Nguyên nhân của co giật và co thắt cơ

Co giật và co thắt cơ thường gặp nhất ở mí mắt, đùi, bắp chân, bàn tay, cánh tay, bụng, lồng ngực và lòng bàn chân. Đôi khi các bác sĩ cũng không rõ tại sao một phần, tất cả hoặc một nhóm cơ lại bị như vậy. Vì thế, việc tìm ra nguyên nhân co giật, co thắt cơ sẽ hỗ trợ điều trị chính xác.

1. Co giật, co thắt mí mắt

Bình thường, các cơ sẽ làm việc theo ý muốn của bạn nghĩa là được não yêu cầu phải làm gì. Nhưng đôi khi các cơ lại tự động co thắt, co giật hoặc cứng và không thể thư giãn. Mí mắt trên hoặc dưới co giật ngẫu nhiên có thể khiến bạn cảm thấy nhìn mờ hoặc thực sự gây khó chịu. Các yếu tố kích thích bao gồm: Căng thẳng và hút thuốc, gió, ánh sáng chói, quá nhiều caffeine và thiếu ngủ. Mặc dù gây khó chịu nhưng các cơn co giật là vô hại và thường biến mất nhanh chóng. Tình trạng này cũng có thể tái phát trở lại trong vài ngày tiếp theo.

Những cơn co giật kéo dài hơn vài ngày có thể là dấu hiệu cảnh báo một vấn đề về mắt, như khô mắt hoặc tăng nhãn áp. Co giật mí mắt cũng có thể xảy ra nếu bạn gặp vấn đề ảnh hưởng đến chuyển động của cơ mặt. Trong một số trường hợp hiếm gặp, co giật mắt có thể là dấu hiệu của rối loạn não hoặc thần kinh, như liệt Bell, đa xơ cứng và hội chứng Tourette. Nếu đây là nguyên nhân co thắt cơ, bạn cũng sẽ gặp các triệu chứng khác.

co thắt mí mắt
Co thắt mí mắt có thể là nguyên nhân co thắt cơ

2. Không đủ nước và chất điện giải

Nếu bạn không uống đủ nước, các cơ có nhiều khả năng bị co giật và co thắt. Ngoài nước, việc đổ nhiều mồ hôi hoặc mất chất lỏng trong cơ thể do bị ốm cũng gây mất chất điện giải. Trong khi đó, cơ bắp cần phụ thuộc vào các khoáng chất như kali và magie, để hoạt động bình thường. Nếu bạn sắp bị mất sức, cơ thể sẽ gửi thông báo qua các cơn chuột rút và co thắt. Tập thể dục hoặc đổ mồ hôi nhiều là nguyên nhân chính khiến bạn kiệt sức, ngoài ra một số loại thuốc cũng có thể gây ra tình trạng này. Bạn cũng có nguy cơ bị mất quá nhiều chất điện giải sau một đợt tiêu chảy hoặc nôn mửa.

3. Căng thẳng có phải là nguyên nhân co giật?

Căng thẳng không chỉ khiến bạn bị đau đầu hoặc mất ngủ, mà còn có thể gây căng và đau các cơ. Đây cũng là một trong những nguyên nhân co giật cơ mắt và đùi phổ biến. Hãy thử một kỹ thuật thư giãn chẳng hạn như massage hoặc thiền, để giải quyết tình trạng stress.

4. Quá nhiều Caffeine

Caffeine có thể giúp bạn tỉnh táo vào buổi sáng và tránh được tình trạng uể oải vào buổi chiều. Nhưng quá nhiều caffeine có thể gây ra hiện tượng co giật cơ ở các bộ phận khác nhau trên cơ thể.

5. Thiếu ngủ và kiệt sức

Co giật và co thắt cơ cũng là một trong những cách cơ thể thông báo cho bạn biết rằng bạn đang mệt mỏi hoặc kiệt sức. Cơ bắp của bạn cũng có thể cảm thấy nhức mỏi và đau hoặc bị yếu đi.

Nếu bị co thắt cơ sau khi tập luyện hoặc đi bộ, có thể bạn cần phải dành nhiều thời gian hơn để xây dựng sức mạnh cơ bắp của mình. Thực hiện các bài tập chuyên về rèn luyện sức mạnh ít nhất 2 lần/ tuần.

nguyên nhân co thắt cơ
Thiếu ngủ và kiệt sức có thể khiến bạn gặp tình trạng co thắt cơ

6. Một số loại thuốc

Nếu bạn bị cao huyết áp hoặc bệnh tim, bác sĩ có thể cho bạn uống thuốc lợi tiểu. Loại thuốc này khiến bạn đi tiểu nhiều hơn, làm giảm lượng kali trong cơ thể và có thể gây co thắt cơ. Các loại thuốc khác cũng có thể gây co giật, ví dụ như một số thuốc chống trầm cảm, các thuốc kích thích như amphetamine. Một số loại thuốc động kinh và rối loạn tâm thần cũng là nguyên nhân co giật mí mắt.

7. Hội chứng serotonin

Nếu cơ của bạn bị co giật trong vòng vài giờ sau khi dùng một loại thuốc mới hoặc thay đổi liều lượng dùng thuốc, hãy gọi cho bác sĩ. Nguyên nhân co thắt cơ có thể là do một số loại thuốc hoặc chất bổ sung khiến cơ thể tích tụ quá nhiều chất hóa học serotonin trong não. Đây là một tình trạng nghiêm trọng, thường đi kèm với sốt rất cao và các triệu chứng khác, do đó cần được chăm sóc y tế khẩn cấp.

8. Bệnh thận

Thông thường sẽ không có các dấu hiệu cảnh báo sớm cho bạn biết rằng thận đang hoạt động chậm lại. Khi thận mất khả năng làm việc, bạn có thể bị chuột rút cơ cùng với các triệu chứng khác. Nếu bạn bị tiểu đường, huyết áp cao hoặc các vấn đề khác liên quan đến thận, hãy đến bác sĩ kiểm tra.

9. Bệnh Lou Gehrig

Co giật cơ ở bàn tay và bàn chân có thể là một trong những triệu chứng ban đầu của bệnh Lou Gehrig, hay còn gọi là xơ cứng teo cơ một bên. Nguyên nhân co giật là do các dây thần kinh não và tủy sống gửi thông điệp từ đến các cơ, yêu cầu cơ ngừng hoạt động. Hiện tượng co thắt cơ bất thường sẽ xảy ra trước khi các cơ ngừng hoạt động hoàn toàn.

10. Dây thần kinh cột sống bị chèn ép

Khi các dây thần kinh cột sống lệch khỏi tủy sống, chúng sẽ nằm giữa các xương của cột sống. Đôi khi các đĩa đệm giữa các xương bị trượt hoặc vỡ ra, quá trình này sẽ chèn ép dây thần kinh cột sống. Bạn có thể cảm thấy những thay đổi trong các cơ mà dây thần kinh bị chèn ép chịu trách nhiệm điều khiển. Bác sĩ có thể chẩn đoán vấn đề thông qua khám sức khỏe hoặc chụp MRI, CT.

Dây thần kinh cột sống bị chèn ép
Nguyên nhân co thắt cơ có thể do dây thần kinh cột sống bị chèn ép

11. Bệnh thần kinh

Khi bị tổn thương, các tế bào thần kinh sẽ thay đổi cách giao tiếp với nhau và với não. Co giật và co thắt cơ có thể là dấu hiệu cảnh báo rằng các dây thần kinh kiểm soát cơ của bạn đang bị ảnh hưởng. Ngoài một số trường hợp bẩm sinh đã mắc chứng bệnh này, các vấn đề về thần kinh cũng có thể xảy ra do chấn thương, nhiễm trùng, bệnh tật, nghiện rượu và một số loại thuốc. Bệnh tiểu đường là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến bệnh về dây thần kinh.

12. Hội chứng Isaacs

Tình trạng hiếm gặp này xảy ra khi các dây thần kinh của bạn liên tục gửi các tín hiệu yêu cầu các cơ chuyển động, mặc dù não hoặc tủy sống không yêu cầu như vậy. Đây là nguyên nhân co giật và cứng cơ, cũng như chuột rút. Các cơ của người bệnh cũng xuất hiện tình trạng gợn sóng, giống như có thứ gì đó đang di chuyển dưới da. Tình trạng này được gọi là chứng giảm thần kinh hoặc hội chứng Isaacs-Mertens, và các triệu chứng vẫn tiếp diễn khi bạn đang ngủ hoặc được gây mê toàn thân.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: www.webmd.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

67.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan