Hỗ trợ người thân mắc bệnh suy tim: Chung tay chăm sóc để có một trái tim khỏe

Bài viết của Bác sĩ Nội trú Lê Thị Hoa - Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Bệnh suy tim ngày càng có tỷ lệ mắc bệnh cao và để lại biến chứng nguy hiểm. Việc điều trị, chăm sóc bệnh nhân suy tim đúng cách không chỉ giúp giảm tỷ lệ tử vong mà còn giúp nâng cao chất lượng cuộc sống.

1. Bệnh suy tim được điều trị và chăm sóc đúng cách giúp cải thiện tình trạng bệnh

Theo thống kê hiện nay trên thế giới đang có khoảng 26 triệu người mắc bệnh suy tim và tỷ lệ này đang ngày càng tăng lên do sự già hóa dân số, cũng như các ảnh hưởng từ các bệnh tim mạch. Tại Việt Nam hiện nay tuy chưa có số liệu chính thức nhưng ước tính có khoảng 320.000 đến 1,6 triệu người (khoảng 1-1.5% dân số) mắc suy tim và tỷ lệ tử vong sau 5 năm lên tới 50%, cao hơn cả bệnh ung thư.

Trong những thập kỷ gần đây, các phương pháp điều trị và thiết bị hỗ trợ suy tim đã cải thiện một cách đáng kể giúp giảm tỷ lệ tử vong và nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân suy tim. Tuy nhiên, những tiến bộ này lại dẫn đến những phác đồ y tế phức tạp, đặt ra một thách thức lớn cho bệnh nhân trong quá trình tuân thủ điều trị. Ví dụ như yêu cầu quản lý thuốc hàng ngày, nhận biết triệu chứng và tuân thủ chế độ ăn kiêng, luyện tập... Những yêu cầu này đôi khi rất phức tạp và tương đối khó khăn để người bệnh tuân thủ chặt chẽ, nhất là đối với đặc điểm của bệnh nhân suy tim (tuổi cao, hạn chế chức năng vận động, suy giảm nhận thức...). Vì vậy, sự hỗ trợ từ những người thân đóng một vai trò quan trọng giúp bệnh nhân suy tim có thể trở về cuộc sống bình thường và giảm thiểu những đợt suy tim nặng lên phải nhập viện.

Bệnh suy tim
Bệnh suy tim cần được chăm sóc và theo dõi theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa

2. Chung tay chăm sóc để người bệnh suy tim có một trái tim khỏe mạnh

Sau đây là một vài bước đơn giản nhưng có thể tạo ra sự khác biệt lớn cho người thân của bạn trong quá trình điều trị suy tim:

2.1. Hỗ trợ các công việc hàng ngày

Tùy theo giai đoạn suy tim, mức độ hoạt động của bệnh mà sự hỗ trợ của người thân đối với người bệnh suy tim là khác nhau. Người bệnh suy tim vẫn có thể thực hiện các công việc hàng ngày như mọi người. Từ nhân viên văn phòng, giáo viên, nội trợ hay nông dân, tùy theo mức độ dung nạp của họ. Tuy nhiên, người bệnh suy tim không nên làm công việc nặng nhọc và gắng sức như leo cầu thang, bê vác vật nặng hay di chuyển đường dài. Vì vậy, tìm kiếm các mức độ phù hợp cho người bệnh suy tim rất quan trọng, thay vì đạp xe đi làm thì hãy để họ đi xe bus. Tạo cơ hội cho họ được sinh hoạt ở tầng 1, thay vì làm công việc nặng nhọc như cầu đường, bê vác thì việc chuyển sang công việc khác như nhân viên văn phòng là thực sự cần thiết.

2.2. Hỗ trợ tâm lý, xã hội

Các vấn đề tâm lý như trầm cảm và lo âu đặc biệt phổ biến ở những người bị suy tim. Mối quan hệ giữa suy tim và tâm lý người bệnh có tác động hai chiều. Khi tình trạng tim xấu đi có liên quan đến tỷ lệ trầm cảm gia tăng và tình trạng suy nhược tâm lý làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch. Trầm cảm, lo âu biểu hiện ở người bệnh suy tim rất đa dạng như: cảm giác bồn chồn, lo lắng, buồn chán, vô vọng, bất lực, mất hy vọng vào cuộc sống, mất hứng thú trong các hoạt động hoặc những sở thích thông thường. Bao gồm cả quan hệ tình dục, khó tập trung, ghi nhớ chi tiết, hoặc đưa ra quyết định, khó ngủ, ngủ kém hoặc ngủ triền miên, không còn quan tâm đến bản thân, không muốn điều trị bệnh, thậm chí bệnh nhân có suy nghĩ về cái chết hoặc muốn tự tử. Để giúp người thân vượt qua nỗi sợ hãi và suy nghĩ lạc quan hơn, bạn có thể thử các cách sau:

  • Trò chuyện vui vẻ và hỏi thăm thường xuyên: Người bệnh sẽ rất dễ rơi vào cảm giác cô đơn và suy nghĩ tiêu cực mỗi khi ở một mình. Vì vậy, các thành viên trong gia đình hãy luôn bên cạnh họ, nói chuyện, chia sẻ, động viên giúp bệnh nhân để thay đổi tư duy và hình thành lối sống tích cực.
  • Quan tâm đến giấc ngủ của người thân: Một giấc ngủ sâu chính là liệu pháp giảm stress tự nhiên, song lại rất khó khăn đối với người bệnh suy tim, vì những cơn khó thở thường xuất hiện vào ban đêm hoặc khi nằm xuống. Bạn nên chuẩn bị phòng ngủ thông thoáng, nhắc người thân ngủ đúng giờ và tránh ăn quá no trước khi ngủ, có thể kê cao gối để họ có thể có một giấc ngủ chất lượng.
  • Tạo điều kiện cho người thân làm điều mình thích: Bạn nên tìm hiểu sở thích của người thân như nghe nhạc, đọc sách, cắm hoa, chơi cờ, trồng cây... Sau đó, bạn có thể thu xếp mua các dụng cụ, quà tặng hay thậm chí là đăng ký cho người thân tham gia một câu lạc bộ cùng sở thích.

Đặc biệt khi những triệu chứng không cải thiện thì bạn cần đưa người thân đến gặp bác sĩ tâm lý để được tư vấn và can thiệp kịp thời.

Thường xuyên hỏi thăm và trò chuyện với người bệnh suy tim giúp tình trạng bệnh được cải thiện
Thường xuyên hỏi thăm và trò chuyện với người bệnh suy tim giúp tình trạng bệnh được cải thiện

3. Cải thiện và duy trì tự chăm sóc bản thân khi mắc bệnh suy tim

3.1. Tuân thủ điều trị

Các thuốc điều trị có tầm quan trọng cho người bệnh suy tim, giúp cải thiện tỷ lệ tử vong, tỷ lệ nhập viện cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống. Bệnh nhân suy tim phải dùng rất nhiều loại thuốc vào các thời điểm khác nhau trong ngày. Vì vậy, cả người bệnh và người thân phải hiểu được chỉ định, công dụng, cách dùng từng loại thuốc, giúp người bệnh ghi nhớ việc uống thuốc đúng liều lượng, đúng giờ và theo dõi các tác dụng phụ của thuốc. Đặc biệt không bao giờ tự ý bỏ thuốc mà chưa hỏi ý kiến bác sĩ điều trị.

3.2. Xây dựng chế độ ăn uống phù hợp

Người bệnh suy tim nên ăn đa dạng các loại thực phẩm để cung cấp vitamin, các chất vi lượng và dinh dưỡng. Bên cạnh đó, người bệnh suy tim có xu hướng giữ nước gây phù, vì vậy khẩu phần ăn nên hạn chế muối và nước, chỉ nên uống lượng nước ít hơn lượng nước tiểu của người bệnh.

3.3. Chế độ luyện tập

Luyện tập thể dục hằng ngày là cực kì quan trọng đối với người bệnh suy tim, bởi các hoạt động thể chất giúp kiểm soát cân nặng, giảm nguy cơ hình thành các cục máu đông. Tuy nhiên, mỗi người cần có một chế độ luyện tập khác nhau, phù hợp với giai đoạn bệnh và tình trạng gắng sức của mình. Bạn nên tập luyện các bài tập vừa phải như: đi bộ, ngồi thiền, đạp xe.

Ngoài ra, người bệnh suy tim cũng nên từ bỏ các thói quen xấu trong quá khứ, nên giảm cân nếu thừa cân, bỏ hút thuốc lá, thuốc lào và hạn chế uống rượu bia. Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần chú ý tuân thủ lịch khám sức khỏe định kỳ để theo dõi tiến triển của bệnh và duy trì phác đồ điều trị hiệu quả nhất.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

345 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan