thống TNM
HIện nay, các tình trạng ung thư nói chung thường được phân chia giai đoạn bằng hệ thống TNM, bao gồm mức độ xâm lấn của khối u (T), tình trạng di căn hạch vùng (N) và tình trạng di căn xa (M). Trong đó, T được đánh số từ 0 đến 4, với mức 4 còn được phân ra làm hai nhóm T4a và T4b tùy vào việc khối u xâm lấn những cơ quan nào trong cơ thể. Chỉ số N được xác định từ 0 đến 3, với mức 3 là cao nhất khi đã di căn từ 7 hạch vùng trở lên. Cuối cùng là M, thường chỉ có M0 và M1.

Ung thư thực quản giai đoạn 3 được xác định tùy vào trường hợp ung thư biểu mô tế bào gai (T3N1M0 hoặc T1-3N2M0) hay ung thư biểu mô tế bào tuyến (T2N1M0, T3N0-1M0 hoặc T4aN0-1M0). Điều này đồng nghĩa với việc khối u có khả năng đã xâm lấn tới lớp áo ngoài hoặc thậm chí là những cấu trúc xung quanh như màng phổi, màng tim, tĩnh mạch nền, phúc mạc và cơ hoành. Khối u có thể chưa di căn hoặc di căn tối đa 6 hạch vùng và chưa di căn xa.
2. Chẩn đoán ung thư ở giai đoạn 3 và tiên lượng sống
Khi bệnh đã tiến triển giai đoạn 3, các triệu chứng và dấu hiệu ung thư đã trở nên rõ ràng hơn rất nhiều, đồng thời sức khỏe của người bệnh cũng giảm đi. Bác sĩ cũng sẽ hỏi về tiền sử bệnh lý, thói quen sinh hoạt hiện tại trước khi tiến hành những bước chẩn đoán hình ảnh chuyên sâu hơn.
2.1. Chup CT-Scan, MRI, PET/CT
Một phương pháp chẩn đoán khá phổ biến để đánh giá giai đoạn ung thư, thông qua hình ảnh chụp cắt lớp vi tính phát hiện những tổn thương di căn hạch bạch huyết, hoặc có thể là di căn đến các cơ quan xa. Tuy vậy phương pháp này cũng có một vài hạn chế khi đánh giá mức độ xâm lấn khu trú của khối u thực quản. Ngoài ra còn có thể chỉ định chụp MRI não, PET/CT, nội soi ổ bụng và lồng ngực hoặc xạ hình xương.

2.2. Nội soi thực quản
Hầu hết trường hợp ung thư thực quản giai đoạn 3 sẽ xuất hiện các dấu hiệu nghi ngờ ung thư như bị đau khi nuốt đồ ăn, nghẹn ứ thức ăn, do đó bác sĩ có thể chỉ định nội soi tiêu hóa trên các cơ quan thực quản, dạ dày và tá tràng để xác định vị trí khối u, tình trạng loét hoặc sùi trên bề mặt của khối u và mức độ hẹp lòng thực quản.
Khi tiến hành nội soi, bác sĩ có thể lấy một mẫu mô nhỏ để kiểm tra sinh thiết các tổn thương hoặc khối u, đồng thời kết hợp siêu âm qua đầu dò nội soi giúp tăng cường mức độ chính xác trong việc đánh giá mức độ xâm lấn của khối u.
2.3. Tiên lượng sống của người bệnh
Giai đoạn này tiên lượng sống khá thấp, quá trình điều trị diễn ra khó khăn vì phát hiện bệnh muộn. Khối u giờ đây đã bắt đầu di căn các hạch lân cận, chưa di căn xa và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tổng quát, do đó quá trình điều trị cũng gặp nhiều khó khăn. Theo đánh giá hiện nay thì tiên lượng sống sau 5 năm của người bệnh ở giai đoạn 3 chỉ rơi vào khoảng 20%.
3. Các triệu chứng ung thư thực quản giai đoạn 3
Giai đoạn đầu của ung thư thực quản không có các triệu chứng rõ ràng, nên người bệnh rất dễ chủ quan mà bỏ qua, không thực hiện khám sức khỏe tổng quát định kỳ để phòng ngừa nguy cơ. Với giai đoạn 3, những triệu chứng bệnh đã xuất hiện thường xuyên và có mức độ nặng hơn rất nhiều.
- Sụt cân bất thường: Tình trạng này rất phổ biến ở các bệnh nhân ung thư và thường đi kèm với tình trạng khó nuốt thức ăn, chỉ có thể cải thiện khi đã tìm ra cách hỗ trợ người bệnh ăn uống để bổ sung dinh dưỡng.
- Nuốt nghẹn: Người mắc ung thư thực quản gần như luôn gặp tình trạng này, thường có cảm giác bị mắc nghẹn ở phần thực quản. Khi bị nặng người bệnh gần như không thể dùng thức ăn mềm hoặc ở dạng lỏng, thậm chí còn không uống được nước và sữa.
- Nôn ói do nghẹn: Bị nghẹn thức ăn nặng thường dẫn đến nôn trong lúc ăn hoặc ngay sau khi ăn, chất nôn không lẫn dịch vị mà có khả năng lẫn ít máu.
- Tăng tiết nước bọt: Tình trạng nuốt nghẹn khiến nước bọt bị ứ đọng lại ở họng, không thể đi theo thức ăn xuống dạ dày khiến người bệnh thường xuyên nhổ nước bọt.
- Cảm giác đau, tức ngực khi nuốt: Có khoảng 20% người bị ung thư thực quản trải qua triệu chứng này, xảy ra khi ăn thức ăn dạng đặc hoặc thậm chí là khi uống nước.
- Một số triệu chứng khác: Khối u trong giai đoạn này đã xâm lấn màng phổi và màng ngoài tim, do đó người bệnh có thể gặp phải tình trạng tràn dịch màng phổi, đau ngực, khó thở, …

4. Điều trị ung thư thực quản ở giai đoạn 3
Ở giai đoạn khối u tiến triển và đã xâm lấn những cơ quan xung quanh thực quản thì việc điều trị phụ thuộc rất nhiều vào mức độ di căn của khối u, tình trạng sức khỏe của người bệnh, khả năng đáp ứng điều trị, tâm lý và nguyện vọng của người bệnh.
4.1. Hóa trị
Phương pháp hóa trị sử dụng thuốc hóa học đặc biệt để tiêu diệt các tế bào ung thư, ngăn chặn sự phát triển và ức chế tăng sinh, có thể truyền vào tĩnh mạch, thông qua đường uống hoặc kết hợp cả hai. Mặc dù vậy ở giai đoạn 3 thì liệu pháp này chủ yếu nhằm mục đích hỗ trợ trước hoặc sau khi phẫu thuật.
4.2. Xạ trị
Phương pháp này đòi hỏi người bệnh phải đảm bảo sức khỏe tổng quát để có thể chịu được tia X năng lượng cao hoặc tia bức xạ, với mục đích hạn chế khả năng tăng sinh hoặc tiêu diệt tế bào ung thư. Lựa chọn này thường sẽ giúp giảm nhẹ các triệu chứng của những người không thể hóa xạ đồng thời.
4.3. Hóa xạ đồng thời (kết hợp hóa trị và xạ trị)
Ở giai đoạn 3 của ung thư thực quản thì phương pháp này khá quan trọng, cần người bệnh đảm bảo được sức khỏe tổng quát để có thể áp dụng đồng thời hai hình thức xạ trị và hóa trị, thường tiến hành trước khi phẫu thuật hoặc cố gắng điều trị dứt điểm bệnh.
4.4. Phẫu thuật triệt để hoặc giảm nhẹ
Liệu pháp này thường chỉ được thực hiện sau khi người bệnh tiến hành hóa trị hoặc hóa xạ đồng thời, với hai mục đích chính là điều trị triệt để hoặc giảm nhẹ triệu chứng bệnh. Nếu có thể điều trị triệt để, người bệnh sẽ được phẫu thuật cắt bỏ một phần thực quản chứa khối u, sau đó nạo vét các hạch xung quanh.
Phần thực quản còn lại được nối với dạ dày để có thể tiêu hóa thức ăn. Có thể dùng một phần ruột để thay thế cho phần thực quản phải cắt bỏ. Đối với trường hợp bị hẹp thực quản hoặc không thể ăn uống qua đường miệng, phẫu thuật lúc này chỉ mang tính chất giảm nhẹ, đặt stent vào lòng thực quản hoặc mở dạ dày ra da.
4.5. Áp dụng liệu pháp miễn dịch sau phẫu thuật
Liệu pháp miễn dịch thường được áp dụng để giúp các tế bào miễn dịch tăng khả năng nhận biết tế bào ung thư. Ở trường hợp ung thư thực quản giai đoạn 3 thì liệu pháp này phần lớn sẽ được áp dụng sau khi đã phẫu thuật, nhằm mục đích giảm khả năng tái phát bệnh và tăng tiên lượng sống.
5. Những lưu ý khi bị ung thư thực quản giai đoạn tiến triển và biện pháp phòng ngừa
Giai đoạn 3 của ung thư thực quản khiến cho người bệnh gặp khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày, đồng thời cũng ảnh hưởng lớn đến thể chất và tinh thần. Do đó điều quan trọng là phải có một chế độ ăn uống cân bằng dinh dưỡng dạng mềm, lỏng và dễ nuốt. Ngoài ra người thân cũng cần dành thời gian bên cạnh người bệnh để hỗ trợ tinh thần, động viên người bệnh thực hiện đúng theo phác đồ điều trị, có thể khuyến khích tập dưỡng sinh, yoga để vận động nhẹ và thư giãn đầu óc.

Để ngăn ngừa tình trạng tiến triển đến ung thư thực quản giai đoạn 3, chúng ta cần duy trì một lối sống lành mạnh, ăn uống điều độ, hạn chế ăn đồ lên men, đồ chế biến sẵn, thức ăn nhanh, thay vào đó bổ sung rau củ quả và trái cây để tăng cường sức đề kháng. Việc tập thể dục thể thao thường xuyên cũng rất quan trọng để có thể duy trì cân nặng hợp lý, đồng thời không hút thuốc lá, uống rượu bia hoặc sử dụng chất kích thích.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.