Tâm phế mạn: Những điều cần biết

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Phan Đình Thủy Tiên - Bác sĩ Nội Tổng Quát - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang

Tâm phế mạn là tình trạng các bệnh lý ở phổi dẫn tới suy tim phải thứ phát, tỷ lệ mắc bệnh tăng lên ở những nước có nhiều người hút thuốc lá, môi trường ô nhiễm vì đây là nguy cơ gây bệnh mạn tính ở phổi. Bệnh tâm phế mạn nếu được theo dõi và điều trị đúng cách thì tiên lượng tốt, bệnh tiến triển chậm hơn.

1. Bệnh tâm phế mạn là gì?

Tâm phế mạn là tình trạng suy tim phải thứ phát do tăng áp lực động mạch phổi, gây nên bởi các bệnh lý của mạch máu hay nhu mô phổi. Bệnh tâm phế mạn không bao gồm tình trạng suy thất phải thứ phát sau khi suy thất trái (suy thất trái do tăng huyết áp, hẹp hai lá, hẹp chủ...); bệnh lý tim bẩm sinh hoặc các bất thường van tim mắc phải.

Cơ chế hình thành bệnh: khi bệnh nhân có tình trạng tăng áp lực động mạch phổi do các nguyên nhân từ mạch máu hay nhu mô phổi, sẽ dẫn tới tăng gánh nặng cho thất phải, thất phải cần phải tăng lực co bóp để đẩy được máu vào động mạch phổi do cần một áp lực lớn hơn áp lực động mạch phổi dẫn tới tình trạng thất phải bị giãn. Sau một thời gian cơ thất phải bị giãn để đáp ứng với việc thường xuyên tăng áp lực phổi để cung cấp đủ nhu cầu máu cho phổi thì dẫn tới hiện tượng suy tim phải.

Tại sao COPD gây suy tim phải
Tăng áp lực động mạch phổi khiến cho thất phải bị giãn gây ra tâm phế mạn

Ngoài cơ chế chủ yếu gây ra suy thất phải là tăng áp lực động mạch phổi thì những cơ chế khác cũng gây suy tim phải bao gồm: Suy hô hấp, rối loạn khí máu...

Các nguyên nhân gây ra bệnh tâm phế mạn bao gồm:

  • Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là nguyên nhân chủ yếu gây bệnh tâm phế mạn.
  • Tăng áp lực phổi tiên phát.
  • Bệnh hen suyễn không được kiểm soát ổn định.
  • Phẫu thuật hay chấn thương làm mất số lượng lớn nhu mô phổi.
  • Bệnh bụi phổi.
  • Bất thường giải phẫu lồng ngực hay đốt sống ngực như gù, vẹo cột sống.
  • Mắc bệnh lý ngừng thở khi ngủ.
  • Lao xơ phổi, xơ phổi, viêm phế quản mạn, viêm phổi kẽ.

2. Triệu chứng bệnh tâm phế mạn

Triệu chứng lâm sàng của bệnh có sự thay đổi tùy vào từng giai đoạn và sự phát triển của bệnh.

Các triệu chứng lâm sàng bao gồm:

-Bệnh nhân có tiền sử các bệnh lý về phổi mạn tính, các bệnh cơ xương lồng ngực.

-Xuất hiện các triệu chứng của suy tim phải bao gồm:

  • Khó thở khi gắng sức, về sau khó thở cả khi làm việc nhẹ hay nghỉ ngơi.
  • Người mệt, thở nhanh.
  • Nhịp tim nhanh, có một số trường hợp nhìn thấy hay được khám thấy mỏm tim đập ở dưới mũi ức.
  • Ho: Thường ho nhiều, có thể ho ra máu, đờm vàng...
Suy tim
Tâm phế mạn làm xuất hiện những triệu chứng của suy tim phải
  • Dấu hiệu ứ đọng máu ngoại biên: Gan to và đau, phản hồi gan tĩnh mạch cổ dương tính, phù chân thường phù mềm ấn lõm, tiểu ít, môi và đầu chi tím.
  • Ngoài ra bệnh nhân còn có thể thấy dấu hiệu đau thắt ngực và ngất do tình trạng thiếu máu cơ tim hay thiếu máu não khi không cung cấp đủ oxy cho cơ thể.
  • Nghe tim thấy tiếng tim bất thường, phổi có rale nổ.

Các dấu hiệu cận lâm sàng: Đóng vai trò quan trọng trong chẩn đoán, tiên lượng bệnh và điều trị:

-Điện tâm đồ (ECG): Trên điện tâm đồ thầy dấu hiệu dày thất phải.

-Xquang tim phổi: Thấy các dấu hiệu sau:

  • Dấu hiệu giãn động mạch phổi: Cung động mạch phổi nổi, nhánh động mạch phổi phải giãn trên 16mm.
  • Bóng tim to hay tim hình giọt nước.
  • Có thể thấy các tổn thương nhu mô phổi như xơ phổi, giãn phế nang...
  • Có thể thấy nếu có tình trạng bất thường giải phẫu lồng ngực, gù vẹo cột sống.

-Siêu âm tim:

  • Siêu âm 2D: Thấy dấu hiệu cho thấy sự quá tải thất phải mạn tính như thất phải thành dày lên, vách liên thất vận động bất thường.
  • Trên siêu âm Doppler: Tính được áp lực động mạch phổi, sức cản mạch phổi thông qua phổ hở van ba lá và van động mạch phổi. Siêu âm doppler còn hiệu quả trong việc theo dõi, đánh giá sau điều trị.

-Thăm dò chức năng hô hấp:

  • Thăm dò chức năng thông khí phổi: Thường được sử dụng trong bệnh COPD. Thấy dấu hiệu giảm thể tích thở ra trong giây đầu tiên, chỉ số Tiffeneau giảm, tăng dung tích cặn phổi bệnh nhân. Một số bệnh nhân có tình trạng hạn chế thông khí thì thấy giảm dung tích sống nhiều.
  • Khi máu động mạch: Giai đoạn đầu thường không có gì đặc biệt, giai đoạn sau có tình trạng suy hô hấp mạn tính thấy toan chuyển hóa, PaCO2 tăng, PaO2 giảm.

-Xét nghiệm công thức máu: Xem có tình trạng đa hồng cầu không, có thể là hậu quả của bệnh và cũng có thể là nguyên nhân gây tăng áp lực động mạch phổi.

Từ tiền sử bệnh, các dấu hiệu lâm sàng và dấu hiệu cận lâm sàng đưa ra được chẩn đoán xác định về:

  • Giai đoạn bệnh: Từ giai đoạn đưa ra được phương pháp điều trị, tiên lượng và theo dõi người bệnh.
  • Chẩn đoán được nguyên nhân gây bệnh: Tìm được nguyên nhân từ đó đưa ra các phương pháp điều trị nguyên nhân gây bệnh.
  • Cần phải chẩn đoán loại trừ bệnh xuất phát từ tim.
Bệnh đa hồng cầu ở trẻ sơ sinh có nguy hiểm không
Đa hồng cầu cũng có thể gây tăng áp lực động mạch phổi

3. Làm sao để phòng ngừa bệnh tâm phế mạn

  • Tránh yếu tố nguy cơ gây bệnh lý mạn tính ở phổi: Không hút thuốc lá, thuốc lào, tránh tiếp xúc với khói, bụi, môi trường ô nhiễm thường xuyên. Khi tiếp xúc với môi trường độc hại cần dùng khẩu trang để ngăn ngừa nguy cơ ảnh hưởng tới phổi.
  • Tiêm phòng vắc-xin để phòng bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp như: cúm, phế cầu...
  • Khi có các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp cần điều trị triệt để, tránh tái phát.
  • Khi mắc các bệnh lý mạn tính cần thường xuyên thăm khám định kỳ để phát hiện sớm bệnh.
  • Chế độ ăn uống và sinh hoạt khoa học, tập thể dục thường xuyên, luyện thở, có chế độ ăn uống đủ chất dinh dưỡng.

Khi có các bệnh về phổi mạn tính nên thăm khám định kỳ, tuân thủ điều trị và tránh các tác nhân gây bệnh để hạn chế sự phát triển của bệnh. Bệnh phát triển từ từ gây suy tim phải, khi có suy tim thì việc điều trị và tiên lượng sẽ khó khăn hơn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

15.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan