Nước phân bố trong cơ thể như thế nào?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc - Bác sĩ Nội tổng quát - Nội tiết - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park. Bác sĩ đã có hơn 10 năm học tập, nghiên cứu và làm việc trong lĩnh vực nội tiết.

Nước đóng vai trò rất quan trọng trong việc tham gia cấu tạo các tế bào và cơ quan tổ chức, cũng như duy trì các hoạt động bình thường trong cơ thể. Khi cơ thể chúng ta mất 10% nước thì đã lâm vào tình trạng bệnh lý, mất từ 20 - 25% nước là đã có thể chết. Trong cơ thể, nước còn là dung môi cho các hệ thống sinh học.

1. Phân bố nước trong cơ thể như thế nào?

Trung bình, nước chiếm khoảng 70% trọng lượng trong cơ thể và phân bố không đồng đều ở các cơ quan, tổ chức khác nhau. Tổng lượng nước trong cơ thể là không cố định mà giảm dần theo độ tuổi.

Đối với trẻ sơ sinh, tổng lượng nước chiếm khoảng 75 - 80% cơ thể. Từ 1 tuổi cho đến tuổi trung niên, tổng lượng nước chiếm khoảng 60% trọng lượng cơ thể đối với nam giới và 55% trọng lượng cơ thể đối với nữ giới. Sau tuổi trung niên, tổng lượng nước chỉ còn chiếm khoảng 50% trọng lượng cơ thể.

Phân bố nước trong cơ thể ở 2 khoang chính được ngăn bởi màng tế bào, đó là:

  • Khoang dịch nội bào: Chiếm 40% trọng lượng cơ thể.
  • Khoang dịch ngoại bào: Chiếm 20% trọng lượng cơ thể.

Trong khoang dịch ngoại bào lại được chia thành 2 phần bởi màng mao mạch, đó là:

  • Dịch gian bào (hay còn gọi là dịch kẽ): Chiếm 15% trọng lượng cơ thể.
  • Huyết tương: Chiếm 5% trọng lượng cơ thể.
Hàm lượng nước trong cơ thể
Tổng lượng nước trong cơ thể là không cố định mà giảm dần theo độ tuổi

2. Cân bằng nước trong cơ thể

Cân bằng nước trong cơ thể là cân bằng giữa lượng nước bên trong và lượng nước thải ra. Hàng ngày, lượng nước trong cơ thể được cung cấp qua đường ăn, uống và nguồn nước nội sinh từ quá trình chuyển hóa chất.

  • Nhu cầu nước đối với cơ thể hằng ngày là khoảng 2.000 - 2.500 ml, trong đó, đường uống là 1.000 - 1.200 ml, đường ăn là 800 - 1.000 ml, và 200 - 300 ml từ quá trình chuyển hóa chất.
  • Lượng nước thải ra gồm 1.200 - 1.400 ml nước tiểu, 400 - 500ml đường hô hấp, 300 - 500ml bay hơi qua da và 100ml qua phân.

Cân bằng nước trong cơ thể còn có lượng nước mất đi không nhìn thấy được tăng lên khi bị sốt là khoảng 100 - 300 ml/1 độ C/ngày hay 2 - 2,5 ml/kg/ngày cho mỗi độ trên 37 độ C, bay hơi mồ hôi sinh lý là khoảng 500 ml/ngày, mồ hôi ra nhiều và sốt cao hoặc do môi trường khô có ẩm độ thấp là 1.000 - 1.500 ml/ngày. Lượng nước mất đi đo được sẽ tăng lên khi dùng thuốc lợi tiểu như tăng đường huyết và thuốc lợi tiểu, chuẩn bị ruột và bệnh tuyến thượng thận.

Nước
Nhu cầu nước đối với cơ thể hằng ngày là khoảng 2.000 - 2.500 ml

3. Cơ chế trao đổi và chuyển hóa nước trong cơ thể

Cân bằng nước là quá trình trao đổi và chuyển hóa nước trong cơ thể diễn ra ở màng tế bào và màng mao mạch.

3.1. Chuyển hóa nước qua màng tế bào

Đối với màng tế bào, do có tính thấm chọn lọc nên màng tế bào chỉ cho nước và các chất hữu cơ phân tử nhỏ đi qua (như axit amin, glucose, v.v... ), và không cho các chất có phân tử lớn đi qua (như protein, SO42-, PO43-, v.v...).

Sự trao đổi và chuyển hóa nước ở màng tế bào thực chất là quá trình di chuyển nước giữa bên trong và ngoài tế bào. Nước được vận chuyển qua màng tế bào do sự chênh lệch áp lực thẩm thấu giữa 2 khoang, khoang nào có áp lực thẩm thấu cao thì nước sẽ di chuyển về bên đó.

3.2 Chuyển hóa nước qua màng mao mạch

Cân bằng lượng nước giữa huyết tương và dịch gian bào phụ thuộc vào những yếu tố sau :

  • Tính thấm của thành mạch: Thành mạch là màng ngăn cách cho phép mọi phân tử nhỏ đi qua, trừ những phân tử như protein. Tính thấm của thành mạch chịu ảnh hưởng của các yếu tố như: Thần kinh vận mạch, trạng thái dinh dưỡng của thành mao mạch, v.v...Trong các bệnh lý thiếu oxy, thiếu vitamin, nhiễm toan ảnh hưởng tới nội tiết và các chất trung gian hoá học, v.v... có thể thay đổi tính thấm của thành mạch .
  • Áp lực thẩm thấu và áp lực keo trong máu và dịch gian bào: Sự chuyển hóa nước bên trong và bên ngoài thành mạch là do cân bằng giữa áp lực thẩm thấu, có xu hướng đẩy nước ra ngoài và áp lực keo hút nước từ bên ngoài vào. Ngoài ra, có một số dịch gian bào di chuyển về theo đường bạch huyết.
  • Yếu tố thần kinh - thể dịch: Chủ yếu do ADH và aldosteron tác động đến quá trình cân bằng nước trong cơ thể.

ADH được tiết ra và dự trữ ở hậu yên từ vùng nhân trên thị và nhân gần não thất ở vùng dưới thị. Việc tiết ADH chịu ảnh hưởng của áp lực thẩm thấu của máu. Khi tăng áp lực thẩm thấu huyết tương, thông qua các thụ cảm thể vùng dưới thị và một số cơ quan khác như gan, phổi, tụy, v.v... sẽ làm tăng tiết ADH. Vì vậy, việc tăng hấp thu nước có tác dụng phục hồi áp lực thẩm thấu huyết tương (ví dụ như khi uống nhiều nước, truyền nhiều dịch, v.v...). Cũng thông qua các thụ thể thẩm thấu này gây giảm tiết ADH, do đó làm tái hấp thu nước giảm, quá trình này có tác dụng phục hồi áp lực thẩm thấu huyết tương. Ngoài các thụ thể thẩm thấu, còn có các thụ thể thể tích chi phối việc tiết ADH. Tăng tiết ADH còn gặp trong một số trường hợp như đau, sợ, vận cơ, tiêm morphin, chảy máu, v.v... Việc tiết ADH còn thực hiện thông qua cơ chế phản xạ có điều kiện - một trong những vai trò của não bộ.

Aldosteron là hormone chính của cơ chế cân bằng nước trong cơ thể, có tác dụng tái hấp thu Na và thải K ở đoạn xa ống thận. Khi nồng độ Na trong máu tăng lên, aldosteron giảm tiết sẽ làm tăng đào thải Na. Ngược lại, khi nồng độ Na trong máu giảm, aldosteron sẽ tăng tiết để tăng tái hấp thu Na. Những yếu tố ảnh hưởng đến việc tiết aldosteron: thiếu Na+, thừa K, giảm khối lượng máu lưu thông, chấn thương, xúc cảm, ACTH, STH, hormone hậu yên (làm tăng tiết); thừa Na, thiếu K, tăng khối lượng máu lưu thông, kích thích dây X, giãn nhĩ phải, tăng catecholamin, những chất kháng aldosterol (làm giảm tiết). Ngoài ra, renin cũng có tác dụng kích thích tiết aldosterol.

Khi huyết áp giảm, renin tăng tiết dẫn tới tăng angiotensin II có tác dụng kích thích vỏ thượng thận tăng tiết aldosterol. Ngược lại, khi huyết áp tăng, renin giảm tiết dẫn tới giảm tiết aldosterol. Trong một số hội chứng lâm sàng thấy renin tiết, kết hợp với tăng tiết aldosterol (mất máu, suy tuần hoàn do ứ, xơ gan, v.v... ). Việc điều tiết aldosterol còn phụ thuộc vào những thụ thể thể tích ở thành động mạch cảnh, động mạch lớn gần tim, tâm nhĩ, v.v...Phân bố nước trong cơ thể giúp cơ thể duy trì các hoạt động bình thường.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

123.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan