Công dụng thuốc Soravar

Thuốc Soravar với thành phần chính Sorafenib, là thuốc chống ung thư được sử dụng trong điều trị ung thư biểu mô tế bào gan, biểu mô tế bào thận và biểu mô tuyến giáp biệt hóa. Bài viết dưới đây cung cấp cho bạn đọc thông tin về công dụng và cách dùng thuốc Soravar.

1. Thuốc Soravar có tác dụng gì?

Thuốc Soravar chứa thành phần chính là Sorafenib, thuốc được bào chế dưới dạng viên nén bao phim với hàm lượng 200mg.

Sorafenid là chất ức chế quá trình tiền tạo mạch, thuốc được dùng cho bệnh nhân ung thư biểu mô tế bao gan (HCC) không thể cắt bỏ mà chưa xơ gan tiến triển ở giai đoạn B và C.

Sorafenib ức chế sự phát triển của các tế bào khối u ở biểu mô gan và tế bào thận của người, ngoài ra thuốc có thể ức chế một số loại ung thư khác của người được ghép dị loại trên chuột bị tổn thương hệ miễn dịch. Sự giảm mạch máu đến khối u và tăng chết tế bào khối u theo chương trình được phát hiện ở tế bào biểu mô gan và thận khi sử dụng Sorafenib. Bên cạnh đó, người ta cũng nhận thấy có hiện tượng giảm tín hiệu của tế bào khối u trong trường hợp ung thư biểu mô gan ở người.

Sorafenib là chất ức chế nhiều loại nội bào khác nhau (c-CRAF, BRAF đột biến, BRAF) và kinase ở bề mặt tế bào (KIT, RET, FLT-3, PDGFR-β, VEGFR-1, VEGFR-2, VEGFR-3). Một số kinase trong này được cho là có liên quan đến tín hiệu của tế bào khối u, hình thành mạch máu và sự chết tế bào theo chương trình.

2. Chỉ định và chống chỉ định của thuốc Soravar

2.1. Chỉ định

Thuốc Soravar được chỉ định trong các trường hợp sau:

  • Ung thư biểu mô tế bào gan.
  • Ung thư biểu mô tế bào thận: thuốc Soravar được chỉ định điều trị trong ung thư biểu mô thận tiến triển, bệnh nhân đã thất bại với điều trị trước đó bằng interferon-alpha hoặc interleukin-2, hoặc bệnh nhân không phù hợp với các điều trị này.
  • Ung thư biểu mô tuyến giáp biệt hóa: thuốc Soravar được chỉ định điều trị cho ung thư biểu mô tế bào tuyến giáp biệt hóa tiến triển, tiến triển tại chỗ hoặc di căn (tế bào nang/ nhú/ Hurthle) hoặc bệnh nhân trơ với bức xạ iod.

2.2. Chống chỉ định

Chống chỉ định sử dụng thuốc Soravar trong trường hợp sau: dị ứng hoặc quá mẫn với Sorafenib hoặc bất cứ thành phần nào của thuốc Soravar.

3. Cách dùng thuốc Soravar

3.1. Liều dùng

  • Soravar được dùng đường uống, uống nguyên viên với nước. Khuyến cáo nên uống thuốc Soravar lúc đói, có thể uống cùng bữa ăn ít chất béo. Nếu bệnh nhân ăn bữa ăn giàu chất béo, uống thuốc ít nhất 1 giờ trước hoặc 2 giờ sau bữa ăn.
  • Liều dùng khuyến cáo của Soravar ở người lớn là 400mg/ lần x 2 lần/ ngày.
  • Khi nghi ngờ xảy ra các tác dụng không mong muốn có thể tạm thời ngừng sử dụng hoặc giảm liều điều trị của Soravar.
  • Điều trị ung thư biểu mô tế bào gan và ung thư biểu mô tế bào thận tiến triển, nếu cần có thể giảm liều thuốc Soravar xuống còn 400mg/ ngày.
  • Trong điều trị ung thư biểu mô tế bào tuyến giáp biệt hóa, nếu cần thiết liều thuốc Soravar có thể giảm xuống 600mg/ ngày (chia thành hai lần 400mg và 200mg uống cách nhau 12 giờ).
  • Bên cạnh đó, nếu cần thiết giảm liều, giảm xuống 400mg/ ngày chia thành hai lần dùng cách nhau 12 giờ. Một số trường hợp có thể giảm liều Soravar xuống còn 200mg/ lần x 1 lần/ ngày.
  • Sau khi tác dụng không mong muốn cải thiện thể hiện qua xét nghiệm huyết học, liều thuốc Soravar nên được tăng lên.
  • Tính an toàn và hiệu quả của thuốc Soravar ở bệnh nhân dưới 18 tuổi vẫn chưa được thiết lập.
  • Bệnh nhân lớn tuổi (> 65 tuổi): Không cần điều chỉnh liều.
  • Bệnh nhân suy thận: không cần điều chỉnh liều thuốc Soravar ở bệnh nhân suy thận. Nên theo dõi cân bằng nước và điện giải ở bệnh nhân có nguy cơ xảy ra rối loạn chức năng thận.
  • Bệnh nhân suy gan: không cần điều chỉnh liều thuốc Soravar ở bệnh nhân suy gan Child-Pugh A và B (nhẹ đến trung bình). Hiện chưa có dữ liệu sử dụng Sorafenib ở bệnh nhân suy gan nặng Child-Pugh C.

3.2. Quá liều thuốc Soravar và xử trí

Liều dùng cao nhất của Sorafenib trong nghiên cứu được ghi nhận là 800mg x 2 lần/ ngày. Triệu chứng được ghi nhận khi sử dụng thuốc Sorafenib ở liều này là tiêu chảy và phản ứng ở da.

Trường hợp nghi ngờ quá liều thuốc, ngừng sử dụng thuốc Soravar và áp dụng các biện pháp hỗ trợ. Không có thuốc giải độc đặc hiệu cho bệnh nhân sử dụng quá liều Sorafenib.

4. Tác dụng không mong muốn khi sử dụng thuốc Soravar

Tác dụng không mong muốn nghiêm trọng nhất khi sử dụng thuốc Soravar là nhồi máu cơ tim, tăng huyết áp, viêm gan do thuốc, thủng đường tiêu hóa, xuất huyết.

Tác dụng không mong muốn phổ biến nhất là mệt mỏi, nhiễm trùng, rụng tóc, phản ứng da tay chân, phát ban, tiêu chảy. Khi sử dụng thuốc Soravar, có thể gặp một số tác dụng không mong muốn sau:

  • Rất thường gặp: Nhiễm trùng, thiếu bạch cầu lympho, biếng ăn, giảm phosphat máu, xuất huyết (xuất huyết não, đường tiêu hóa, đường hô hấp), tăng huyết áp, tiêu chảy, buồn nôn, nôn, táo bón, đau khớp, mệt mỏi, đau, sốt, giảm cân, tăng amylase, tăng lipase.
  • Thường gặp: Viêm nang lông, giảm bạch cầu, giảm bạch cầu trung tính, thiếu máu, giảm tiểu cầu, suy giáp, tăng calci máu, hạ kali máu, hạ natri máu, trầm cảm, thay đổi vị giác, ù tai, suy tim sung huyết, thiếu máu cục bộ và nhồi máu cơ tim, sổ mũi, chứng khó tiêu, khó nuốt, trào ngược dạ dày thực quản, da khô, phát ban, rụng tóc, đỏ da, ngứa, suy thận, protein niệu, rối loạn chức năng cương dương, suy nhược, tăng thoáng qua transaminase.
  • Ít gặp: Phản ứng quá mẫn (bao gồm những phản ứng ở da và nổi mề đay), phản ứng phản vệ, cường giáp, mất nước, bệnh lý chất trắng não sau có thể hồi phục hồi phục, cơn tăng huyết áp, bệnh phổi mô kẽ (viêm phổi, viêm phổi do bức xạ, suy hô hấp cấp), viêm tụy, viêm dạ dày, thủng đường tiêu hóa, tăng bilirubin và vàng da, viêm túi mật, viêm đường mật, u gai sừng, ung thư tế bào vảy da, viêm da tróc vảy, bong da, tăng sừng, nữ hóa tuyến vú, tăng thoáng qua phosphatase kiềm trong máu, INR bất thường, nồng độ prothrombin bất thường.
  • Hiếm gặp: Phù mạch, khoảng QT kéo dài, viêm gan do thuốc, hồng ban đa dạng, tiêu cơ vân, hội chứng thận hư.

5. Một số lưu ý khi sử dụng thuốc Soravar

  • Độc tính ngoài da: Phát ban là tác dụng không mong muốn thường gặp nhất khi dùng Sorafenib, thường xuất hiện trong sáu tuần điều trị đầu tiên. Khi gặp các triệu chứng này có thể áp dụng phương pháp điều trị tại chỗ làm giảm triệu chứng, ngưng điều trị tạm thời hoặc điều chỉnh liều thuốc Soravar, trong trường hợp nghiêm trọng có thể ngưng Soravar.
  • Tăng huyết áp: Tăng huyết áp độ nhẹ đến trung bình, thường xuất hiện rất sớm trong quá trình điều trị. Theo dõi huyết áp thường xuyên trong thời gian sử dụng thuốc Soravar. Trường hợp tăng huyết áp nặng hoặc kéo dài, hoặc có cơn tăng huyết áp mặc dù đã điều trị hạ huyết áp, nên xem xét ngừng dùng thuốc Soravar vĩnh viễn khi cần thiết.
  • Xuất huyết: Nguy cơ chảy máu tăng có thể xảy ra khi dùng Soravar. Nếu chảy máu xảy ra khi dùng thuốc, nên xem xét ngừng dùng thuốc Soravar vĩnh viễn.
  • Thiếu máu cục bộ hoặc nhồi máu cơ tim: Cân nhắc ngừng dùng thuốc Sorafenib tạm thời hoặc vĩnh viễn sorafenib ở bệnh nhân thiếu máu cục bộ hoặc nhồi máu cơ tim.
  • Khoảng QT kéo dài: Khoảng QT có thể kéo dài khi dùng Soravar, dẫn đến nguy cơ loạn nhịp thất. Thận trọng ở bệnh nhân có nguy cơ kéo dài khoảng QT như: bệnh nhân có hội chứng kéo dài khoảng QT bẩm sinh, được điều trị với liều cao anthracyclin, uống thuốc chống loạn nhịp hoặc thuốc khác dẫn đến kéo dài khoảng QT, rối loạn điện giải như hạ kali máu, hạ calci hoặc magnesi máu. Khi sử dụng thuốc Soravar ở bệnh nhân này, theo dõi điện tâm đồ và chất điện giải trong quá trình điều trị.
  • Suy gan: Sorafenib được thải trừ chủ yếu qua gan, không sử dụng thuốc cho bệnh nhân suy gan Child-Pugh C (nặng).
  • Dùng đồng thời với Warfarin: Theo dõi thường xuyên thời gian prothrombin, tỷ số INR hoặc triệu chứng xuất huyết trên lâm sàng khi sử dụng đồng thời Soravar và Warfarin hoặc Phenprocoumon.
  • Người lớn tuổi : Cần theo dõi chức năng thận khi sử dụng thuốc Soravar ở người lớn tuổi (> 65 tuổi).
  • Phụ nữ mang thai: Không sử dụng Soravar trong thời gian mang thai. Cân nhắc thận trọng khi sử dụng thuốc Soravar ở phụ nữ mang thai, nếu lợi ích của việc sử dụng thuốc thích đáng hơn nguy cơ có thể xảy ra đối với thai nhi.
  • Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ: Không nên mang thai trong thời gian điều trị với Sorafenib. Bác sĩ cần tư vấn cho bệnh nhân là phụ nữ trong độ tuổi sinh sản về rủi ro đối với phôi thai, bao gồm khả năng gây quái thai, thai nhi kém phát triển hoặc thai lưu. Sử dụng biện pháp tránh thai trong thời gian điều trị thuốc Soravar và 2 tuần tiếp theo sau khi ngừng thuốc.
  • Khả năng sinh sản: Nghiên cứu trên động vật cho thấy thuốc Sorafenib có thể làm suy yếu khả năng sinh sản của cả giống đực và cái.
  • Phụ nữ đang cho con bú: Hiện nay chưa rõ liệu Sorafenib có được bài tiết vào sữa mẹ hay không. Do không thể loại trừ ảnh hưởng của Sorafenib đối với trẻ bú mẹ, phụ nữ nên ngừng cho con bú trong thời gian sử dụng thuốc Soravar.

6. Tương tác thuốc

  • Docetaxel: sử dụng đồng thời Sorafenib và Docetaxel có thể làm tăng nồng độ Docetaxel.
  • Sự cảm ứng CYP3A4: Sorafenib dùng đồng thời với Rifampicin có thể gây giảm nồng độ của Sorafenib. Chất cảm ứng hoạt động của CYP3A4 khác (như Carbamazepine, Phenytoin, Phenobarbital và Dexamethasone) có thể làm tăng chuyển hóa của Soravar, do đó làm giảm nồng độ Sorafenib trong máu.
  • Doxorubicin: điều trị đồng thời với Sorafenib làm tăng lên khoảng 21% chỉ số diện tích dưới đường cong AUC của thuốc.
  • Neomycin: Sử dụng đồng thời Soravar với Neomycin, sẽ làm ảnh hưởng tới vòng tái hấp thu gan ruột của sorafenib, do đó làm giảm hấp thu Sorafenib.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan