Bị giãn tĩnh mạch thừng tinh có kiêng quan hệ không?

Giãn tĩnh mạch thừng tinh có kiêng quan hệ không? Là câu hỏi nhiều nam giới mắc bệnh này thắc mắc. Bởi nhiều người bệnh khi được chẩn đoán mắc giãn tĩnh mạch thừng tinh luôn lo sợ rằng bệnh sẽ ảnh hưởng đến đời sống hôn nhân và sức khỏe của họ. Bài viết dưới đây với các thông tin cần thiết sẽ giúp giải đáp thắc mắc trên.

1. Giãn tĩnh mạch thừng tinh là gì?

Giãn tĩnh mạch thừng tinh khi các tĩnh mạch trong túi da chứa tinh hoàn (bìu) bị giãn nở. Tình trạng này tương tự như trong bệnh lý giãn tĩnh mạch chi dưới.

Đây là bệnh lý phổ biến ở nam giới thường gặp ở lứa tuổi dậy thì và thanh thiếu niên, hiếm gặp sau tuổi thanh thiếu niên. Bệnh thường gặp ở bên trái chiếm 90% do đường dẫn máu từ tinh hoàn trái. Một số trường hợp có thể xảy ra cả hai bên.

2. Giãn tĩnh mạch thừng tinh có triệu chứng gì?

Giai đoạn đầu của bệnh giãn tĩnh mạch thừng tinh thường không có triệu chứng gì đặc biệt, người bệnh không cảm thấy đau đớn vùng bẹn, bìu, không gây bất kỳ vấn đề nghiêm trọng nào và không cần điều trị. Bệnh chủ yếu được phát hiện bởi bệnh nhân, hoặc bác sĩ khi khám sức khỏe định kỳ hoặc trong quá trình đánh giá khả năng sinh sản khi trưởng thành.

Bệnh được chỉ định điều trị khi người bệnh xuất hiện các triệu chứng như sau:

  • Gây đau.
  • Tinh hoàn bị co rút hoặc kém phát triển (teo tinh hoàn).
  • Giảm khả năng sinh sản.

Triệu chứng đau hiếm khi xảy ra và nếu có thì:

  • Có thể gây đau nhói đến đau âm ỉ ở bìu.
  • Đau tăng khi người bệnh đứng lâu hoặc làm việc nặng.
  • Đau tăng dần trong ngày.
  • Hết đau khi nằm ngửa.
  • Co rút tinh hoàn bị ảnh hưởng (teo tinh hoàn): Phần lớn tinh hoàn được cấu tạo từ các ống sinh tinh. Tinh hoàn sẽ có nguy cơ co rút lại và mềm hơn khi các tĩnh mạch thừng tinh bị giãn. Nguyên nhân gây co rút tinh hoàn cho đến nay vẫn chưa được xác định rõ ràng. Tình trạng ứ máu này sẽ dẫn đến vấn đề làm tăng áp lực bên trong tĩnh mạch, từ đó gây tổn thương tinh hoàn.

Giãn tĩnh mạch thừng tinh có nguy cơ ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của nam giới do nguyên nhân từ việc giảm lưu lượng máu và tăng nhiệt độ của tinh hoàn. Kết quả này làm ảnh hưởng đến quá trình hình thành, khả năng di chuyển (độ di động) và chức năng của tinh trùng. Do đó, tinh hoàn sản xuất ít tinh trùng hơn và tinh trùng được sản xuất ra có thể không đảm bảo được chức năng sinh sản. Trường hợp người bệnh được điều trị sớm có thể giúp tạo ra những tinh trùng khỏe mạnh hơn và thậm chí giúp tinh hoàn được hồi phục.

3. Những trường hợp cần phẫu thuật giãn tĩnh mạch thừng tinh

Một số trường hợp người bệnh sống chung với bệnh giãn tĩnh mạch thừng tinh mà không có bất kỳ triệu chứng nào, hoặc các triệu chứng không gây ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày của người bệnh, thậm chí nhiều trường hợp bệnh tiềm ẩn nên người bệnh không biết mình đã mắc phải bệnh này cho tới khi vô tình được phát hiện qua thăm khám sức khỏe tổng quát định kỳ. Trong trường hợp cần điều trị, bác sĩ sẽ cân nhắc xem có cần phải thực hiện phẫu thuật hay không và lựa chọn phương pháp đạt hiệu quả nhất cho người bệnh.

Dưới đây là các trường hợp cần thiết bằng phương pháp mổ giãn tĩnh mạch thừng tinh như:

  • Các cặp vợ chồng muốn có con nhưng gặp khó khăn trong việc thụ thai khi người chồng bị giãn tĩnh mạch thừng tinh (người vợ bình thường về sức khỏe sinh sản).
  • Người bệnh phát hiện ra các triệu chứng của giãn tĩnh mạch thừng tinh và các triệu chứng này ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày của người bệnh.
  • Bên tinh hoàn bị giãn tĩnh mạch có nguy cơ bị co rút (teo tinh hoàn).
  • Khi làm xét nghiệm tinh dịch đồ thì kết quả có thể bất thường các chỉ số.

Phương pháp mổ giãn tĩnh mạch thừng tinh được thực hiện với mục đích làm thắt các tĩnh mạch thừng tinh đã bị giãn giúp đáp ứng được các yêu cầu sau đây:

  • Giải quyết tình trạng giãn nở của các tĩnh mạch thừng tinh.
  • Giúp bảo tồn động mạch ống dẫn tinh và động mạch tĩnh trong, phòng ngừa nguy cơ thương tổn sau mổ sẽ là teo tinh hoàn.
  • Bảo tồn nguyên vẹn ống dẫn tinh, bạch mạch huyết.

Một số phương pháp mổ giãn tĩnh mạch thừng tinh hiện đang được thực hiện tại các bệnh viện bao gồm:

  • Phẫu thuật nội soi với mục đích nhằm thắt các tĩnh mạch thừng tinh bị giãn nở.
  • Tắc mạch can thiệp có chi phí cao nhưng khả năng tái phát khá thấp từ 4 - 11%.
  • Phẫu thuật thắt tĩnh mạch trong sau phúc mạc bằng phương pháp mổ mở với tỉ lệ tái phát từ 7 - 33% ở nam giới trưởng thành, còn ở trẻ em là 15 - 45%.
  • Mổ thắt tĩnh mạch thừng tinh qua đường bẹn, đây là phương pháp truyền thống ít phức tạp nhưng sau mổ người bệnh có nguy cơ tái phát bệnh cao nhất.
  • Vi phẫu giãn tĩnh mạch thừng tinh đường bẹn có hiệu quả cao và tỉ lệ tái phát thấp.

Đa số người bệnh mắc giãn tĩnh mạch thừng tinh đều ưu tiên chọn phương pháp vi phẫu bởi các điểm nổi bật như:

  • Không cần phải rạch da vùng bẹn, bìu.
  • Ống dẫn tinh được bảo toàn chức năng.
  • Hiệu quả điều trị tương đương phẫu thuật, hiệu quả tại chỗ và cả hiệu quả điều trị vô sinh.
  • Thời gian nằm viện ngắn và người bệnh dễ dàng trở lại các hoạt động sinh hoạt hàng ngày.
  • Trường hợp người bệnh bị giãn tĩnh mạch thừng tinh thì việc can thiệp xử lý được dễ dàng hơn.
  • Không cần chỉ khâu da.
  • Không gây tê hoặc gây mê toàn thân, chỉ gây tê tại chỗ.

4. Một số lưu ý sau phẫu thuật giãn tĩnh mạch thừng tinh

  • Thực hiện đúng các chỉ định của bác sĩ điều trị trong và sau mổ giãn tĩnh mạch thừng tinh.
  • Người bệnh không tự ý dùng thuốc để tự điều trị tại nhà hoặc ngừng thuốc theo toa bác sĩ kê đơn khi chưa hỏi ý kiến của bác sĩ.
  • Thực hiện vệ sinh bộ phận sinh dục mỗi ngày sạch sẽ.
  • Xây dựng chế độ ăn uống điều độ, tăng cường bổ sung nhiều rau, hoa quả tươi, trái cây nhiều vitamin C, tránh ăn đồ hộp, nhiều dầu mỡ, hay đồ ăn quá cay, nóng.
  • Tái khám đúng hẹn sau khi ra viện hoặc đến Bệnh viện bất kỳ thời điểm nào khi người bệnh có các triệu chứng bất thường như: Đau kéo dài, không giảm dù đã uống thuốc giảm đau, vết mổ có dịch chảy nhiều và dịch có mùi hôi thối của vết thương bị hoại tử, vết mổ bị chảy máu, bìu bị sưng nề, người bệnh có sốt cao hoặc kèm run lạnh,...
  • Không vận động quá sức, không chơi các môn thể thao gây áp lực cho cơ quan sinh dục như chạy bộ, đá bóng, bóng chuyền, tập gym,...
  • Khiêng quan hệ tình dục sau khi phẫu thuật giãn tĩnh mạch tinh tối thiểu 1 tháng hoặc cho đến khi bệnh hoàn toàn bình phục. Đồng thời, người bệnh cũng không được thủ dâm dưới mọi hình thức.
  • Không tắm nước nóng hoặc ngâm trong bồn tắm quá lâu. Việc tắm nước nóng làm cho cơn đau búi tinh hoàn tăng lên. Bởi khi tắm nước nóng sẽ làm tĩnh mạch bị giãn nở và đau đớn hơn. Thay vào đó, người bệnh nên tắm nước mát hoặc nước hơi ấm vào những ngày mùa đông.
  • Lựa chọn quần lót với chất liệu vải dễ thấm hút, kích thước quần rộng rãi.
  • Trường hợp công việc bắt buộc phải đứng hoặc ngồi nhiều thì người bệnh nên tranh thủ vận động, giải lao khi có thể.

5. Giãn tĩnh mạch thừng tinh có quan hệ được không?

Nhiều nam giới mắc bệnh giãn tĩnh mạch thừng tinh, nhưng không phải ai cũng biết giãn tĩnh mạch thừng tinh có quan hệ được không?

Theo số lượng thu thập, người bệnh mắc bệnh này trong giai đoạn đầu khi chưa có bất kỳ triệu chứng nào và chưa cần can thiệp điều trị thì có khoảng hơn 80% nam giới vẫn quan hệ được với bạn tình bình thường mà không có bất kỳ trở ngại nào.

Tuy nhiên, nếu người bệnh giãn tĩnh mạch thừng tinh ở giai đoạn nặng có kèm theo các triệu chứng khó chịu ở bìu thì khó có thể quan hệ tình dục. Cơn đau âm ỉ và tăng dần ở tinh hoàn, phần da bìu có cảm giác căng, nóng, có hiện tượng nhão, nhăn nheo và mềm thường có thể làm ảnh hưởng không ít đến người bệnh khi quan hệ tình dục với bạn tình.

Bên cạnh đó, nếu người bệnh đã được chẩn đoán là mắc giãn tĩnh mạch thừng tinh đang cần được điều trị mà quan hệ tình dục quá nhiều lần mỗi ngày hoặc có những tư thế thô bạo gây áp lực trực tiếp lên vùng bìu sẽ có nguy cơ khiến tình trạng bệnh nặng hơn. Nguyên nhân do lượng máu dồn xuống tinh hoàn sẽ nhiều hơn, áp lực các tĩnh mạch tăng lên làm tác động đến tinh hoàn và tình trạng bệnh giãn tĩnh mạch thừng tinh ngày càng trầm trọng hơn.

Tóm lại, bệnh giãn tĩnh mạch thừng tinh có thể quan hệ được trong giai đoạn mới mắc bệnh chưa có triệu chứng, tuy nhiên quan hệ tình dục không đúng dễ gây ra các biến chứng nặng hơn cũng như làm cho quá trình điều trị và hồi phục gặp nhiều khó khăn hơn cho người bệnh.

Với những chia sẻ trên, hy vọng người bệnh đã có đầy đủ thông tin cần thiết về bệnh giãn tĩnh mạch thừng tinh có kiêng quan hệ không? Sau mổ giãn tĩnh mạch tinh kiêng quan hệ bao lâu? Người bệnh ngay khi có những biểu hiện của bệnh tuyệt đối không được chủ quan bởi nếu để lâu bệnh có thể gây ra vô sinh. Bên cạnh đó, việc điều trị sớm cũng sẽ mang lại hiệu quả cao đồng thời giảm thiểu tỉ lệ tái phát bệnh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

6.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan