Kẽm giúp trẻ tăng trưởng và cải thiện miễn dịch như thế nào?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ nội trú Hồ Thị Hồng Tho - Bác sĩ Nhi sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc

Trong những năm gần đây, tỷ lệ trẻ em bị thiếu kẽm đang có dấu hiệu tăng rõ rệt. Tình trạng thiếu kẽm có thể ảnh hưởng lớn đến hệ miễn dịch và các chức năng quan trọng khác của cơ thể. Do đó, việc bổ sung kẽm cho trẻ là điều vô cùng cần thiết.

1. Tình trạng thiếu hụt kẽm ở trẻ em

Kẽm là một loại khoáng chất được tìm thấy chủ yếu trong các loại thực phẩm như bánh mì, thịt đỏ, hải sản, ngũ cốc nguyên hạt và đậu khô. Ngoài ra, nó cũng có một lượng nhỏ trong sữa mẹ.

Kẽm rất quan trọng đối với sự tăng trưởng và phát triển bình thường của não bộ và cơ quan sinh sản, đồng thời đóng vai trò thiết yếu trong các hoạt động của hệ thống miễn dịch cũng như quá trình khác trong cơ thể. Một số nghiên cứu mới đây cho biết, tình trạng thiếu kẽm có liên quan mật thiết đến giảm tăng trưởng, gia tăng các bệnh nhiễm trùng, cảm lạnh, suy giảm trí nhớ, mất khả năng tập trung và học tập. Sự thiếu hụt kẽm ở trẻ em đang là một vấn đề đáng báo động ở các nước đang phát triển.

Theo ước tính cho thấy, khoảng 30% dân số trên thế giới gặp phải tình trạng thiếu kẽm, trong đó có một lượng lớn trẻ em dưới 5 tuổi bị thiếu hụt loại vi chất quan trọng này. Ở Việt Nam, tỷ lệ trẻ em bị thiếu kẽm được đánh giá dựa trên nồng độ huyết thanh thấp, cụ thể dưới 10,7 μmol/L, dao động từ 25-40% tuỳ từng khu vực và nhóm tuổi.

Với tình trạng thiếu kẽm đáng báo động trên, việc bổ sung kẽm cho trẻ được xem là một việc làm cấp bách, đặc biệt là ở những trẻ có nguy cơ thiếu kẽm cao. Tuy nhiên, trước khi bổ sung kẽm cho trẻ, các bậc cha mẹ cần tham khảo sự tư vấn kỹ lưỡng của bác sĩ về liều lượng cũng như cách sử dụng các sản phẩm cung cấp kẽm.

Bổ sung kẽm
Bổ sung kẽm cho trẻ là điều rất cần thiết

2. Có nên bổ sung kẽm cho trẻ không?

Thực tế cho thấy, cơ thể trẻ luôn cần đến một lượng kẽm nhất định để có thể tăng trưởng và phát triển toàn diện. Nhìn chung, việc bổ sung kẽm cho trẻ có thể tạo ra những tác động tích cực rất lớn đến cả cân nặng và chiều cao. Hơn nữa, nó cũng góp phần giúp cải thiện đáng kể tình trạng chậm phát triển hoặc nhẹ cân ở trẻ em.

Theo các chuyên gia chăm sóc sức khỏe cho biết, kẽm là một chất xúc tác đóng vai trò cốt lõi của ARN – polymerasa, rất quan trọng đối với quá trình nhân đôi AND và sự tổng hợp protein trong cơ thể. Vì lý do trên, kẽm có thể giúp thúc đẩy sự phân chia tế bào và tăng trưởng. Nếu thiếu kẽm, các tế bào trong cơ thể sẽ hoạt động khó khăn hơn và làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển của cơ thể, dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng thể thấp còi. Bên cạnh đó, kẽm cũng tham gia vào quá trình điều hoà các chức năng của những hormone kích thích tăng trưởng (GH).

Ngoài ra, việc bổ sung vitamin kẽm cho trẻ cũng giúp duy trì chức năng của các tế bào khứu giác và vị giác. Khi cơ thể bé bị thiếu hụt đi một lượng kẽm nhất định sẽ làm ảnh hưởng đến các tế bào vị giác và gây ra tình trạng biếng ăn. Điều này cũng làm tăng nguy cơ trẻ bị suy dinh dưỡng, cản trở nghiêm trọng đến sự phát triển và tăng trưởng của trẻ.

Theo các chuyên gia cho biết, kẽm đối với hệ thống miễn dịch của trẻ có một vai trò không thể thiếu. Nó giúp hệ thống miễn dịch hoạt động hiệu quả hơn, ngăn ngừa nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm và tăng cường cơ chế làm lành vết thương nhanh chóng. Thiếu kẽm sẽ làm suy giảm chức năng của hầu hết các tế bào miễn dịch trong cơ thể, đặc biệt là tế bào B, T và đại thực bào.

Thiếu kẽm có thể làm tổn thương các chức năng của hệ miễn dịch, do đó nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng ở trẻ rất cao. Tốt nhất, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ về việc bổ sung kẽm cho trẻ một cách đầy đủ và phù hợp nhằm giúp tăng cường sức đề kháng, chống lại bệnh tật, hỗ trợ phát triển và làm giảm nguy cơ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ.

3. Nhu cầu kẽm của trẻ là bao nhiêu?

Dưới đây là nhu cầu kẽm theo từng độ tuổi nhất định, bao gồm:

  • Trẻ em dưới 1 tuổi: Cần bổ sung khoảng 5 mg/ngày.
  • Trẻ từ 1 - 10 tuổi: Cần bổ sung khoảng 10 mg/ngày.
  • Thanh thiếu niên và người trưởng thành (đối với nam): Cần khoảng 15 mg/ngày.
  • Thanh thiếu niên và người trưởng thành (đối với nữ): Cần khoảng 12 mg/ngày.

Bạn hoàn toàn có thể bổ sung kẽm cho trẻ thông qua một chế độ ăn uống cân bằng với đa dạng các loại thực phẩm giàu kẽm như: thịt đỏ, động vật có vỏ, các loại hạt, đậu, khoai tây bỏ vỏ và nấm.

Bổ sung kẽm cho trẻ bằng một số loại thực phẩm
Bạn có thể bổ sung kẽm cho trẻ thông qua chế độ ăn uống

4. Dấu hiệu và triệu chứng cảnh báo thiếu kẽm ở trẻ em

Những dấu hiệu điển hình cho thấy cơ thể trẻ đang bị thiếu chất kẽm, bao gồm chán ăn, ăn không ngon, rối loạn vị giác, tiêu chảy kéo dài, rụng tóc, chậm lớn, da và mắt bị tổn thương, cơ quan sinh dục chậm phát triển.

Ngoài ra, tình trạng thiếu kẽm cũng khiến trẻ bị sụt cân, lâu lành vết thương, thiếu máu và kém minh mẫn. Khi xét nghiệm cho thấy, nồng độ kẽm trong huyết thanh của trẻ ở dưới 70 mcg/dl, đồng thời có dấu hiệu của giảm alcohol dehydrogenase trong võng mạc, giảm tổng hợp collagen, giảm mức độ hoạt động của RNA polymerase và suy giảm các chức năng hoạt động của tế bào Lympho T.

5. Thiếu kẽm gây ảnh hưởng đến tinh thần trẻ như thế nào?

Không chỉ gây tác động đối với thể chất, tình trạng thiếu kẽm cũng có thể làm ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần của trẻ. Việc không bổ sung kẽm cho trẻ một cách đầy đủ có thể gây ra các vấn đề về tinh thần như dễ cáu kỉnh hoặc thay đổi tâm trạng. Khi cơ thể trẻ bị thiếu kẽm sẽ gây cản trở quá trình vận chuyển canxi vào não, mà canxi được xem là một chất có vai trò quan trọng trong việc ổn định thần kinh.

Bên cạnh đó, trẻ không được bổ sung đầy đủ kẽm cũng rất dễ mắc phải bệnh tự kỷ. Ngoài ra, các nguy cơ như tiêu chảy cấp, sốt rét hoặc nhiễm trùng đường hô hấp ở trẻ do thiếu kẽm cũng tăng cao.

Việc bổ sung kẽm cho trẻ bị suy dinh dưỡng thể thấp còi có thể giúp mang lại hiệu quả hồi phục rõ rệt cả về tốc độ phát triển chiều cao và cân nặng của trẻ. Điều này là do kẽm có khả năng làm tăng mức hormone IGF - 1 (hormone tăng trưởng trong cơ thể).

Theo nghiên cứu mới đây cho biết, việc bổ sung kẽm cho trẻ có mức cân nặng thấp lúc mới chào đời đem đến sự tăng trưởng vượt bậc về chiều cao và cân nặng trong 6 tháng đầu đời. Mặt khác, khi cung cấp kẽm đầy đủ cho trẻ góp phần làm giảm 18% số trường hợp bị tiêu chảy.

6. Làm thế nào để ngăn ngừa thiếu kẽm cho trẻ?

Để ngăn ngừa tình trạng thiếu kẽm ở trẻ em, bạn có thể bổ sung kẽm cho trẻ thông qua các loại thực phẩm như đậu nành, cá, lòng đỏ trứng, sữa, gan lợn, hàu, sò, tôm đồng, các loại hạt có dầu hoặc giá đỗ. Ngoài ra, trong sữa mẹ cũng có chứa một lượng kẽm nhất định, đặc biệt là ở tháng đầu tiên dao động từ 2 - 3 mg kẽm/lít sữa mẹ. Do đó, các mẹ nên cố gắng nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong vòng 6 tháng đầu sau sinh và kéo dài tới khi trẻ được 2 tuổi.

Bên cạnh đó, bạn cũng có thể bổ sung kẽm cho trẻ thông qua các sản phẩm như bột dinh dưỡng, sữa công thức và bánh tăng cường kẽm. Ngoài ra, kẽm cho trẻ cũng được sản xuất dưới các dạng như cốm kẽm hoặc siro kẽm, có thể sử dụng cho trẻ bị tiêu chảy hoặc nhiễm khuẩn đường hô hấp.

Cha mẹ cũng cần lưu ý để trẻ phát triển toàn diện, bé nên được bổ sung thêm lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất, hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng.

Nguồn tham khảo: webmd.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

593 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan