Công dụng thuốc Zykadia

Zykadia là thuốc gì? Zykadia chứa hoạt chất Ceritinib là một liệu pháp nhắm mục tiêu trong điều trị ung thư. Thuốc Zykadia được sử dụng điều trị bệnh ung thư phổi không tế bào nhỏ có đột biến gen ALK và không đáp ứng với Crizotinib.

1. Zykadia là thuốc gì?

Ceritinib là liệu pháp điều trị ung thư theo cơ chế nhắm trúng đích thông qua ức chế men tyrosine kinase. Ceritinib có trong thuốc Zykadia ngăn chặn các thụ thể trên tế bào ung thư, từ đó ức chế khả năng phát triển của khối u. Zykadia hoạt động đặc hiệu trên các khối u có đột biến gen ALK (Anaplastic Lymphoma Kinase). Bác sĩ ung bướu cần kiểm tra xem tế bào ung thư của bệnh nhân có đột biến ALK hay không trước khi chỉ định thuốc Zykadia.

Thuốc Zykadia có tác dụng gì? Sản phẩm này được sử dụng đơn trị liệu để điều trị ung thư phổi không tế bào nhỏ (NSCLC) có xét nghiệm ALK dương tính và không đáp ứng với Crizotinib.

2. Cách sử dụng thuốc Zykadia

Thuốc Zykadia bào chế dưới dạng viên nang sử dụng 1 lần mỗi ngày theo đường uống. Người bệnh nên nuốt toàn bộ viên thuốc, không bẻ hoặc nhai và uống lúc bụng đói (trước ăn 1 giờ hoặc sau ăn 2 giờ). Nếu vô tình bỏ lỡ một liều, bệnh nhân có thể liều Zykadia đã quên ngay khi nhớ ra nếu cách hơn 12 giờ so với liều tiếp theo. Nếu thời điểm nhớ ra cách liều tiếp theo ít hơn 12 giờ, bệnh nhân không nên dùng liều đã quên và lưu ý tuyệt đối không dùng 2 liều thuốc Zykadia cùng một lúc để bù cho liều đã bỏ lỡ.

Nồng độ Ceritinib trong máu có thể bị ảnh hưởng khi dùng thuốc Zykadia đồng thời với một số thực phẩm và thuốc (do đó cần tránh), bao gồm bưởi, nước ép bưởi, kháng nấm Ketoconazol, kháng sinh Rifampin, Phenytoin, kháng đông Warfarin và Fentanyl.

Zykadia cần được bảo quản trong bao bì của nhà sản xuất, có dán nhãn thuốc bên ngoài và lưu trữ ở nơi khô ráo, nhiệt độ phòng.

3. Tác dụng phụ của thuốc Zykadia

3.1. Ceritinib gây nôn ói

Hoạt chất Ceritinib trong thuốc Zykadia có thể khiến người bệnh buồn nôn hoặc nôn ói trong quá trình sử dụng. Do đó người gặp tác dụng phụ này hãy nói chuyện với bác sĩ để được kê đơn thuốc kiểm soát triệu chứng phù hợp. Ngoài ra, người nên thay đổi chế độ ăn uống và hạn chế những yếu tố làm nôn ói trầm trọng hơn, chẳng hạn như hạn chế ăn no quá mức, tránh dùng thức ăn nhiều dầu mỡ, món ăn nhiều gia vị hoặc có tính axit.

3.2. Zykadia gây tiêu chảy

Tiêu chảy có thể là một tác dụng phụ nghiêm trọng của thuốc Zykadia do có nguy cơ gây mất nước. Bệnh nhân hãy thông báo cho bác sĩ điều trị nếu bị tiêu chảy trong thời gian điều trị bằng sản phẩm này.

Bác sĩ ung thư có thể giới thiệu cho bệnh nhân những loại thuốc kiểm soát tiêu chảy. Bên cạnh đó người bệnh nên thay đổi chế độ dinh dưỡng để hạn chế tác dụng phụ này, bao gồm tránh thực phẩm chứa nhiều chất xơ, hạn chế trái cây hoặc rau xanh, các loại hạt và tăng cường thực phẩm chứa chất xơ hòa tan. Bên cạnh đó người bệnh cần chú ý bổ sung đủ nước (khoảng 8-10 ly mỗi ngày, không dùng thức uống chứa cồn, hoặc cafein để ngăn ngừa mất nước.

3.3. Thiếu máu

Số lượng các tế bào hồng cầu có thể sụt giảm do thuốc Zykadia, từ đó ảnh hưởng đến khả năng vận chuyển oxy đến các cơ quan khác trong cơ thể. Biểu hiện của thiếu máu có thể bao gồm mệt mỏi, yếu sức, khó thở hoặc đau ngực. Bệnh nhân thiếu máu nặng trong thời gian dùng thuốc Zykadia có thể phải được truyền máu bổ sung.

3.4. Tăng nguy cơ nhiễm trùng

Tế bào bạch cầu đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ cơ thể khỏi tác nhân vi khuẩn hoặc virus. Việc sử dụng thuốc Zykadia có thể làm số lượng bạch cầu của bệnh nhân giảm xuống và dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng cơ hội. Nếu có các triệu chứng nhiễm trùng như sốt, đau họng, ho, khó thở, tiểu nóng rát hoặc chậm lành vết loét... người bệnh hãy thông báo cho bác sĩ ngay lập tức.

Một số biện pháp giảm nguy cơ nhiễm trùng trong thời gian dùng thuốc Zykadia:

  • Rửa tay thường xuyên để ngăn ngừa lây lan của tác nhân gây nhiễm trùng;
  • Hạn chế đến nơi đông người hoặc tiếp xúc với người mắc bệnh truyền nhiễm;
  • Mặc quần áo bảo hộ khi làm việc ngoài trời;
  • Không dùng tay trực tiếp xử lý chất thải vật nuôi;
  • Giữ vết loét hoặc vết thương sạch sẽ;
  • Vệ sinh cá nhân và chăm sóc răng miệng thường xuyên.
  • Hỏi ý kiến bác sĩ trước khi thực hiện thủ thuật nha khoa hoặc tiêm chủng.

3.5. Mệt mỏi

Mệt mỏi là biểu hiện rất phổ biến của người bệnh trong quá trình điều trị ung thư. Trong quá trình sử dụng thuốc Zykadia và cả thời gian sau khi ngưng thuốc, bệnh nhân muốn kiểm soát tình trạng mệt mỏi này có thể cần phải điều chỉnh lịch sinh hoạt hằng ngày, dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi và tiết kiệm năng lượng cho những hoạt động quan trọng hơn. Bệnh nhân còn có thể thực hiện một số bài tập thể dục để cải thiện tình trạng mệt mỏi, có thể đơn giản như đi bộ với người thân hoặc bạn bè mỗi ngày

3.6. Giảm cảm giác thèm ăn

Dinh dưỡng là một yếu tố cực kỳ quan trọng trong quá trình điều trị và chăm sóc bệnh nhân ung thư. Tuy nhiên người bệnh sử dụng các thuốc điều trị ung thư, như Zykadia, đôi khi lại bị ảnh hưởng đến cảm giác thèm ăn và trong một số trường hợp tác dụng phụ này có thể gây khó khăn cho việc ăn uống.

Một số biện pháp cải thiện cảm giác thèm ăn của người bệnh trong thời gian dùng thuốc Zykadia:

  • Chia nhỏ bữa ăn chính thành nhiều bữa ăn nhỏ;
  • Sử dụng các sản phẩm bổ sung dinh dưỡng khi người bệnh không thể ăn nhiều;
  • Hạn chế các loại thực phẩm có mùi khó chịu hoặc không quen miệng;
  • Tăng thêm mùi vị của món ăn bằng các loại gia vị hay sốt ướp.

3.7. Ceritinib gây táo bón

Có một số biện pháp bệnh nhân có thể thực hiện để ngăn ngừa hoặc điều trị táo bón do thuốc Zykadia gây ra, bao gồm tăng cường chất xơ từ trái cây/rau, bổ sung đủ nước mỗi ngày, tránh sử dụng rượu bia và cố gắng duy trì hoạt động trong ngày. Một số bệnh nhân có thể dùng các thuốc làm mềm phân để ngăn ngừa táo bón do thuốc Zykadia. Nếu vẫn không đi tiêu trong 2-3 ngày, bệnh nhân nên liên hệ với bác sĩ để được gợi ý các biện pháp giảm táo bón.

3.8. Zykadia gây tổn thương gan

Bác sĩ ung bướu biết điều này và có thể theo dõi bệnh nhân thông qua các xét nghiệm máu phù hợp. Nếu xét nghiệm chức năng gan bất thường, bác sĩ có thể cần giảm liều hoặc ngừng thuốc Zykadia. Nhiệm vụ của bệnh nhân là thông báo cho bác sĩ khi có các triệu chứng của tổn thương chức năng bạn như vàng da, vàng mắt, nước tiểu sẫm màu hoặc đau hạ sườn phải...

3.9. Phát ban

Một số bệnh nhân dùng thuốc Zykadia có thể mắc phải tác dụng phụ da phát ban, đóng vảy hoặc nổi mụn đỏ. Nếu gặp tình trạng này người bệnh nên sử dụng kem dưỡng ẩm không chứa cồn, tránh dùng sản phẩm có chất tạo mùi trên da. Bác sĩ điều trị có thể chỉ định một loại thuốc bôi ngoài da nếu tình trạng ngứa ngáy gây khó chịu. Nếu da rạn nứt hoặc chảy máu, bệnh nhân phải cố gắng bảo vệ vùng da đó sạch sẽ để tránh bội nhiễm.

3.10. Tác dụng phụ quan trọng nhưng ít gặp

  • Các vấn đề về phổi: Bệnh nhân có thể bị viêm phổi trong thời gian dùng thuốc Zykadia. Do đó bệnh nhân hãy thông báo cho bác sĩ ngay lập tức nếu khởi phát bất kỳ triệu chứng nào của viêm phổi như thở nhanh, khó thở, ho hoặc sốt;
  • Các vấn đề về tiêm: Zykadia có thể làm nhịp tim chậm, rối loạn nhịp tim hoặc QT kéo dài. Bệnh nhân hãy liên hệ với bác sĩ ngay lập tức nếu có biểu hiện của rối loạn nhịp tim, chóng mặt hoặc ngất xỉu;
  • Tăng đường huyết: Zykadia có thể lượng đường trong máu bệnh nhân tăng cao, bất kể tiền sử có đái tháo đường hay không. Bác sĩ sẽ theo dõi lượng đường trong máu của bệnh nhân định kỳ. Nếu có các triệu chứng như tăng cảm giác khát, đi tiểu nhiều hoặc đói, nhìn mờ, đau đầu hoặc hơi thở có mùi hoa quả chính, bệnh nhân hãy thông báo cho bác sĩ ngay lập tức. Bệnh nhân tiểu đường dùng thuốc Zykadia cần theo dõi chặt chẽ chỉ số đường huyết và báo cáo mức tăng cho bác sĩ (nếu có);
  • Viêm tụy: Các triệu chứng bao gồm tăng nồng độ men tụy trong máu và đau thượng vị lan ra sau lưng, đau tăng lên sau khi ăn. Người bệnh hãy thông báo cho bác sĩ nếu xuất hiện bất kỳ cơn đau bụng nào trong khi dùng Zykadia;
  • Da tăng nhạy cảm với ánh sáng: Tác dụng phụ này của thuốc Zykadia có thể kéo dài ngay cả khi kết thúc điều trị. Bệnh nhân cần tránh tiếp xúc ánh nắng mặt trời trong khoảng thời gian từ 10 đến 14 giờ, bôi kem chống nắng (SPF 30 trở lên) để bảo vệ da khỏi tia UVA/UVB, đeo kính râm có khả năng chống tia UVA/UVB, đội mũ và mặc quần áo dài khi ra ngoài và cố gắng tìm bóng râm bất cứ khi nào có thể.

4. Thuốc Zykadia có ảnh hưởng đến sinh sản hay không?

Nếu người bệnh mang thai trong khi dùng thuốc Zykadia sẽ khiến thai nhi tiếp xúc với thuốc và tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh. Do đó bệnh nhân không nên mang thai hoặc làm bố khi điều trị bằng Zykadia. Việc thực hiện các hình thức kiểm soát sinh đẻ hiệu quả là cần thiết trong quá trình điều trị và ít nhất 6 tháng sau liều cuối cùng đối với phụ nữ và 3 tháng đối với nam giới.

Bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ không nên cho con bú trong thời gian dùng thuốc Zykadia và kéo dài ít nhất 2 tuần sau liều cuối cùng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: oncolink.org

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

111 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan