Chụp cắt lớp phổi có hại không?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Hồng Hải - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh và Y học hạt nhân - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City. Bác sĩ có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh.

Chụp cắt lớp phổi là phương pháp chẩn đoán hình ảnh cận lâm sàng tiên tiến, hiện đại giúp phát hiện các bệnh lý liên quan đến phổi một cách nhanh chóng và chính xác. Thế nhưng vẫn có không ít người còn e ngại khi nghe đến phương pháp này và tự hỏi: “Chụp cắt lớp phổi có hại không?’’ Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn trả lời câu hỏi này.

1. Chụp cắt lớp phổi là phương pháp gì?

Chụp cắt lớp phổi (hay còn gọi với tên khác là chụp CT phổi hoặc chụp cắt lớp vi tính phổi). Đây là Phương pháp sử dụng tia X quét qua phổi theo lát cắt ngang kết hợp xử lý bằng máy vi tính để được một hình ảnh 2 chiều hoặc 3 chiều nhằm giúp bác sĩ đưa ra được những chẩn đoán về tình trạng phổi của bệnh nhân, bao gồm cả những bệnh lý nguy hiểm như ung thư phổi hay lao phổi.

So với chụp X-quang, phương pháp này cung cấp hình ảnh chi tiết và chuyên sâu hơn nhằm theo dõi, đánh giá và chẩn đoán xác định các tổn thương ở phổi. Đặc biệt, trong trường hợp bệnh nhân được chỉ định tiêm thuốc cản quang, bác sĩ còn có thể chẩn đoán ung thư phổi thông qua việc quan sát tính chất ngấm thuốc của khối.

ung thư phổi
Chụp cắt lớp phổi cho phép chẩn đoán bệnh ung thư phổi

2. Ưu và nhược điểm của phương pháp chụp CT phổi

2.1. Ưu điểm của phương pháp chụp CT phổi

Chụp CT là kĩ thuật rất hiệu quả trong việc tìm ra những đám mờ và đánh giá khá chi tiết những tổn thương ở phổi, đặc biệt là các tổn thương nhỏ, dễ bỏ sót trên phim chụp Xquang. Nhờ phương pháp này mà các bác sĩ sẽ tránh được tình trạng bỏ sót những tổn thương khó phát hiện ở phổi.

Cụ thể, so với phương pháp chụp X-quang sẽ có khoảng 30% tổn thương phổi bị bỏ sót thì chụp CT phổi lại có thể dễ dàng phát hiện ra những tổn thương này. Từ đó có thể thấy rằng, chụp CT phổi mang lại rất nhiều điều có lợi cho việc chẩn đoán, ví dụ:

  • Phát hiện những thương tổn nhỏ, tổn thương bị che lấp mà không thấy trên phim chụp Xquang tim phổi.
  • Các tổn thương ở phổi thông qua ảnh chụp CT sẽ hiện lên một cách chi tiết, rõ ràng hơn. Từ đó bác sĩ sẽ thấy được kích thước tổn thương, mức độ tổn thương của phổi.

2.2. Nhược điểm của phương pháp chụp CT phổi

Tia X được sử dụng để chụp cắt lớp phổi nên việc bệnh nhân bị nhiễm xạ là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, liều lượng phóng xạ mỗi lần chụp đều đã trải qua quá trình cân nhắc cẩn thận, đảm bảo không ảnh hưởng đến sức khỏe của bệnh nhân.

Ngoài ra, do lượng xạ này mang tính tích lũy, vì thế các bác sĩ khuyến cáo bệnh nhân trong một khoảng thời gian ngắn không nên chụp CT phổi 2 lần liên tiếp.

Bên cạnh đó, dị ứng thuốc cản quang cũng là một vấn đề thường gặp khi chụp cắt lớp phổi có tiêm thuốc. Tuy vậy, hầu hết các trường hợp sẽ tự khỏi sau vài ngày, và cũng rất hiếm trường hợp biến chứng nặng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe.

chup-ct-mri-trong-chan-doan-viem-ruot-thua-2
Tia X có thể ảnh hưởng ít nhiều đến người bệnh

3. Chụp cắt lớp phổi có hại hay không?

Như đã nói ở trên, bản chất của kỹ thuật chụp cắt lớp phổi có sử dụng tia X. Loại tia này được biết tới là có bước sóng mạnh với khả năng có thể xuyên qua các vật thể rắn, bao gồm cả cơ thể. Thế nên có nhiều người lo lắng về khả năng gây hại của tia X là một điều hiển nhiên. Nhưng người bệnh hoàn toàn có thể yên tâm khi sử dụng phương pháp chụp CT phổi, mức bức xạ tia X luôn được giữ ở mức cho phép đối với cơ thể, vì vậy nó sẽ không gây ra nhiều nguy hại cho sức khỏe.

Tuy nhiên, dù lượng tia X trong chụp cắt lớp đã được nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng đảm bảo nằm ở ngưỡng tối thiểu, an toàn với sức khỏe nhưng nên hạn chế chụp cắt lớp nếu không thật sự cần thiết, đặc biệt là không chụp nhiều lần trong thời gian ngắn.

Lưu ý khi chụp CT phổi
Chụp CT phổi là phương pháp an toàn, ít có tác dụng phụ

4. Những ai không nên chụp CT phổi?

Để đảm bảo sức khỏe chụp CT phổi phải được sự chỉ định của bác sĩ chuyên khoa và nếu bạn thuộc những trường hợp dưới đây thì phương pháp chụp cắt lớp phổi sẽ không được khuyến cáo thực hiện:

  • Phụ nữ có thai hoặc người đang cho con bú: Phụ nữ đang trong thời kì mang thai hoặc cho con bú được khuyến cáo là không nên chụp cắt lớp phổi, trừ trường hợp bất khả kháng. Dù tia X và thuốc cản quang mang đến tác động rất nhỏ nhưng đều không tốt đối với thai nhi và trẻ nhỏ. Do vậy, trường hợp này nếu nhất thiết phải chụp CT, bác sĩ sẽ giảm cường độ tia X hoặc lựa chọn phương án chẩn đoán bệnh khác phù hợp hơn với người bệnh.
  • Bệnh nhân suy thận nặng: Tình trạng nhiễm độc cản quang có thể xảy ra nếu bệnh nhân bị suy thận nặng chọn thực hiện phương pháp chụp cắt lớp phổi có tiêm thuốc. Tuy nhiên, bác sĩ sẽ phải có phương án lọc máu cho người bệnh trong trường hợp nhất thiết phải chụp.
  • Người có tiền sử bệnh lý mãn tính hoặc bệnh cường giáp, hồng cầu lưỡi liềm, hen phế quản, tiểu đường. Những người mắc các bệnh lý nói trên cần nói trước với bác sĩ để có phương pháp xử trí thích hợp.
  • Người bị dị ứng với thuốc cản quang: Các triệu chứng thường gặp của việc dị ứng với thuốc cản quang là: mẩn ngứa, nóng rát, khó thở,... Bác sĩ sẽ tùy thuộc tiền sử bệnh của mỗi bệnh nhân mà cân nhắc về việc sử dụng thuốc hỗ trợ.

Ngoài ra, những người bị mất nước nặng hoặc dị ứng iod sẽ gặp nguy hiểm tính mạng nếu tiêm thuốc cản quang trong quá trình chụp CT phổi. Vì thế, trước khi thực hiện kỹ thuật chụp CT phổi, bệnh nhân cần được thăm khám, sàng lọc các bệnh lý để đảm bảo an toàn trong và sau khi chụp.

Dị ứng thuốc cản quang là tai biến kỹ thuật có thể gặp phải
Người bệnh dị ứng thuốc cản quang cần cân nhắc khi chụp CT phổi

Mong rằng qua những thông tin được chia sẻ trong bài viết, độc giả đã có được lời giải đáp cho thắc mắc liệu chụp cắt lớp phổi có hại không, cũng như có thêm những kiến thức y khoa hữu ích xoay quanh kỹ thuật chụp cắt lớp phổi.

Chụp cắt lớp vi tính phổi là phương pháp chẩn đoán hình ảnh đem lại độ chính xác cao trong việc chẩn đoán các bệnh lý liên quan đến phổi, nhất là các bệnh lý nguy hiểm như viêm phổi, ung thư phổi. Theo đó để đạt kết quả chính xác nhất bạn nên chọn các địa chỉ có hệ thống máy chụp CT đạt chất lượng, bác sĩ thực hiện chuyên nghiệp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

12.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan