Trẻ 3 tuổi chưa biết nói, phải điều trị thế nào?

Khi lên 3 tuổi, nhiều trẻ không biết nói, không chịu nói và không có phản ứng với mọi thứ âm thanh xung quanh. Đây có thể là dấu hiệu hoặc di chứng của nhiều bệnh tật nguy hiểm tiềm ẩn. Cùng tìm hiểu kỹ những nguyên nhân và cách điều trị cho trẻ chậm nói qua bài viết dưới đây.

1. Dấu hiệu khi trẻ chậm nói

Trẻ có thể phát triển khả năng nói với tốc độ khác nhau, tuy nhiên, có một số mốc quan trọng chung trẻ có thể đạt được khi 3 tuổi. Thông thường, trẻ gần hoặc đủ 3 tuổi có thể biết và nói được khoảng 500 – 900 từ. Các bé thường bắt đầu bằng những câu nói ngắn gọn khoảng 2 đến 3 từ, rồi tăng dần lên câu 4 – 5 từ.

Không những thế, đa số trẻ khi lên 3 tuổi còn có khả năng nhớ những vần điệu hoặc lời bài hát một cách đơn giản. Bé cũng có thể nói những câu thông dụng như “cảm ơn”, “xin lỗi” dễ dàng.

Tuy nhiên ở một số trẻ, mặc dù đã lên 3 tuổi, nhưng khả năng nói của trẻ vẫn còn rất hạn chế. Tuy chưa nói được, nhưng hầu hết trẻ có thể hiểu được điều người khác nói, mặc dù vẫn có một số trường hợp các bé không hiểu được. Một số dấu hiệu trẻ 3 tuổi chưa biết nói bao gồm:

1.1. Trẻ thường sử dụng cử chỉ để giao tiếp

Một trong những dấu hiệu nhận biết trẻ 3 tuổi chưa biết nói là bé sử dụng các cử chỉ và ngôn ngữ cơ thể để giao tiếp với mọi người xung quanh. Ví dụ, nếu cha mẹ nói điều gì đó mà trẻ không thích, bé có thể biểu hiện điều đó bằng cách lắc đầu hoặc biểu thị cảm xúc gương mặt và thái độ.

Trẻ 3 tuổi chưa biết nói cũng sẽ sử dụng tay để chỉ những thứ bé muốn, hoặc sử dụng ngôn ngữ cơ thể để biểu đạt trạng thái đang đói hoặc mệt. Thông thường, trẻ gặp vấn đề về giao tiếp bằng lời nói sẽ bắt đầu sử dụng cử chỉ ngôn ngữ cơ thể khi được khoảng 1,5 tuổi để thực hiện mục đích này.

1.2. Trẻ ít hoặc không thể nói các câu cơ bản

Khi được 36 tháng tuổi, các bé có thể tạo ra những câu nói ngắn gọn bằng cách kết hợp 2 – 5 từ. Nhưng nếu trẻ đã 3 tuổi mà không thể làm được điều này hoặc chỉ có thể bắt chước lời nói hoặc hành động của người khác, không thể tự nói ra các từ hoặc cụm từ, đây có thể là dấu hiệu trẻ chậm nói. Khi đó, cha mẹ cần đưa trẻ đến gặp các chuyên gia ngôn ngữ để được tư vấn.

1.3. Trẻ không phát ra âm thanh

Hầu hết trẻ em 3 tuổi đều có khả năng bộc lộ cảm xúc bằng âm thanh, như các bé có thể ré lên khi vui mừng, hét khi tức giận hoặc khóc thành tiếng khi bị đau hoặc buồn. Tuy nhiên, nếu trẻ vẫn chưa thể hoặc cảm thấy khó khăn khi phát ra những âm thanh để thể hiện cảm xúc, cha mẹ cũng nên tham khảo ý kiến của các bác sĩ về tình trạng của bé.

Một số dấu hiệu khác khi trẻ bị chậm nói dù đã gần hoặc đủ 3 tuổi:

  • Trẻ chỉ nói lặp đi lặp lại một số từ nhất định và không thể sử dụng lời nói để đáp ứng nhu cầu giao tiếp của bản thân.
  • Trẻ thường hay nhăn mặt khi nói và khó phát ra âm thanh hay từ ngữ.
  • Bé không thể gọi ba mẹ, ông bà, anh chị... và cũng không thể xưng con hay tên của mình.
  • Bé không biết làm theo những câu hỏi đơn giản hay câu mệnh lệnh ngắn như “Đội nón lên con!”, “Con muốn ăn gì?”...
  • Trẻ không tương tác với các bé khác và không thích giao tiếp với người ngoài, hoặc không muốn tách khỏi ba mẹ hay người chăm sóc.

Nếu trẻ gần hoặc đã đủ 3 tuổi nhưng chưa biết nói, chậm nói hoặc có những dấu hiệu như trên. Cha mẹ cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được xác định chính xác tình trạng bệnh và có biện pháp can thiệp sớm cho bé.

2. Nguyên nhân trẻ bị chậm nói

Thực tế, trẻ 3 tuổi chưa biết nói là một tình trạng không quá hiếm gặp. Tình trạng này thường sẽ được khắc phục dần theo thời gian, nếu nguyên nhân của vấn đề này là do trẻ phát triển chậm hơn so với bạn bè đồng trang lứa. Nhưng cũng có thể tình trạng này là hậu quả của một số vấn đề nghiêm trọng sâu xa khác liên quan đến sức khỏe thể chất và trí tuệ của trẻ. Do đó, cha mẹ cũng nên tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến trẻ bị chậm nói để có phương pháp điều trị kịp thời cho bé:

2.2. Cấu tạo miệng của trẻ có vấn đề

Nguyên nhân khiến trẻ 3 tuổi chưa biết nói có thể do trẻ gặp các vấn đề với miệng, lưỡi hoặc vòm họng. Điều này khiến bé khó hình thành âm thanh và từ ngữ. Tình trạng dính thắng lưỡi cũng là một trong những nguyên nhân khiến trẻ gặp khó khăn trong giao tiếp bằng lời nói. Dị tật này làm hạn chế chuyển động lưỡi của trẻ, khiến bé gặp khó khăn trong việc tạo ra một số âm thanh nhất định như d, l, r, s, t, gi, th...

2.2. Trẻ gặp các vấn đề về cách cử động ở miệng

Các rối loạn về cách cử động ở miệng của trẻ xảy ra khi có sự hoạt động kém hiệu quả trong các vùng não chịu trách nhiệm tạo ra lời nói. Trẻ gặp khó khăn trong việc phối hợp môi, lưỡi và hàm khi tạo ra lời nói.

2.3. Trẻ bị mất thính lực

Trẻ 3 tuổi không nghe rõ hoặc nghe sai từ, có thể là nguyên nhân khiến trẻ gặp khó khăn trong việc nói, hiểu và sử dụng ngôn ngữ. Đó là lý do cha mẹ nên đưa bé đến gặp bác sĩ tai mũi họng để được kiểm tra về thính giác.

Một dấu hiệu của việc mất thính lực là trẻ không có phản ứng khi gọi tên bé, hay nhắc đến một đồ vật hoặc một người nào đó với trẻ, nhưng bé chỉ có phản ứng khi được diễn đạt điều đó bằng cử chỉ hoặc bộc lộ cảm xúc trên khuôn mặt.

2.4. Trẻ chậm nói do bị rối loạn ngôn ngữ và lời nói

Trẻ 3 tuổi có thể hiểu và giao tiếp phi ngôn ngữ, nhưng lại gặp rất nhiều khó khăn trong việc nói. Hay các bé có thể nói một vài từ nhưng không thể chuyển chúng thành những cụm từ dễ hiểu. Đây có thể là biểu hiện của vấn đề chậm phát triển ngôn ngữ.

Một số rối loạn ngôn ngữ và lời nói liên quan đến chức năng não và có thể ảnh hưởng đến khả năng học tập của trẻ. Một nguyên nhân khác gây ra sự chậm phát triển về ngôn ngữ và lời nói ở trẻ là do sinh non. Bởi cấu trúc của cơ quan thính giác sẽ phát triển hoàn thiện vào ba tháng cuối của thai kỳ. Do đó, nếu trẻ bị sinh non rất dễ có nguy cơ gặp các vấn đề về thính giác. Đã có rất nhiều nghiên cứu cho rằng tỷ lệ mất thính lực ở trẻ sinh non cao hơn so với những trẻ được sinh đủ tháng.

2.5. Thiểu năng trí tuệ

Trong một số trường hợp, trẻ 3 tuổi chưa biết nói có thể liên quan đến các vấn đề về nhận thức và giao tiếp, không phải chỉ do nguyên nhân không có khả năng hình thành ngôn từ ở trẻ.

2.6. Trẻ bị các vấn đề về thần kinh

Một số rối loạn thần kinh ở trẻ có thể ảnh hưởng đến các cơ vùng răng hàm mặt cần thiết cho việc phát triển lời nói, bao gồm các vấn đề như: Bệnh bại não (một chứng rối loạn vận động do tổn thương não); Bệnh loạn dưỡng cơ; Hoặc do chấn thương sọ não.

2.7. Trẻ mắc hội chứng tự kỷ

Tự kỷ là một hội chứng rối loạn phát triển ở trẻ, đây cũng được xem là một trong những nguyên nhân gây chậm nói ở trẻ 3 tuổi. Ngoài ra, tự kỷ còn có một số dấu hiệu nhận biết khác bao gồm:

  • Trẻ lặp đi lặp lại các cụm từ cũ thay vì tạo các cụm từ mới
  • Khả năng giao tiếp bằng ngôn ngữ và phi ngôn ngữ của trẻ bị suy giảm
  • Kỹ năng tương tác với xã hội của trẻ bị giảm với biểu hiện như: ít cười, ít biểu lộ cảm xúc tình cảm với cha mẹ, bé thích chơi một mình, không thích giao tiếp với mọi người xung quanh,...

2.8. Môi trường thiếu kích thích

Môi trường sống có vai trò rất quan trọng trong việc giúp trẻ phát triển ngôn ngữ. Trẻ không thể học được ngôn ngữ nếu như những người xung quanh không ai nói chuyện với bé. Do đó, cha mẹ, ông bà hãy thường xuyên trò chuyện với trẻ, tạo điều kiện cho trẻ được nói được bộc lộ cảm xúc của mình. Cha mẹ có thể đưa trẻ đi học mẫu giáo để trẻ được tiếp nhận ngôn ngữ từ thầy cô và bạn bè.

3. Theo dõi các mốc chậm nói để can thiệp sớm cho trẻ

Các y bác sĩ khuyến cáo, phụ huynh nên cho bé đi khám sàng lọc khi trẻ có những biểu hiện bất thường như sau:

  • Trẻ được 3 đến 4 tháng tuổi không phản ứng với tiếng động mạnh hoặc không biết phát ra âm thanh gừ gừ.
  • Trẻ từ 5-12 tháng, không phản ứng hoặc quay đầu về phía có âm thanh phát ra; không có biểu hiện tìm cách giao tiếp với người khác; không biết làm các hành động như vẫy tay chào tạm biệt, lắc đầu để nói không hoặc chỉ tay vào những thứ mình muốn.
  • Ở mốc phát triển từ 15-18 tháng, phụ huynh cũng đặc biệt lưu ý khi trẻ không hiểu và không có phản ứng với các từ như “không”, “dậy nào”; trẻ chưa nói được từ nào; không chỉ vào vật mình thích và ngước nhìn bạn; không thể chỉ vào một số bộ phận của cơ thể khi được yêu cầu như mũi, mắt, tay, chân.
  • Khi trẻ bước sang tháng thứ 24 mà vốn từ tăng chậm; chưa nói được khoảng 15 từ; không tự nói ra mà chỉ nhắc lại lời nói của người khác; không thực hiện được những cuộc hội thoại đơn giản, không dùng lời nói để giao tiếp, không hiểu các chỉ dẫn.
  • Bé 28 tháng tuổi chưa biết nói, hoặc không nói được câu đơn giản có 2-4 từ; không thể gọi tên những bộ phận của cơ thể; không biết đặt các câu hỏi đơn giản, không hiểu những chỉ dẫn hay câu hỏi ngắn.
  • Ở giai đoạn trẻ từ 3 đến 4 tuổi, trẻ chậm phát triển ngôn ngữ sẽ có những biểu hiện không sử dụng đại từ nhân xưng; không thể ghép các từ thành câu ngắn ví dụ như mẹ giúp con; lời nói của trẻ không rõ ràng khiến mọi người nghe không hiểu; không biết đặt câu hỏi; không quan tâm và không tương tác với trẻ hoặc người lớn khác...

Nếu cha mẹ nhận thấy những dấu hiệu bất thường trong các mốc thời gian được nêu trên, nên đưa trẻ đến bệnh viện để được khám, tìm ra nguyên nhân gây bệnh và có phương pháp điều trị phù hợp với trẻ. Tránh để những biến chứng xấu ảnh hưởng đến sự phát triển của con trẻ.

4. Cách điều trị trẻ chậm nói

Trẻ 3 tuổi chậm nói cần được can thiệp kịp thời, bởi điều này có thể ảnh hưởng đến quá trình học tập, sinh hoạt hàng ngày của trẻ. Hiện nay, có một số cách điều trị hiệu quả có thể áp dụng cho bé như sau:

4.1. Sử dụng ngôn ngữ trị liệu

Ngôn ngữ trị liệu là phương pháp giúp trẻ tăng cường khả năng giao tiếp và phát triển ngôn ngữ thông qua việc tạo những giờ học vui vẻ và thú vị cho trẻ.

Các chuyên gia sẽ đánh giá mức độ giao tiếp và sử dụng ngôn ngữ của trẻ sau mỗi giờ học. Sau đó, sẽ xây dựng mục tiêu học tập cho từng đối tượng trẻ khác nhau. Điều này sẽ từng bước góp phần thúc đẩy giúp bé giao tiếp tốt hơn. Nếu trẻ được can thiệp sớm, trẻ có thể nhanh chóng hòa nhập được với các bạn cùng trang lứa.

4.2. Trung tâm can thiệp sớm

Khi trẻ gặp khó khăn trong việc giao tiếp, cha mẹ có thể tìm đến các trung tâm can thiệp kỹ năng. Phụ thuộc vào mức độ của trẻ, cha mẹ có thể chọn những hình thức can thiệp khác nhau. Chẳng hạn như, cho trẻ theo học toàn thời gian, học nói theo giờ, hoặc học tại nhà...

4.3. Điều trị bệnh lý tiềm ẩn khác

Khi trẻ 3 tuổi chậm nói, cha mẹ hãy cho trẻ thực hiện những kiểm tra xem có bệnh lý tiềm ẩn nào gây ảnh hưởng đến khả năng nghe, nói của trẻ không? Trẻ chậm nói do các bệnh như mất thính giác, dính thắng lưỡi, trẻ cần được điều trị loại bỏ bệnh lý bởi các bệnh viện uy tín. Sau đó, sẽ can thiệp kỹ năng và điều trị, giúp trẻ phát triển ngôn ngữ và giao tiếp tốt hơn.

Trẻ 3 tuổi chậm nói sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày của trẻ. Cha mẹ cần nắm rõ các cột mốc phát triển của trẻ để phát hiện và điều trị kịp thời, giúp việc điều trị trở nên dễ dàng hơn. Đồng thời, nên cho trẻ thăm khám định kỳ, kiểm tra sức khỏe thường xuyên, giúp có thể giải quyết sớm những vấn đề mà trẻ gặp phải.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

33.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan