Thuốc Rhinocort Allergy Aerosol: Công dụng, chỉ định và lưu ý khi dùng

Thuốc Rhinocort (hoạt chất Budesonide) có tác dụng kháng viêm, chống dị ứng và ức chế khả năng miễn dịch. Thuốc thường được dùng dưới dạng bình xịt khí dung và ống hít bột khô.

1. Thuốc Rhinocort có tác dụng gì?

Thuốc Rhinocort được chỉ định để ngăn ngừa và điều trị các triệu chứng dị ứng theo mùa và quanh năm (như nghẹt, chảy nước mũi hoặc ngứa mắt, mũi, họng, hắt hơi). Hoạt chất budesonide thuộc nhóm corticosteroid hoạt động bằng cách làm giảm sưng (viêm) trong đường mũi.

2. Hướng dẫn sử dụng bình xịt khí dung Rhinocort

Bệnh nhân cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng thuốc Rhinocort Allergy Aerosol trước khi dùng hoặc làm đúng theo chỉ định của bác sĩ. Nếu có bất kỳ câu hỏi nào, bạn có thể hỏi ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ.

Thuốc Rhinocort dạng khí dung được dùng để xịt mũi, thường là 1 hoặc 2 nhát xịt vào mỗi bên mũi, 1-2 lần/ngày theo chỉ dẫn của bác sĩ. Tránh xịt thuốc Rhinocort vào mắt. Xì mũi nhẹ trước khi sử dụng thuốc. Lắc nhẹ chai thuốc trước khi xịt. Thực hiện theo hướng dẫn của bác sĩ hoặc dược sĩ để dùng thuốc khí dung đúng cách, đặc biệt trong lần dùng đầu tiên hoặc khi không sử dụng từ 2 ngày trở lên. Thực hiện theo hướng dẫn để làm vệ sinh hoặc mở bộ phận bơm thuốc nếu bạn không sử dụng trong 14 ngày trở lên.

Để dùng thuốc xịt Rhinocort dạng khí dung, bệnh nhân cần:

  • Tháo nắp nhựa chai thuốc. Dùng ngón tay ấn vào để đóng một bên mũi.
  • Nghiêng đầu một chút về phía trước, giữ cho chai thuốc thẳng đứng, rồi cẩn thận đưa dụng cụ xịt vào bên mũi còn lại.
  • Nhấn mạnh vào bộ phận bơm để bơm một nhát thuốc vào mũi, trong khi đó vẫn hít thở nhẹ nhàng bằng mũi (miệng ngậm).
  • Tiến hành bơm nhát tiếp theo đến khi đủ số lần dùng.
  • Bệnh nhân cần hướng đầu xịt thuốc vào sâu trong hốc mũi, không xịt trực tiếp vào vách giữa của mũi (vách ngăn mũi).
  • Sau khi xịt xong, đưa đầu xịt ra ngoài và ngửa đầu ra sau trong vài giây. Điều này giúp thuốc phân tán ra phía sau mũi.
  • Lặp lại quy trình này đối với bên mũi còn lại.
  • Lau đầu xịt thuốc và đậy kín nắp nhựa.
  • Tránh xì mũi trong vòng 15 phút sau khi sử dụng thuốc Rhinocort.

Tùy vào tình trạng sức khỏe, độ tuổi và khả năng đáp ứng với điều trị, bác sĩ sẽ chỉ định liều lượng phù hợp. Trẻ nhỏ có thể cần một liều lượng ít hơn và sự giúp đỡ của người lớn để sử dụng bình xịt khí dung Rhinocort đúng cách. Dùng thuốc Rhinocort đều đặn, đúng theo đơn để thuốc phát huy tối đa công dụng. Để dễ ghi nhớ, hãy sử dụng thuốc vào cùng thời điểm giống nhau hàng ngày. Đồng thời, trong khi điều trị với Rhinocort, không tự ý tăng liều hay sử dụng thuốc thường xuyên hơn hoặc lâu hơn so với chỉ định của bác sĩ. Việc tăng liều dùng không thể cải thiện tình trạng bệnh nhanh hơn, mặt khác còn làm tăng nguy cơ mắc các tác dụng phụ.

Thuốc Rhinocort không có tác dụng ngay lập tức. Hầu hết bệnh nhân sử dụng sẽ cảm thấy thuốc này bắt đầu hiệu quả sau từ 1 đến 2 ngày, có trường hợp phải mất đến 2 tuần thì bệnh nhân mới có đáp ứng với thuốc. Tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ về việc có nên sử dụng thêm các loại thuốc khác (chẳng hạn như thuốc nhỏ/xịt mũi, chống dị ứng đường uống) cùng với Rhinocort cho đến khi hiệu quả của thuốc phát huy hoàn toàn. Phụ huynh cần trao đổi với bác sĩ nếu trẻ phải sử dụng thuốc Rhinocort Allergy Aerosol hơn 2 tháng trong một năm.

Theo dõi số lần xịt thuốc đối với mỗi bình xịt khí dung. Vứt bỏ sản phẩm sau khi bạn đã sử dụng hết số lần xịt ấn định được ghi trên bao bì của nhà sản xuất. Không sang chiết thuốc vào vỏ chai khác. Làm theo hướng dẫn trên bao bì để mở khóa đầu xịt nếu cần thiết và vệ sinh bình xịt.

Hãy cho bác sĩ biết nếu tình trạng của bạn không cải thiện hoặc xấu đi sau khi đã điều trị 2 tuần bằng Rhinocort. Nếu bạn cho rằng mình có thể đang mắc một bệnh lý nào khác, hãy đến cơ sở y tế ngay lập tức.

Thuốc Rhinocort
Đau đầu là một trong những tác dụng phụ khi sử dụng thuốc Rhinocort

3. Tác dụng phụ khi dùng Rhinocort

Trong quá trình sử dụng thuốc Rhinocort, bệnh nhân có thể cảm thấy khô hoặc rát mũi, họng; ho, hắt hơi; chảy máu cam hoặc cảm nhận có vị và mùi khó chịu. Nếu bất kỳ tác dụng phụ nào của thuốc kéo dài hoặc trầm trọng hơn, hãy báo cho bác sĩ ngay lập tức.

Hãy nhớ rằng bác sĩ kê cho bạn loại thuốc này vì họ đã đánh giá lợi ích thuốc mang lại lớn hơn nguy cơ gây ra tác dụng phụ. Nhiều người sử dụng Rhinocort Allergy Aerosol không có tác dụng phụ nghiêm trọng nào xảy ra.

Báo cho bác sĩ ngay lập tức nếu có bất kỳ triệu chứng nào sau đây, bao gồm: Mất khứu giác hoặc vị giác; đau, lở loét trong mũi.

Mặc dù hiếm xảy ra, nhưng corticosteroid dùng ở mũi có thể được hấp thu vào máu. Điều này dẫn đến các tác dụng phụ của corticosteroid liên quan đến nồng độ thuốc tăng cao trong máu. Những tác dụng phụ này dễ xảy ra hơn ở trẻ em và những người sử dụng thuốc Rhinocort trong thời gian dài, liều lượng cao. Hãy báo cho bác sĩ ngay lập tức nếu bạn có bất kỳ tác dụng phụ nghiêm trọng nào sau đây:

Corticosteroid có tác động làm suy yếu khả năng chống nhiễm trùng của cơ thể (ức chế miễn dịch). Điều này khiến bệnh nhân dễ bị nhiễm trùng nghiêm trọng (thậm chí tử vong, mặc dù rất hiếm xảy ra) hoặc làm cho bất kỳ bệnh nhiễm nào đang mắc phải trở nên trầm trọng hơn. Tác dụng phụ này ít xảy ra hơn đối với corticosteroid dùng tại chỗ dạng hít qua mũi (chẳng hạn như budesonide). Tuy nhiên, nguy cơ có thể tăng lên nếu dùng liều cao, đặc biệt khi sử dụng trong thời gian dài.

Hãy báo cho bác sĩ của bạn ngay lập tức nếu bạn xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào của nhiễm trùng, chẳng hạn như đau tai, đau họng dai dẳng, sốt, ớn lạnh, các mảng trắng bên trong mũi hoặc ở mặt sau cổ họng.

Một phản ứng dị ứng rất nghiêm trọng với thuốc Rhinocort rất hiếm khi xảy ra. Tuy nhiên, nếu bạn nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào của phản ứng dị ứng nghiêm trọng với thuốc Rhinocort, bao gồm: Phát ban, ngứa hoặc sưng, khó thở, chóng mặt, hãy đến cơ sở y tế để xử trí thích hợp.

Đây không phải là danh sách đầy đủ các tác dụng phụ có thể xảy ra của thuốc Rhinocort Allergy Aerosol. Nếu bạn nhận thấy các tác dụng phụ khác chưa được liệt kê ở trên, hãy liên hệ với bác sĩ để biết cách xử lý phù hợp.

4. Cảnh báo thận trọng khi dùng Rhinocort

  • Trước khi dùng thuốc budesonide, hãy cho bác sĩ biết nếu có bất kỳ tình trạng dị ứng nào. Sản phẩm Rhinocort chứa các thành phần bất hoạt, chúng có thể gây ra phản ứng dị ứng hoặc các vấn đề khác.
  • Trước khi dùng thuốc Rhinocort, bệnh nhân nên trao đổi với bác sĩ về tiền sử bệnh lý của bản thân, đặc biệt là các vấn đề về mắt (như tăng nhãn áp hay đục thủy tinh thể), nhiễm trùng (bao gồm cả bệnh lao), vấn đề về mũi trong thời gian gần nhất (như chấn thương hoặc phẫu thuật mũi).
  • Do nguy cơ tác dụng phụ làm suy giảm miễn dịch trong thời gian sử dụng budesonide, bệnh nhân cần tránh tiếp xúc với những người bị nhiễm trùng có khả năng lây sang người khác (như thủy đậu, sởi, cúm). Tham khảo ý kiến ​​bác sĩ nếu bạn đã có tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm trùng.
  • Mặc dù ít khi xảy ra, nhưng việc sử dụng thuốc corticosteroid trong thời gian dài có thể khiến cơ thể bệnh nhân khó đáp ứng với những tác động sâu. Do đó, trước khi phẫu thuật, điều trị cấp cứu hoặc đang bị bệnh hay chấn thương nghiêm trọng cần xử trí khẩn cấp, hãy nói với bác sĩ về việc bạn đã hoặc đang sử dụng thuốc Rhinocort trong vài tháng qua.
  • Mặc dù ít có nguy cơ xảy ra, nhưng thuốc Rhinocort có thể tạm thời làm chậm sự phát triển của trẻ nếu sử dụng trong thời gian dài. Vì vậy, bố mẹ hãy cho bé đi khám bác sĩ thường xuyên để kiểm tra chiều cao, cân nặng.
  • Hãy thông báo cho bác sĩ nếu bạn đang mang thai trước khi sử dụng thuốc xịt mũi budesonide. Hiếm có trẻ em sinh ra từ những bà mẹ đã sử dụng corticosteroid (bao gồm budesonide) trong một thời gian dài mà vẫn còn tồn dư hormone corticosteroid trong máu, cho dù ở nồng độ thấp. Hãy báo cho bác sĩ ngay lập tức nếu bạn nhận thấy trẻ sơ sinh có các triệu chứng như buồn nôn, nôn dai dẳng; tiêu chảy nặng hoặc suy nhược.
  • Budesonide khí dung dùng xịt tại mũi có khả năng đi vào sữa mẹ với lượng rất nhỏ, tuy nhiên không ảnh hưởng đến việc trẻ bú mẹ. Phụ nữ sau sinh nên tham khảo thêm ý kiến ​​bác sĩ trước khi cho con bú.
Thuốc Rhinocort
Nếu có các vấn đề về mắt thì nên thông báo với bác sĩ trước khi dùng thuốc Rhinocort

5. Tương tác giữa Rhinocort với các thuốc khác

Tương tác giữa Rhinocort Allergy Aerosol và các thuốc khác khi sử dụng đồng thời hoặc trong một thời gian gần nhau có thể làm ảnh hưởng tới hoạt động, tác dụng cũng như hiệu quả điều trị. Do đó, người bệnh cần trao đổi với bác sĩ về các loại thuốc đang sử dụng. Đồng thời, trong khi dùng thuốc Rhinocort, bệnh nhân không nên tự ý sử dụng, ngừng hoặc thay đổi liều dùng của bất kỳ loại thuốc nào khác.

Kiểm tra cẩn thận tất cả các nhãn thuốc theo toa, vì những loại thuốc có tác động tương tự (thuốc corticosteroid khác như prednisone) sẽ làm tăng nguy cơ tác dụng phụ nếu dùng chung với budesonide.

6. Những lưu ý khác khi dùng Rhinocort

  • Trường hợp dùng thuốc Rhinocort quá liều và có các triệu chứng nghiêm trọng như khó thở, ngất xỉu,... cần đưa người bệnh đi cấp cứu ngay lập tức.
  • Thăm khám định kỳ với bác sĩ và thực hiện các kiểm tra y tế cần thiết, như khám mũi, đo chiều cao ở trẻ em để theo dõi sự tiến triển và kiểm tra các tác dụng phụ khi sử dụng thuốc Rhinocort.
  • Tránh các tác nhân như phấn hoa, lông thú cưng, mạt bụi, nấm mốc và khói, vì có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng của dị ứng.
  • Nếu bệnh nhân bỏ lỡ một liều Rhinocort, hãy dùng nó ngay khi nhớ ra. Nếu đã gần đến thời điểm dùng liều tiếp theo, hãy bỏ qua liều thuốc đã quên. Sử dụng liều Rhinocort tiếp theo như bình thường, không dùng gấp đôi liều đã chỉ định.
  • Bảo quản thuốc Rhinocort Allergy Aerosol trong điều kiện nhiệt độ phòng, đậy kín nắp chai, tránh ánh sáng và hơi ẩm. Luôn giữ chai thuốc thẳng đứng. Vứt bỏ sản phẩm một cách thích hợp khi hết hạn hoặc khi không còn sử dụng nữa.

Việc nắm rõ thông tin về thuốc Rhinocort Allergy Aerosol trước khi sử dụng luôn mang đến hiệu quả tích cực cũng như hạn chế rủi ro cho bệnh nhân. Bên cạnh đó, nếu có bất cứ thắc mắc nào, khách hàng có thể gửi câu hỏi tới Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nhận được những tư vấn chuyên sâu từ đội ngũ bác sĩ, dược sĩ nhiều năm kinh nghiệm.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: Webmd.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

37K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan