Xạ trị có nguy hiểm không? Đây là câu hỏi mà nhiều người bệnh và gia đình của họ thường đặt ra khi đối mặt với phương pháp điều trị ung thư này. Xạ trị là một phương pháp hiệu quả trong việc tiêu diệt tế bào ung thư nhưng cũng mang lại những lo ngại về tác dụng phụ và độ an toàn.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sỹ thuộc Trung tâm Ung bướu Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Tác dụng của xạ trị trong điều trị ung thư
Khi tiến hành điều trị ung thư, tùy vào giai đoạn của bệnh cũng như sức khỏe tổng thể của người bệnh mà bác sĩ có thể chỉ định các phương pháp khác nhau. Trong đó hóa trị và xạ trị là những lựa chọn thường gặp nhất.
Với xạ trị, bác sĩ sẽ tiến hành tiêu diệt tế bào ung thư bằng tia phóng xạ năng lượng nhưng điều này chỉ có tác dụng với các bệnh ung thư giai đoạn sớm hoặc khối u lành tính.
Ở những giai đoạn ban đầu, tế bào ung thư còn khá yếu, do đó có thể áp dụng phương pháp xạ trị để loại bỏ chúng. Việc áp dụng xạ trị sau khi hóa trị hoặc phẫu thuật có thể hạn chế khả năng khối u tái phát và di căn sang những tế bào khỏe mạnh gần đó.

Bác sĩ cũng có thể chỉ định xạ trị trước khi phẫu thuật nếu khối u phát triển nhanh, xâm lấn những vùng xung quanh. Việc xạ trị lúc này giúp thu gọn khối u để có thể can thiệp bằng phẫu thuật.
Với những tác dụng kể trên, một trong những điều người bệnh quan tâm nhất chắc chắn là xạ trị có nguy hiểm không và sẽ để lại những tác dụng phụ nào.
2. Giải đáp về việc xạ trị có nguy hiểm không
Hiện nay, chưa có một nghiên cứu khoa học nào chứng minh được mức độ an toàn và nguy hiểm của mọi phương pháp điều trị ung thư, bao gồm cả xạ trị. Nhưng bản thân việc xạ trị vẫn có hiệu quả trong quá trình điều trị ung thư và dù là hóa trị hay xạ trị đều sẽ để lại tác dụng phụ nhất định.
Bệnh nhân ung thư sau khi xạ trị có thể gặp tình trạng viêm da, mệt mỏi, rụng tóc, khô miệng, ho nhiều hoặc khó thở. Đây đều là những đặc điểm bệnh lý hết sức bình thường, chỉ cần làm theo hướng dẫn điều trị của bác sĩ để ổn định sức khỏe, giảm bớt thời gian kéo dài tác dụng phụ.

Tác dụng phụ có thể kéo dài trong vài tháng hoặc cho tới lúc những tế bào lân cận tế bào ung thư phục hồi.
3. Tác dụng phụ của phương pháp xạ trị là gì?
Nhìn chung, bất kỳ phương pháp chữa bệnh nào cũng có thể có tác dụng phụ, không riêng gì điều trị ung thư. Do đó việc sau khi xạ trị người bệnh gặp tác dụng phụ cũng là điều đã được tiên liệu từ trước, đồng thời bác sĩ cũng phải tiến hành tư vấn tâm lý trước cho người bệnh việc xạ trị có nguy hiểm không.
- Cảm giác mệt mỏi: Phương pháp xạ trị khi tiêu diệt tế bào ung thư thường sẽ tác động đến cả những tế bào khỏe mạnh, khiến cho người bệnh luôn cảm thấy mệt mỏi, khó chịu.
- Viêm da xạ trị: Tác dụng phụ này xuất hiện sau khoảng 3 - 4 tuần kể từ khi xạ trị. Những dấu hiệu phổ biến là da nứt nẻ, phát ban, phồng rộp trở nên sẫm màu. Người bệnh sẽ cảm thấy ngứa ngáy khó chịu, kèm theo phát ban. Cách khắc phục chủ yếu là bổ sung thêm Vitamin E hoặc bôi dầu lô hội lên các vị trí viêm.
- Rụng tóc: Tia bức xạ khi hóa trị tác động đến tế bào sừng, dẫn đến việc chân tóc xơ yếu và dễ gãy rụng. Thời gian bắt đầu xuất hiện tác dụng phụ này thường là sau khoảng 2 đến 3 tuần kể từ lần xạ trị đầu tiên. Đây là đặc điểm chung của mọi bệnh nhân điều trị ung thư.
- Tác động đến hệ tiêu hóa: Đối với những trường hợp người mắc bệnh ung thư có khối u ở vùng ngực hoặc bụng, việc xạ trị thường sẽ dẫn tới tác dụng phụ là viêm dạ dày, thực quản và viêm đường ruột. Điều này có khả năng khiến cho người bệnh cảm thấy buồn nôn, tiêu chảy hoặc đau bụng. Cách giải quyết chủ yếu là uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

- Tác động tế bào niêm mạc của miệng và họng: Viêm niêm mạc và khô miệng, mất vị giác cũng là các tác dụng phụ có thể gặp phải. Mặc dù vậy, đa số đều được cải thiện sau 4 đến 8 tuần kể từ thời điểm kết thúc liệu trình xạ trị. Tình trạng khô miệng có thể mất nhiều thời gian hơn để phục hồi nhưng nếu tuyến nước bọt bị tổn thương, có khả năng không phục hồi được nữa. Người bệnh nên uống thuốc giảm đau, giữ gìn vệ sinh răng miệng để tránh bị nhiễm trùng.
- Tác động của xạ trị đến phổi: Trường hợp bị ung thư phổi, việc xạ trị sẽ khiến cho phổi bị suy giảm chất mở đường dẫn khí Surfactant. Điều này làm người bệnh bị ho và thở ngắn.
- Một vài tác dụng phụ khác: Ngoài những vấn đề kể trên, người bệnh sau khi tiến hành xạ trị thường sẽ bị giảm nhẹ khả năng nhận thức, giảm ham muốn quan hệ tình dục, mất trí nhớ ngắn hạn, dễ bị cảm lạnh hơn, đồng thời thị giác cũng thay đổi khiến cho đi lại có phần khó khăn. Dù vậy chúng không kéo dài vĩnh viễn mà chỉ một thời gian nhất định mà thôi.

Tóm lại, việc xạ trị có nguy hiểm không là vấn đề chưa được khoa học xác minh, chỉ có tác dụng phụ là điều mà chắc chắn chúng ta phải trải qua trong quá trình điều trị ung thư. Do đó, người bệnh cần trao đổi với bác sĩ để được tư vấn trọn vẹn mọi thông tin liên quan đến liệu trình xạ trị, đồng thời chuẩn bị tinh thần cho bất kỳ tác dụng phụ nào có thể gặp phải.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.