Thuốc chống kết dính tiểu cầu sử dụng khi nào?

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Quốc Việt - Bác sĩ Tim mạch can thiệp - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Hiện nay tỷ lệ bệnh nhân bị mắc các bệnh tim mạch như bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim... đang ngày càng gia tăng. Một trong những nguyên nhân chính gây ra nhồi máu cơ tim chính là sự hình thành các cục huyết khối ở trong lòng động mạch vành (động mạch nuôi tim). Vì lý do này, những bệnh nhân mắc bệnh động mạch vành thường cần đến sự trợ giúp của thuốc chống kết dính tiểu cầu.

1. Tiểu cầu, cục huyết khối và bệnh tim mạch

1.1. Vai trò của tiểu cầu

Tiểu cầu là một thành phần chiếm lượng rất nhỏ trong hệ thống tuần hoàn máu. Tuy nhỏ nhưng tiểu cầu đóng vai trò cực kỳ quan trọng, giúp cho cơ thể ngăn cản quá trình chảy máu (tức hỗ trợ đông máu).

Ví dụ: Nếu bạn vô tình có vết thương gây chảy máu, tiểu cầu lập tức được huy động tập trung tại vị trí tổn thương, cùng một số thành phần khác tạo nên cục máu đông để hỗ trợ cầm máu tạm thời.

Quá trình hình thành huyết khối, mặc dù vậy nhưng chúng cũng có thể gây tắc các mạch máu trong cơ thể và dẫn đến các tình trạng nguy hiểm như: Tắc mạch vành gây nhồi máu cơ tim, tắc mạch máu não gây tai biến mạch não, tắc mạch ngoại vi gây hoại tử chân...

1.2. Nguyên nhân hình thành huyết khối

Bình thường trong tuần hoàn không hề có cục huyết khối. Các thành phần của máu như: Hồng cầu, tiểu cầu, bạch cầu thường không dính vào thành mạch gây ra cục máu đông được. Chỉ khi có sự lắng đọng của các chất béo (do xơ vữa động mạch) làm cho lớp nội mạc mạch máu bị tổn thương, lúc đó huyết khối mới hình thành.

Những nhân tố dễ gây ra cục máu đông và tổn thương nội mạc mạch máu là chứng tăng huyết áp, đái tháo đườngthói quen hút thuốc lá.

Sự hình thành cục huyết khối tiến triển theo từng bước. Đầu tiên các tiểu cầu sẽ dính lại với nhau thành một mảng, mảng này ngày càng tiến triển lớn hơn và đến một lúc nào đó sẽ đủ lớn để gây ra tắc các mạch máu.

Nhìn chung, tiểu cầu đóng vai trò rất quan trọng đối với quá trình hình thành cục huyết khối trong lòng mạch, do vậy những thuốc chống kết dính tiểu cầu đặc biệt cần thiết để chống lại quá trình hình này. Làm hạn chế và ngăn cản quá trình hình thành cục huyết khối là một phần rất quan trọng trong cuộc chiến chống lại các bệnh tim mạch như tai biến mạch não và nhồi máu cơ tim.

Nguyên nhân hình thành huyết khối
Có nhiều nguyên nhân hình thành huyết khối ở người bệnh

2. Đặc điểm thuốc chống kết dính tiểu cầu

Các thuốc có tác động tới chức năng tiểu cầu có thể phân ra làm 3 loại: Thuốc dự phòng bệnh tim mạch, thuốc điều trị trong cấp cứu và thuốc điều trị lâu dài. Đường dùng của các thuốc này cũng có hai loại: loại uống và loại tiêm.

2.1. Aspirin

Aspirin (Acid Acetylsalicylic) là một thuốc chống viêm phi steroid đóng vai trò quan trọng trong điều trị nhiều bệnh tim mạch.

Đặc điểm của thuốc

  • Là thuốc không cần kê đơn (OTC) rất thông dụng, giá thành rẻ.
  • Có công dụng hạ sốt, điều trị đau đầu (liều 500mg).
  • Để điều trị bệnh lý tim mạch, Aspirin được gợi ý dùng từ 75mg - 325mg.
  • Aspirin có dạng tiêm bắp nhưng thường dùng ở bệnh viện hoặc một số phòng cấp cứu.
  • Giảm nguy cơ tử vong do nhồi máu cơ tim và tai biến mạch não nếu dùng ngay khi phát hiện triệu chứng.

Trường hợp chỉ định

  • Dự phòng cho một số bệnh nhân có nguy cơ nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, xơ vữa động mạch cao.
  • Dùng cho những bệnh nhân làm các thủ thuật như: mổ bắc cầu nối động mạch vành, can thiệp động mạch vành để giảm tỷ lệ nhồi máu cơ tim và tai biến mạch máu.
  • Trừ trường hợp có chống chỉ định, đa phần các đơn thuốc điều trị cho bệnh nhân có bệnh mạch vành đều phải có Aspirin (thường là liều 100mg).

Lưu ý: Cần thận trọng khi phối hợp aspirin với các thuốc chống kết dính tiểu cầu khác và thuốc chống đông máu như: Heparin, dẫn xuất Coumarin.

2.2. Clopidogrel

Clopidogrel có biệt dược là Plavix (75mg) được sử dụng nhiều để chống đông vón tiểu cầu và giảm tỷ lệ một số bệnh tim mạch.

Đặc điểm của thuốc

  • Thuốc có giá khá cao, khoảng 25,000 đồng/ viên trở lên.
  • Ngăn cản sự hoạt hóa glycoprotein IIb/IIIa của fibrinogen trên tiểu cầu, giảm khả năng gắn fibrinogen vào tiểu cầu.
  • Có khả năng ức chế chọn lọc thụ thể ADP của tiểu cầu.
  • Giảm nguy cơ tạo cục huyết khối và các biến cố tim mạch.

Trường hợp chỉ định

  • Chống kết dính tiểu cầu bằng liều duy nhất 75mg/ngày.
  • Được dùng với aspirin cho những bệnh nhân đau thắt ngực không ổn định, các dạng khác nhau của nhồi máu cơ tim, trước và sau mổ can thiệp động mạch vành, phẫu thuật bắc cầu nối động mạch vành.
  • Dùng Clopidogrel đều đặn sau nhồi máu cơ tim hoặc tai biến mạch não sẽ mang lại hiệu quả tương tự như aspirin.
  • Dùng sau đặt stent động mạch vành, đặc biệt là stent phủ thuốc.

Ngoài ra, còn một số thuốc chống kết dính tiểu cầu khác được sử dụng trong lâm sàng để điều trị cục máu đông như: Dipyridamol, Ticlopidin, thuốc ức chế glycoprotein IIb/IIIa

Thuốc chống cục máu đông Clopidogrel
Thuốc chống cục máu đông Clopidogrel

3. Lưu ý khi điều trị bằng thuốc chống kết dính tiểu cầu

Do tất cả các thuốc chống kết dính tiểu cầu đều tác dụng lên các cục huyết khối thông thường nên tác dụng phụ thường gặp nhất là gây chảy máu. Từ chảy máu ở những vị trí nhỏ như chảy máu mũi đến các dạng chảy máu nghiêm trọng như chảy máu não. Nhưng đa phần các trường hợp chảy máu đều ở mức trung bình, không gây nguy hiểm đến sự sống và cũng không cần đến truyền máu.

Vị trí chảy máu thường gặp là chảy máu dạ dày (đặc biệt nếu bệnh nhân có bệnh lý dạ dày trước đó), trường hợp ít phổ biến hơn là chảy máu ở đường niệu (đái máu). Khi có chảy máu, bệnh nhân nên đến bệnh viện để được theo dõi và điều trị cẩn thận.

Một số nguy cơ khác của thuốc chống kết dính tiểu cầu thường rất hiếm gặp như dị ứng với aspirin hoặc xuất huyết giảm tiểu cầu ở những người đang dùng thuốc ức chế glycoprotein IIb/IIIa.

Cần sử dụng đúng chỉ định của bác sĩ để đạt hiệu quả trong điều trị cũng như tránh các tác dụng phụ do thuốc gây ra.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan