Có nên cho trẻ tắm nắng qua cửa kính?

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Hữu Nam - Bác sĩ Nhi - Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Tắm nắng cho trẻ có rất nhiều công dụng đối với sức khỏe, giúp cho cơ thể trẻ tổng hợp được lượng vitamin D cần thiết. Tuy việc tắm nắng mang lại rất nhiều lợi ích cho trẻ, nhưng không phải ai cũng biết cách tắm nắng đúng cách để đạt hiệu quả tối ưu. Một trong những sai lầm của mẹ là cho bé tắm nắng qua cửa kính.

1. Có nên phơi nắng trẻ sơ sinh?

Việc tắm nắng cho bất kỳ độ tuổi nào đều mang lại những lợi ích cho cơ thể. Đặc biệt với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ ít khi được tiếp xúc với môi trường có nắng thì việc tắm nắng rất cần thiết. Một số lợi ích có thể kể đến của việc tắm nắng như:

  • Tổng hợp lượng vitamin D cần thiết cho cơ thể

Vitamin D có vai trò rất quan trọng trong việc hấp thụ canxi của cơ thể, giúp trẻ có hệ xương chắc khỏe. Ngoài ra, vitamin D còn được chứng minh có tác động đến hệ thống thần kinh cơ, duy trì nồng độ hormon insulin ổn định để ngăn ngừa bệnh lý Đái tháo đường type 2, bệnh ung thư, bệnh tim mạch, bệnh nhiễm trùng do vitamin D tác động tới việc sản sinh kháng thể, bệnh tự miễn.

Trong ánh nắng mặt trời có những loại tia không nhìn được bằng mắt thường là tia UV, trong đó tia UVB có chức năng giúp cơ thể tổng hợp vitamin D. Tắm nắng là biện pháp giúp da tiếp xúc trực tiếp với tia UV, dưới tác động của tia UV cơ thể của chúng ta có thể tự tổng hợp vitamin D.

  • Cải thiện tình trạng vàng da ở trẻ

Vàng da ở trẻ sơ sinh thường là một biểu hiện sinh lý bình thường do sự thay đổi loại Hemoglobin trong máu của thai nhi sau khi được sinh ra. Đa số trường hợp này sẽ tự mất sau vài ngày. Tuy vậy, đối với một số trường hợp trẻ nhẹ cân, sinh non... có thể diễn biến tình trạng vàng da kéo dài hay mức độ nặng nề hơn. Nếu trường hợp vàng da nặng không được điều trị kịp thời hay có những hướng xử lý đúng thì có thể gây nên nhiều hậu quả khôn lường.

Cho bé tắm nắng sẽ giúp cải thiện tình trạng vàng da ở mức độ nhẹ và ngăn ngừa vàng da diễn biến nặng. Do ánh sáng xanh của mặt trời rất hiệu quả trong việc làm giảm nồng độ Bilirubin tích tụ trong lớp mỡ dưới da trong cơ thể trẻ, đây là nguyên nhân chính gây vàng da.

  • Tăng nồng độ hormone serotonin

Nồng độ serotonin trong máu thấp có thể làm phát sinh các vấn đề liên quan tới cảm xúc như tức giận, trầm cảm... Bên cạnh đó, serotonin cũng giúp điều chỉnh giấc ngủ và quá trình tiêu hóa.

Tắm nắng có thể cải thiện giấc ngủ do tăng nồng độ hormon và tăng sự tương quan giữa đồng hồ sinh học với ánh sáng mặt trời giúp trẻ ngủ đúng giờ giấc hơn. Do vậy nếu trẻ gặp các vấn đề về giấc ngủ nên cho bé tắm nắng.

cho bé tắm nắng
Cho bé tắm nắng để cải thiện tình trạng vàng da sơ sinh

2. Có nên cho trẻ tắm nắng qua cửa kính không?

Việc tắm nắng đúng cách không chỉ giúp cơ thể trẻ khỏe mạnh hơn, mà còn giảm thiểu những nguy cơ tác động xấu của tia UV lên cơ thể trẻ.

Trong ánh nắng mặt trời có 3 loại tia UV bao gồm tia UVA, UVB và UVC, trong đó tia UVC có nguy cơ gây hại cho da nhất, nhưng gần như đã bị hấp thụ bởi tầng ozone. Còn tia UVA có thể xuyên qua mây, tầng ozone, quần áo, kính để tác động đến cơ thể là nguyên nhân gây lão hóa da, nhưng nó không có tác dụng kích thích tiền tố vitamin D3 trên da. Chỉ có tia UVB có tác dụng giúp cơ thể tổng hợp vitamin D cho cơ thể, nhưng khác với tia UVA tia UVB không thể xuyên qua các lớp như mây, quần áo, kính, nước...

Như vậy, với mục đích chính của việc phơi nắng để giúp cho trẻ tổng hợp vitamin D thì chúng ta không phơi qua cửa kính. Bởi tia UVB không thể xuyên qua được cửa kính sẽ không tổng hợp được lượng vitamin cần thiết, nhưng tia UVA lại có thể xuyên qua và tác động không tốt đến làn da mỏng manh của trẻ. Ngoài ra, cũng nên cho da của trẻ tiếp xúc trực tiếp từng phần với ánh nắng mặt trời do tia UVB cũng không thể xuyên qua quần áo được.

Da của trẻ rất mỏng, mỏng hơn so với người lớn rất nhiều, nên bất kể tia UV nào cũng có thể ảnh hưởng rất lớn đến trẻ. Do vậy không nên cho trẻ tắm nắng trong thời gian dài và tắm nắng muộn để tránh ảnh hưởng tới cơ thể bé.

cho bé tắm nắng
Ban đầu khi bạn mới tập cho trẻ tắm nắng thì chỉ nên phơi nắng từ 5 phút

3. Cách cho bé tắm nắng đúng cách

Tắm nắng mang lại rất nhiều lợi ích cho trẻ, nhưng không phải ai cũng biết cách tắm nắng đúng cách để đạt hiệu quả tối ưu. Dưới đây là cách cho bé tắm nắng đúng cách:

  • Chọn thời điểm tắm nắng cho bé

Sau khi sinh từ 7 đến 10 ngày là trẻ có thể bắt đầu tiến hành tắm nắng giúp trẻ quen với việc tiếp xúc với ánh sáng môi trường và cơ thể tổng hợp lượng vitamin cần thiết.

Vào mùa hè thì trời sẽ nắng rất gay gắt cho nên tắm cho trẻ sớm khoảng từ 6h đến 7h sáng, để tránh cường độ tia mạnh ảnh hưởng tới da của bé.

Vào mùa thu hay mùa đông: Trời sẽ ít nắng hơn, nên phụ thuộc vào thời tiết để chọn thời điểm tắm nắng cho bé, để trẻ không bị lạnh. Nhưng không nên tắm muộn sau 9h sáng.

  • Cách bộc lộ vùng cần tiếp xúc với ánh nắng

Khi thời tiết nắng nóng bạn có thể loại bỏ quần áo của bé để tia UV có thể tiếp xúc trực tiếp với da, nhưng cần che chắn vùng đầu mặt và cơ quan sinh dục của bé. Nếu thời tiết se lạnh, không nên cởi bỏ hết quần áo sẽ khiến trẻ bị lạnh, không kịp thích nghi. Bạn nên tắm từng phần cho bé, như mỗi ngày bộc lộ một vùng tắm cho bé.

  • Thời gian cho mỗi lần tắm nắng

Ban đầu khi bạn mới tập cho trẻ tắm nắng thì chỉ nên phơi nắng từ 5 phút, sau đó mới tăng dần thời gian khi bé đã quen và khi bé đã lớn hơn. Nhưng thời gian tối đa không quá 20 phút mỗi lần.

  • Một số lưu ý khi tắm nắng cho trẻ:

Nên chọn nơi phơi nắng cho bé yên tĩnh, trong lành và tránh khói bụi từ môi trường bên ngoài. Hạn chế tối đa để ánh nắng chiếu thẳng vào vùng đầu của bé vì có nguy cơ ảnh hưởng đến não. Không được phơi nắng gián tiếp thông qua các công cụ che chắn như kính, quần áo, ô...

Trong khi bé tắm nắng nên trò chuyện với bé, vuốt ve để bé cảm giác thoải mái. Tùy vào từng vùng miền mà lượng ánh nắng lại khác nhau, cho nên nếu như ở những vùng nắng nhiều thì nên cho trẻ tắm trong thời gian ngắn hơn. Sau khi tắm nắng, nên cho bé bú để bù lại lượng nước đã mất do đổ mồ hôi hoặc có thể cho bé bú trong khi tắm nắng.

Nếu sau khi tắm nắng bé bị nổi mẩn trên da hay có bất kỳ dấu hiệu khác thường thì nên ngừng tắm nắng và theo dõi trẻ. Nếu thấy không thuyên giảm thì nên đưa khám để biết trẻ gặp phải vấn đề gì nhé.

Tóm lại, không nên cho trẻ tắm nắng gián tiếp qua của kính vì không giúp trẻ hấp thu vitamin D cần thiết cho cơ thể. Do vậy, bố mẹ cần chú ý tắm nắng đúng cách để giúp trẻ khỏe mạnh và hạn chế tác động xấu của những tia UV trong ánh nắng mặt trời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

14.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan