Hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS) có nguy hiểm?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Trần Thị Diễm Trang - Bác sĩ Nội hô hấp - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển là một bệnh lý nguy hiểm liên quan đến nhiều bệnh lý cả nội và ngoại khoa. Đã có rất nhiều hướng dẫn, quy trình về điều trị suy hô hấp cấp tiến triển được đưa ra và áp dụng, tuy nhiên suy hô hấp cấp tiến triển vẫn là vấn đề lớn nhất trong hồi sức cấp cứu với tỉ lệ dẫn đến tử vong lên tới 45%.

1. Suy hô hấp cấp tiến triển là gì?

Hội chứng suy hô hấp cấp nặng người lớn (ARDS), được mô tả lần đầu tiên năm 1967, là một hội chứng lâm sàng với biểu hiện khó nặng khởi phát nhanh, thiếu oxy máu, và thâm nhiễm phổi lan tỏa dẫn đến suy hô hấp.

Nguyên nhân suy hô hấp cấp tiến triển là do một số rối loạn lâm sàng như:

  • Viêm phổi nặng: Là nguyên nhân thường gặp nhất, viêm phổi do vi khuẩn (ví dụ như: phế cầu, liên cầu,Influenzae...) hoặc viêm phổi do virus (ví dụ: cúm A H5N1, H1N1, H7N9, SARS...).
  • Ngạt nước: Tổn thương màng Sufartan.
  • Trào ngược dịch dạ dày: Thường gặp ở người bệnh hôn mê hoặc say rượu, hoặc có tăng áp lực nội sọ dịch dạ dày gây ra tổn thương phổi trên diện rộng kèm xẹp phổi.
  • Tiêm, hít Heroin hay sử dụng các loại thuốc ma túy khác (Cocain, Amphetamin...).
  • Chấn thương lồng ngực nặng gây đụng dập phổi.
  • Nhiễm khuẩn nặng hoặc sốc nhiễm khuẩn.
  • Truyền máu số lượng lớn (>15 đơn vị), đặc biệt là máu toàn phần.
  • Viêm tụy cấp nặng;
  • Suy thận cấp.
  • Bỏng nặng ,đặc biệt là bỏng hô hấp.
Viêm phổi nặng cũng là một trong những nguyên nhân suy hô hấp cấp tiến triển
Viêm phổi nặng cũng là một trong những nguyên nhân suy hô hấp cấp tiến triển

2. Suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS) có nguy hiểm không?

Tỷ lệ mắc

Tỷ lệ mắc ARDS là 58/100 000 người năm với 141.500 trường hợp mới mỗi năm, tỷ lệ tử vong hàng năm là 59.000 mỗi năm theo báo cáo năm 2005 tại các đơn vị chăm sóc tích cực của Hoa Kỳ. Dữ liệu từ 2001-2008 cho thấy tỷ lệ ALI và / hoặc ARDS ở bệnh nhân người lớn nhập viện đã giảm, có lẽ do sử dụng rộng rãi thông khí bảo vệ phổi, giảm nhiễm trùng bệnh viện, và sử dụng sản phẩm máu thận trọng hơn.

Tỷ lệ tử vong

ARDS gây tử vong khoảng 40% trong 200.000 bệnh nhân nặng hàng năm ở Hoa Kỳ Ước tính gộp tỷ lệ tử vong của ARDS từ một tổng quan hệ thống là 36 - 44% với rất ít thay đổi hơn hai thập kỷ cho đến năm 2006.Tỷ lệ tử vong giảm rõ rệt trong các nghiên cứu từ năm 1997 đến năm 2009.

Tại Việt Nam, hiện chưa có con số thống kê chính xác nhưng tỷ lệ tử vong do suy hô hấp cấp cũng không hề nhỏ.

Suy hô hấp cấp tiến triển có thể không có triệu chứng ban đầu hoặc dấu hiệu không rõ nên rất dễ bị bỏ qua. Sau 6 đến 48 giờ, người bệnh bắt đầu có những diễn biến nặng hơn như:

  • Bệnh nhân tím rõ hơn ở môi, đầu chi;
  • Khó thở tăng và nghe phổi thấy có ran ẩm ở hai bên đồng thời có thể nghe tiếng thổi ống.
  • X-quang phổi sẽ cho thấy hình ảnh rõ ràng của thâm nhiễm phế nang và khoảng kẽ.
  • Lồng ngực cũng cho thấy sự tổn thương trên khoảng rộng khi chụp CT.
  • Suy hô hấp tiến triển nhanh và nếu bệnh nhân không được điều trị kịp thời sẽ dễ dẫn đến tử vong.

3. Điều trị suy hô hấp cấp tiến triển

Gần đây, tỷ lệ tử vong của ARDS đã được cải thiện đáng kể do kết quả của tiến bộ chung trong chăm sóc bệnh nhân nặng. Vì vậy, chăm sóc bệnh nhân ARDS đòi hỏi phải lưu ý đến (1) nhận diện và điều trị các bệnh lý nguyên nhân; (2) Thông khí cơ học với chế độ bảo vệ phổi; (3) Cân bằng nước dịch (4) giảm thiểu biến chứng của điều trị và các thủ thuật; (5) dự phòng huyết khối tĩnh mạch, xuất huyết tiêu hóa, hít sặc, tránh thuốc an thần quá mức, tránh nhiễm trùng (6) cung cấp đầy đủ dinh dưỡng.

  • Nhận diện và điều trị bệnh lý nguyên nhân

Nhận diện và điều trị các bệnh lý nguyên nhân rất quan trọng trong xử trí ARDS. Chỉ khi loại bỏ được nguyên nhân gây ra ARDS mới có thể đưa bệnh nhân ra khỏi tình trạng suy hô hấp.

  • Thở máy: Bệnh nhân ARDS nặng gia tăng công thở và thiếu oxy máu tiến triển cần thông khí cơ học. Yêu cầu của thông khí cơ học là bảo đảm nồng độ oxy máu động mạch thoả đáng và giảm thiểu nguy cơ biến chứng do máy thở.
    • Đặt phương thức thở PCV hoặc VPV.
    • Thông khí nhân tạo với áp lực dương và tần số cao (High frequency positive pressure ventilation - HFPPV).
    • Tuần hoàn ngoài cơ thể bằng máy oxy hoá qua màng (extracorporal membrane oxygenator- ECMO).
    • Thông khí nhân tạo với áp lực dương cả hai thì và tần số thấp kết hợp với máy dùng màng lọc co2 ra khỏi cơ thể.
Điều trị suy hô hấp cấp tiến triển
Điều trị suy hô hấp cấp tiến triển tại Vinmec

  • Đảm bảo huyết động và cân bằng dịch vào ra:
    • Truyền dịch ARDS: Không cần hạn chế nước một cách khắt khe, nhưng cũng không nên truyền dịch quá nhanh và nhiều. Nói chung không nên truyền dịch và cho ăn uống quá 1 lít rưỡi một ngày.
    • Cân bệnh nhân hàng ngày, đánh giá cân bằng dịch vào ra, đảm bảo cân bằng âm hoặc bằng không. Nếu bệnh nhân tăng cân, cân bằng dịch dương, dùng furosemid tiêm tĩnh mạch với liều thích hợp để điều chỉnh kịp thời để bệnh nhân trở về cân nặng ban đầu và duy trì áp lực tĩnh mạch trung tâm từ 6 đến 8 cm nước. Áp lực mao mạch phổi bít 8 - 10mmHg (nếu đặt catheter Swan Ganz).
  • Các biện pháp điều trị khác:
    • Corticoid: Nhiều nghiên cứu về corticosteroid trong điều trị cả ARDS sớm và muộn để giảm tình trạng viêm tại phổi. Bằng chứng hiện nay không ủng hộ sử dụng corticosteroid liều cao để điều trị ARDS,.Tuy nhiên, có những tình huống cụ thể có thể sử dụng corticosteroid một cách thận trọng khi nguyên nhân cơ bản đáp ứng với điều trị corticosteroid (ví dụ như viêm phổi tổ chức hóa vô căn- cryptogenic organizing pneumonia).
    • Kiểm soát glucose máu: Nếu đường máu > 10,0mmol/l, làm xét nghiệm đường máu mao mạch tại giường 3 giờ một lần và dùng insulin để đạt mức đường máu 6-10mmol/l.
    • Liệu pháp kháng sinh chống nhiễm khuẩn: Dùng ngay kháng sinh phương pháp xuống thang, sau đó điều chỉnh theo kháng sinh đồ (nếu có). Trong trường hợp viêm phổi do virus cúm A (ví dụ: H5N1) thì xem thêm phác đồ điều trị viêm phổi do cúm A.
    • Dự phòng tắc mạch: Dùng heparin liều dự phòng.
    • Dự phòng loét đường tiêu hóa: Sử dụng một thuốc ức chế bơm proton (ví dụ omeprazol).
    • Biện pháp huy động phế nang: Tham khảo quy trình kỹ thuật huy động phế nang.
    • Đảm bảo đủ hemoglobin (>8g/l).

Sau vài ba ngày, nếu tiến triển tốt bệnh nhân sẽ tỉnh, hồng hào, mạch huyết áp ổn định.

4. Phòng ngừa suy hô hấp cấp tiến triển

Để phòng ngừa hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển hiệu quả thì cần:

  • Chữa trị các bệnh lý như tim mạch, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính COPD, dự phòng huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới triệt để.
  • Tránh xa môi trường không khí ô nhiễm, hóa chất độc hại.
  • Cần điều trị kháng sinh sớm nếu nghi ngờ bị viêm phổi do vi khuẩn. Hoặc nếu nghi ngờ viêm phổi do virus thì cần điều trị bằng thuốc kháng virus, tránh để bệnh tiến triển thành suy hô hấp cấp tiến triển.

ARDS là nguyên nhân quan trọng của suy hô hấp cấp, có tỷ lệ tử vong cao, liên quan đến nhiều bệnh lý nội và ngoại khoa. Mặc dù chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu cho ARDS, đã có những tiến bộ đáng kể trong việc điều trị bệnh nhân ARDS bằng sử dụng các chiến lược thông khí cơ học bảo vệ phổi, hạn chế dịch và điều trị bệnh lý cơ bản.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

9.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan