Hệ tiêu hoá ở trẻ em có đặc điểm như thế nào?

Hệ tiêu hóa của trẻ em bao gồm nhiều cơ quan phối hợp với nhau để chuyển hóa thức ăn/chất lỏng khi trẻ ăn và uống, đóng một vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng của trẻ. Cấu tạo hệ tiêu hóa ở trẻ em có nhiều điểm khác biệt so với người trưởng thành, vì vậy, việc nắm bắt những đặc điểm này sẽ giúp bạn quản lý tốt hơn vấn đề tiêu hóa của trẻ.


Hệ tiêu hóa nói chung bao gồm 6 cơ quan chính: miệng, thực quản, dạ dày, ruột, gan và tụy. Thức ăn sẽ bắt đầu đi từ miệng vào đến thực quản, sau đó đến các cơ quan còn lại để được chuyển hóa và hấp thụ dinh dưỡng cho cơ thể.

Cấu tạo hệ tiêu hóa ở trẻ em cũng bao gồm các cơ quan trên. Tuy nhiên, khác với người trưởng thành, hệ tiêu hóa ở trẻ em vẫn trong giai đoạn phát triển và có xu hướng nhỏ, hoạt động kém.

1. Miệng/các bộ phận trong khoang miệng

1.1 Khoang miệng và niêm mạc miệng

Khoang miệng của trẻ bú mẹ tương đối nhỏ vì một số tính chất sau:

  • Xương hàm trên kém phát triển;
  • Vùng lợi có nhiều nếp nhăn;
  • Cơ môi và các cơ vùng cơ nhai của bé có xu hướng hoạt động mạnh;
  • Lưỡi dày, rộng, có nhiều gai lưỡi và nang tân.

Những yếu tố này đóng vai trò quan trọng đối với động tác bú sữa mẹ: khi trẻ bú, khoang miệng và lưỡi sẽ có tác dụng tương tự như một pít tông để hút sữa nhiều nhất có thể.

Niêm mạc miệng của trẻ em tương đối mỏng và mềm mại, có nhiều mao mạch, tuy nhiên khá khô. Do đó, ở trẻ em rất dễ phát sinh nấm Candida Albicans gây tưa miệng.

Đối với trẻ sơ sinh, dọc theo 2 bên đường giữa vòm miệng, bạn có thể tìm thấy các hạt màu trắng hoặc vàng nhạt, kích thích tương tự như hạt đậu xanh, cứng. Những hạt này gọi là hạch Bonneur, khu vực chứa dịch hoặc các tế bào bong ra ở tuyến niêm dịch. Những hạch này sẽ tự biến mất trong khoảng vài tuần.

tưa miệng
Trẻ em rất dễ bị tưa miệng do niêm mạc miệng mỏng và khô

1.2 Tuyến nước bọt của trẻ em

Tuyến nước bọt ở trẻ sơ sinh thường trong trạng thái phôi thai trong những tháng đầu đời. Đến khoảng tháng thứ 3 – 4, tuyến nước bọt mới phát triển hoàn toàn. Đây là nguyên nhân gây khô niêm mạc miệng ở trẻ.

Trung bình, nước bọt ở trẻ em thường trung tính hoặc có toan tính nhẹ với pH từ 6 đến 7.8. Đối với người lớn, độ pH trong nước bọt cao hơn: từ 7,4 đến 8. Hoạt tính của các enzyme như enzyme Amylase trong nước bọt cũng tăng dần theo độ tuổi.

1.3 Răng của trẻ em hình thành khi nào?

Thông thường, trẻ sơ sinh từ 4 đến 6 tháng tuổi hay xảy ra hiện tượng chảy nước bọt. Hiện tượng này có nguyên nhân từ sự kích thích của mầm răng đến đây thần kinh số V, dẫn đến phản xạ tiết nước bọt tăng cường. Một phần nguyên nhân khác là do trẻ chưa biết cách nuốt nước bọt vào trong.

Trẻ dưới 6 tháng chưa có răng và răng sữa đầu tiên sẽ bắt đầu mọc từ tháng thứ 6 trở lên. Quá trình mọc đầy đủ răng sữa có thể kéo dài đến khi trẻ 24 tháng – 30 tháng (đủ 20 răng sữa).

Khi trẻ bắt đầu 6 tuổi, trẻ thay răng sữa: răng sữa sẽ bắt đầu rụng và thay thế bằng răng vĩnh viễn. Toàn bộ quá trình này có thể có độ dài – ngắn khác nhau tùy theo trẻ.

Trẻ mọc răng sữa
Thông thường, trẻ bắt đầu mọc răng sữa từ 6 tháng tuổi trở lên

2. Thực quản ở trẻ em

Các đặc điểm của thực quản là một trong những đặc điểm hệ tiêu hóa trẻ em tiêu biểu do cơ quan này có sự thay đổi rõ nét theo từng độ tuổi.

Về đặc điểm chung, thực quản ở trẻ em có các tính chất sau:

  • Thành và niêm mạc thực quản mỏng.
  • Niêm mạc có nhiều mạch máu nhưng ít tổ chức tuyến.
  • Cơ kém phát triển.

Về chiều dài, tùy theo độ tuổi mà thực quản có chiều dài khác nhau. Cụ thể như sau:

Về đường kính, thực quản thay đổi theo độ tuổi như sau:

Việc xác định rõ chiều dài cũng như đường kính thực quản theo lứa tuổi sẽ giúp ích cho việc chọn ống thông dạ dày phù hợp.

3. Dạ dày – một đặc điểm cấu tạo hệ tiêu hóa ở trẻ em không thể bỏ qua

Hình dáng của dạ dày có sự thay đổi dần khi trẻ lớn lên: dạ dày ở trẻ sơ sinh thường có hình tròn. Khi trẻ 1 tuổi, dạ dày sẽ thuôn dài hơn và sau 7 tuổi, dạ dày sẽ có hình dáng tương tự như người trưởng thành.

Ở trẻ sơ sinh từ 0 đến 12 tháng, dạ dày của bé nằm ngang và điều này sẽ kéo dài đến khi trẻ 7 tuổi. Ở độ tuổi này, dạ dày sẽ bắt đầu chuyển sang vị trí đứng tương tự như người lớn.

Hoạt động cơ dạ dày của trẻ nhỏ còn tương đối yếu, đặc biệt là ở cơ thắt tâm vị. Tuy nhiên, vùng cơ thắt môn vị của trẻ lại phát triển tốt và đóng chặt. Sự phối hợp không nhịp nhàng này gây ra tình trạng nôn trớ của trẻ sau khi ăn.

Về dung tích dạ dày:

  • Dạ dày ở trẻ sơ sinh có dung tích từ 30 – 35ml.
  • Dạ dày ở trẻ 3 tháng tuổi: 100ml.
  • Dạ dày ở trẻ 1 tuổi: 250ml.

Dịch vị của trẻ em bao gồm các men là Pepsin, Labferment, Catesin, Lipase giúp trẻ tiêu hóa các chất dinh dưỡng từ bên ngoài.

Thời gian thức ăn lưu ở dạ dày trẻ em phụ thuộc vào tính chất thực phẩm mà trẻ ăn:

  • Sữa mẹ: từ 2 đến 3 tiếng.
  • Sữa bò: từ 3 đến 4 tiếng.
  • Thức ăn nhiều mỡ có thể lưu trong dạ dày khá lâu tùy theo hoạt động dạ dày.

Do đó, các chuyên gia thường khuyên mẹ nên sắp xếp các bữa ăn/cữ sữa của trẻ cách nhau ít nhất 3 tiếng.

Dung tích dạ dày của trẻ
Hình ảnh dung tích dạ dày của trẻ

4. Ruột của trẻ em có đặc điểm gì?

Ruột cũng là một đặc điểm hệ tiêu hóa trẻ em khác biệt so với người lớn.

4.1 Độ dài của ruột

Ruột của trẻ thường có chiều dài gấp 6 lần cơ thể. Trong khi đó, ở người lớn, chiều dài của ruột chỉ gấp 4 lần. Đối với những trẻ em bị suy dinh dưỡng – còi xương hoặc bị tiêu chảy kéo dài, ruột sẽ dài ra.

Niêm mạc ruột có nhiều lông và nếp nhăn, nhiều mạch máu. Những tính chất này tạo điều kiện cho quá trình hấp thụ dinh dưỡng. Tuy nhiên, đây cũng là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập và sinh trưởng.

4.2 Hoạt động của các Enzyme trong dịch ruột

Ruột bao gồm hoạt động của nhiều loại enzyme khác nhau như:

  • Trypsin Enterokinaza và Erepsin: tiêu hóa Protein.
  • Lipase: chuyển hóa mỡ.
  • Mantase, Lactase và Invectin: tiêu hóa glucid.
Lipase
Enzyme Lipase trong dịch ruột có chức năng chuyển hóa mỡ

4.3 Hệ vi khuẩn đường ruột ở trẻ em

Hệ lợi khuẩn đường ruột đóng vai trò quan trọng trong quá trình tiêu hóa của trẻ em cũng như đảm bảo sức khỏe tổng thể.

Trong vòng 8 tiếng sau khi sinh, dạ dày và ruột của trẻ em hầu như vô khuẩn. Sau thời gian này, vi khuẩn sẽ bắt đầu xâm nhập vào hệ tiêu hóa của trẻ thông qua miệng, đường hô hấp và trực tràng. Các vi khuẩn này bao gồm tụ cầu, phế cầu, cầu khuẩn ruột, trực trùng bifidus, trực trùng acidophilus...

Ngày thứ 3, vi khuẩn sẽ có sự phát triển mạnh mẽ. Tùy theo chế độ ăn của trẻ mà lợi khuẩn hoặc hại khuẩn sẽ có mức độ khác nhau:

  • Trẻ bú sữa mẹ: vi khuẩn Bifidus sẽ chiếm ưu thế, ức chế hoạt động của E.coli.
  • Trẻ uống sữa công thức: E.Coli phát triển, dẫn đến tình trạng tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa.

Các lợi khuẩn ở đường ruột còn có tác dụng khác như tổng hợp vitamin K, vitamin B và tăng cường tiêu hóa đạm, chất béo, tinh bột...

Kết quả bilirubin ở trẻ sơ sinh
Các loại vi khuẩn sẽ xâm nhập hệ vi khuẩn đường ruột ở trẻ em qua đường miệng

5. Tụy ở trẻ em

Tụy ở trẻ em thường có hình dáng và trọng lượng thay đổi theo độ tuổi

Tụy có 2 chức năng chính:

  • Chức năng nội tiết: sản xuất Insulin, vận chuyển Glucose từ máu vào tế bào.
  • Chức năng ngoại tiết: tiết các enzyme như Trypsin, Lipase, Amylase, Maltase... giúp trẻ chuyển hóa các chất dinh dưỡng.

6. Đặc điểm của gan ở trẻ em

Gan của trẻ sơ sinh có kích thước lớn, chiếm đến 4.4% trọng lượng cơ thể. Một số đặc điểm chính sau đây cần chú ý ở gan của trẻ:

  • Thùy trái của gan trẻ sơ sinh to hơn so với thùy phải. Tuy nhiên, thùy phải có tốc độ phát triển cao hơn, vì vậy khi lớn lên sẽ to hơn so với thùy trái.
  • Gan của trẻ em dễ bị xê dịch nếu có khối u hoặc có dịch màng phổi.
  • Tổ chức gan có nhiều mạch máu, còn nhiều hốc và các tế bào phát triển chưa toàn diện.
  • Chức năng gan hoạt động kém, dễ có kích ứng khi trẻ bị nhiễm trùng, ngộ độc và gan ở trẻ cũng dễ bị thoái hóa mỡ.

Nhìn chung, đặc điểm hệ tiêu hóa trẻ em có nhiều điểm khác biệt so với người trưởng thành. Nắm rõ các đặc điểm này sẽ giúp phụ huynh dễ dàng sắp xếp chế độ dinh dưỡng phù hợp cũng như phát hiện sớm các vấn đề tiêu hóa bất thường ở trẻ.

Để bảo vệ sức khỏe cho bé toàn diện, phụ huynh nên cho bé đi khám sức khỏe tổng quát thường xuyên để sớm phát hiện ra các vấn đề sức khỏe của bé, từ đó có những phương hướng can thiệp, điều trị sớm.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

30.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan