Cách xử lý khi huyết áp tụt đột ngột

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Ngô Đắc Thanh Huy - Bác sĩ Tim mạch - Khoa Khám bệnh & Nội khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng

Tụt huyết áp là tình trạng huyết áp ở dưới mức cho phép, có thể bị gây ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Tụt huyết áp đột ngột làm cho người bệnh có cảm giác khó chịu, choáng váng và có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.

1. Tụt huyết áp đột ngột là gì?

Huyết áp là áp lực của máu lên thành động mạch và đặc trưng cho khả năng tuần hoàn lưu thông máu bên trong cơ thể.

Tụt huyết áp đột ngột là khi huyết áp đột ngột giảm xuống mức thấp so với mức huyết áp bình thường của một người, được xác định khi huyết áp tâm thu (chỉ số bên trên) giảm xuống dưới mức 90mmHg hoặc/và huyết áp tâm trương (chỉ số bên dưới) giảm xuống dưới mức 60mmHg.

Huyết áp tụt xuống mức thấp làm cho áp lực đẩy máu tới cơ quan bị giảm và lượng máu đưa tới cơ quan cũng giảm theo. Dấu hiệu gây ra của tụt huyết áp thực chất chính là các triệu chứng xuất hiện khi các cơ quan bị thiếu máu. Khi bị tụt huyết áp người bệnh có thể xuất hiện một hoặc một số các triệu chứng như:

  • Dấu hiệu của tụt huyết áp có thể xuất hiện bất cứ lúc nào nhưng thường gặp nhất là khi người bệnh thay đổi tư thế đột ngột, đứng lên ngồi xuống.
  • Chóng mặt, choáng váng, đầu óc quay cuồng là các dấu hiệu thường gặp nhất.
  • Giảm thị lực, cảm giác như mọi thứ xung quanh tối sầm lại.
  • Sắc mặt tái nhợt.
  • Buồn nôn, nôn, đau bụng và khát nước.
  • Nhịp thở nhanh nông, tim đập nhanh.
  • Ngất xỉu khi tụt huyết áp mức độ nặng, tụt huyết áp cũng là nguyên nhân thường thấy của tình trạng ngất.
  • Lạnh tay chân, nước tiểu ít.
Tụt huyết áp
Huyết áp tụt đột ngột sẽ có các triệu chứng như chóng mặt, choáng váng, buồn nôn,...

2. Các nguyên nhân gây tụt huyết áp đột ngột

Huyết áp được quyết định bởi nhiều yếu tố, chính vì vậy hiện tượng tụt huyết áp có thể do nhiều nguyên nhân gây nên bao gồm:

  • Thuốc điều trị tăng huyết áp: Đây là nguyên nhân hay gặp nhất của tình trạng tụt huyết áp đột ngột, đặc biệt là thuốc lợi tiểu, các thuốc beta-blocker,...
  • Một số loại thuốc có cơ chế tác động liên quan tới hệ thần kinh như thuốc điều trị rối loạn cương dương, thuốc chống trầm cảm, thuốc trị động kinh,...cũng là nguyên nhân gây hạ huyết áp.
  • Giảm thể tích tuần hoàn: Thiếu máu do thiếu dinh dưỡng, bệnh về máu,...mất nước do vận động thể lực quá mức ra mồ hôi nhiều, nôn mửa, tiêu chảy kéo dài,...mất máu cấp có thể do chấn thương, xuất huyết trong cơ thể,...
  • Bệnh tim mạch: Đây là nguyên nhân hay gặp ở người lớn tuổi, các nguyên nhân như suy tim, bệnh van tim, rối loạn nhịp tim,... khiến chức năng tim giảm, do đó khả năng bơm máu kém.
  • Thay đổi nội tiết tố: Sau khi sinh, tiền mãn kinh, mắc bệnh tuyến giáp, bệnh thận, bệnh lý tuyến thượng thận,...
  • Các tế bào cảm nhận huyết áp bên trong lòng mạch hoạt động kém hiệu quả.
  • Uống quá nhiều rượu, bia cũng là yếu tố làm tăng nguy cơ tụt huyết áp đột ngột.
  • Tụt huyết áp đột ngột cũng có thể gặp sau khi tắm nước nóng, tắm hơi, xông hơi do mất nước nhiều qua da.

3. Cách xử lý khi huyết áp tụt đột ngột

Xử lý đúng cách khi bị tụt huyết áp đột ngột có thể giúp người bệnh phục hồi nhanh chóng hơn và hạn chế những nguy cơ tai nạn, chấn thương hay những yếu tố nguy hiểm tới cơ thể không đáng có do tụt huyết áp gây ra.

Ngay khi nhận thấy các dấu hiệu đầu tiên của tụt huyết áp bạn hãy xử trí theo các bước sau:

  • Để cho người bệnh từ từ ngồi hay nằm xuống một nơi bằng phẳng, tốt nhất là nằm lên ghế dài hoặc giường và ở một nơi yên tĩnh, tránh môi trường quá nóng. Nâng hai chân của mình lên cao bằng gối hay bất kỳ vật dụng gì có thể sử dụng.
  • Nhờ người thân giúp đỡ để uống một cốc nước ấm như trà gừng, trà sâm hay nước ấm pha có vị ngọt hoặc mặn, nếu không có thì có thể thay thế bằng cách uống nhiều nước.
  • Trường hợp người bệnh hạ huyết áp do dùng thuốc điều trị tăng huyết áp, thì nên ngừng dùng thuốc và tái khám sớm khi bệnh nhân ổn định.
  • Nếu do mất nước như nôn, tiêu chảy, mất mồ hôi thì nên uống các loại nước bù điện giải như oresol.
  • Nếu tụt huyết áp lại kèm theo có những chấn thương hay có tình trạng chảy máu nhiều thì phải cầm máu ban đầu và đến bệnh viện ngay để được xử trí kịp thời.
  • Ăn một chút socola (nếu có) cũng giúp nâng huyết áp.
  • Dùng tay day huyệt thái dương hai bên, người bệnh có thể tự làm hoặc nhờ người thân giúp đỡ cho tới khi hồi phục trở lại.
  • Khi người bệnh cảm thấy đã bình thường trở lại và muốn ngồi dậy, cũng cần thực hiện rất từ từ bởi nếu đứng lên nhanh có thể sẽ bị tụt huyết áp trở lại.
  • Trường hợp bệnh nhân có đi kèm các triệu chứng như sốt cao, ăn kém, lú lẫn, hoặc không cảm thấy khỏe hơn sau khi nghỉ ngơi, không hồi phục hay đo huyết áp không cải thiện, bệnh nhân cần đến bệnh viện kịp thời để được bác sĩ khám và tìm nguyên nhân kỹ hơn.
  • Trong các trường hợp huyết áp không ổn định, thường xuyên lên xuống thất thường, điều quan trọng là phải thường xuyên theo dõi huyết áp tại nhà để biết được tình trạng sức khỏe và khám khi cần để có cách can thiệp kịp thời, tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra. Đặc biệt, người thường phải làm việc trên cao, làm nghề lái xe,... cần đi khám sớm để được tầm soát kỹ hơn nguyên nhân hạ huyết áp.
Kết quả Human C1-esterase inhibitor máu giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh lý
Khi huyết áp tụt đột ngột có kèm theo các triệu chứng nghiêm trọng, bệnh nhân cần đến bệnh viện kịp thời để các bác sĩ thăm khám

4. Cách phòng tránh huyết áp tụt đột ngột

Hạ huyết áp đột ngột đôi khi có thể gây ra những hậu quả không lường trước được, nguy cơ tai nạn và chấn thương. Một số cách có thể được sử dụng như biện pháp phòng tránh tình trạng tụt huyết áp như:

  • Chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng và khoa học: Ăn uống đúng giờ giấc, không bỏ bữa, ăn nhiều thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, đa dạng các loại vitamin, đặc biệt là các loại thức ăn có nhiều chất xơ như gạo lứt, rau xanh, quả chín, các loại đậu,... và các thực phẩm chứa nhiều acid béo omega 3 như các loại hạt, cá hồi,...
  • Uống đủ nước: Nước rất cần cho mọi hoạt động của cơ thể, thường xuyên uống nước ngay cả khi không cảm thấy khát là điều rất cần thiết giúp cơ thể khỏe mạnh. Nhất là khi phải hoạt động ở những nơi gây mất nhiều mồ hôi thì nên bổ sung nước thường xuyên để tránh hiện tượng mất nước gây hạ huyết áp nhanh.
  • Chế độ sinh hoạt điều độ: Nên có chế độ sinh hoạt và nghỉ ngơi hợp lý, ngủ đủ giấc, không làm việc quá sức hoặc thay đổi tư thế một cách đột ngột.
  • Tập thể dục đều đặn: Tập thể dục thường xuyên để giữ cho động mạch đàn hồi tốt, đảm bảo lưu lượng máu lưu thông và huyết áp ở mức độ bình thường để đưa máu lên não. Một số môn thể dục có thể tập như đi bộ, tập yoga, chạy bộ, đi xe đạp,...
  • Tránh căng thẳng và giữ tinh thần lạc quan: Cố gắng giữ tinh thần vui vẻ, lạc quan, tránh những cảm xúc tiêu cực như lo lắng, sợ hãi, buồn rầu, tuyệt vọng, căng thẳng,... có thể ngồi thiền hay tập dưỡng sinh để giúp cơ thể tráng căng thẳng.
  • Theo dõi huyết áp thường xuyên: Chúng ta cần chủ động theo dõi huyết áp thường xuyên tại nhà cho mình và người thân trong gia đình để nắm rõ tình trạng sức khỏe. Nếu thấy bất thường thì có những sự can thiệp, cải thiện kịp thời, từ đó tránh để xảy ra những hậu quả không đáng có.

Huyết áp tụt đột ngột là tình trạng gây ra bởi nhiều nguyên nhân. Việc xử trí nhanh chóng và giải quyết nguyên nhân nếu có là điều cần thiết tránh những hậu quả không may xảy ra.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: medlatec.vn, benhvienthuduc.vn, suckhoedoisong.vn

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

64K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan