Lưu ý khi chữa thoái hóa đốt sống lưng

Thoái hóa cột sống lưng là bệnh xương khớp phổ biến, đang có xu hướng ngày càng trẻ hóa. Chữa thoái hóa đốt sống lưng sớm, đúng theo chỉ định của bác sĩ là biện pháp giúp nâng cao khả năng điều trị thành công, giảm nguy cơ biến chứng.

1. Thoái hóa đốt sống lưng là gì?

Thoái hóa đốt sống lưng còn được gọi là thoái hóa cột sống thắt lưng (Lumbar Degenerative Disease). Đây là bệnh lý xương khớp mãn tính tiến triển chậm, cấp độ tăng dần, gây đau âm ỉ, yếu cơ 2 chân, mất thăng bằng và hạn chế khả năng vận động của bệnh nhân do làm biến dạng cột sống thắt lưng. 5 đốt sống thắt lưng (L1 - L5) là các đốt sống thường bị hao mòn nhất.

Nguyên nhân gây thoái hóa cột sống thắt lưng không phải do viêm nhiễm mà do quá trình lão hóa cùng các yếu tố khác như: Tính chất công việc (hay phải mang vác nặng, ngồi hoặc đứng ở 1 tư thế quá lâu), vận động sai tư thế (ngồi, nằm sai tư thế,...), dinh dưỡng không cân đối, di truyền, dị tật bẩm sinh, chấn thương, thừa cân béo phì, từng phẫu thuật...

Thoái hóa đốt sống lưng tuy không gây ảnh hưởng tới tính mạng nhưng có thể làm giảm chức năng hệ thần kinh và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Bệnh có thể gây tàn phế, mất khả năng sinh hoạt, khiến bệnh nhân trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Vì vậy, việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời cho tình trạng này là rất quan trọng.

thoái hóa đốt sống lưng
Thoái hóa đốt sống lưng có thể gây ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của bệnh nhân

2. Các phương pháp chữa thoái hóa đốt sống lưng

Tùy tình trạng sức khỏe và triệu chứng bệnh mà phương pháp điều trị cho từng bệnh nhân sẽ khác nhau. Sau khi được xác định chính xác bị thoái hóa cột sống lưng (qua các phương pháp chẩn đoán chụp X-quang, chụp MRI, chụp CT,...), bệnh nhân có thể được chỉ định một số biện pháp điều trị sau:

2.1 Dùng thuốc giảm đau

Phương pháp điều trị này chỉ mang tính chất hỗ trợ trong trường hợp bệnh nhân có triệu chứng nặng. Bản thân các thuốc giảm đau được chỉ định cũng được phân cấp theo cơn đau từ nhẹ tới nặng. Cụ thể:

  • Bệnh nhân bị thoái hóa do viêm khớp, gây đau nhẹ hoặc trung bình thì sử dụng thuốc giảm đau Paracetamol. Chú ý sử dụng đúng liều, không dùng liều cao hơn khuyến nghị của bác sĩ để tránh gây tổn thương gan;
  • Bệnh nhân bị đau nặng hơn có thể dùng thuốc chống viêm không steroid, thuốc không kê đơn gồm ibuprofen và naproxen natri. Liều dùng cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ để giảm đau xương khớp;
  • Nếu điều trị bằng 2 loại thuốc trên không có hiệu quả thì bệnh nhân thoái hóa cột sống lưng có thể được tiêm thuốc giảm đau corticoid vào khu vực quanh cột sống. Tuy nhiên, phương pháp này không có lợi ích lâu dài.

Việc uống thuốc giảm đau có tác dụng nhất thời để giảm nhẹ triệu chứng. Bệnh nhân có thể dùng thêm thuốc mỡ hoặc kem bôi xoa bóp tại khu vực cột sống thắt lưng để hỗ trợ giảm đau.

2.2 Các phương pháp điều trị thay thế không dùng thuốc

Bệnh nhân thoái hóa đốt sống lưng có thể áp dụng các phương pháp điều trị sau để kiểm soát bệnh:

  • Massage: Đây là phương pháp sử dụng tay, chân hoặc dụng cụ hỗ trợ với các động tác như bấm chặt, xoa bóp, nhào nặn, đấm vỗ,... giúp bệnh nhân giảm đau đớn, tê cứng do thoái hóa cột sống thắt lưng;
  • Chườm nóng hoặc chườm lạnh: Phương pháp này giúp tác động lên vị trí xương cột sống bị đau, giảm đau hiệu quả. Khi chườm nóng, khí nóng sẽ được đưa vào vùng xương cột sống, xua tan hàn khí trong cơ thể bệnh nhân. Khi chườm lạnh, người bệnh được giảm sưng đau tức thời. Tuy nhiên, bệnh nhân cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi áp dụng phương pháp điều trị này;
  • Châm cứu: Các bác sĩ đông y sử dụng kim châm cứu để tác động vào huyệt vị trên cơ thể, giúp giảm đau, điều trị bệnh thoái hóa đốt sống lưng. Ngoài ra, bác sĩ đông y còn có thể sử dụng các dụng cụ khác như cứu ngải, điện cực, đèn hồng ngoại,...;
  • Kích điện: Bác sĩ sử dụng thiết bị nhỏ có thể tạo ra mức xung điện mà cơ thể chấp nhận được, tác động vào khu vực bị tổn thương, giảm đau đớn cho bệnh nhân;
  • Nắn chỉnh cột sống: Phương pháp này được chỉ định cho những bệnh nhân bị tổn thương cột sống như cong vẹo, gù lưng, thoát vị đĩa đệm thể nhẹ. Bác sĩ nắn chỉnh để hỗ trợ giảm đau cột sống và đưa cột sống về đúng vị trí;
  • Tắm suối khoáng: Là phương pháp giúp giải độc, thư giãn, giảm mệt mỏi và căng thẳng, giảm nhẹ triệu chứng đau đớn khó chịu do bệnh thoái hóa cột sống thắt lưng gây ra.

Các phương pháp này có tính chất hỗ trợ, có thể giảm triệu chứng cho bệnh nhân nếu áp dụng đúng, phù hợp với người bệnh.

Nắn chỉnh cột sống
Phương pháp nắn chỉnh cột sống điều trị thoái hóa cột sống lưng

2.3 Phẫu thuật

2 phương pháp chữa thoái hóa đốt sống lưng kể trên chỉ có tác dụng với bệnh nhân thể nhẹ và trung bình. Trường hợp mắc thoái hóa cột sống lưng thể nặng, đi kèm biến dạng cột sống, thoát vị đĩa đệm, rối loạn tiền đình,... thì người bệnh có thể cần phẫu thuật. Đối tượng được điều trị phẫu thuật thường là người bệnh có triệu chứng nặng, đã điều trị kéo dài nhưng không đỡ. Trường hợp người bệnh cần phong bế dây thần kinh bị chèn ép dẫn đến tê liệt thì nên phẫu thuật càng sớm càng tốt.

3. Hướng dẫn chăm sóc bệnh nhân thoái hóa cột sống lưng tại nhà

Xây dựng một kế hoạch chăm sóc người bệnh thoái hóa cột sống thắt lưng tại nhà là rất cần thiết để kiểm soát triệu chứng, cải thiện tình trạng bệnh và ngăn ngừa nguy cơ biến chứng. Một số lưu ý mà người bệnh và thân nhân cần ghi nhớ gồm:

  • Thay đổi chế độ ăn uống: Người bệnh nên tăng cường bổ sung vào chế độ ăn những loại rau lá xanh, sữa và chế phẩm từ sữa, các loại cá, trái cây họ cam quýt,... Đồng thời, bệnh nhân nên kiêng rượu bia, nước có ga, thuốc lá, cà phê, đồ hộp, thức ăn nhanh, đồ ăn cay nóng,...;
  • Áp dụng các biện pháp giảm đau tại nhà: Xoa bóp, chườm nóng, chườm lạnh,... để cảm thấy dễ chịu hơn;
  • Thay đổi thói quen sinh hoạt: Bệnh nhân thoái hóa đốt sống lưng nên dành nhiều thời gian nghỉ ngơi, thư giãn, đảm bảo ngủ đủ giấc, không duy trì các tư thế sai, không mang vác vật nặng,...;
  • Tập luyện thích hợp: Chăm chỉ tập luyện thể dục thể thao sẽ giúp thư giãn gân cốt và cơ xương, cải thiện chức năng vận động. Tuy nhiên, bệnh nhân thoái hóa cột sống thắt lưng cần lựa chọn bài tập phù hợp, tránh những bài tập có động tác khó hoặc môn thể thao vận động mạnh,... Những bài tập rèn luyện phù hợp cho người bệnh là đi bộ, đạp xe, bơi lội, yoga,...;
  • Người bị thừa cân nên chú ý tập luyện và ăn kiêng để trở về mức cân nặng lý tưởng, tránh gây áp lực cho các khớp xương.

4. Chủ động phòng bệnh thoái hóa đốt sống lưng như thế nào?

Để chủ động phòng tránh bệnh thoái hóa cột sống thắt lưng ngay từ sớm, mỗi người cần chú ý:

  • Thay đổi tư thế thường xuyên, tránh ngồi 1 chỗ quá lâu, tránh đứng nhiều, tập vận động các khớp, tránh mang vác nặng,...;
  • Với công việc phải ngồi nhiều như nhân viên văn phòng thì nên tận dụng giờ giải lao để tập những bài tập nhẹ khoảng 5 - 10 phút nhằm thư giãn gân cốt;
  • Duy trì chế độ ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết, nhiều sữa, rau xanh (rau dền, bắp cải) và trứng, cá,... để cung cấp đủ vitamin, magie và canxi cho cơ thể; uống đủ nước; hạn chế bia, rượu, thuốc lá, thức khuya,...;
  • Tập luyện thể thao đều đặn để cải thiện tính linh hoạt của xương khớp và hạn chế triệu chứng của bệnh thoái hóa đốt sống lưng;
  • Tầm soát các vấn đề về xương khớp càng sớm càng tốt để có biện pháp can thiệp điều trị kịp thời.
thoái hóa cột sống lưng
Tập luyện thể thao đều đặn có thể giúp phòng ngừa thoái hóa cột sống lưng

5. Một số bài tập cho bệnh nhân thoái hóa cột sống lưng

Trong quá trình chữa thoái hóa đốt sống lưng, người bệnh nên thực hiện các bài tập dưới đây để giảm nhẹ triệu chứng, cải thiện hiệu quả điều trị bệnh.

5.1 Tác dụng của các bài tập cột sống

Các bài tập cột sống mang lại nhiều lợi ích như:

  • Hỗ trợ lưu thông và tuần hoàn máu, cải thiện khả năng hấp thụ dinh dưỡng của xương khớp;
  • Giúp cơ thể thêm linh hoạt, dẻo dai, cải thiện sức bền và ngăn ngừa bệnh tật;
  • Gia tăng sức mạnh của cơ lưng, cơ bụng, cơ mông, cơ đùi,... giảm lượng mỡ thừa và duy trì vóc dáng cơ thể;
  • Giảm thiểu tình trạng đau, nhức xương khớp;
  • Giảm căng thẳng, giúp tinh thần thoải mái và vui vẻ hơn.

Các bài tập chống chỉ định cho người bị: Đau lưng cấp, ung thư cột sống, nhiễm trùng cột sống, chấn thương gây gãy hoặc mất vững đốt sống. Thời gian tập tốt nhất là 2 lần/ngày vào buổi sáng sau khi ngủ dậy và buổi tối trước khi đi ngủ, mỗi động tác lặp lại 5 - 10 lần, mỗi lần giữ 3 - 5 giây. Thời gian luyện tập thay đổi tùy theo sức khỏe, thể lực của bệnh nhân.

5.2 Các bài tập hữu ích

Chuẩn bị: Người tập nằm tư thế thả lỏng trên mặt sàn hoặc nệm cứng, buông 2 tay dọc theo thân mình, 2 chân duỗi thẳng, mặc trang phục thoải mái.

  • Bài tập 1: Nghiêng xương chậu ra sau: Bạn thực hiện gồng cơ bụng, ấn lưng xuống giường, hít vào, thư giãn cơ bụng rồi thở ra. Bài tập giúp cơ lưng dưới thư giãn và cải thiện sức mạnh cơ bụng.
  • Bài tập 2: Kéo giãn cơ lưng bên chân co: Bạn duỗi thẳng 1 chân, ngóc bàn chân lên, ấn gan bàn chân xuống mặt sàn. Chân còn lại co đầu gối, đan 2 tay kéo sát gối về hướng ngực, hít vào. Sau đó, bạn duỗi thẳng chân về tư thế ban đầu, thở ra. Tiếp tục đổi chân, thực hiện như trên. Bài tập này giúp kéo giãn cơ vùng thắt lưng, cơ mông và cơ tam đầu đùi.
  • Bài tập 3: Kéo giãn cơ lưng 2 bên: Bạn co 2 chân, đan 2 tay, kéo sát 2 đầu gối về phía ngực rồi hít vào. Sau đó, duỗi thẳng 2 chân về tư thế ban đầu, thở ra. Bài tập này giúp kéo giãn cơ vùng thắt lưng, cơ mông và cơ tam đầu đùi.
  • Bài tập 4: Kéo giãn nhóm cơ lưng: Bạn ngồi trên 2 gót chân, đặt ông trên 2 gót. Sau đó, cúi đầu sát nền nhà, cúi người về phía trước, trượt 2 tay trên mặt sàn về phía trước, hít vào và thở ra đều đặn.
  • Bài tập 5: Kéo giãn cơ tam đầu đùi (mặt sau đùi): Bạn duỗi thẳng 1 chân trên sàn, nâng chân còn lại lên cao, vuông góc với mặt sàn, 2 tay ôm mặt sau đùi, hít vào. Tiếp theo, giữ thẳng đầu gối, từ từ hạ chân xuống, thở ra. Tiếp tục đổi chân và thực hiện các động tác như trên.
  • Bài tập 6: Di động cột sống: Bạn bắt đầu ở tư thế bò (quỳ 4 điểm). Sau đó, bạn ngẩng đầu lên, hạ lưng xuống, hít vào rồi cúi đầu xuống, uốn cong lưng, thở ra. Lưu ý, khi thực hiện bài tập không được di chuyển tay chân. Bài tập này giúp cột sống thêm linh hoạt.
  • Bài tập 7: Giữ thăng bằng và tập nhóm cơ lưng: Bạn bắt đầu ở tư thế bò (quỳ 4 điểm). Sau đó, bạn giơ thẳng tay phải về phía trước, ngón tay hướng lên trần nhà và mắt nhìn theo tay, chân trái duỗi thẳng ra sau, hít vào. Tiếp theo, bạn hạ tay và chân xuống tư thế ban đầu, thở ra. Tiếp tục đổi tay và chân, lặp lại động tác trên. Bài tập giúp cải thiện sức mạnh cơ thân mình.
  • Bài tập 8: Tập cơ lưng: Bạn nằm sấp, đặt 2 tay dọc theo thân mình. Sau đó, bạn nâng đầu và ngực lên, hít vào rồi hạ người trở về tư thế ban đầu, thở ra. Bài tập này giúp gia tăng sức mạnh của nhóm cơ vùng thắt lưng.

Có nhiều phương thức phòng ngừa và chữa thoái hóa đốt sống lưng. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn cần đến cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh lý của mình để có phương án điều trị thích hợp (chữa trị tại nhà, dùng thuốc hoặc phẫu thuật). Mỗi người tốt nhất nên chủ động phòng ngừa bệnh thoái hóa cột sống thắt lưng bằng cách duy trì chế độ sinh hoạt lành mạnh, khoa học.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

7.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan