12 cách cải thiện hệ tiêu hóa đơn giản và hiệu quả

Cách cải thiện hệ tiêu hóa không chỉ phụ thuộc vào chế độ ăn uống mà còn liên quan đến lối sống hàng ngày. Việc duy trì thói quen đi ngủ đúng giờ, giảm căng thẳng và tập thể dục đều đặn giúp cải thiện chức năng tiêu hóa. Bên cạnh đó, việc uống đủ nước mỗi ngày cũng rất quan trọng để duy trì độ ẩm cho đường tiêu hóa, giúp thức ăn dễ dàng di chuyển qua ruột.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ chuyên khoa Tiêu hoá - Gan Mật - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.

1. Tổng quan các bệnh về đường tiêu hóa

Các bệnh về đường tiêu hóa là các vấn đề liên quan đến hệ thống tiêu hóa, gây gián đoạn quá trình tiêu hóa thức ăn. Các bệnh này có thể xảy ra cấp tính hoặc mãn tính nên người bệnh cần chú ý ghi lại thời gian khởi phát và các triệu chứng để cung cấp cho bác sĩ, giúp xác định nguyên nhân chính xác.

Dưới đây là một số bệnh tiêu hóa phổ biến:

  • Viêm dạ dày - ruột: Là tình trạng nhiễm trùng đường tiêu hóa do virus, vi khuẩn, ký sinh trùng hoặc hóa chất. Các triệu chứng bao gồm tiêu chảy, đau bụng, nôn mửa, sốt và mệt mỏi. Bệnh thường tự khỏi trong thời gian ngắn nhưng nếu có dấu hiệu mất nước nghiêm trọng, bệnh nhân cần được điều trị kịp thời.
  • Bệnh viêm ruột (IBD): Là tình trạng viêm mạn tính của đường tiêu hóa, gồm bệnh Crohn và viêm loét đại tràng. Triệu chứng bao gồm đau bụng, tiêu chảy mạn tính, có máu trong phân và sụt cân.
  • Trào ngược dạ dày thực quản (GERD): Dịch vị dạ dày trào ngược lên thực quản gây ợ nóng, khó tiêu, đau ngực và ho mạn tính. Nếu không điều trị, có thể dẫn đến viêm thực quảnung thư thực quản.
  • Bệnh celiac: Là bệnh tự miễn gây tổn thương ruột non khi cơ thể phản ứng với gluten trong thực phẩm. Các triệu chứng gồm đầy bụng, tiêu chảy, buồn nôn và không dung nạp lactose.
  • Hội chứng ruột kích thích (IBS): Là bệnh mạn tính gây đau bụng, đầy bụng và rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy hoặc táo bón. Không có dấu hiệu tổn thương thực thể nhưng cần kiểm soát để tránh ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày.
  • Viêm đại tràng: Do vi khuẩn, virus, thuốc, hoặc bệnh Crohn gây ra. Triệu chứng bao gồm đau bụng, tiêu chảy, máu trong phân và sốt.
  • Bệnh túi thừa: Là tình trạng xuất hiện các túi nhỏ dọc đại tràng, thường không có triệu chứng nhưng có thể viêm nhiễm, gây đau bụng, sốt và tiêu chảy.
  • Viêm loét dạ dày - tá tràng: Là loét niêm mạc dạ dày hoặc tá tràng, có thể do vi khuẩn H. pylori hoặc thuốc chống viêm. Triệu chứng bao gồm đau bụng, khó tiêu, buồn nôn và máu trong phân.
Các bệnh về đường tiêu hóa thường có triệu chứng thường gặp là đau bụng.
Các bệnh về đường tiêu hóa thường có triệu chứng thường gặp là đau bụng.

2. Cách cải thiện hệ tiêu hóa

2.1 Bổ sung trái cây và rau củ

Đưa trái cây và rau củ vào khẩu phần ăn mỗi ngày là một trong những cách cải thiện hệ tiêu hóa hiệu quả. Những loại thực phẩm này giàu chất xơ và dưỡng chất, hỗ trợ quá trình tiêu hóa, giảm thiểu nguy cơ táo bón, đồng thời tăng cường sức khỏe tổng thể.

Hơn nữa, các chất chống oxy hóa có trong trái cây và rau củ còn giúp bảo vệ cơ thể khỏi nguy cơ mắc ung thư. Vì vậy, để đạt hiệu quả tối ưu cho hệ tiêu hóa, chúng ta nên bổ sung nhiều loại trái cây và rau củ vào thực đơn mỗi ngày.

Bổ sung chất xơ từ rau củ là một cách cải thiện hệ tiêu hóa tốt.
Bổ sung chất xơ từ rau củ là một cách cải thiện hệ tiêu hóa tốt.

2.2 Lựa chọn ngũ cốc nguyên hạt

Ngũ cốc nguyên hạt cung cấp nhiều chất dinh dưỡng như chất xơ, sắt, các chất chống oxy hóa và các dưỡng chất quan trọng khác, giúp giảm nguy cơ táo bón. Bên cạnh đó, loại ngũ cốc này cũng có thể hỗ trợ các vi khuẩn có lợi cho hệ tiêu hóa phát triển. Một số ngũ cốc nguyên hạt tốt cho hệ tiêu hóa có thể kể đến là gạo lứt, yến mạch và lúa mạch.

2.3 Hạn chế thịt đỏ và thịt chế biến sẵn

Thịt chế biến sẵn thường chứa nhiều natri, chất béo và nitrat - các yếu tố góp phần làm tăng nguy cơ mắc ung thư đại tràng. Hơn nữa, việc tiêu thụ thịt đỏ liên tục trong thời gian dài có thể dẫn đến các bệnh ung thư, bệnh tim và các vấn đề về hệ tiêu hóa.

Vì vậy, một sự thay thế hợp lý là dùng thịt gà, cá, các loại đậu thay vì thịt đỏ hoặc giảm lượng thịt đỏ xuống còn 2-3 lần mỗi tuần.

2.4 Hạn chế tiêu thụ đường

Một biện pháp cải thiện hệ tiêu hóa hiệu quả khác là giảm lượng đường tiêu thụ. Khi cơ thể thừa đường, sự cân bằng của các vi khuẩn có lợi có thể bị phá vỡ và dẫn đến viêm nhiễm. Vì vậy, việc bổ sung đường qua các nguồn thực phẩm tự nhiên như trái cây và thực phẩm nguyên chất là một lựa chọn tốt.

2.5 Lựa chọn phương pháp nấu ăn lành mạnh

Chế độ ăn uống lành mạnh là yếu tố quan trọng giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt. Tuy nhiên, việc ăn uống không chỉ liên quan đến lựa chọn thực phẩm mà còn phải chú ý đến phương pháp chế biến. Mặc dù các món ăn chiên và nướng rất bắt mắt và ngon miệng nhưng có thể gây hại cho sức khỏe hệ tiêu hóa.

Đồ chiên chứa lượng lớn chất béo không lành mạnh, trong khi nướng ở nhiệt độ cao có thể sinh ra những chất gây ung thư. Vì thế, các phương pháp chế biến như hấp, hầm hoặc kho nên được cân nhắc để hệ tiêu hóa khoẻ mạnh.

2.6 Bổ sung men vi sinh - cách cải thiện hệ tiêu hóa hiệu quả

Men vi sinh là một cách cải thiện hệ tiêu hóa phổ biến với khả năng hỗ trợ tiêu hóa nhanh chóng và hiệu quả. Men vi sinh (Probiotics) là các vi khuẩn có lợi giúp kiểm soát vi khuẩn có hại, duy trì một hệ tiêu hóa khỏe mạnh. Một số nguồn thực phẩm giàu probiotics bao gồm sữa chua, kim chi, giấm táo, tỏi, hành tây và dưa cải. 

Bổ sung men vi sinh từ sữa chua là cách cải thiện hệ tiêu hóa phổ biến.
Bổ sung men vi sinh từ sữa chua là cách cải thiện hệ tiêu hóa phổ biến.

2.7 Uống đủ nước

Táo bón là dấu hiệu cảnh báo cơ thể thiếu nước. Vì vậy, việc bổ sung đủ lượng nước mỗi ngày rất quan trọng để ngăn ngừa táo bón và duy trì hệ tiêu hóa khỏe mạnh. Cần lưu ý rằng, lượng nước cần thiết phụ thuộc vào các yếu tố như chiều cao, cân nặng, mức độ vận động và tình trạng sức khỏe của mỗi người. Đối với người trưởng thành, việc uống từ 4 đến 6 ly nước mỗi ngày sẽ giúp hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả hơn.

Bên cạnh nước lọc, các loại đồ uống khác như trà xanh, cà phê hay nước ép cũng có thể sử dụng để phong phú thêm sự lựa chọn, bảo đảm cung cấp đủ nước cho cơ thể.

2.8 Cách cải thiện hệ tiêu hóa hiệu quả nhất là tập thể dục thường xuyên

Tập thể dục đều đặn không chỉ giúp cơ thể khỏe mạnh mà còn mang lại lợi ích lớn cho hệ tiêu hóa. Khi vận động, thức ăn di chuyển qua hệ tiêu hóa nhanh hơn, giúp giảm nguy cơ gặp phải các vấn đề như táo bón, đầy hơi và buồn nôn.

Ngoài ra, các bài tập thể thao còn giúp làm giảm triệu chứng táo bón và viêm ruột. Việc đi bộ sau bữa ăn hoặc duy trì các bài tập với cường độ vừa phải đến cao trong 30 phút mỗi ngày sẽ hỗ trợ rất nhiều cho việc cải thiện hoạt động của hệ tiêu hóa. 

Tập thể dục thường xuyên hỗ trợ tiêu hóa tốt hơn và giảm nguy cơ táo bón, đầy hơi.
Tập thể dục thường xuyên hỗ trợ tiêu hóa tốt hơn và giảm nguy cơ táo bón, đầy hơi.

2.9 Duy trì cân nặng hợp lý

Duy trì cân nặng ổn định là cách hiệu quả để hạn chế nguy cơ mắc các bệnh như trào ngược dạ dày thực quản, sỏi mật, một số loại ung thư tiêu hóa và nhiều vấn đề sức khỏe khác. Để làm được điều này, cần xây dựng một chế độ ăn uống khoa học và duy trì thói quen tập luyện thể thao thường xuyên.

2.10 Không hút thuốc

Hút thuốc không chỉ ảnh hưởng xấu đến phổi mà còn gây hại cho hệ tiêu hóa, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như trào ngược axit, loét dạ dày, viêm loét đại tràng và ung thư đường ruột. Vì thế, để cải thiện hệ tiêu hóa, bệnh nhân tốt nhất nên hạn chế hoặc dừng hẳn việc hút thuốc.

2.11 Ngủ đủ giấc

Thiếu ngủ ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi cơ quan trong cơ thể, bao gồm cả hệ tiêu hóa. Nếu không ngủ đủ giấc, chúng ta có thể gặp phải các vấn đề như viêm ruột và rối loạn tiêu hóa. Vì vậy, để duy trì sức khỏe hệ tiêu hóa, hãy cố gắng ngủ đủ 7-9 tiếng mỗi đêm.

2.12 Giảm căng thẳng

Căng thẳng kéo dài là nguyên nhân chính gây ra những tác động tiêu cực đối với sức khỏe, làm phát sinh các vấn đề như tiêu chảy, táo bón, hội chứng ruột kích thích (IBS), ợ chua và loét dạ dày. Mọi người nên thử các bài tập yoga, thiền, các kỹ thuật thở, tập thể dục và các liệu pháp trị liệu như một biện pháp bảo vệ hệ tiêu hóa.

Tóm lại, cách cải thiện hệ tiêu hóa không phải là điều khó khăn và hoàn toàn có thể thực hiện ngay lập tức. Bắt đầu bằng những điều chỉnh nhỏ trong chế độ ăn uống và thói quen sinh hoạt để tăng cường chức năng tiêu hóa, giữ gìn sức khỏe toàn diện.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ