Dấu hiệu suy giảm chức năng não bộ

Suy giảm chức năng não bộ thường gặp ở người lớn tuổi, nặng dần theo thời gian. Có nhiều bệnh lý gây ra các dấu hiệu suy giảm chức năng não bộ, trong đó phổ biến là sa sút trí tuệ, suy giảm nhận thức nhẹ và suy giảm trí nhớ liên quan với tuổi. Có nhiều biện pháp giúp làm chậm quá trình suy giảm chức năng não bộ đồng thời cải thiện hoạt động của não.

1. Các bệnh lý gây suy giảm chức năng não bộ

Dấu hiệu suy giảm chức năng não bộ có thể xảy ra do nhiều bệnh lý khác nhau, trong đó phổ biến là sa sút trí tuệ, suy giảm nhận thức nhẹ và suy giảm trí nhớ liên quan với độ tuổi.

1.1. Suy giảm trí nhớ liên quan với tuổi

Suy giảm trí nhớ liên quan đến độ tuổi là những tình trạng thay đổi trong nhận thức và trí nhớ xảy ra khi lão hóa. Những thay đổi trong suy giảm trí nhớ không phải là dấu hiệu suy giảm chức năng não bộ của bệnh sa sút trí tuệ. Người lớn tuổi có sự suy giảm khả năng nhớ lại một cách tương đối, đặc biệt là tốc độ nhớ lại so với người trẻ. Tuy nhiên, thay đổi do suy giảm trí nhớ không ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày.

1.2. Suy giảm nhận thức nhẹ

So với suy giảm trí nhớ liên quan đến tuổi thì suy giảm nhận thức nhẹ gây ra tình trạng mất trí nhớ nặng hơn; khả năng nhận thức và các chức năng khác của não bộ cũng xấu hơn so với những người cùng độ tuổi, nhưng thường không ảnh hưởng đến hoạt động hàng ngày. Tuy nhiên, có tới 50% bệnh nhân mắc suy giảm nhận thức nhẹ sẽ tiến triển thành bệnh sa sút trí tuệ chỉ trong vòng 3 năm.

1.3. Sa sút trí tuệ

Sa sút trí tuệ là hội chứng bao gồm các dấu hiệu suy giảm chức năng não bộ như: suy giảm trí nhớ, thay đổi hành vi và suy giảm khả năng thực hiện những hoạt động sống hằng ngày. Bệnh sa sút trí tuệ gây tác động xấu đến tâm lý, thể chất, kinh tế và các mối quan hệ xã hội của cả người bệnh lẫn người chăm sóc.

Mặc dù, bệnh sa sút trí tuệ ảnh hưởng chủ yếu trên người lớn tuổi, nhưng bệnh không chỉ là quá trình lão hóa đơn thuần của não bộ mà còn là hậu quả của một số yếu tố bệnh tật. Bệnh Alzheimer là một dạng sa sút trí tuệ phổ biến nhất và có thể chiếm khoảng 60 – 70% các trường hợp. Những yếu tố nguy cơ gây ra sa sút trí tuệ như béo phì và tăng huyết áp ở độ tuổi trung niên, thói quen uống rượu bia, dùng chất kích thích, người cao tuổi có huyết áp thấp, nhồi máu não đa ổ, đái tháo đường, rối loạn lipid máu; tiền sử gia đình mắc sa sút trí tuệ; trầm cảm...

dấu hiệu suy giảm chức năng não bộ
Suy giảm trí nhớ là dấu hiệu suy giảm chức năng não bộ thường gặp

2. Các biện pháp cải thiện chức năng não bộ

2.1. Tập thể dục đều đặn

Tập thể dục thường xuyên giúp não sản sinh ra các chất có lợi cho sức khỏe hệ thần kinh và cải thiện khả năng học tập, làm việc. Tập thể dục còn giúp cơ thể tăng cường lưu thông máu huyết, tăng lượng oxy đến não để giúp não làm việc nhanh hơn và hiệu quả hơn. Do đó, tập thể dục đều đặn sẽ cải thiện tình trạng suy giảm chức năng não bộ.

2.2. Luyện tập não bộ

Rèn luyện trí não là cách hiệu quả và tự nhiên nhất để cải thiện trí nhớ. Có nhiều cách để luyện tập não bộ như đọc sách, chơi trò chơi chữ, giải câu đố, các trò chơi trí tuệ, xem tivi, sử dụng internet, tham gia các hoạt động xã hội hay học chơi một nhạc cụ, học ngôn ngữ mới,... Các hoạt động liên quan đến trí não sẽ kích thích hệ thần kinh nhằm làm chậm sự khởi phát sa sút trí tuệ và giảm tác động của bệnh.

2.3. Nghe nhạc

Nghe nhạc làm bán cầu não bên phải tăng hoạt động, giúp cải thiện trí nhớ, ngôn ngữ và sự tập trung. Nghe bản nhạc ưa thích trong khi tập thể dục sẽ làm tăng gấp đôi hiệu quả rèn luyện trí nhớ.

2.4. Dinh dưỡng

Chế độ ăn uống hợp lý, khoa học và cân bằng các chất dinh dưỡng sẽ rất tốt cho bộ não. Để làm chậm quá trình suy giảm chức năng não bộ, trong khẩu phần ăn nên tăng cường các loại trái cây, rau củ, ngũ cốc nguyên hạt, chất béo tốt như dầu dừa, đạm từ thịt nạc và hạn chế ăn thực phẩm chế biến sẵn. Cụ thể, chế độ dinh dưỡng để cải thiện chức năng não bộ như sau:

  • Trái cây và rau quả tươi chứa nhiều chất chống oxy hóa giúp ngăn cản các các gốc tự do làm tổn thương tế bào não.
  • Trà xanh một trong những đồ uống có chứa chất chống oxy hóa mạnh, có thể giúp tăng cường trí nhớ, sự tập trung và làm chậm tiến trình lão hóa.
  • Omega-3 là thành phần quan trọng của não và là chất dinh dưỡng chỉ có thể cung cấp được thông qua chế độ ăn hằng ngày. Nhiều nghiên cứu khoa học đã cho thấy mối liên hệ giữa chứng mất trí nhớ, bệnh Alzheimer với việc tiêu thụ lượng omega 3 thấp trong khẩu phần ăn.
  • Vitamin B12 có mối liên quan chặt chẽ với sức khỏe thần kinh của con người. Thiếu vitamin B12 khiến bộ não có thể bị thu nhỏ, thiếu tập trung, suy giảm trí nhớ.
  • Vitamin D giúp tăng cường sự phát triển của hệ thần kinh và đóng vai trò quan trọng trong nhiều chức năng của não bộ như khả năng xử lý thông tin, trí nhớ. Lượng vitamin D trong máu thấp sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer cũng như các dạng sa sút trí tuệ khác. Do đó, nên bổ sung vitamin D thông qua thực phẩm như trứng, sữa, hải sản hoặc viên uống bổ sung theo hướng dẫn của bác sĩ.
  • Đường (glucose) là chất cần cho hoạt động của não, vì bộ não chuyển hoá glucose thành năng lượng. Khi không có đủ lượng đường để đáp ứng nhu cầu của hệ thần kinh, cơ thể sẽ cảm thấy mệt mỏi, uể oải, mất tập trung. Nếu thiếu glucose nặng hoặc kéo dài có thể dẫn đến teo não, mất ngôn ngữ, mất trí nhớ và mất khả năng vận động.

2.5. Không hút thuốc lá và dùng các chất kích thích

Hút thuốc lá, uống rượu bia và dùng chất kích thích có thể làm tăng nguy cơ suy giảm trí nhớ, dễ mắc bệnh sa sút trí tuệ và các bệnh lý tim mạch.

2.6. Kiểm soát tốt yếu tố nguy cơ tim mạch

Tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, đái tháo đường nếu không được kiểm soát tốt có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ, đây là nguyên nhân gây ra sa sút trí tuệ mạch máu.

dấu hiệu suy giảm chức năng não bộ
Giấc ngủ ngon sẽ cải thiện trí nhớ, sự tập trung

2.7. Giấc ngủ ngon

Trong khi ngủ, bộ não sẽ được nghỉ ngơi. Ngủ ngon giấc và đủ 8 tiếng mỗi đêm sẽ giúp cho hệ thần kinh và trí não khỏe mạnh, giảm nguy cơ mắc bệnh sa sút trí tuệ. Đồng thời, giấc ngủ ngon sẽ cải thiện trí nhớ, sự tập trung, tăng sự sáng tạo, kỹ năng tư duy và khả năng giải quyết các vấn đề. Ngược lại, mất ngủ hoặc ngủ không ngon giấc làm suy yếu hệ thần kinh, có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe, trong đó có sa sút trí tuệ.

2.8. Giữ tinh thần luôn vui vẻ

Các hoạt động thể chất và tương tác xã hội thông qua việc tham gia vào câu lạc bộ, tình nguyện viên, giúp cho tinh thần luôn vui vẻ, tạo nhiều tiếng cười có thể làm trì hoãn sự khởi phát của bệnh sa sút trí tuệ, cũng như hạn chế các dấu hiệu suy giảm chức năng não bộ. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy những người có đời sống xã hội tích cực, lạc quan sẽ có tỷ lệ suy giảm trí nhớ thấp. Tiếng cười kích hoạt nhiều khu vực trong não từ đó tăng cường khả năng tập trung, học tập và sáng tạo.

2.8. Yoga hoặc thiền định

Căng thẳng thường xuyên sẽ làm phá hủy các tế bào não. Thiền địnhyoga là những phương pháp tuyệt vời để thư giãn, cân bằng cảm xúc, bình ổn tâm trạng, cải thiện trí nhớ, sự tập trung, khả năng sáng tạo và kỹ năng suy luận.

Suy giảm chức năng não bộ thường gặp ở người lớn tuổi, nặng dần theo thời gian. Các dấu hiệu của suy giảm chức năng não bộ là sa sút trí tuệ, mất trí nhớ,... gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Việc áp dụng các biện pháp cải thiện chức năng não bộ sẽ giúp người bệnh cân bằng cuộc sống, minh mẫn, vui vẻ, lạc quan và kéo dài tuổi thọ.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan