Lưu ý khi trị rôm sảy cho trẻ

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ nội trú Đặng Thị Ngoan - Bác sĩ Nhi - Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Bệnh rôm sảy xảy ra khi các tuyến mồ hôi bị bít tắc, bệnh thường xảy ra vào mùa hè thời tiết nóng, ẩm và phần lớn bệnh xuất hiện ở trẻ em nhất là trẻ sơ sinh. Bệnh thường lành tính và có thể tự lặn khi thời tiết mát mẻ hơn, tuy nhiên cần lưu ý một số điều khi trị rôm sảy cho bé để tránh gây nhiễm khuẩn da làm nặng lên tình trạng bệnh của trẻ.

1. Bệnh rôm sảy ở trẻ sơ sinh

Trẻ em nhất là trẻ sơ sinh do ống tuyến mồ hôi chưa phát triển hoàn chỉnh, nếu thêm thời tiết mùa hè nắng nóng cơ thể trẻ bài tiết nhiều mồ hôi là điều kiện thuận lợi gây ứ đọng mồ hôi và bít tắc tuyến mồ hôi. Tình trạng bít tắc tuyến mồ hôi gây ra rôm sảy.

Rôm sảy gây ra các mụn nước nhỏ mọc thành đám, da mẩn đỏ, trẻ ngứa, quấy khóc nhiều, bứt rứt và khó chịu. Vị trí rôm sảy có chủ yếu ở các vùng da có nhiều mồ hôi như da đầu, trán, cổ, vai, ngực và lưng nhưng cũng có thể có thêm ở kẽ nách, háng.

Bệnh thường lành tính có thể tự khỏi nhưng cũng có một số trường hợp phải điều trị do nhiều trường hợp mụn rôm làm trẻ ngứa, gãi nhiều làm da xây xát, bị nhiễm khuẩn thêm thành những mụn mủ và nhọt.

2. Cách trị rôm sảy mẩn ngứa cho bé

2.1 Điều trị rôm sảy cho trẻ tại nhà

Thông thường bệnh rôm sảy lành tính có thể khỏi mà không cần điều trị. Để giảm bớt tình trạng rôm sảy cách hiệu quả nhất đó là làm giảm tiết mồ hôi bằng các phương pháp:

  • Cho trẻ mặc quần áo vải cotton mềm, thoáng, rộng rãi.
  • Sử dụng máy lạnh, quạt thông khí
  • Hạn chế vận động
  • Tắm cho trẻ mỗi ngày, lau sạch các vùng kẽ như nách, bẹn để da sạch sẽ, mồ hôi được bài tiết dễ dàng. Sau khi tắm, lau khô trẻ bằng khăn tắm mềm, chất liệu cotton thấm hút tốt và không chà mạnh lên da trẻ tránh gây tổn thương da.
rom-say-o-tre-so-sinh-1
Tắm cho trẻ mỗi ngày

Ngoài ra nếu trẻ ngứa nhiều có thể dùng các loại thuốc giảm cảm giác khó chịu và ngăn ngừa biến chứng. Các loại hay được dùng bao gồm:

  • Dung dịch calamine có tác dụng giảm ngứa, đau và khó chịu ở da. Khi sử dụng lấy bông sạch thấm dung dịch rồi bôi lên da, sau đó để thuốc khô tự nhiên. Chú ý chỉ bôi trên da tránh các vùng niêm mạc mắt, miệng, cơ quan sinh dục.
  • Thuốc anhydrous lanolin có thể giúp ngăn ngừa hiện tượng bít các ống tuyến mồ hôi và ngưng phát sinh các sang thương mới. Thường được dụng trong các dạng rôm sảy nặng.
  • Vitamin C: Giúp làm giảm các tổn thương do rôm sảy.

2.2 Khi nào cần đến bệnh viện khám?

Sử dụng các biện pháp điều trị thông thường không hiệu quả. Cần đưa trẻ đi khám khi có các dấu hiệu sau:

  • Xuất hiện kéo dài trên 3-4 ngày, tổn thương da nặng lên.
  • Đau, sưng, nóng và đỏ vùng da bị rôm sảy.
  • Vùng da bị rôm sảy có thể chảy mủ, chảy nước mủ
  • Sưng hạch bạch huyết ở nách, bẹn hoặc cổ
  • Có triệu chứng sốt, có thể kèm theo ớn lạnh không rõ nguyên nhân.

3. Những biến chứng của bệnh rôm sảy

Rôm sảy thường lành tính và tự khỏi nhưng đôi khi một số biến chứng có thể xảy ra như sau:

  • Nhiễm trùng da: Các tổn thương của rôm sảy có thể bội nhiễm vi trùng tạo ra mụn mủ. Thường do tình trạng ngứa, trẻ gãi làm trầy xước da nên vi khuẩn có cơ hội xâm nhập gây nhiễm trùng.
  • Sốc do nóng: Trong thời tiết nóng, những trẻ bị rôm sảy dạng sâu có nguy cơ bị choáng do nhiệt với biểu hiện: Đau đầu, mạch nhanh, nôn, hạ huyết áp... có thể đưa đến tình trạng nguy hiểm.

4. Những lưu ý khi trị rôm sảy cho bé

rom-say-o-tre-so-sinh-2
Nên cho bé bú nhiều

Nên cho bé bú nhiều, trẻ lớn hơn 6 tháng cho bé uống nhiều nước, ăn nhiều trái cây tươi để bù lượng nước đã mất trong quá trình thải nhiệt và giúp thải nhiệt tốt, ngoài ra trái cây tươi cung cấp nhiều vitamin sẽ giúp trẻ tăng sức đề kháng.

Quần áo của bé phải được giặt sạch và được phơi ở nơi không có bụi khói. Nên phơi dưới ánh nắng mặt trời vì tia cực tím giúp diệt vi khuẩn trên quần áo.

Cắt ngắn móng tay, móng chân cho trẻ để tránh khi bị ngứa trẻ gãi gây nhiễm khuẩn da.

Tuyệt đối không sử dụng phấn rôm bôi lên chỗ rôm sảy, làm như vậy càng làm các lỗ chân lông bị bít lại, gây nhiễm khuẩn, làm tình trạng rôm sảy nặng hơn.

Hạn chế cho trẻ ngoài hay chơi đùa khi thời tiết nắng nóng. Nhất là thời điểm từ 10 giờ đến 4 giờ chiều thời điểm tia UV hoạt động mạnh.

Tắm cho trẻ bằng nước mát và không dùng xà phòng loại làm khô da, nên dùng sữa tắm nhẹ nhàng tránh làm khô da bé.

Không nên thoa nhiều kem lên da trẻ vì sẽ bịt lại các lỗ chân lông, dễ khiến trẻ bị nổi rôm hơn.

Chú ý những trường hợp nặng, cần đưa trẻ đi khám tại các bệnh viện. Không tự ý sử dụng kháng sinh khi trẻ bị bội nhiễm vi khuẩn.

Rôm sảy ở trẻ em là bệnh thường gặp, lành tính và thường có thể tự khỏi. Những các bậc phụ huynh cũng nên lưu ý một số vấn đề khi trị rôm sảy cho trẻ để tình trạng bệnh phục hồi nhanh và hạn chế biến chứng không đáng có. Lưu ý khi trẻ xuất hiện tình trạng nặng hơn cần đưa trẻ đi khám tại bệnh viện, không tự ý mua thuốc tránh để lại hậu quả không tốt cho bé.

Để trẻ khỏe mạnh, phát triển tốt cần có một chế độ dinh dưỡng đảm bảo về số lượng và cân đối chất lượng. Nếu trẻ không được cung cấp các chất dinh dưỡng đầy đủ và cân đối sẽ dẫn đến những bệnh thừa hoặc thiếu chất dinh dưỡng ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển toàn diện của trẻ cả về thể chất, tâm thần và vận động.

Trẻ ăn không đúng cách có nguy cơ thiếu các vi khoáng chất gây ra tình trạng biếng ăn, chậm lớn, kém hấp thu,... Nếu nhận thấy các dấu hiệu kể trên, cha mẹ nên bổ sung cho trẻ các sản phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Đồng thời các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng.

Cha mẹ có thể tìm hiểu thêm:

Các dấu hiệu bé thiếu kẽm

Thiếu vi chất dinh dưỡng và tình trạng không tăng cân ở trẻ

Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.

11.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan