Công dụng thuốc L-asparaginase

Trên thị trường hiện nay có rất nhiều thông tin về sản phẩm thuốc Asparaginase, tuy nhiên còn chưa đầy đủ. Để hiểu rõ hơn thuốc L-asparaginase, công dụng và các tác dụng phụ là gì, hãy cùng tìm hiểu thêm trong bài viết dưới đây.

1. Thuốc L- asparaginase là thuốc gì?

Thuốc L- asparaginase là thuốc được chỉ định điều trị ung thư, thuộc nhóm kê đơn ETC (Ethical drugs, prescription drugs, Prescription only medicine). Thuốc L-asparaginase có thể được kết hợp (hoặc không cần kết hợp) với các loại thuốc chống ung thư (hóa trị) khác. L-asparaginase với thành phần chính L-Asparaginase giúp điều trị bệnh nhân mắc bệnh bạch cầu nguyên bào lympho cấp tính (ALL) đã phát triển quá mẫn với asparaginase có nguồn gốc từ E. coli, thuốc được sản xuất bởi Naprod Life Sciences PVT.Ltd – Ấn Độ.

Thành phần của l asparaginase gồm: L-Asparaginase 10000IU.

Dạng bào chế: Bột pha dung dịch tiêm / truyền.

1.1. Dạng thuốc và hàm lượng của thuốc L-Asparaginase

Lọ 10.000 đơn vị quốc tế (ĐVQT) ở dưới dạng bột hoặc thành khối đông khô hình cái nút, màu trắng đã tiệt khuẩn, rất dễ tan trong nước. Mỗi lọ đều có chứa 80 mg manitol là một thành phần không có hoạt tính.

1 ĐVQT của L-asparaginase sẽ tương đương với lượng enzym gây ra 1 micromol amoniac trong 1 phút từ L-asparagin trong điều kiện chuẩn (37 oC).

1.2. Dược lý của thuốc L-asparaginase

L – asparaginase chính là đồng phân quay trái của một protein phân tử lượng lớn, chiết từ Escherichia coli và các vi khuẩn khác. Enzym này sẽ thủy phân asparagin là một acid amin thiết yếu ở trong huyết thanh, do đó làm mất đi một yếu tố cần thiết để tổng hợp protein của những tế bào lympho ác tính nhạy cảm. Trong bệnh bạch cầu cấp và đặc biệt bệnh bạch cầu cấp dòng lympho thì tế bào ác tính phải phụ thuộc vào nguồn asparagin từ bên ngoài để tồn tại; còn các tế bào bình thường lại có thể tổng hợp được asparagin, do đó sẽ bị ảnh hưởng ít hơn khi bị thiếu asparagin do điều trị asparaginase. Tuy nhiên, gần đây người ta cũng còn thấy có rất nhiều mô bình thường nhạy cảm với asparaginase và có thể gây ra nhiễm độc với nhiều mức độ khác nhau. Ngoài ra, các tế bào bạch cầu bệnh đối với người có thể nhanh chóng kháng thuốc do xuất hiện các dòng có chứa asparaginase synthetase. Ðây cũng là lý do người ta thường sử dụng thuốc dạng kết hợp với các hóa chất khác.

1.3. Dược động học của thuốc L-Asparaginase

Tiêm tĩnh mạch và tiêm bắp đều sẽ có nồng độ tương đương với nhau trong huyết thanh, nhưng sau khi tiêm bắp, nồng độ đỉnh trong huyết tương đạt được sau khi dùng là 14 đến 24 giờ. Thuốc phân bố không đáng kể ở bên ngoài khoang mạch máu và thải trừ qua mật và nước tiểu rất ít. Asparaginase vẫn còn phát hiện được trong huyết thanh 13 đến 22 ngày sau khi dùng. Nửa đời của asparaginase sẽ phải thay đổi từ 8 đến 30 giờ và không phụ thuộc vào liều dùng. Thể tích phân bố biểu kiến khoảng 70% đến 80% thể tích huyết tương. Trong dịch bạch huyết và dịch não tủy thì có phát hiện thấy asparaginase.

2. Công dụng thuốc L-asparaginase là gì?

Bệnh bạch cầu cấp (kể cả với trường hợp bệnh bạch cầu mạn chuyển sang cấp), đặc biệt là bệnh bạch cầu cấp dòng lympho. U lympho ác tính, sarcom lympho. Thuốc chủ yếu được sử dụng phối hợp với các thuốc hóa trị liệu khác để tạo các đợt thuyên giảm ở trẻ em. L – asparaginase thì không nên dùng đơn độc trừ khi điều trị phối hợp không thích hợp và không nên điều trị duy trì bằng thuốc này.

Tuân thủ sử dụng thuốc theo đúng chỉ định (công dụng, chức năng cho đối tượng nào) ghi trên tờ hướng dẫn sử dụng thuốc L-asparaginase hoặc tờ kê đơn thuốc của bác sĩ.

3. Tác dụng phụ của thuốc L-asparaginase

Các tác dụng phụ sau đây là phổ biến (xảy ra trên 30%) đối với bệnh nhân dùng asparaginase:

  • Sốt và ớn lạnh (giống như triệu chứng của cảm cúm);
  • Buồn nôn và ói mửa;
  • Phản ứng dị ứng, chẳng hạn như đột ngột thở khò khè, ngứa, phát ban, sưng mặt, kích động, huyết áp thấp. Bạn sẽ được theo dõi chặt chẽ với phản ứng này;
  • Ăn kém;
  • Đau quặn bụng;
  • Nhiễm độc thần kinh trung ương: Buồn ngủ quá mức, trầm cảm, ảo giác, kích động và mất phương hướng hoặc co giật. Ít khi thấy thường thấy choáng váng, nhầm lẫn và / hoặc hôn mê.

Những tác dụng phụ này ít phổ biến hơn (xảy ra ở khoảng 10-29%) bệnh nhân dùng Asparaginase:

  • Loét miệng;
  • Viêm tụy (viêm tụy cấp) có thể gặp tối đa 10% bệnh nhân. Chủ yếu là cần lưu ý trong các xét nghiệm máu trở lại bình thường sau khi ngừng điều trị. Hiếm khi có thể gây ra triệu chứng nghiêm trọng. Các triệu chứng của viêm tụy cấp gồm có đau ở vùng bụng trên làm xấu đi khi ăn, bụng sưng và đau, buồn nôn, nôn, sốt và mạch nhanh;
  • Bất thường xét nghiệm máu, như tăng mức đường huyết;
  • Tăng xét nghiệm máu đo chức năng gan. Chúng sẽ trở lại bình thường sau khi ngừng điều trị (xem các vấn đề về gan);
  • Rối loạn đông máu và làm tăng nguy cơ chảy máu và đông máu.

Không phải tất cả các tác dụng phụ đều được liệt kê ở trên. Một số trường hợp hiếm gặp (xảy ra ở dưới 10% bệnh nhân) không được liệt kê ở đây. Tuy nhiên, bạn cũng phải luôn thông báo cho nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe của mình nếu bạn gặp bất kỳ triệu chứng bất thường nào.

Liên hệ với bác sĩ ngay nếu như bạn gặp bất kỳ triệu chứng nào sau đây:

  • Sốt 100,4°F (38°C) hoặc cao hơn, ớn lạnh (có thể là dấu hiệu nhiễm trùng);
  • Buồn nôn (cản trở khả năng ăn uống và không được sử dụng thuốc theo toa);
  • Nôn (nôn hơn 4 đến 5 lần trong 24 giờ);
  • Đau bụng kéo dài hoặc đau nặng hơn khi bạn ăn;
  • Sưng bụng;
  • Tiêu chảy (4 đến 6 tập trong khoảng thời gian 24 giờ);
  • Chảy máu bất thường hoặc bầm tím;
  • Sưng, đỏ và / hoặc đau ở một chân hoặc cánh tay, không phải ở chân kia;
  • Mệt mỏi cực độ (không thể thực hiện các hoạt động tự chăm sóc mình);
  • Vàng da hoặc mắt;
  • Khát nước bất thường và cần đi tiểu thường xuyên;
  • Nhầm lẫn, buồn ngủ quá mức và bị ảo giác (nhìn, nghe hoặc cảm thấy những thứ không có ở đó); kích động hoặc mất phương hướng (không thể nhận ra môi trường xung quanh quen thuộc).

4. Tương tác thuốc

Dùng L – asparaginase tiêm tĩnh mạch đồng thời hoặc trước đợt điều trị Vincristin và Prednisolon có thể sẽ làm tăng độc tính.

Asparaginase có thể làm giảm hoặc làm mất tác dụng của Methotrexat trên những tế bào ác tính. Sự mất tác dụng của Methotrexat sẽ còn kéo dài chừng nào Asparagin vẫn bị thủy phân do Asparaginase, vì tác dụng của Methotrexat cần phải có Asparagin để sao chép tế bào.

Asparaginase cũng làm giảm độ thanh thải của Vincristin.

Asparaginase ảnh hưởng tới kết quả thử nghiệm chức năng giáp trạng vì thuốc làm giảm nhanh và rõ nồng độ Globulin liên kết với Thyroxin trong huyết thanh trong vòng 2 ngày sau liều dùng đầu tiên. Nồng độ này sẽ trở lại trị số trước khi điều trị trong 4 tuần sau liều Asparaginase cuối cùng.

5. Liều dùng và cách sử dụng thuốc L-asparaginase hiệu quả

5.1. Cách sử dụng thuốc L-asparaginase

Sử dụng theo đường tĩnh mạch hoặc tiêm bắp cơ hoặc dưới da

5.2. Liều dùng thuốc L-asparaginase

Liều lượng thuốc có thể sẽ được tính theo diện tích da của cơ thể hoặc theo cân nặng. L-asparaginase thường được sử dụng cùng với các thuốc độc tế bào khác trong các công thức đa hóa trị cho bệnh bạch cầu cấp dòng lympho của cả người lớn, trẻ em và bệnh u lympho không Hodgkin...

Liều dùng theo đường tĩnh mạch ở trong một số công thức như:

  • 6 000 ĐVQT/m2/liều x 3 lần/tuần;
  • Hoặc 1 000 ĐVQT/kg/ngày x 10 ngày;
  • Hoặc liều cao là: 10 000 ĐVQT/m2/ngày x từ 3 đến 12 liều.

Liều cho đơn trị liệu (hiếm sử dụng) 200 ĐVQT/kg/ngày x 28 ngày. Liều dùng theo đường tiêm bắp có trong một số công thức như:

  • 6 000 ĐVQT/m2/liều x 3 lần/tuần cho 6 - 9 liều; hoặc 6 000 ĐVQT/m2/liều, cứ 3 ngày 1 liều cho từ 6 đến 9 liều;
  • Liều cao là: 10 000 ĐVQT/m2/ngày x từ 3 đến 12 liều.

Liều thử test: Được khuyến cáo làm trước liều đầu tiên hoặc trước ngày sử dụng lại thuốc sau một thời gian nghỉ. Sử dụng 0,1 ml của 20 ĐVQT/ml (2 đvqt) pha loãng tiêm trong da, theo dõi bệnh nhân trong vòng ít nhất là 1 giờ.

Một số cách khác hay được sử dụng phối hợp trong công thức đa hóa trị:

  • Tiêm bắp: 6 000 đến 10 000 ĐVQT/m2/liều x 3 lần/tuần x 3 tuần.
  • Liều cao tiêm bắp với 25 000 ĐVQT/m2/liều/tuần 1 lần x 9 liều.
  • Tiêm tĩnh mạch với: 6 000 ĐVQT/m2/liều x 3 lần/tuần x 6 đến 9 liều hoặc 1 000 ĐVQT/kg/ngày x 10 ngày hoặc 200 ĐVQT/kg/ngày x 28 ngày.

Lưu ý: L-asparaginase cũng được sử dụng trong các phác đồ phối hợp khác. Nhưng cần phải nhớ là khi tiêm tĩnh mạch đồng thời hoặc ngay trước đợt dùng Vincristin và Prednisolon sẽ làm tăng độc tính. Thầy thuốc sử dụng một phác đồ nào cần biết rõ về lợi ích và nguy cơ của phác đồ đó. Số liệu lâm sàng vẫn còn chưa đủ để khuyến cáo dùng các phác đồ phối hợp cho người lớn, nhưng rõ ràng là độc tính khi dùng Asparaginase ở người lớn cao hơn ở bệnh nhi.

Chỉ nên sử dụng L-asparaginase đơn độc trong những tình huống đặc biệt, khi phác đồ phối hợp không thích hợp do độc tính, do các yếu tố có liên quan đến người bệnh, hoặc trong các trường hợp bệnh trơ đối với thuốc khác.

Khi sử dụng Asparaginase đơn độc cho người lớn và trẻ em, liều khuyến cáo là 200 ĐVQT/kg/ngày tiêm tĩnh mạch trong 28 ngày. Nhưng cũng có thể sử dụng Asparaginase đơn độc theo những phác đồ khác. Các thầy thuốc sẽ dùng phác đồ nào đều phải nắm vững lợi ích và nguy cơ của phác đồ đó.

Người bệnh đã sử dụng 1 đợt L-asparaginase nếu điều trị lại, nguy cơ về các phản ứng quá mẫn thường tăng lên. Vì vậy, chỉ nên cho dùng lại khi thấy lợi ích lớn hơn so với nguy cơ.

  • Cách giải mẫn cảm:

Giải mẫn cảm là cách điều trị để không gây ra mẫn cảm được tiến hành đối với những người có phản ứng với Asparaginase ở liều đầu tiên và người điều trị lại. Phương pháp tiến hành này là cho liều Asparaginase tăng dần với điều kiện có chuẩn bị đầy đủ để xử trí các phản ứng dị ứng cấp tính nếu xảy ra.

Có thể cho như sau: Bắt đầu sử dụng một liều 1 ĐVQT tiêm tĩnh mạch, sau đó cứ 10 phút lại tiêm 1 liều gấp đôi (nếu không có phản ứng xảy ra) cho đến khi đạt tổng liều bằng liều cần sử dụng cho ngày hôm đó.

5.3. Quá liều và xử trí khi dùng thuốc L-asparaginase

Các triệu chứng sốc có thể sẽ xảy ra (thậm chí với liều thường dùng). Nếu có các triệu chứng như ý thức u ám, co giật, hạ huyết áp, rét run, sốt hoặc nôn thì cần ngừng thuốc ngay và có biện pháp xử trí thích hợp.

Không có thuốc giải độc. Nếu có phản ứng phản vệ cần sử dụng ngay Epinephrin, Oxygen và tiêm tĩnh mạch Corticosteroid. Có thể phải sử dụng insulin để điều trị tăng glucose máu.

6. Thận trọng lúc dùng thuốc L-asparaginase

Khi sử dụng kéo dài cần hết sức thận trọng vì có khả năng gây ra các phản ứng không mong muốn nghiêm trọng và kéo dài. Cần phải đặc biệt chú ý khi thấy xuất hiện nhiễm khuẩn hoặc xuất huyết, hoặc thấy các biểu hiện nặng hơn.

Sử dụng thuốc cho trẻ em và người còn sinh đẻ cần chú ý vì thuốc có tác động mạnh trên tuyến sinh dục. Cần phải thận trọng khi dùng cho người bệnh có rối loạn chức năng gan, thận, suy tủy, nhiễm khuẩn và thủy đậu (có thể gây rối loạn toàn thân dẫn đến chết).

Asparaginase có tác dụng ức chế miễn dịch nên có thể dẫn đến nhiễm khuẩn. Độc tính là do Asparaginase ở người lớn thường nặng hơn ở trẻ em.

7. Bảo quản thuốc L-asparaginase

Bảo quản. Dung dịch đã pha chưa dùng cần phải bảo quản ở 2 – 8 độ C và phải bỏ sau 8 giờ hoặc sớm hơn nếu dung dịch bị đục. Thời gian bảo quản là khoảng 1 năm. Dung dịch đã pha nếu tiếp xúc với nút cao su sẽ có thể bị biến tính, hình thành các sợi không tan.

Đọc kỹ hướng dẫn thông tin bảo quản thuốc ghi trên bao bì và tờ hướng dẫn sử dụng thuốc L-asparaginase. Kiểm tra hạn sử dụng thuốc. Khi không sử dụng thuốc cần thu gom và xử lý theo hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc người phụ trách y khoa. Các thuốc thông thường được bảo quản ở nhiệt độ phòng, tránh tiếp xúc trực tiêp với ánh nắng hoặc nhiệt độ cao sẽ có thể làm chuyển hóa các thành phần trong thuốc.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan