Công dụng thuốc Mezamazol

Thuốc Mezamazol thuộc danh mục thuốc điều trị cường giáp, có thành phần chính là thành phần chính là Thiamazol. Thuốc được sử dụng điều trị triệu chứng cường giáp, điều trị hỗ trợ trước khi phẫu thuật tuyến giáp, hỗ trợ điều trị trước và trong khi điều trị phóng xạ và các cơn nhiễm độc cường giáp trước khi dùng muối iot.

1. Thuốc Mezamazol là thuốc gì?

Thuốc Mezamazol là thuốc tân dược được sản xuất bởi công ty cổ phần dược phẩm Hà Tây. Thuốc được chỉ định sử dụng điều trị các bệnh về cường giáp. Thuốc Mezamazol được bào chế dạng viên nén, với thành phần chính là Thiamazol và mỗi viên chứa 5mg Thiamazol. Quy cách đóng gói là hộp 10 vỉ x 10 viên nén.

2. Thuốc Mezamazol có công dụng gì?

Thuốc Mezamazol có thành phần chính là Thiamazol - thuốc kháng giáp tổng hợp. Hoạt chất Thiamazol có tác dụng ức chế quá trình tự tổng hợp hormon giáp ở tuyến giáp bằng cách làm chất nền cho enzyme peroxidase của tuyến giáp, nhằm hạn chế enzyme này xúc tác với gốc Tyrosin của Thyroglobulin với Iodid được oxy hóa và phản ứng chuyển Iodotyrosine thành Iodothyronine, khiến cho Iod đi sai hướng trong quá trình sản xuất hormon giáp ở tuyến giáp.

Bên cạnh đó, Thiamazol cũng không ức chế tác dụng của hormon giáp trong tuyến giáp hoặc có trong tuần hoàn, đồng thời cũng không ức chế giải phóng hormon giáp và không ảnh hưởng đến hiệu quả của hormon tuyến giáp đưa từ ngoài vào. Vậy nên, thiamazol không có tác dụng trong nhiễm độc giáp khi dùng quá liều hormon giáp.

Ngoài ra, Thiamazol không chữa được nguyên nhân gây ra cường giáp và thường không được dùng kéo dài để điều trị cường giáp.

3. Cách dùng và liều dùng thuốc Mezamazol

3.1 Cách dùng thuốc

Thuốc Mezamazol được bào chế dạng viên nén và dùng bằng cách uống trực tiếp, ngày uống 3 lần mỗi lần uống cách nhau 8 tiếng hoặc cũng có thể uống ngày 1 - 2 lần tùy vào mức độ của bệnh và khả năng hấp thụ thuốc. Tuy nhiên, khi sử dụng liều thấp hoặc số lần uống ít hơn hiệu quả có thể giảm, nhưng khả năng gặp tác dụng phụ ít hơn nên người bệnh cũng có thể cân nhắc sử dụng liều thấp.

Đặc biệt nếu trong trường hợp phải dùng liệu pháp iod phóng xạ thì người bệnh phải ngừng sử dụng thuốc từ 2 - 4 ngày hoặc có thể lâu hơn từ 3 - 7 ngày để tránh ảnh hưởng đến hiệu quả của liệu pháp này mang lại.

Ngoài ra, để đạt được hiệu quả chữa bệnh như mong muốn, ít nhất người bệnh cần sử dụng thuốc Mezamazol liên tục trong khoảng thời gian 6 tháng trở lên.

3.2 Liều dùng khuyến cáo

Tùy vào mức độ của bệnh và độ tuổi sẽ có liều lượng khuyến cáo khác nhau.

Thiếu niên và người trưởng thành:

Điều trị cường giáp:

Liều ban đầu:

  • Cường giáp nhẹ: Uống 15 mg/ngày, chia đều thành 3 lần uống, mỗi lần uống cách nhau 8 tiếng;
  • Cường giáp vừa: Uống 30 - 40 mg/ngày, chia đều thành 3 lần uống, mỗi lần uống cách nhau 8 tiếng;
  • Cường giáp nặng: Uống 60 mg/ngày, chia đều thành 3 lần uống, mỗi lần uống cách nhau 8 tiếng;

Liều duy trì: Uống 5 - 15 mg/ngày, chia đều 3 lần, mỗi lần uống cách nhau 8 giờ.

Uống liên tục liều ban đầu từ 1 - 2 tháng, triệu chứng cường giáp sẽ thuyên giảm, bạn có thể giảm liều uống xuống mức duy trì.

Cơn nhiễm độc giáp

Duy trì uống 15 - 20 mg/ngày, 4 giờ uống một lần trong ngày đầu, và nên kết hợp cùng các liệu pháp điều trị khác để hiệu quả mang lại tốt hơn. Ngoài ra, liều dùng có thể được điều chỉnh tùy vào khả năng đáp ứng thuốc của mỗi người.

Trẻ em

Cường giáp

  • Liều ban đầu: Uống 0,4 mg/kg/ngày (400 microgam/kg/ngày), chia đều làm 3 lần uống và mỗi lần uống cách nhau 8 giờ.
  • Liều duy trì: Uống 0,2 mg/kg/ngày (200 microgam/kg/ngày) chia đều làm 3 lần uống và mỗi lần uống cách nhau 8 giờ.

Liều dùng trên chỉ mang tính chất tham khảo, do đó để có liều dùng phù hợp, tốt nhất người bệnh nên tham vấn ý kiến từ bác sĩ hoặc dược sĩ có chuyên môn.

4. Những lưu ý khi sử dụng thuốc Mezamazol

Trước khi sử dụng thuốc, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng và các thông tin về sản phẩm được in trên vỏ hộp.

4.1 Chỉ định

Thuốc Mezamazol thường được chỉ định dùng cho các trường hợp sau:

  • Điều trị hỗ trợ các triệu chứng cường giáp (kể cả bệnh Graves - Basedow).
  • Điều trị trước khi phẫu thuật tuyến giáp do cường giáp, cho tới khi hoạt động chuyên hóa cơ bản diễn ra bình thường, để phòng ngừa cơn nhiễm độc giáp có thể xảy ra khi tuyến giáp bị cắt bỏ bán phần.
  • Điều trị hỗ trợ trước và trong khi điều trị iod phóng xạ (131I) cho tới khi liệu pháp iod phóng xạ có khả năng loại bỏ tuyến giáp.
  • Điều trị cơn nhiễm độc giáp trước khi dùng muối iot. Thông thường thuốc Mezamazol sẽ được dùng đồng thời với một thuốc chẹn beta, nhất là khi có các triệu chứng tim mạch đi kèm như tim nhanh, ....

4.2 Chống chỉ định

Thuốc Mezamazol chống chỉ định sử dụng cho một trong số các trường hợp sau:

  • Người quá mẫn cảm với thành phần Thiamazol của thuốc
  • Người bệnh suy gan, suy thận nặng.
  • Người đang mắc một số bệnh về máu như ( mất bạch cầu hạt, suy tủy,...).
  • Phụ nữ mang thai và cho con bú.

4.3 Thận trọng khi sử dụng

Chỉ dùng thuốc theo đúng đơn kê của bác sĩ điều trị, không tự ý tăng giảm liều lượng dùng trong bất kỳ trường hợp nào nếu bác sĩ không chỉ định.

Người bệnh cần theo dõi hàng tuần số lượng bạch cầu và công thức bạch cầu trước và sau khi sử dụng thuốc trong 6 tháng đầu, bởi thuốc Mezamazol có thể khiến số lượng bạch cầu giảm, đặc biệt là người bệnh cao tuổi hoặc người thường xuyên sử dụng liều cao từ 40 mg/ngày trở lên.

Mặt khác, Thiamazol có thể gây hại cho thai nhi và trẻ nhỏ như giảm năng giáp và bướu cổ. Do đó phụ nữ đang mang thai và cho con bú không nên sử dụng.

5. Tác dụng phụ khi dùng thuốc Mezamazol

Một số tác dụng phụ không mong muốn có thể xảy ra khi dùng thuốc Mezamazol đó là:

  • Thường gặp: Mất bạch cầu hạt, phát ban da, ngứa, rụng tóc, sốt nhẹ, đau đầu.
  • Ít gặp: Nhịp tim nhanh, sốt cao, viêm họng, khàn giọng, buồn nôn, mất vị giác, đau cơ khớp, ho, đau dây thần kinh ngoại biên,...
  • Hiếm gặp: Giảm tiểu cầu, suy tủy, bầm tím trên da, xuất huyết, viêm thận, viêm phổi kẽ, viêm gan, vàng da ứ mật,...

Nếu thấy cơ thể có bất kỳ tác dụng phụ nào, hãy liên hệ ngay với bác sĩ để được hướng dẫn và xử lý nhanh chóng.

6. Tương tác của thuốc Mezamazol

Một số phản ứng tương tác của thuốc Mezamazol khi dùng chung với thuốc khác người bệnh cần chú ý đó là:

  • Theophylin, Oxtriphylline, Glycosid tim, Aminophylin, thuốc chẹn Beta có thay đổi dược động học, do đó cần giảm liều khi điều trị bằng Thiamazol.
  • Thuốc chứa Iod như Iodine, Amiodarone, cần phải tăng liều Thiamazol.
  • Thuốc chống đông máu dẫn xuất Indandion, Coumarin khi dùng chung với Thiamazol có thể làm giảm prothrombin huyết.
  • Muối Iod phóng xạ: Thiamazol làm giảm hấp thu của Iod vào tuyến giáp, nên nếu ngưng sử dụng Thiamazol đột ngột trong 5 ngày sẽ dẫn đến sự thu nạp Iot sẽ tăng trở lại.

Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe hãy thông báo cho bác sĩ về tất cả loại thuốc bạn đang sử dụng.

7. Cách xử trí quá liều, quên liều thuốc Mezamazol

Thuốc Mezamazol là thuốc tân dược, do đó khi dùng quá liều sẽ gây ra một số biến tai biến và các tác dụng phụ không mong muốn. Vì vậy, khi dùng quá liều người bệnh cần kích thích để nôn ra hoặc tiến hành rửa dạ dày. Trong trường hợp người bệnh hôn mê, lên cơn co giật thì sau khi rửa dạ dày có thể đặt ống nội khí quản hoặc dùng kháng sinh và truyền máu nếu cần.

Ngược lại nếu quên 1 liều thì hãy nhanh uống bổ sung càng sớm càng tốt, tuy nhiên nếu thời gian uống gần với liều tiếp theo thì có thể bỏ qua liều đã quên và dùng liều tiếp theo như chỉ định. Tuyệt đối không uống bổ sung bằng cách tăng gấp đôi liều lượng ở liều kế tiếp.

Thuốc Mezamazol thuộc danh mục thuốc điều trị cường giáp, có thành phần chính là thành phần chính là Thiamazol. Thuốc được sử dụng điều trị triệu chứng cường giáp, điều trị hỗ trợ trước khi phẫu thuật tuyến giáp, hỗ trợ điều trị trước và trong khi điều trị phóng xạ và các cơn nhiễm độc cường giáp trước khi dùng muối iot. Để đảm bảo hiệu quả điều trị và tránh được tác dụng phụ không mong muốn, người bệnh cần tuân theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, dược sĩ chuyên môn.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

16.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan