Biểu hiện chảy máu ở bệnh nhân sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết có 2 triệu chứng chính là sốt và xuất huyết. Chảy máu khi sốt xuất huyết có biểu hiện là chảy máu cam, chảy máu chân răng, bầm dưới da, xuất huyết đường tiêu hóa, xuất huyết âm đạo, trường hợp nặng gây vỡ hồng cầu, thoát mạch, cô đặc máu, chảy máu ồ ạt trong và ngoài cơ thể, đe dọa tử vong.

1. Chảy máu khi sốt xuất huyết xảy ra trong trường hợp nào?

Bệnh sốt xuất huyết nếu không có xuất huyết thì gọi là Dengue Cổ điển, thường xảy ra đối với những người chưa mắc bệnh lần nào. Thông thường, bệnh cảnh xuất huyết dễ gặp hơn ở những người tái nhiễm bệnh do virus Dengue, tức là cơ thể đã có miễn dịch chủ động (do hệ miễn dịch đã từng tiếp xúc với kháng nguyên gây bệnh) hoặc miễn dịch thụ động (do người mẹ truyền sang) đối với một loại kháng nguyên virus Dengue. Nếu mắc sốt xuất huyết lần thứ 2, nghĩa là bệnh nhân có thể đã tái nhiễm một loại virus khác chủng, gọi là Dengue Xuất huyết.

Bệnh thường biểu hiện trầm trọng hơn sau giai đoạn hạ sốt (từ ngày thứ 2 đến ngày thứ 5). Tình trạng tổn thương mạch máu và mạch bạch huyết gây ra dấu hiệu xuất huyết, với biểu hiện thường gặp là chảy máu cam, chảy máu ở nướu hoặc xuất huyết dưới da, gây ra vết bầm tím. Trường hợp nặng hơn, bệnh nhân bị sốc, huyết áp thấp, huyết tương thoát khỏi mạch máu, gây chảy máu ồ ạt trong và ngoài cơ thể. Thể bệnh sốt xuất huyết này hay gặp ở trẻ em độ tuổi đến trường. Tuy nhiên hiện nay, tỷ lệ người lớn mắc bệnh cũng không hiếm. Mặc dù trẻ nhỏ có sức đề kháng còn tương đối yếu và chưa hoàn thiện, nhưng đôi khi người lớn lại có bệnh cảnh nặng nề hơn trẻ em, thậm chí đe dọa tử vong.

2. Nguyên nhân gây chảy máu khi bị sốt xuất huyết

Hạ sốt nhanh
Dấu hiệu xuất huyết thường xuất hiện khi bệnh nhân hạ sốt

Dấu hiệu xuất huyết thường xuất hiện khi bệnh nhân hạ sốt. Những biểu hiện nhẹ của xuất huyết bao gồm xuất hiện các đốm máu, đốm xuất huyết, hồng ban dưới da, chảy máu cam và chảy máu chân răng. Đây là những triệu chứng tương đối phổ biến ngay cả với sốt xuất huyết nhẹ và trung bình, tỷ lệ xảy ra chiếm khoảng một phần ba trong các ca bệnh ghi nhận được. Nguyên nhân gây xuất huyết nhẹ có thể là do mao mạch trở nên mỏng vì giảm tiểu cầu hoặc rối loạn chức năng tiểu cầu. Tiểu cầu đóng vai trò quan trọng trong quá trình đông máu, giúp duy trì tính toàn vẹn của các mối nối kết dính nội mô. Trong khi đó, đa phần các trường hợp xuất huyết niêm mạc (xuất huyết tiêu hóa hoặc âm đạo) ở bệnh nhân sốt xuất huyết thường liên quan đến tình trạng sốc kéo dài và nhiễm toan chuyển hóa. Nói chung, nguyên nhân gây chảy máu khi bị sốt xuất huyết liên quan đến giảm tiểu cầu và rối loạn đông máu.

2.1. Giảm tiểu cầu

“Giảm tiểu cầu” là khái niệm được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) định nghĩa là khi số lượng tiểu cầu nhỏ hơn hoặc bằng 100.000 đơn vị / μL. Giảm tiểu cầu xảy ra ở hầu hết các bệnh nhân sốt xuất huyết, ngay cả với thể nhẹ (chiếm tỷ lệ trên 2/3 trong số các ca bệnh nhẹ và trung bình).

Nguyên nhân gây giảm tiểu cầu được cho là bắt nguồn từ tế bào tủy xương bị ức chế hoạt động, gây ra do nhiễm trùng trực tiếp tại các tế bào tiền thân hoặc tác động của đại thực bào kích hoạt các tế bào T làm giải phóng cytokine và ức chế quá trình tạo máu. Ngoài ra, tiểu cầu giảm có thể là do sự phá hủy tiểu cầu qua trung gian miễn dịch ngoại vi dưới sự tác động của virus sốt xuất huyết và kháng thể NS1. Do đó thời gian bán hủy của tiểu cầu giảm, dẫn đến số lượng tiểu cầu giảm đi nhanh chóng ở bệnh nhân sốt xuất huyết.

2.2. Rối loạn đông máu

Rối loạn đông máu là tình trạng thường gặp ở bệnh nhân sốt xuất huyết. Có ý kiến cho rằng bệnh nhân có thể gặp phải tình trạng đông máu nội mạch lan tỏa.

Đông máu nội mạch lan tỏa là hội chứng mắc phải làm kích hoạt quá trình đông máu, dẫn đến sự hình thành các cục đông trong lòng mạch, thiếu tiểu cầu và các yếu tố đông máu. Những cục máu đông có nguy cơ dẫn đến tắc nghẽn mạch, thiếu máu cục bộ và suy đa tạng.

Nguyên nhân của rối loạn đông máu có thể là do cơ thể bị mất các protein thiết yếu tham gia vào quá trình đông máu do rò rỉ huyết tương. Tương tác giữa virus sốt xuất huyết NS1 và lớp vỏ glucid ở mặt ngoài của màng tế bào có thể gây ra sự rò rỉ protein huyết tương và giải phóng heparan sulfate vào tuần hoàn. Heparan sulfate hoạt động như một chất chống đông máu, là một tác nhân dẫn đến rối loạn đông máu.

3. Chảy máu ở bệnh nhân sốt xuất huyết có nguy hiểm không?

Biểu hiện xuất huyết có thể xuất hiện ở nhiều nơi trên cơ thể bệnh nhân:

  • Xuất huyết dưới da tạo thành các chấm, các mảng, có khi nổi đỏ toàn chi thể, căng như bắp chuối;
  • Xuất huyết tiêu hóa dẫn đến đau bụng, đi ngoài phân đen, có lẫn máu hay đi tiêu ồ ạt ra máu loãng;
  • Xuất huyết niêm mạc gây chảy máu chân răng, chảy máu cam, ở phụ nữ khi bị sốt xuất huyết có thể có biểu hiện chảy máu âm đạo kéo dài.

Khi có dấu hiệu xuất huyết, bệnh nhân cần được theo dõi tại cơ sở y tế vì nó thường là dấu hiệu của sốc và mất nước, thiếu hụt lượng máu tuần hoàn. Khác với nhiễm vi khuẩn, nhiễm virus thường phức tạp và khó chữa hơn, dùng kháng sinh hầu như không có hiệu quả.

Khi nhiễm virus, những phản ứng của cơ thể như sốt, viêm mỏi cơ, đau đầu, chóng mặt... đều là những dấu hiệu cho thấy kháng thể đang chống lại các kháng nguyên virus gây hại. Chính vì vậy, bệnh sốt xuất huyết có thể tự khỏi. Công tác điều trị chủ yếu là giải quyết triệu chứng, giảm đau, giảm sốt và đề phòng những biến chứng nguy hiểm nhất.

Nguyên nhân tử vong do bệnh sốt xuất huyết liên quan đến nhiều yếu tố: Tình trạng xuất huyết nặng, cơ tim bị viêm, vỡ hồng cầu, do thoát mạch, cô đặc máu, hiện tượng đông máu nội mạch lan tỏa. Thiếu hụt thể tích máu tuần hoàn dễ gây ra tụt huyết áp kéo dài, hôn mê khó hồi phục.

Sốt xuất huyết
Xuất huyết dưới da tạo thành các chấm, các mảng, có khi nổi đỏ toàn chi thể

4. Điều trị chảy máu nặng khi sốt xuất huyết

Để cấp cứu cho bệnh nhân chảy máu nặng khi sốt xuất huyết, bác sĩ sẽ cho truyền dịch điện giải, truyền máu tươi, bổ sung tiểu cầu... Ngoài ra, dùng thêm thuốc corticoid để chống viêm, thuốc trợ tim, an thần và theo dõi chặt chẽ, đề phòng biến chứng sốc nặng với nguy cơ tử vong rất cao.

Khi điều trị sốt xuất huyết tại nhà, tuyệt đối không được xông hơi, hay xông bằng lá xông. Bệnh nhân thiếu máu, cơ tim bị viêm, trong khi đó xông hơi làm thoát dịch, mất nước, sẽ làm cho bệnh lý ngày càng nặng thêm. Ngoài ra, nên tránh các thuốc như aspirin, ibuprofen và naproxen sodium (nhóm NSAIDs) vì đây là những thuốc có hoạt tính chống kết tập tiểu cầu, ức chế khả năng đông máu, và vì vậy khiến cho biến chứng chảy máu trở nên nghiêm trọng hơn.

Trong trường hợp bệnh nhân sốt xuất huyết gặp biến chứng nghiêm trọng như sốc hay chảy máu nặng, cấp cứu tại bệnh viện là yêu cầu tuyệt đối.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: Cdc.gov

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

81.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan