Gây tê và giảm đau trong khi sinh: Những điều cần biết

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi BSCK II Phạm Thiều Trung - Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.

Chức năng sinh sản là thiên chức của phụ nữ, trong quá trình sinh sản người phụ nữ phải trải qua cơn đau bụng, dân gian thường nói “mang nặng, đẻ đau”

Đau bụng trong giai đoạn chuyển dạ thật sự không quá nguy hiểm với bà bầu khỏe mạnh, tuy nhiên ở những trường hợp sản phụ có bệnh nội khoa đi kèm như: Cao huyết áp, tiểu đường, bệnh tim, bệnh phổi, ngưỡng chịu đau thấp... đau nhiều sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý người mẹ và đến sức khỏe thai nhi, có những trường hợp đau quá nhiều sản phụ không chịu nổi đôi khi yêu cầu bác sĩ mổ lấy thai, vì thế tỷ lệ mổ lấy thai tăng lên và những nguy cơ trong mổ lấy thai sẽ có trong những trường này, thay vì mình có thể làm giảm đau được trong lúc sinh

Hiện nay có nhiều phương pháp làm giảm đau khi sinh được các bác sĩ lựa chọn bao gồm: Thuốc giảm đau toàn thân, gây tê từng vùng, gây tê ngoài màng cứng, gây tê tủy sống, nhưng hiện nay kỹ thuật gây tê ngoài màng cứng là phương pháp được nhiều bác sĩ lựa chọn vì phương pháp này có hiệu quả nhất, an toàn.

1. Thuốc giảm đau toàn thân và những tác dụng phụ

Thuốc giảm đau toàn thân, thường hay sử dụng nhất là thuốc nhóm Á phiện (nhóm opioids) có tác dụng làm giảm đau. Thuốc được đưa vào cơ thể dưới dạng tiêm bắp, tiêm dưới da hay đường tĩnh mạch (IV).

Các tác dụng phụ nhiều bao gồm: Ngứa, buồn nôn, nôn, buồn ngủ và khó tập trung. Thuốc nhóm Opioids nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng đến nhịp thở và nhịp tim của mẹ sau khi tiêm thuốc và của thai nhi sau khi sinh, bé có thể buồn ngủ và điều này sẽ gây khó khăn hơn khi cho bé bú sữa non trong những giờ đầu sau sinh. Hiện nay rất ít người sử dụng phương pháp này do có nhiều tác dụng phụ không mong muốn cho sản phụ lẫn thai nhi.

2. Gây tê từng vùng

Gây tê từng vùng là liệu pháp giảm đau bằng cách dùng thuốc tê tiêm vào khu vực xung quanh các dây thần kinh cảm giác của một vùng nhỏ trên cơ thể, như gây tê vùng âm đạo, âm hộ và đáy chậu; nhằm ngăn ngừa cơn đau ngay trước khi sinh. Thuốc cũng được sử dụng khi phẫu thuật cắt tầng sinh môn hoặc khi khâu lại các mô bị tác động gây rách sau sinh...

Gây tê từng vùng hiếm khi ảnh hưởng đến mẹ và bé, trừ trường hợp có xảy ra các vấn đề liên quan đến phản ứng hay dị ứng với thuốc tê.

Nhưng phương pháp này giảm đau không trọn vẹn, vì không làm giảm đau ở các dây chằng vùng cổ, thân và đáy tử cung và sự xóa mở cổ tử cung, nên không phải là phương pháp lý tưởng

3. Gây tê ngoài màng cứng

Gây tê và giảm đau trong khi sinh: Những điều cần biết
Gây tê ngoài màng cứng hiện nay là tiêu chuẩn vàng trong giảm đau trong chuyển dạ

Gây tê ngoài màng cứng hiện nay là tiêu chuẩn vàng trong giảm đau trong chuyển dạ. Phương pháp làm là đặt một cái ống nhỏ (Catheter) vào trong khoang ngoài màng cứng sản phụ ở vùng thắt lưng, sau đó đưa thuốc tê qua Catheter vào khoang ngoài màng cứng liên tục bằng bơm tiêm điện trong suốt thời gian chuyển dạ. Hiệu quả giảm đau rất cao, an toàn và không ảnh hưởng đến sức khỏe mẹ và thai nhi.

Nếu trong quá trình sinh đẻ có chỉ định cắt may tầng sinh môn, sản phụ cũng không đau hoàn toàn với điều kiện là bác sĩ sẽ cho thêm một liều thuốc tê nhiều hơn một chút.

Nếu vì lý do đặc biệt nào đó không thể sinh được đường tự nhiên mà cần phải sinh mổ (mổ lấy thai), các bác sĩ sẽ sử dụng thuốc tê qua Catheter có sẵn liều lượng thuốc tê sử dụng cao hơn sẽ mổ lấy thai không đau. Thuận tiện và an toàn.

Tác dụng không mong muốn rất ít gặp như: dị ứng thuốc tê, đau lưng, hạ huyết áp

Hiện nay phương pháp gây tê ngoài màng cứng được sử dụng rất phổ biến tại Mỹ và các nước có nền y học tiên tiến trên thế giới, Ở Việt Nam có nhiều bệnh viện đã ứng dụng thường quy với phương pháp này.

4. Gây tê tủy sống liều thấp

Gây tê và giảm đau trong khi sinh: Những điều cần biết
Các phương pháp giảm đau khi sinh thường có rất ít tác dụng phụ và hiếm khi gặp rủi ro

Gây tê tủy sống liều thấp được sử dụng khi cổ tử cung sản phụ nở gần trọn, sản phụ đau bụng dữ dội mà sinh chưa được. Gây tê tủy sống là thuốc được tiêm vào tủy sống liều thấp, có tác dụng giảm đau nhanh chóng, nhưng hiệu quả giảm đau chỉ kéo dài trong vòng một đến hai giờ.

Tác dụng không mong muốn đối với mẹ, có thể xuất hiện các tác dụng phụ ít phổ biến như: tê chân, giảm huyết áp, đau đầu, đau lưng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn Acog.org

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

46.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan