Các chỉ số đo khối lượng xương

Đo khối lượng xương là một trong những xét nghiệm thường được các chuyên gia khuyến cáo thực hiện trong những lần khám sức khỏe định kỳ. Phương pháp này giúp phát hiện sớm tình trạng loãng xương do mất mật độ xương, từ đó đưa ra các cách điều trị hiệu quả nhất cho người bệnh.

1. Vì sao cần đo khối lượng xương?

Khối lượng xương hay còn được gọi là mật độ xương, giúp chúng ta xác định được lượng khoáng chất bao gồm canxi và phốt pho có trong một khối lượng xương nhất định. Thông thường, khối lượng xương của một người sẽ được quyết định dựa trên yếu tố di truyền và một phần từ các yếu tố ngoại sinh.

Ngoài ra, khối lượng xương của bạn cũng sẽ phụ thuộc vào hình dạng, kích thước của xương, cơ bắp và cơ thể. Mặt khác, sức mạnh và mật độ xương có thể tăng cao nếu bạn tích cực tập luyện thể chất.

Để biết được mật độ xương và chẩn đoán sớm tình trạng loãng xương, các chuyên gia khuyến nghị mọi người nên đo khối lượng xương trong những buổi khám sức khoẻ tổng thể định kỳ. Thông qua kết quả xét nghiệm đo khối lượng xương có thể giúp bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp nhất cho những người được chẩn đoán mắc bệnh loãng xương.

Hơn nữa, phương pháp đo khối lượng xương cũng giúp đánh giá nguy cơ gãy xương do loãng xương của người bệnh. Bởi vậy, bất kỳ đối tượng nào cũng nên thực hiện xét nghiệm này nhằm giúp đón đầu sớm quá trình mất khoáng xương do bệnh lý, tuổi tác, lao động nặng nhọc hoặc do chế độ ăn uống, sinh hoạt thường ngày. Điều này cũng giúp bạn sớm có cách để làm chậm quá trình loãng xương trong tương lai.

2. Khi nào cần đo khối lượng xương?

Loãng xương là một căn bệnh có diễn biến âm thầm, khi có biểu hiện lâm sàng cũng là lúc cơ thể bạn đã bị mất đi hơn 30% mật độ xương và gây ra các biến chứng như gù lưng, đau cột sống, giảm chiều cao, biến dạng xương, gãy xương và giảm khả năng vận động. Nhằm sớm phát hiện nguy cơ loãng xương, bạn nên đo khối lượng xương dựa trên khuyến cáo về độ tuổi sau đây:

  • Nữ giới: Nên đo mật độ xương ở độ tuổi từ 40 - 45.
  • Nam giới: Nên đo mật độ xương ở độ tuổi từ 50 – 60.

Ngoài ra, những đối tượng sau cũng nên sớm đi đo khối lượng xương nếu có một trong các điều kiện sau:

  • Phụ nữ tiền mãn kinh và sau mãn kinh có nguy cơ cao loãng xương.
  • Phụ nữ sau mãn kinh có tiền căn gãy xương.
  • Phụ nữ muốn điều trị tình trạng loãng xương.
  • Người sử dụng liệu pháp thay thế hormone kéo dài.
  • Người sử dụng corticoid lâu dài.
  • Người hay sử dụng bia rượu và các chất kích thích.
  • Người ít hoạt động thể chất, bị bất động quá lâu do nghề nghiệp hoặc bệnh tật.
đo khối lượng xương
Nữ giới nên đo mật độ xương ở độ tuổi từ 40 - 45

3. Các phương pháp đo khối lượng xương phổ biến

Hiện nay có nhiều cách khác nhau giúp đo khối lượng xương, trong đó phổ biến nhất là phương pháp quét DEXA (sử dụng hấp thụ tia X năng lượng kép). Xét nghiệm này giúp bác sĩ đo hàm lượng canxi và các khoáng chất khác có trong xương, chủ yếu ở xương gót chân, hông, cột sống, tay và cổ tay.

Dưới đây là quy trình khi đo khối lượng xương bằng phương pháp DEXA, cụ thể:

  • Người bệnh được đặt nằm ngửa trên bàn đệm. Bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân nằm với tư thế duỗi thẳng 2 chân hoặc đặt một chân lên trên bục đệm.
  • Máy quét sẽ từ từ đi qua cột sống và vùng hông dưới, trong khi trình tạo photon (một máy quét khác) sẽ chạy ở phần dưới cơ thể bạn. Hai máy quét này sẽ kết hợp cho ra hình ảnh và gửi đến máy tính.
  • Trong quá trình đo mật độ xương, người bệnh cần nằm yên, đôi khi phải nín thở trong một vài giây (nếu bác sĩ yêu cầu).

Trong nhiều trường hợp, phương pháp quét DEXA ngoại vi (p-DEXA) có thể được áp dụng để đo khối lượng xương ở ngón tay, bàn tay, cẳng tay hoặc bàn chân.

Ngoài phương pháp DEXA, bệnh nhân cũng có thể được yêu cầu thực hiện đo mật độ xương bằng tia X (DXA). Trong thủ thuật này, bác sĩ cũng sử dụng tia X năng lượng kép để đánh giá tình trạng mất khoáng xương. Tuy nhiên, xét nghiệm này chủ yếu được sử dụng để theo dõi những người bệnh đang trong quá trình điều trị tình trạng mất xương và được thực hiện chủ yếu cho các vùng xương ở cột sống và cổ xương đùi.

4. Các chỉ số đo khối lượng xương

Sau khi thực hiện xét nghiệm đo khối lượng xương, bác sĩ sẽ thông báo kết quả cho bạn dưới dạng các chỉ số T (T-score). Theo các chuyên gia, chỉ số T giúp xác định mật độ xương của bạn khi so sánh với chỉ số tiêu chuẩn của những người bình thường ở độ tuổi 30. Nếu chỉ số T càng nhỏ, nguy cơ mắc các vấn đề về xương của bạn càng cao, cụ thể:

  • Chỉ số T từ -1 đến +1: Mật độ xương ở mức bình thường.
  • Chỉ số T từ -1 đến -2,5: Mật độ xương thấp, tuy nhiên chưa đến mức mắc bệnh loãng xương. Sức khỏe của xương có thể được cải thiện qua thay đổi chế độ ăn uống và duy trì các thói quen lành mạnh khác.
  • Chỉ số T từ -2.5 trở xuống: Mật độ xương thấp quá mức cho phép là dấu hiệu cảnh báo tình trạng loãng xương. Khi chỉ số T càng nhỏ, mức độ loãng xương của bạn càng nặng. Lúc này, bạn cần phải uống thuốc để làm chậm quá trình loãng xương.

Bên cạnh chỉ số T, kết quả đo mật độ xương cũng bao gồm chỉ số Z (Z-score). Thông qua chỉ số này, bạn sẽ xác định được khối lượng xương của mình là bao nhiêu so với chỉ số tiêu chuẩn ở những người cùng độ tuổi. Mặt khác, chúng ta hoàn toàn có thể dự đoán được nguy cơ gãy xương do loãng xương thông qua 2 chỉ số T và Z vì chúng có thể hoán đổi cho nhau.

đo khối lượng xương
Rau xanh là nguồn thực phẩm cung cấp nhiều dưỡng chất tốt đối với hệ xương khớp

5. Làm thế nào để ngăn ngừa loãng xương và xây dựng hệ xương khỏe mạnh?

Để ngăn ngừa những nguy cơ dẫn đến bệnh loãng xương, đồng thời giúp xây dựng một hệ xương chắc khoẻ, bạn có thể tham khảo một số cách sau đây:

5.1. Bổ sung nhiều rau xanh

Rau xanh là nguồn thực phẩm cung cấp nhiều dưỡng chất tốt đối với hệ xương khớp. Trong rau có chứa nhiều vitamin C, giúp thúc đẩy quá trình sản xuất các tế bào tạo xương và bảo vệ xương khỏi những tác nhân gây tổn thương.

Hơn thế nữa, ăn nhiều rau xanh cũng giúp làm tăng mật độ xương, giúp ngăn ngừa nguy cơ mất xương và giòn xương. Để đạt được những lợi ích trên, bạn nên bổ sung thêm một số loại rau sau vào chế độ ăn uống hàng ngày của mình, bao gồm rau bắp cải, bông cải xanh, rau mùi tây cùng các loại rau giàu chất chống oxy hoá khác.

5.2. Bổ sung các nguồn protein

Protein là một chất rất cần thiết đối với hệ xương khớp, khoảng một nửa xương được tạo thành từ protein. Do đó việc bổ sung đầy đủ protein cho cơ thể sẽ giúp bảo vệ xương luôn chắc khỏe.

Theo các chuyên gia cho biết, mức protein thấp có thể ngăn chặn quá trình hấp thụ canxi của cơ thể, đồng thời gây ảnh hưởng lớn đến tốc độ hình thành cũng như phá vỡ xương. Đặc biệt, việc bổ sung những nguồn cung cấp protein có ý nghĩa rất lớn đối với người cao tuổi, giúp tăng cường mật độ xương và làm chậm sự tiến triển của loãng xương.

Một số thực phẩm giàu protein mà bạn nên lựa chọn tiêu thụ nhiều trong chế độ ăn uống của mình, bao gồm:

  • Hạnh nhân.
  • Trứng.
  • Yến mạch.
  • Ức gà.
  • Phô mai Cottage.
  • Sữa.
  • Sữa chua Hy Lạp.
  • Bông cải xanh.
  • Thịt bò nạc.
  • Cá ngừ.
  • Đậu lăng.
  • Diêm mạch.

5.3.Tăng cường các thực phẩm giàu canxi

Đối với hệ xương khớp, canxi giữ một vai trò quan trọng và đây cũng là loại kháng chất chính có trong xương. Việc tiêu thụ canxi hàng ngày có thể giúp bạn bảo vệ sức mạnh và cấu trúc của xương, giúp quá trình tạo xương diễn ra hiệu quả hơn.

Mức canxi khuyến nghĩ mỗi ngày đối với hầu hết mọi người là khoảng 1000 mg, đối với phụ nữ lớn tuổi có thể cần đến lượng canxi nhiều hơn (khoảng 1.200 mg). Cách tốt nhất giúp bạn bổ sung đầy đủ lượng canxi cần thiết cho xương khớp là tiêu thụ các thực phẩm giàu loại khoáng chất này trong mỗi bữa ăn, chẳng hạn như phô mai, các loại hạt, sữa chua, cá mòi đóng hộp và các loại đậu.

5.4.Tăng cường các hoạt động thể chất

Việc hoạt động thể chất nhiều hơn có thể giúp bạn ngăn ngừa nguy cơ mất mật độ xương và giúp duy trì xương chắc khoẻ. Các bài tập tốt nhất cho xương khớp bao gồm tập tạ, tập dưỡng sinh, yoga, thái cực quyền, chạy bộ hoặc bơi lội.

Nhiều nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, những người có nguy cơ mất khoáng xương khi tích cực tập thể dục có thể tăng khối lượng xương và làm giảm đáng kể sự phát triển của bệnh loãng xương cũng như những dấu hiệu thay đổi khác của xương.

Đo khối lượng xương là một trong những xét nghiệm thường được các chuyên gia khuyến cáo thực hiện trong những lần khám sức khỏe định kỳ. Biết được các chỉ số đo khối lượng xương giúp bác sĩ đánh giá được tình trạng sức khỏe tổng quan của xương và đưa ra các lời tư vấn phù hợp.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: bones.nih.gov

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

20.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan