Bệnh ung thư gan có lây qua đường ăn uống không? Đây là câu hỏi được rất nhiều người quan tâm, đặc biệt khi căn bệnh này ngày càng phổ biến và có ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Sự lo lắng về khả năng lây nhiễm qua đường ăn uống thường bắt nguồn từ những hiểu lầm liên quan đến nguyên nhân gây bệnh và cách thức lây lan.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Ung Bướu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Tổng quan về ung thư gan
Trước khi giải đáp bệnh ung thư gan có lây qua đường ăn uống không, chúng ta hãy cùng tìm hiểu tổng quan về căn bệnh này.
Ung thư gan là tình trạng các khối u ác tính hình thành và phát triển trong gan, gây tổn thương tế bào gan và làm gián đoạn các chức năng quan trọng của cơ quan này.
Ung thư gan được chia thành hai loại chính:
- Ung thư gan nguyên phát: Đây là loại ung thư xuất phát từ chính các tế bào trong gan.
- Ung thư gan thứ phát: Loại này xảy ra khi tế bào ung thư từ các cơ quan khác, như vú, phổi hoặc đại tràng di căn đến gan.
Theo thống kê, khoảng 80% trường hợp ung thư gan bắt nguồn từ bệnh xơ gan. Một số nguyên nhân chính dẫn đến xơ gan gồm:
- Viêm gan B và C: Bệnh này có thể gây xơ gan và hình thành khối u gan sau 20-40 năm.
- Thói quen uống rượu bia: Uống rượu thường xuyên hoặc nghiện rượu là nguyên nhân hàng đầu gây xơ gan.
- Xơ gan do nhiễm sắc thể: Một số trường hợp xơ gan liên quan đến di truyền.
Ngoài ra, ung thư gan cũng có thể xảy ra ở người mắc viêm gan B hoặc C dù chưa từng bị xơ gan. Việc sử dụng thuốc tránh thai trong thời gian dài cũng được xem là yếu tố nguy cơ, vì thành phần trong thuốc có thể gây u tuyến trong gan và dẫn đến sự hình thành khối u ở biểu mô gan.
Trong giai đoạn đầu, ung thư gan thường không có triệu chứng rõ ràng. Khi bệnh tiến triển nặng hơn, một số dấu hiệu phổ biến có thể xuất hiện, bao gồm:
- Giảm cân nhanh chóng mà không rõ nguyên nhân.
- Mất cảm giác thèm ăn, ăn uống khó tiêu, đầy bụng.
- Cảm giác buồn nôn, nôn mửa, cơ thể mệt mỏi và suy nhược.
- Các triệu chứng vàng da, vàng mắt, phân nhạt màu, nước tiểu sẫm màu, sốt kéo dài.

2. Bệnh ung thư gan có lây qua đường ăn uống không?
Hiện nay, nhiều người vẫn chưa hiểu rõ về các con đường lây truyền của ung thư gan và thường thắc mắc liệu bệnh ung thư gan có lây qua đường ăn uống không. Thực tế, ung thư nói chung, bao gồm cả ung thư gan, không phải là bệnh lây nhiễm. Điều này có nghĩa là bệnh không thể lây lan qua tiếp xúc trực tiếp hay qua đường ăn uống.
Vì vậy, câu trả lời cho câu hỏi "Ung thư gan có lây qua đường ăn uống không?" là "Không". Người bệnh và người thân hoàn toàn có thể sinh hoạt, tiếp xúc bình thường mà không cần lo lắng về nguy cơ lây truyền. Đây là một loại bệnh thuộc nhóm không lây nhiễm nên việc ăn uống hay tiếp xúc hàng ngày không ảnh hưởng đến người xung quanh.
Dù khả năng lây lan của ung thư gan là rất thấp, vẫn có một số trường hợp đặc biệt cần chú ý:
- Lây truyền từ mẹ sang con: Mặc dù tế bào ung thư có thể xâm lấn nhau thai, nhưng nhau thai thường cản trở sự xâm nhập này, khiến tỷ lệ lây từ mẹ sang con cực kỳ thấp, chỉ khoảng 1/1000 trường hợp (0,000005%).
- Lây qua cấy ghép nội tạng: Việc lây qua đường cấy ghép nội tạng rất hiếm xảy ra. Trước khi cấy ghép, các mẫu gan được kiểm tra và loại bỏ những mẫu có nguy cơ. Hơn nữa, hệ miễn dịch của cơ thể thường nhận diện và tiêu diệt các tế bào lạ.
- Di truyền: Theo thống kê, khoảng 10% trường hợp ung thư có liên quan đến yếu tố di truyền.
3. Biến chứng của bệnh ung thư gan
Ung thư gan không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến gan mà còn gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến các cơ quan khác trong cơ thể. Một số biến chứng phổ biến bao gồm:
- Suy gan: Các tế bào ung thư gây tổn thương gan, làm suy giảm chức năng quan trọng của cơ quan này.
- Suy thận: Do gan và thận có mối liên hệ chặt chẽ, vì vậy khi gan suy yếu, thận phải làm việc nhiều hơn để loại bỏ độc tố. Việc này có thể dẫn đến suy thận nếu tình trạng kéo dài. Khi cả gan và thận đều bị tổn thương, khả năng lọc và bài tiết của cơ thể giảm sút, gây tích tụ chất độc, đe dọa tính mạng của người bệnh.
- Di căn: Đây là biến chứng nguy hiểm nhất của ung thư gan. Tế bào ung thư có thể xâm lấn các cơ quan lân cận, gây tổn thương nghiêm trọng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và chức năng của các cơ quan đó.

4. Các biện pháp phòng ngừa ung thư gan
Để giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư gan, điều quan trọng là cần chú ý đến việc phòng ngừa các yếu tố nguy cơ, đặc biệt là từ các bệnh liên quan như viêm gan B và C. Dưới đây là một số biện pháp hiệu quả mà mọi người có thể áp dụng:
- Tiêm phòng viêm gan B: Đây là cách tốt nhất để tạo kháng thể bảo vệ cơ thể khỏi virus viêm gan B. Vắc-xin giúp tăng cường khả năng miễn dịch, ngăn chặn sự phát triển của virus ngay cả khi người bệnh đã tiếp xúc với nguồn lây nhiễm. Người đã mắc viêm gan B cần tuân thủ điều trị lâu dài, bao gồm cả việc dùng thuốc định kỳ suốt đời.
- Phòng tránh viêm gan C: Hiện tại chưa có vắc-xin phòng ngừa viêm gan C. Do đó, để hạn chế nguy cơ lây nhiễm, mọi người không nên sử dụng chung các vật dụng cá nhân, đặc biệt là những đồ có thể dính máu. Đồng thời, cần áp dụng các biện pháp an toàn khi quan hệ tình dục.
- Điều trị kịp thời: Nếu phát hiện nhiễm viêm gan B hoặc C trong giai đoạn đầu, cần điều trị ngay để ngăn bệnh tiến triển nặng hơn. Điều này giúp hạn chế nguy cơ chuyển thành xơ gan hoặc ung thư gan.
- Hạn chế bia, rượu: Sử dụng nhiều đồ uống có cồn như bia và rượu có thể làm suy giảm chức năng gan. Việc hạn chế tiêu thụ các loại đồ uống này sẽ giúp bảo vệ gan hiệu quả hơn.
- Ăn uống khoa học: Duy trì chế độ ăn lành mạnh với thực phẩm tươi sạch, nhiều rau xanh và các chất dinh dưỡng cần thiết. Tránh xa thực phẩm bị ôi thiu, mốc hỏng, do chứa chất độc hại gây tổn thương gan và làm tăng nguy cơ ung thư.
- Rèn luyện thể chất: Tập thể dục đều đặn giúp cơ thể khỏe mạnh, hỗ trợ gan trong việc thải độc tố và cải thiện khả năng miễn dịch.
- Quan hệ tình dục an toàn: Sử dụng các biện pháp bảo vệ khi quan hệ tình dục để tránh nguy cơ lây nhiễm virus viêm gan và các bệnh lây qua đường tình dục khác.

Như vậy, bài viết đã giải đáp thắc mắc bệnh ung thư gan có lây qua đường ăn uống không. Căn bệnh này không lây lan qua tiếp xúc trực tiếp như nhiều người vẫn nghĩ. Nguyên nhân chính gây ung thư gan thường liên quan đến các yếu tố như viêm gan B, C, lạm dụng rượu bia và một số yếu tố nguy cơ khác.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.